Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ HƯU

Trần Kỳ Trung
Thứ bẩy ngày 23 tháng 7 năm 2011 5:09 PM
 
             Hôm tôi khi khám mắt ở bệnh viện mắt – Đà Nẵng, bất ngờ trong thang máy tôi gặp anh Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, đã nghỉ hưu cũng đi khám mắt. Tôi chào anh, anh chào lại, chân tình. Có lẽ anh không biết tôi, nhưng tôi biết, thậm chí kính phục anh. Hồi anh đương chức, một sự kiện lịch sử mà người dân Quảng Nam, nhất là người dân Tam Kỳ rất nhớ. Nước lũ năm ấy lên cao, một khả năng nguy hiểm là nước sẽ nhấn chìm  nhiều vùng trong tỉnh. Đã có ý kiến từ trung ương, nên tháo nước ở đập Phú Ninh, vừa giữ được đập, vừa cứu dân. Nhưng nếu làm như vậy,thì vùng hạ lưu như thị xã Tam Kỳ  lĩnh một hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bằng nhãn quan sáng suốt, lại cộng thêm kinh nghiệm của một kỹ sư thủy lợi, dám chịu trách nhiệm trước dân ,anh Lê Trí Tập đứng trên mặt đập Phú Ninh yêu cầu không tháo nước, đập Phú Ninh giữ được, mặc dù lúc đó nước đã mấp mé mặt đập. Anh nói một câu nổi tiếng, tôi nhớ đại ý: Nếu đập có vỡ, chúng ta bị nước cuốn trôi, thì cũng có chút tự hào vì chúng ta đã hy sinh vì dân... Sau này nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ đã viết một bài ký rất hay về chuyện này... Một người lãnh đạo tỉnh như anh Lê Trí Tập, dám hy sinh vì dân, hành động vì dân, nên tôi, một người dân bình thường rất nhớ, cho dẫu anh đã nghỉ hưu rất lâu, tôi vẫn nhớ...
           
Nhưng cũng thật lạ! ngay đây thôi, có một số vị lãnh đạo vừa về hưu, lập tức người dân, như tôi, quên ngay. Hình như ông ta không có trên đời. Điều dễ hiểu, hồi đương chức, chỉ thấy ông ta nói, mồm tròn vo, tóc láng mượt, com lê ngay ngắn, đi giầy đen, thậm chí đi thăm đồng bào lũ lụt, cũng thấy ông ấy quần áo tề chỉnh, vỗ vai người già này, trao quà cho người nghèo kia...rồi dặn dò dăm ba câu là hết chuyện. Lãnh đạo với dân, với đất nước, với Đảng không hề để lại một dấu ấn nào. Mà nếu có đó là tiếng thở dài chán nản, khó chịu, mất lòng tin của người dân khi nói về vị này. Mà không riêng tôi, rất nhiều người, vừa thấy ông ta xuất hiện trên ti vi đã thốt lên: “ Đã về hưu rồi,  còn đến đó làm gì ? Không thấy xấu hổ à!”. Cũng không riêng ông này! Tôi thấy nhiều ông lãnh đạo về hưu, lập tức, người dân loại ra khỏi ngay bộ nhớ  vì những người này nói nhiều, nhưng làm lại rất ít thậm trí như vô trách nhiệm với dân, với đất nước. Họ không có uy tín trong dân, dân không phục nên khi về hưu, các vị ấy coi như “chết” về tinh thần. Những người lãnh đạo này có thể có nhà to, con cái học nước ngoài, tiền gửi trong ngân hàng lắm nhưng sự cô  đơn rất khủng khiếp, và trong con mắt người dân chỉ còn sự khinh bỉ khi họ về hưu. 
        
Giá như các vị lãnh đạo về hưu được như anh Lê Trí Tập, được dân nhớ, đó là  hồng phúc. Còn người lãnh đạo về hưu, dân quên ngay, đó cũng là điều bất hạnh cho dân tộc.
          Mà tôi thấy rằng... bây giờ lãnh đạo về hưu, lập tức  dân quên... hơi bị nhiều!!!