Trang chủ » Tin văn và...

NẾU CHỈ TÂNG BỐC, TÔ HỒNG

Hà Thế
Chủ nhật ngày 5 tháng 4 năm 2009 5:46 AM
 
TNc: Những tưởng báo chí bặt hơi không muốn nhắc đến cuốn tiểu thuyết này. Thế rồi báo Quân đội nhân dân cuối tuần số ra ngày 15-3-2009 đã có bài in khá trang trọng. Cũng trên báo đó, ngày 4-4-2009 đã có bài phản pháo. Sự tranh luận này rất cần cho hoạt động phê bình văn học.

Đầu năm 2005, nhà văn Hoàng Minh Tường đã cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Ngư phủ”, một tiếp nối trong bộ tiểu thuyết “Gia phả của đất”. Sau “Ngư phủ”, tiểu thuyết Hoàng Minh Tường hoặc sẽ sáng chói, hoặc có thể bị lu mờ. Nhất là cuốn tiểu thuyết “Thời của thánh thần” mới đây của anh tạo ý kiến đa chiều của bạn đọc. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Hoàng Minh Tường, xin giới thiệu để bạn đọc hiểu thêm góc nhìn của nhà văn.
- Giữa phố phường nhộn nhịp và bụi bặm, tại sao anh lại chọn một lăng kính đậm màu thôn dã, như Thủy hỏa đạo tặc, Ngư phủ… và gần đây nhất là Thời của thánh thần?
- Tôi thuộc tạng người không thể đóng được vai thị thành hay trí thức. Cái máu nhà quê nó ngấm vào hồn vía rồi. Vì thế, những năm công tác ở ngành thủy sản (2000-2004), hễ có dịp là tôi lại đi lang thang đến những làng chài ven biển như phá Tam Giang, đầm Cầu Hai của Thừa Thiên-Huế; được sống những ngày cực nhọn vất vả của các làng chài. Ngư dân chính là người nông dân làm nghề cá. Và những làng chài, những thân phận ngư phủ nổi nênh đó khiến tôi nhận ra rằng, họ là một phiên bản của những người trồng lúa. Khác chăng là họ phải đối mặt với một thiên nhiên nghiệt ngã và dữ dội, khốc liệt hơn nhiều trong cuộc mưu sinh… Từ giã ngành thủy sản để về Hội nhà văn, tôi có dịp trở lại nhiều hơn với làng quê. Và thế là cái chất quê mùa lại hiện về. Tôi bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết mới. Tiểu thuyết “Thời của Thánh Thần”.
- Hình như thoạt đầu cuốn tiểu thuyết không có tên gọi như vậy?
- Vâng. Tôi đặt tên là “Tốt sang sông”. Nhưng nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã từng có cuốn tiểu thuyết “Khi con tốt sang sông” in ở NXB Quân đội nhân dân hơn chục năm trước. Thế là tôi đổi tên là “Thời của Thánh Thần”. Đó là một thời kỳ mà cả dân tộc Việt Nam ta sống như trong huyền thoại, như trong truyền thuyết. Bây giờ nhiều người trong cuộc nhớ lại cái thời lãng mạn ấy mà vẫn không khỏi bàng hoàng. Bởi nó quyết liệt quá, hào sảng quá, thơ mộng quá mà cũng gian khổ quá, dữ dội quá… Thế hệ trẻ hôm nay không thể hiểu cha ông mình đã trải qua nửa phần sau của thế kỷ XX như thế nào đâu. Chỉ có thể nói, đó là thời của “Thánh Thần”. Cả dân tộc sống trong ánh sáng của lý tưởng, âm hưởng của tráng ca, đời sống chiến trận…
- Tôi đã nhận ra cái không khí “Thời của Thánh Thần” ngay từ Thủy hỏa đạo tặc, Đồng sau bão. Phải chăng, đó là mối liên kết mà tác giả đã ngầm nối giữa những sáng tác của mình?
