Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI ĐAU MÁU LỬA – ĐỌC “Ở TRỌ HỒN LÀNG” CỦA PHẠM XUÂN TRƯỜNG

Lê Lanh
Thứ ba ngày 26 tháng 7 năm 2011 5:39 AM
(Đọc tập thơ “Ở trọ hồn làng”- NXB-HNV-2007 của Phạm Xuân Trường)
 
Phạm Xuân Trường, sinh năm 1947, quê ở thành phố Hải Phòng. Ông là hội viên hội nhà văn Việt Nam.  Đã cho ra mắt bạn đọc bốn tập thơ(hai tập đầu in chung). Tập “Cỏ cháy_NXB_HNV_2006, được giải C (không có giải A,B) của liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, năm 2007.Kịch bản phim “Chim bìm bịp” của ông được giải ba thành phố. Và bộ phim cùng tên( Đoàn Lê đạo diễn),huy chương bạc, liên hoan truyền hình toàn quốc.Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long,anh cho ra mắt bạn đọc 2 tập thơ: 
Có thể nói “Ở trọ hồn làng”, ngoài những bài viết về mẹ, về những người thân…còn lại là những bài mang nội dung bộc lộ nỗi đau nhân thế của một trái tim luôn day dứt về lẽ công bằng trong cuộc sống cộng đồng. Với trang, dòng cho phép, bài viết này là cảm nhận  về nỗi đau của một thời máu lửa trong phần nội dung rất cơ bản của tập thơ. Trước nhất là tình cảm của nhà thơ đối với những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, vì sự bình yên của cuộc sống.So với các nhà thơ khác, Phạm Xuân Trường có khá nhiều bài viết về đề tài này. Hình ảnh những chàng trai đi vào trận chiến và ngã xuống thường được gắn với người mẹ : “Ngày con đi làng như mở hội/ Đón con về giấy báo tử còn tươi”. Hai câu thơ diễn tả lúc đi, khi về, cận kề nhau làm cho bạn đọc cảm thấy tuổi quân của người con rất ngắn ngủi. Đó cũng là tín hiệu về một cuộc chiến rất khốc liệt, về sự hy sinh anh hùng của người lính trẻ. Nhận giấy báo tử, mẹ vẫn “thui thủi”, “ba mươi năm” “gậy mòn vẹt rừng sâu…”đợi chờ, hy vọng. Đến một ngày: “Nắng thu vàng xào xạc ngõ quê/ Nắm xương khô con bé bỏng trở về” mẹ mới dám tin là con mình không còn nữa. Tiếp đó là những câu thơ đầy tính sáng tạo, độc đáo: “Cau vườn mẹ thít khăn tang/Quết trầu ứ máu giữa hàng môi khô”(Cau vườn, trầu cưới còn đây). Nhờ cách sử dụng phương pháp nhân hóa, liên tưởng, nhà thơ đã thành công trong việc thể hiện tình cảm của người mẹ và bà con lối xóm. Cách so sánh “cau bổ sáu…”trong buổi đón hài cốt với miếng “ trầu cưới”còn đang chờ đợi con đã lay động đến nỗi đau sâu thẳm trong trái tim con người. Nhưng vết thương như có phần dịu đi khi ta nghĩ tới những chàng trai đã đem máu xương “ươm mùa sinh sôi” cho dân tộc.
 Ở một bài thơ khác, Phạm Xuân Trường lại nhớ tới người mẹ già nhận tin con qua “ chiếc ba lô…”do một người thương binh đưa tới: “Người thương binh chống nạng hỏi vào làng/Anh trao lại cho người mẹ già chiếc ba lô lỗ chỗ vết đạn”. Đó là bằng chứng sống, báo tin con bà đã hy sinh. Mặc dầu không thấy bóng dáng người mẹ, nhưng bạn đọc vẫn cảm thấy khi đồng đội của con xuất hiện  thì bà đã bị ngất xỉu…Hình ảnh “…con Búp Bê Sài Gòn biết khóc”vừa gợi ra cuộc sống hạnh phúc gia đình sau giải phóng vừa xoáy sâu vào sự cô đơn khôn cùng của người mẹ. Nhà thơ là nhịp cầu nối nỗi đau riêng và tình cảm chung: “Gió tàn bạo đập vào cánh cửa/ Đêm mưa phùn nức nở/ Nghe mơ hồ Búp Bê gọi: “M…á ơ…i” (Văng vẳng  Búp Bê). Tiếng “nức nở” của con người thành tiếng nấc của trời đất…chìm trong tiếng gọi “má”,tạo ra sự trống trải mênh mông.
Đau thương và sẻ chia là hai yếu tố có quan hệ qua lại.Đó là nét đẹp truyền thống. Những người con hy sinh vì tổ quốc sống mãi trong lòng mỗi người dân: “Ngủ đi hài cốt nghĩa trang/ Lạy giời nín gió cho   nhang chậm tàn”.Tác giả tìm đến sức mạnh siêu nhiên trời đất để thể hiện tình cảm thiêng liêng nhất của người còn sống đối với người dưới mộ.
