Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ GIÁO, NHÀ NCVH,DỊCH GIẢ HUY LIÊN

Văn Giá
Thứ bẩy ngày 23 tháng 7 năm 2011 5:06 PM
 
Ông là nhà giáo giảng dạy bộ môn Văn học nước ngoài ở khoa Văn học- Đại học KHXH và NV (Đại học Tổng hợp trước đây). Ban đầu ông viết Giáo trình và giảng dạy một số môn như Văn học Trung Quốc, Văn học Nga- Xô Viết. Rồi sau ông thành lập và giảng dạy bộ môn Văn học Mỹ. Những công trình nghiên cứu và dịch thuật gần đây của ông tập trung ở mảng văn học Mỹ hiện đại và đương đại.
Tôi do học bên Sư phạm nên không được trực tiếp học ông. Là người học tập, nghiên cứu, nên tôi thỉnh thoảng có đọc ông, đọc những giáo trình, những bài tiểu luận do ông viết, những bài báo khoa học do ông dịch, những công trình khoa học gần đây ông mới công bố. Cái sự đọc một ai đó, đôi khi do công việc đòi hỏi, đôi khi lại bởi những duyên do lạ lắm. Sự đọc của tôi về tác giả Huy Liên gần đây mới được cẩn thận và có hệ thống hơn cũng bởi  giữa ông và tôi có một số công việc liên quan, và cũng lại qua công việc, tình cảm của tôi đối với ông cứ ngày một đậm đà dần. Gặp ông, như một thói quen trong nghề, tôi buột miệng gọi ông là thầy. Cái tình thầy trò diễn ra tự nhiên như vậy đấy.
Số là giữa năm 1997, tôi nhận được một cú điện thoại của GS Huy Liên, cho biết ông có một đồng nghiệp người Mỹ tên là Charles Waugh, nhà văn, tiến sĩ,  giảng dạy môn Lý luận văn học và môn Sáng tác văn học ở Trường Đại học bang UTAH- Mỹ sang bên này muốn tiến hành tuyển chọn một số tác phẩm văn xuôi của các nhà văn Việt Nam về đề tài chất độc màu da cam để dịch sang tiếng Anh, và nhờ tôi giới thiệu giúp một số tác giả. Tôi thấy việc có ích và đã nhận lời. Sau cuộc gặp gỡ, trò chuyện với GS Huy Liên và anh bạn người Mỹ, tôi bèn tranh thủ mời Charles Waugh đến Khoa Viết văn – nơi tôi đang công tác để nói chuyện. Hôm đó, người dịch trực tiếp giúp chúng tôi là GS Huy Liên. Buổi nói chuyện và trao đổi rất có chất lượng chuyên môn. TS Charles Waugh tập trung trao đổi về cách viết truyện ngắn, nhấn mạnh vào cấu trúc truyện. Ông khẳng định: với truyện ngắn hiện đại thì cấu trúc là quan trọng nhất. Về nội dung buổi nói chuyện, tôi đã viết thành bài lược thuật, sau đó đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội.
Từ bấy trở đi, giáo sư với tôi có thêm một số công việc khác nữa. Có lần ông gọi điện cho tôi bảo là mình chuẩn bị chuyển nhà, cậu đến mình tặng một ít sách cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt cho Khoa để làm tài liệu. Lần ấy, thầy trò Khoa Viết văn đến nhận gần 200 đầu sách do giáo sư tặng, vừa sách do giáo sư viết, vừa sách chuyên môn của các tác giả khác. Món quà đó rất có ích cho thầy trò tôi mỗi khi cần dùng đến, nhất là khi cần tìm hiểu về văn học Mỹ.
Lại có lần, nhân giáo sư  ra mắt Chuyên luận Văn học Mỹ- nghệ thuật viết văn và kỹ xảo (NXB VH-TT, 2009) tôi mời thầy đến nói chuyện với Khoa Viết văn. Đây là một chuyên luận trình bày những trào lưu văn xuôi cùng một số tác giả tiêu biểu của nền văn học Mỹ từ nửa cuối TK 19 đến hết thế kỷ XX. Khi trình bày, tác giả không đặt trọng tâm vào vấn đề lịch sử văn học, mà chủ yếu nhận định và đánh giá phương diện thi pháp văn xuôi (nghệ thuật tự sự với những tìm kiếm về quan niệm, các phương thức và phương tiện biểu đạt). Đây là một chuyên luận có giá trị tham khảo rất tốt cho người sáng tác, nhất là những sinh viên theo học ngành viết văn.
