Gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng xuất hiện ngày càng nhiều thông tin về những vụ việc trò khiếu kiện, tố cáo thày. Thật đáng buồn vì đó là dấu hiệu chỉ báo về sự xáo trộn trật tự thang giá trị xã hội theo hướng tiêu cực nhiều hơn tích cực.
Sự xáo trộn lớn nhất bắt đầu từ quan niệm rằng, trong cơ chế thị trường, trình độ của người thày cũng được tính bằng tiền. Quan niệm ấy hoà vào dòng xoáy học thêm - dạy thêm, mua bán điểm,… đã biến tướng thành nhiều dạng thức nguy hiểm. Nó càng khó kiểm soát khi được phụ hoạ bằng những mối quan hệ phức tạp ngoài nhà trường, nhiều khi rất phản sư phạm. Vậy nên cứ thỉnh thoảng trên báo chí lại xuất hiện những cụm từ lạ rất khó nghe kiểu như “đi thầy”, “học thày thi tiệm”, “gạ tình lấy điểm”,… Không khiếu kiện, tố cáo, nhưng có học sinh nữ dám viết vào bài kiểm tra văn về quan hệ kín với thày. Thật khó mà hiểu nổi còn có những biểu hiện biến tướng kiểu gì nữa trong quan hệ thày – trò thời nay ! Tuy nhiên, nói đi phải nói lại. Nhiều vụ việc học trò khiếu kiện, tố cáo thày giáo xảy ra gần đây là thiếu cơ sở. Có trường hợp lợi dụng dân chủ để gây áp lực với thày nhằm mục đích xấu. Đáng lên án là có trường hợp học trò bị lôi kéo, vào hùa với người lớn để bôi nhọ, hạ uy tín những người thày đã dày công sức, không tiếc trí lực tâm lực dạy dỗ mình.
Những hành vi ấy là vô đạo đức, nhiều trường hợp rất gần với phạm pháp. Nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Trong quan hệ thày – trò, dạy – học, bao giờ người thày cũng giữ vai trò chủ đạo. Tính chất này không thể thay đổi, bất chấp sự đổi thay của điều kiện xã hội, của không gian và thời gian. Bởi nếu người thày không giữ vai trò chủ đạo thì tức là không còn quan hệ thày – trò. Vậy nên, khi trò khiếu kiện tố cáo thày, dù ở bất cứ khía cạnh nào thì trước tiên người thày phải xem lại mình. Sở dĩ đặt nặng vấn đề trên vai người thày bởi vì những vụ việc trò khiếu kiện tố cáo thày đang có xu hướng ngày càng nhiều hơn, đe doạ làm đảo lộn thang giá trị đạo đức xã hội, phá vỡ những điều tốt đẹp trong mối quan hệ thày – trò, là một trong những mối quan hệ cao đẹp nhất giữa người với người.
Để gìn giữ quan hệ tốt đẹp này, chưa bàn đúng sai, xét mình trước khi xét người, đó là sự chủ đạo của người thày. Không kể đến đúng sai, mở rộng lòng với học trò kiện mình, đó là nhân cách của người thày. Đáng mừng là nhiều người thày đã xử sự được như thế, tạo cơ hội cho những học trò “bất nghì” được sửa đổi cải tạo mình. Đó là những người thày đáng kính, là những ngọn đèn sáng để xã hội còn đặt niềm tin vào môi trường sư phạm. Song đáng buồn nhiều hơn nếu như các nhà quản lí, các bậc phụ huynh và toàn xã hội không quyết tâm chung sức cùng nhau loại bỏ những biểu hiện tiêu cực như vừa nêu trong quan hệ thày – trò.
Sự chủ đạo ở người thày, nhưng mục tiêu là học trò. Vậy nên theo chúng tôi, trước hết cần có sự phối hợp thường xuyên liên tục và hữu hiệu hơn giữa gia đình với nhà trường. Đây là 2 thiết chế quan trọng nhất trong quá trình giáo dục, uốn nắn, hình thành nhân cách cho các em, nhất là trong độ tuổi làm học trò. Không ít trường hợp con cái hư hỏng, cha mẹ lại cho rằng do đến trường bị bạn bè xấu rủ rê, nhà trường không quản lí, kiểm soát chặt chẽ. Cũng không ít trường hợp học sinh hư hỏng, học kém, thì thầy cô giáo đổ tại gia đình không dạy bảo đến nơi đến chốn. Cả 2 cách nhìn nhận này đều chưa thấy hết trách nhiệm của mình, không nên đổ lỗi mà cần phối hợp cùng nhau để thực hiện trách nhiệm tốt hơn. Cùng với sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường là vai trò không thể thiếu của các nhà quản lí trong việc tạo điều kiện tốt hơn về đời sống vật chất cho người thày. Nhưng trong việc này cần tuyệt đối tránh xu hướng biến môi trường sư phạm thành thị trường mua bán.
Trong xã hội ta ngày nay có rất nhiều cánh cửa rộng mở, ai cũng có cơ hội làm học trò, nhưng không phải ai cũng làm thày được. Làm thày mà không chấp nhận hi sinh, không bảo vệ khuôn mẫu, không giữ gìn mô phạm thì nên chọn nghề khác. Nói gọn lại là thày phải ra thày, mới có thể tạo lập, duy trì và làm sáng đẹp quan hệ thày - trò, mới có thể làm cho trò ra trò/.
Chính Trực