Sau khi ngó qua danh sách giải thưởng văn học NN và giải thưởng HCM kì này, tôi cứ nghĩ vẩn vơ, mình là dân ngoại đạo, lại chõ mồm vào cái việc của mấy bác chuyên môn văn chương, kể cũng hơi trái khoáy vạy đuôi, nhưng bởi đã mắc phải cái bệnh ngứa mồm, không khua môi múa mép vài nhời không chịu được nên cứ phải xổ ra mấy câu để xả xì-choét. Suy cho cùng, mình là cái thằng bạn đọc mạt hạng đi chăng nữa thì cũng phải có cái quyền đưa ra nhận xét nọ kia về cái sự vô lí, vô duyên, vô phước, vô cớ, vô bổ, vô cảm, vô tích sự, vô nguyên tắc, vô thiên lủng, tóm lại là ti tỉ cái VÔ... chứ! Cho rằng web trannhuong không kì thị dân ngoại đạo ngứa mép, nên cứ viết, may ra được chiếu cố cho hiển thị bài này.
Có thể nói giải thưởng HCM và giải thưởng văn học cấp nhà nước là cái để đánh giá sự cống hiến cho nền văn học của nhà văn. Cho nên xét giải thưởng không thể làm ào ào qua loa đại khái hoặc theo kiểu thiên vị ưu tiên cho cánh hẩu, hoặc là cào bằng, phát chẩn kiểu chia quả thực hồi CCRĐ, hoặc là hoa thơm mỗi người ngửi một tý, phân phối theo đầu người, anh lấy đợt này, tôi đợt sau. Lại cũng không thể căn cứ tuổi tác, sống lâu lên lão làng, hay dựa vào số đầu sách đã xuất bản, mà phải lấy chiều cao và sức nặng của các tác phẩm làm căn cứ thông qua dư luận xã hội và hiệu ứng của nó.
Thật đáng ngạc nhiên khi trong danh sách thấy thiếu vắng rất nhiều gương mặt sáng giá, có thể các vị này không làm hồ sơ xin xỏ hoặc vì đã quá cố nên không được bề trên ngó ngàng. Tỉ dụ như nhà văn Băng Sơn đã từng được dân tôn vinh là nhà Hà Nội học. Hay như Vũ Bão, bạn đọc đã từng khen lối viết Đầu thế kỷ 20 có Vũ Trọng Phụng, cuối thế kỷ có Vũ Bão Hay một số gương mặt văn xuôi khác như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Đoàn Lê, Y Ban, Minh Chuyên bút ký hậu chiến tranh hay Nguyễn Khoa Đăng cài hoa vào quá khứ vân vân và vân vân
Về thơ, không thấy có Đồng Đức Bốn tài hoa ngạo mạn,... Kể ra thì nhiều lắm .
Thiết nghĩ, để giảm bớt eo xèo dị nghị nên chăng tổ chức chuyên môn cần có sự thẩm định thật nghiêm cẩn. Mặt khác danh sách được đề cử phải được cả HNVVN bình chọn và bỏ phiếu kín, may ra mới có sự công bằng (tương đối thôi)
Y phục xứng kỳ đức. Giải thưởng cao quý trao không đúng đối tượng nó phí đi, vô hình trung hạ thấp giá trị của giải, người xét giải tự hạ thấp mình. Người xứng đáng nhận giải đứng ngang hàng với người không xứng thấy cái giải cũng kém giá trị. Người ngoài nhìn vào không phục. Người chết rồi nhưng sự nghiệp văn chương vẫn còn sống mãi, lại không được tổ chức xã hội nhìn nhận tôn vinh, người yêu văn chương nào chẳng thấy bức xúc khó chịu.
Cơ chế xin- cho đã ăn sâu cội rễ vào đời sống xã hội ta từ lâu. Xét giải thưởng văn học NN và giải thưởng HCM kì này cũng là cơ chế ấy hay sao?