Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÁNH SỨ NGUYỄN DUY HIỂU

Phan Duy Kha
Thứ tư ngày 20 tháng 7 năm 2011 6:10 AM

1- Đoàn các nhà khoa học về dự lễ giỗ Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu

Nhận lời mời của ông Nguyễn An Kiều, hậu duệ đời thứ 11 của Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu (thông qua TS Đinh Công Vĩ) ngày 2.7.2011 (tức ngày 2.6 Tân Mão) đoàn các GS, TS, các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà báo đã về Thanh Lãng dự lễ kỵ nhật lần thứ 372 Chánh sứ - Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu, một công thần thời Lê Trung Hưng đã hi sinh khi đi làm phận sự ngoại giao sang nhà Minh cầu phong. Nguyễn Duy Hiểu là con trai trưởng của Thái tể Nguyễn Duy Thì, hai cha con đều thi đỗ Nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) và cùng làm quan đồng triều.
Về dự lễ lần này có các vị: GS- TS Phan Văn Các, GS Chương Thâu, GS Ngô Đức Thọ, TS Đinh Công Vĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử Phan Duy Kha, Nguyễn Văn Thành, Đinh Văn Niêm, các nhà văn, nhà báo Mai Thục, Phí Văn Chiến, Lý Văn Thăng. . .

Đoàn khởi hành từ Hà Nội lúc 6 giờ sáng, về đến quê hương của Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu (Thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên , Vĩnh Phúc) trước 8 giờ. Đúng 8 giờ, con cháu trong dòng họ đã tiến hành tế lễ. Đoàn các GS, TS, các nhà nghiên cứu đã thắp hương hành lễ trước bàn thờ ông.
Nguyễn Duy Hiểu là người nhận sứ mệnh đi sứ nhà Minh năm 1637. Lần đi này có 2 đoàn với 2 vị chánh sứ, đó là Nguyễn Duy Hiểu và Giang Văn Minh. Cả 2 vị chánh sứ của ta đều bị giặc Minh giết hại dã man: bị chọc 2 mắt, mổ bụng tẩm thủy ngân rồi cho vào quan tài, gứi giả về Việt Nam.
Sau khi nghi lễ hoàn tất, đoàn các GS, TS, các nhà nghiên cứu đã có buổi tọa đàm với các bậc cao niên, các vị đại diện cho dòng họ, nêu bật công lao sự nghiệp của hai cha con Thái tể Nguyễn Duy Thì và Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu đối với triều đình Lê –Trịnh và đối với lịch sử dân tộc. Đặc biệt là sự hy sinh cao cả, sự xả thân vì nước của Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu

2 -Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu và sự hi sinh vì công việc bang giao

Nguyễn Duy Hiểu là con trai trưởng của Thái tể Nguyễn Duy Thì, ông sinh năm 1602 tại làng An Lãng, huyện An Lãng phủ Tam Đới (nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông đỗ Nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng Giáp) khoa Mậu thân, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), năm đó ông mới 26 tuổi. Cùng đỗ khoa thi này có Giang Văn Minh, người Đường Lâm, đỗ Thám hoa, năm đó Giang Văn Minh đã 56 tuổi. Số phận 2 ông có những sự trùng hợp đặc biệt. Hai ông đỗ cùng khoa, cùng được giao làm Chánh sứ và cùng hi sinh một lần. Đó là sứ mệnh đi sứ nhà Minh vào năm 1637 , với hai nhiệm vụ khác nhau: Nguyễn Duy Hiểu , chánh sứ  đoàn đi sứ  cầu phong; Giang Văn Minh , chánh sứ đoàn đi tuế cống. Hai đoàn nhưng cũng coi như một đoàn, vì cùng đi một lúc. Một đoàn nhưng vẫn là hai, vì có hai vị chánh sứ được giao hai nhiệm vụ khác nhau. Về Thám hoa Giang Văn Minh, sử sách xưa nay đều nhắc đến ông với vế đối nổi tiếng khi vua Sùng Trinh nhà Minh ra câu đối có ý miệt thị dân tộc ta:
  Đồng trục chí kim đài dĩ lục
 ( Cột đồng trụ đến nay rêu đã phủ kín)
  Ý nhắc đến việc Mã Viện xâm chiếm nước ta đã dựng cột đồng để khẳng định, đất ta từ thời nhà Hán đã thuộc Tàu. Giang Văn Minh đã đối lại:
  Đằng Giang tự cổ huyết do hồng
 ( Sông Bạch Đằng  từ xưa máu vẫn đỏ)

Câu đối rất chỉnh , lời đáp cứng cỏi, ý bảo vua Minh rằng, nếu các ngài có ý đồ xâm phạm nước tôi, thì hãy trông gương các triều đại trước đó. Máu của quân đội các ngài sẽ đỏ cả sông Bạch Đằng. Vừa thẹn , vừa giận, vua Minh đã cho chọc mắt. mổ bụng vị chánh sứ, bỏ vào quan tài, cho chở giả về Việt Nam. Sự nhỏ nhen, đê hèn và tàn bạo của vua Sùng Tinh nhà Minh đến nay vẫn bị dân tộc ta, nhân dân ta đời đời phỉ nhổ. Chỉ có điều đáng tiếc rằng, trong cuộc đi sứ đó, chúng ta có hai đoàn, cả hai ông chánh sứ đều bị giặc sát hại dã man. Thế nhưng  xưa nay, sử sách chỉ nhắc đến Giang văn Minh, mà bỏ quên  chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu.