 Cách đây già hai năm, giáo sư Huy Liên lại mời tôi tham gia tuyển chọn một tuyển tập văn xuôi của các nhà văn trẻ Việt Nam tuổi dưới 40 cũng vẫn do Charles Waugh đứng ra tổ chức tuyển dịch và xuất bản. Trước đó, một tuyển tập văn xuôi về đề tài chất độc màu da cam đã được in và phát hành tại Mỹ. Ông nhờ tôi nhắn nhà văn Sương Nguyệt Minh có truyện ngắn Mười ba bến nước được tuyển dịch đến nhà ông nhận sách và nhuận bút tượng trưng (50 USD). Đến tuyển này, tôi đã làm xong phần tuyển chọn. Khoảng trong vòng gần năm nay, giáo sư Huy Liên tổ chức dịch, công trình đang vào giai đoạn cuối. Đúng lúc này giáo sư đổ bệnh, mà bệnh xem chừng có vẻ trầm trọng.
Nhận được tin GS Huy Liên ốm, tôi tranh thủ đến thăm thầy tại bệnh viện Hữu nghị Việt –Xô, nơi mà tôi đến đã nhiều lần (hoặc thăm viếng, hoặc tiễn đưa những người thân, những người thầy, mới đây nhất là nhà giáo- nhà văn Hoàng Ngọc Hiến). Thấy GS Huy Liên nằm nhắm mắt, cũng đã lại đủ thứ dây nhợ chằng chịt trên người, nào ống xông, ống tiếp nước, bình thở oxi... Hỏi cô Thu, vợ thầy, được biết thầy bị bệnh parkinson nặng. Tôi gọi thầy và xưng tên, thầy mở mắt he hé nhìn, thế rồi gương mặt như khóc không thành tiếng. Thầy giơ cao hai tay, cố đan vào nhau, cố đưa về phía tôi. Tôi hiểu đó là lời chào, lời cảm ơn của thầy dành cho tôi. Tôi bảo chúng em chỉ mong thầy mau khỏe, để rồi cái tuyển truyện ngắn làm xong, rồi hai thầy trò sang Mỹ chơi một chuyến đã thầy nhé. Thầy gật gật, từ khóe mắt chảy ra mấy giọt nước mắt tuổi già. Rồi tôi lại thấy thầy đưa tay phải lên làm động tác miết miết vào không trung, như thể muốn cầm bút. Tôi nói với cô hay là thầy muốn viết gì chăng. Cô liền giơ tấm bảng nhỏ trước mặt và lựa cài cây bút dạ vào tay thầy. Thầy nặng nhọc cầm cây bút và chắc phải dùng hết sức lực nhỏ nhoi để viết. Những con chữ ngoằn ngoèo lên xuống, đan chồng lẫn nhau, không thể nào đoán nổi thầy viết chữ gì. Tôi cứ luôn miệng vâng vâng. Cô Thu thì bảo hiểu rồi hiểu rồi.  Tôi và cô Thu nhìn nhau, im lặng. Tôi hiểu, bệnh tình của thầy rất trầm trọng. Tôi cũng hiểu, bi kịch khủng khiếp nhất của con người là khi không thể giao tiếp được nữa. Cái cách bút đàm là cách cuối cùng mà con người có thể tìm đến, với thầy cũng trở nên bất lực. Viết được vài dòng, thầy buông thõng tay xuống, khuôn mặt xô nhúm lại, đau đớn.
Tôi gọi điện cho nhà NCVH Nguyễn Hùng Vĩ, người có nhiều năm công tác cùng với GS Huy Liên tại Khoa văn học, được anh cho biết: ở khoa này, GS Huy Liên là người luôn xông xáo, có hứng thú khai mở những lĩnh vực mới; ban đầu ông dạy lý luận văn học, sau sang văn học Trung Quốc; sau nữa lại sang văn học Xô Viết, tập trung vào thể loại kịch Xô Viết, và cuối cùng là văn học Mỹ; với những bộ môn này, ông không chỉ giảng dạy, còn dịch thuật, nghiên cứu, viết giáo trình, hướng dẫn luận văn luận án; ông là người làm việc suốt đời; những năm gần đây, tuy về hưu, nhưng có quyển sách nào ra đời, ông cũng về khoa tặng các đồng nghiệp, các học trò…
Một con người thật đáng kính trọng và cảm phục.
Hôm qua, 22.7.2011 tôi gọi điện cho cô Thu hỏi thăm về bệnh tình của thầy. Cô cho biết, bệnh viện cho về được 2 ngày, nhưng lại vừa vào viện rồi, bệnh tình của thầy gay lắm em ạ. Tôi chỉ biết thở dài.
Thầy năm nay cũng đã suýt soát tuổi tám mươi.
        
Ngày 23.7.2011
        VG