Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"THẰNG MÔ DẠY MI?”

Trần Đình Trợ
Thứ hai ngày 25 tháng 7 năm 2011 6:32 PM

 

      - Thằng mô dạy mi?

   Câu hỏi này, là lời lên án mạnh nhất đối với sự hỗn xược vô sỉ của một người có đi học.

  Phạm lỗi nhẹ, chỉ bị cật vấn “Con cái nhà ai”, “Ăn chi ngu rứa?” hay “Ai bày mà ác rứa?” “Ai xui mi, ai thuê mi?”. Nặng hơn thì “Đồ mất dạy!” “Đồ vô học”, “Vô giáo dục”...

  Nghĩa là, các ông thầy và nền giáo dục đang vô can trong sự sai trái. Thậm chí, sai trái xảy ra, là do chưa được dạy dỗ chu đáo. Người đặt câu hỏi, đang vì nể các thầy và nền giáo dục.

  Nhưng khi đã hỏi “Thằng mô dạy mi!” thì sự thể khác hẳn. Người hỏi không thèm chấp đứa gây tội nữa, mà định danh ngay thủ phạm chính là kẻ đã dạy nó. Kẻ dạy nên cái ác đó, không là “thầy” nữa, mà chỉ là “thằng”.

  Nếu kẻ thủ ác còn liêm sỉ, khi thầy dạy mình bị sỉ nhục, hắn phải  hổ thẹn mà phục thiện.

   Hỏi: “Thằng mô dạy mi!”, thì cả “mi” lẫn “thằng dạy mi” đều là tội phạm, không ai còn băn khoăn. Hỏi cũng chính là trả lời !

  Câu hỏi cũng là sự lên án tối thượng. Người buông câu hỏi, đã hết sức phẫn nộ trước cái ác xảy ra.

  “Thằng đi dạy” còn tệ hại hơn “Thằng ăn cắp, thằng ăn cướp”. “Thằng đi dạy” là chính danh nguồn gốc của cái ác. Nguồn ác, có thể từ “một thằng”, “nhiều thằng” hoặc “rất nhiều thằng”.

  Dù vậy, tiếng “thằng dạy mi” không phải dành cho tất cả các ông thầy của đứa trò hư. Mà nó chỉ dành cho “thằng” nào đã dạy thói hư đốn, và “thằng” đã dung túng, tiếp tay cho thói hư đốn mà thôi.

  “Mi” cũng không dành để gọi học trò, “thằng dạy” cũng không dành để chỉ những ai đứng trên bục giảng.

   Người hiền lành, khi nóng giận tất cũng sai lầm, nhưng họ luôn biết hướng thiện. Họ luôn giữ thể diện cho bản thân, giữ thể diện cho cha mẹ và thầy giáo của họ. Chó dữ nhà họ nuôi, cắn phải người khác, họ cũng biết xót thương và nhận lỗi.

 Kẻ bất lương, nhơn nhơn khi thủ ác với đồng loại. Thói bất lương một cách nhơn nhơn, là do nền giáo dục của những “thằng dạy” tạo nên.

  Người dạy học chân chính, sợ nhất là học trò của mình phải nhận lấy câu hỏi “thằng mô dạy mi?”.

  Chính vì vậy, các thầy giáo, không mấy khi dùng câu tàn độc đó để hỏi.

  Nhưng có những khi, đó là câu hỏi không thể thay thế.

  Nếu như các thầy giáo xem clip, nhìn cảnh một con người đạp vào mặt một con người khác. Người bị đạp lại đang bị bốn người khác giằng tay giằng chân khiêng đi, như khiêng một con lợn để ném lên xe. Đứa giơ chân đạp thẳng vào mặt đồng loại đó, có vẻ có học hành.

  Xem xong, các thầy giáo sẽ băn khoăn điều gì, sẽ hỏi kẻ giẫm mặt người đó  câu gì? Riêng tôi, tôi sẽ hỏi:

 - Có vẻ có học, nhưng mi đã được thầy nào tử tế dạy hay chưa? Nhà trường mô, lại đào tạo nên những kẻ bất lương như mi ?

  - Mà mi ác rứa, “Thằng mô dạy mi?, thằng mô dạy mi!”