3- Tại sao lại có sự thiếu sót đó ?

Đại Việt sử ký toàn thư ghi vào năm Dương Hòa thứ 5 (1639) có một sự kiện như sau: Mùa thu, sai Nguyễn Duy Thì lên cửa quan đón tiếp sứ thần Nguyễn Duy Hiểu về nước. Duy Hiểu dâng sớ nói “ Đến Yên Kinh, dâng biểu cầu phong Quốc vương, vua Minh giao cho bộ bàn, họ cho rằng không có văn bản cũ để lại có thể tra xét được , nên không cho.  Chỉ ban sắc thư tưởng lệ thôi”( ĐVSKTT, T. 3 tr.529).

Cũng cần nhớ lại rằng, từ khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, các vua nhà Minh không phong Vương vị cho các vua nhà Mạc, mà chỉ phong là An Nam đô thống sứ ty, coi các vua ta ngang hàng một chức quan Nhị phẩm của Trung Hoa. Sau khi nhà Lê giành lại được nước, đuổi con cháu họ Mạc lên Cao Bằng, việc đầu tiên đặt ra cho triều đình Lê- Trịnh trong công việc bang giao là phải được nhà Minh công nhận, tức phải được phong vương theo truyền thống bang giao giữa hai nước. Tuy nhiên, vua nhà Minh vẫn dùng dằng không công nhận. Năm 1697, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan sang sứ nhà Minh, vua Minh chỉ phong cho vua Lê tước An Nam đô thống sứ ty như đối với nhà Mạc trước đó. Nhiệm vụ đặt ra cho Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu lần này là đấu tranh để làm sao nhà Minh công nhận triều đình nhà Lê và phong Vương cho vua ta. Cuộc đấu tranh , thuyết phục đó không thành. Không những thế, vua Sùng Trinh nhà Minh còn ngang nhiên xúc phạm lòng tự trọng dân tộc, xúc phạm vua ta. Không thể để nhục quốc thể, hai vị chánh sứ của ta đã đối đáp như trên. Kết cục, cả hai vị đều bị sát hại.

Đọc đoạn văn trên trong ĐVSKTT, người ta dễ hiểu nhầm rằng Nguyễn Duy Hiểu đã được về nước. Thực ra ông đã bị sát hại cùng Giang Văn Minh. Cha ông là Nguyễn Duy Thì được triều đình cử lên biên giới không phải để đón ông mà là đón linh cữu của hai vị sứ thần. Câu “Duy Hiểu dâng sớ nói” phải được hiểu rằng, đó là di sớ (sớ để lại trước khi chết) . Sự uẩn khúc của sự kiện ngoại giao này sẽ không được làm sáng tỏ, nếu như hậu duệ của dòng họ Nguyễn Duy không giữ được 7 đạo sắc phong của triều đình phong tặng cho Nguyễn Duy Hiểu. Trong đó có đạo sắc phong thứ 7 đề ngày 23 tháng Giêng nhuận niên hiệu Dương Hòa thứ 6 (1640) có nội dung như sau:
“Sắc Nguyễn Duy Hiểu, Tá trị thượng khanh, Trung giai, chức Thiêm đô ngự sử ở Ngự sử đài, tước Nghĩa Phú tử, bậc Tán trị công thần đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, do vâng mệnh đi Bắc sứ tuế cống, bị cưỡng bức, ép buộc nên cùng chết thảm thương, có công lao vì nước mà yên nghỉ khi đang tại chức được triều thần luận bàn tiến cử, nên gia tặng chức Tả thị lang bộ Hình, tước Hầu, tên thụy là Văn Định, nên có sắc. Dương Hòa năm thứ 6, ngày 23 tháng Giêng nhuận” ( Trích Văn bia từ đường).

Như vậy là đã rõ, trong chuyến đi sứ đó, giặc đê hèn đã sát hại dã man hai vị chánh sứ của ta. Từ trước đến nay sử sách chỉ nhắc đến sự hi sinh vì nước của Thám hoa Giang Văn Minh mà bỏ quên Chánh sứ - Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu. Vì vậy bài viết này làm sáng tỏ những gì liên quan đến ông, đến sự nghiệp đấu tranh ngoại giao vô cùng khó khăn phức tạp thời bấy giờ. / .
                      P D K
Ảnh trên: 1- Đọc văn tế;