- Cũng có thể gọi đó là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại của tác giả với các nhân vật. Viết Ngư Phủ, tôi đưa sex vào như một thử nghiệm. Tôi tự coi Ngư phủ như tập ba trong bộ tiểu thuyết Gia phả của đất. Vũ Trọng Lịch và Duyên, những nhân vật của Ngư phủ có họ hàng rất gần với Thanh và Vy trong Gia phả của đất. Họ là những người thừa sự thông minh dũng cảm, lòng nhân hậu vị tha, vậy mà cuối cùng họ vẫn không thắng nổi cái ác, thói ti tiện, vô nhân…
- Đọc anh, thấy rõ tính nhân bản vẫn là một yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm. Nhưng ngược lại, sự bặm trợn, thô thiển đến thô tục, nhân cách méo mó-thể hiện trong một số nhân vật của tiểu thuyết. Anh định đưa ra thông điệp gì? Hay chính anh cũng đang muốn hỏi người đọc một thông điệp đáng sợ nào đó?
Tôi sợ câu hỏi của người phỏng vấn. Chị đã đi guốc vào bụng tôi rồi. Tôi chẳng có thông điệp gì đưa tới người đọc mà chính tôi đang muốn hỏi người đọc. Tôi chỉ biết cảm nhận và trình bày cuộc sống đầy rẫy những bất an. Mà chị thấy đấy, nhà tiểu thuyết có phải bịa một tí nào đâu, bản thân cuộc đời nó đã phơi bày hết cả rồi. Trong tiểu thuyết Ngư Phủ, tôi làm sao bịa ra được những nghĩa địa tàu, “sản phẩm” của cuộc đầu tư ồ ạt nhằm tăng nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ, vẫn đang nằm chềnh ềnh ở nhiều cảng cá từ nam chí bắc; làm sao mà dám vu cho bọn thủy tặc dùng mìn, dùng kích điện và đủ mọi thủ đoạn, đang hằng ngày tàn sát ngư trường, phá hoại môi sinh? Hay trong tiểu thuyết “Thời của Thánh Thần”, tôi làm sao bịa ra nổi không khí đấu tố thời Cải cách ruộng đất, cảnh Trương Phiên định chôn sống các chiến sĩ giải phóng tại mặt trận An Lộc? Người viết sẽ dễ trở thành đồng lõa với các ác nếu chỉ tâng bốc, tô hồng cuộc sống. Đọc lại mình, nhiều khi chính tôi cũng thấy “sự bặm trợn, thô thiển đến thô tục”. Tôi như hóa thân trong cái lão chủ nhiệm dởm Lưu sáu ngón, cái gã đĩ đực, thớ lợ và điểu giả Lưu cá ngựa… (trong Ngư Phủ), gã Phèng Cửu Tựu, Trương Phiên (trong “Thời của Thánh Thần”), để trình bày với độc giả.
Ở tiểu thuyết này, tôi muốn tự lột trần mình, bắt chính mình phải trung thực với từng trang viết. Tôi muốn các nhân vật của mình đi lại con đường đầy rẫy những chông gai, thấm đẫm máu và nước mắt, trứơc khi họ thành thiên thần hay ác quỷ. Bởi họ sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không trở thành một mẫu hình hay một ám ảnh để giúp độc giả nhận ra chính mình…
- Thế còn nhân vật chính diện? Các nhân vật trong Thời của thánh thần”, nhất là các nhân vật nữ. Người đọc rất ấn tượng với nhân vật đầy tính nhân văn Đào Thị Cam.
- Nhiệm vụ của văn học là tôn vinh con người. Thực ra trong “Thời của thánh thần” không có con người phản diện. Cũng như nhân loại, luôn có trong mỗi người phần ánh sáng và bóng tối. Tất cả các nhân vật đều đựơc tôi chăm chút, nâng niu. Trong khi viết, tôi luôn nghĩ mình phải làm sao như người soi đèn ban đêm, phải bằng mọi cách chiếu rọi cho độc giả thấy phần ánh sáng phát ra trong mỗi nhân vật. Về những nhân vật phụ nữ, thì đúng là tôi có dành rất nhiều ưu ái cho họ.

 Nguồn: qdnd.vn