  Đâu phải người chiến sỹ nào ngã xuống thi hài cũng còn nguyên vẹn để được đón về nghĩa trang. Nhiều khi máu xương của các anh đã bị đạn bom nhào trộn vào trong đất hay tiêu biến dưới dòng sông…: “Tôi rón rén/ Cắm những cây nhang dưới chân thành cổ/ Chỉ sợ dẫm vào giấc ngủ/ Của những người vô danh…( Quảng Trị). Trên mảnh đất miền Nam thành đồng tổ quốc thời chống Mỹ không thiếu gì địa danh như “dưới chân thành cổ”. Câu thơ trên đã thể hiện sự trân trọng,tôn vinh tới mức không còn gì để nói của tác giả.
 Sự hy sinh, mất mát là nỗi đau chung trong đó có nỗi đau của chị em phụ nữ .Cụ thể là của những người vợ, người yêu của  các anh giải phóng. Nhà thơ  đồng cảm với những cô gái đã theo đuổi mối tình thủy chung : “Theo anh từ lúc rạng trời/  Bây giờ đứng bóng lần hồi bến sông/ Đứa lên bà đứa lên ông/ Còn em về bến không chồng buông neo”( Bến không chồng). Cả những cựu chiến binh nữ cũng bị lỡ dở do chiến tranh kéo dài: “…Huân chương tăng võng mang hong nắng/ Khô mảnh vườn hoang mây trắng bay/ Chị ngồi như tạc vào im lặng/ Đếm tháng ngày đi trên đốt tay”( Chị). Những câu thơ như lời kể chuyện, không chỉ nhức nhối nỗi lòng những người cùng cảnh ngộ  !
Tập thơ không thể hiện sự mất mát qua những ngôn từ sáo rỗng, chung chung. Người thương binh nọ thương đồng đội bằng hành động cụ thể, tìm đến quê hương “trao lại cho người mẹ già chiếc ba lô lỗ chỗ vết đạn”và từ đó thỉnh thoảng anh lại về thăm tới khi “mẹ về trời”. Cựu chiến binh xe tăng nhớ thương đồng đội bằng sự cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của đất nước, không đòi hỏi đãi ngộ, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để kiếm sống : “Góc đường mở quán chữa xe/ Lắp cho cái cụt cái què vào nhau…”( Ngã tư) .Câu thơ tả công việc chữa xe, gợi phẩm chất nhân hậu của anh lính cụ Hồ. “…ông lão nhà quê”  “lưng còng xuống ngực huân chương chi chit” chỉ ước mơ “một khúc” “sắt Mỹ tốt…” vốn là “ xích sắt tàu bò, xe tăng, đại bác” để “rèn dao, cày, cuốc….”( Ghi ở bảo tàng ngoài trời) làm công cụ lao động sản xuất. Những cựu chiến binh đã lên lão dù là thương binh hay không thương tật vẫn “mày” “tao” như thời đạn lửa. Họ có cái may không phải “về hàng ngang” trong nghĩa trang. Vậy thì sum họp trong một đại gia đình: “Con mày lại lấy con tau/ Hai thằng tóc bạc nhìn nhau cả cười”. Dù đây đó trong cuộc sống còn có những bất công, ngang trái, tham nhũng, tiêu cực. Hay chính cuộc đời của mỗi người còn có những khó khăn nhất định, nhưng vẫn lạc quan: “Sui gia trong ấy ngoài này/ Người tỉnh thì khóc người say thì cười/ Dâu con bác rể con tôi/ Hai ông lão lính giữa giời rưng rưng…”( Hai ông lão lính). Cái “rưng rưng” của tình đồng chí, đồng đội, của tình yêu gia đình, đất nước  hội nhập và phát triển. Nhưng cũng có thể là cái "rưng rưng" của hai người đã một thời ở hai chiến tuyến, nay ngồi lại với nhau trong quan hệ "đắp nấm trồng cây chung" cho xanh mãi khu rừng "con Hồng cháu cháu Lạc": "Men Bầu Đá, rượu làng Vân/ Mới hay kiếp nạn nợ nần…"rưng rưng".
Như trên đã nói, ngoài nỗi đau máu lửa, tập thơ còn là nỗi day dứt của một trái tim dồi dào tính nhân văn của một nhà thơ vốn là một công nhân đã nghỉ hưu. Bạn đọc hy vọng nhiều ở anh.
“Ở trọ hồn làng” chủ yếu có bút pháp trữ tình, theo thể lục bát, hấp dẫn  độc giả. Một số bài pha trộn yếu tố trào phúng cho phù hợp với nội dung phê phán của thi phẩm.
      
         L. L