(Về tập thơ “Thức hạ” của Cao Ngọc Thắng)
Trong ba năm liền, Cao Ngọc Thắng trình làng ba tập thơ: “Bẻ gió” (2009), “Giao mùa” (2010), “Thức hạ” (2011). Hình như, có một thứ bức xúc thông điệp tâm tình của nhà thơ họ Cao. Mà, người viết bài bình này hình như (lại hình như!) đã đọc ra. Ấy là thứ điệp khúc vừa lặp lại vừa lan tỏa – một cách cảm thức thiên nhiên nhất quán và biến hóa trong con-mắt-thơ Cao Ngọc Thắng.
Nếu, trong bài thơ “Giao mùa” (cũng là tên của tập thơ), Cao Ngọc Thắng có cách cảm nhận, cảm thức thiên nhiên khá “độc” - Ấy là sự trộn hòa thời gian, không gian – vừa theo quy luật tự nhiên, lại vừa biến hóa theo cách nhìn, cách cảm của thi sĩ:
...
Thu se nhớ thương
Cúc chờ mở rượu
Giục
Đông
Ủ ấm men nồng
...
Chim chích
Vo tròn
Giọt xuân
Những lời thơ ấy đâu phải chỉ là sự xô đẩy, giãn câu, giãn chữ để làm duyên, làm lạ. Đó là cái cách thông tin xúc cảm cùng nghĩ suy của người nghệ sĩ trước vẻ đẹp đa chiều, đa sắc màu từ thiên nhiên-đất trời.
Thì, trong “Thức hạ”, hãy cảm nhận nắng từ Cao Ngọc Thắng, theo Cao Ngọc Thắng:
Nàng Bân rét nhụy tháng ba
Thương sao cái rét bà già còng lưng
Đầu năm màu nắng khập khừng
Nắng nhoe tan nỗi lừng chừng gió đông
(Nắng I)
Thiên nhiên-khách quan-có! Thiên nhiên trong vẻ đẹp của sắc màu, đường nét và hình vẻ... Điều đáng nói là thiên nhiên hòa đồng và tương hợp với nét vẻ con Người (Người viết hoa!) trong dáng vẻ bên ngoài và chiều sâu của nội tâm, của cảm-xúc-Người. Hoặc, có thể lại là một cách biến thể khác:
Nắng dìu cẩm chướng
Trăng dâng quỳnh nở
Nhài nép góc vườn
(Thân phận)
Ba dòng thơ mang sắc vẻ hồn của ba loài hoa: cẩm chướng-quỳnh-nhài. Mà, đâu chỉ là cảm nhận, cảm thức về hoa-thiên-nhiên; còn đánh thức nhận biết về Hoa-Người. Thế nên, thơ cực ngắn của Cao Ngọc Thắng đạt được độ chín của chữ, của hình ảnh, của trí và của cả “tít” thơ nữa! Mà, lại viết như bất chợt, như chơi chơi...
Cũng bởi thế, trong sự bừng rực của thiên nhiên, đất trời mỗi khi hạ về, lại là sự đánh thức rất đa dạng, đa chiều của đời sống thiên nhiên cùng đời sống nội tâm của con người:
Ngày từng khắc đi qua
Đêm chồn chân chờ sáng
Gà gáy sấm ầm ì
Mưa đầu mùa
thức hạ
(Hạ I)
Hai tiếng “thức hạ” được lơi xuống một dòng thơ, chất chứa và tỏa giăng nhiều chiều trong cảm thức về thiên nhiên và con người của Cao.
Có thể khái quát về một luận-điểm-thơ của Cao Ngọc Thắng là: thiên nhiên đẹp (hoặc đau-buồn-khát-vọng) không hề tách rời với con người, không tách rời với thế giới nhân sinh, với nhân tình thế thái...
Một nét ý vị và tinh tế trong cảm thức về thiên nhiên của thi sĩ họ Cao còn là ở chỗ - anh chiếu một góc nhìn có chiều sâu của thiên nhiên, từ thiên nhiên. Mà, điều thú vị, đấy là thiên nhiên kết tụ tinh hoa của miền đất, vùng đất. Nét tao nhã, thanh lịch của đất Thăng Long-Hà Nội như chạm khắc, như lan tỏa thứ hương riêng dịu đằm trong những câu thơ này:
Chửa dậy mùa
hương cốm
núp lá sen
đợi
(Đợi)
Từ tên bài thơ đến từng con chữ của Thắng ở bài thơ này (và một số bài khác nữa trong tập) như đang loang loang, ngân nga từ hình ảnh thiên nhiên đến giai-điệu-hồn của một miền đất và con người. Có thể trình ra đây những lời thơ trong trường nghĩa và trường liên tưởng ấy:
Sóng sánh mùa
Lừ đừ sông
Trầm điệu nhạc
(Giai điệu)
Cúc đơm hoa
Nắng cốm
Sóng sợi rơm
(Nắng IV)
Kia kìa... lá bay
Đây này tóc rối
Mơn man vồi vội
Hôn trượt môi hồng
(Gió I)
Nhìn ngắm thiên nhiên, mượn thiên nhiên mà ký thác tâm tư của thi sĩ – âu cũng là vẻ đẹp và chiều sâu thi ca của thi nhân kim-cổ. Có thể đắm chìm vào thiên nhiên: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp – thơ Hồ Chí Minh). Nhưng, từ chính thiên nhiên lại mở sáng cho con người niềm tin, vui và hy vọng, khát vọng. Thế nên, tôi thích cái chất sáng, khỏe, vui đời của Cao Ngọc Thắng trong tập thơ “Thức hạ”. Cao Ngọc Thắng đã đem đến cho bạn đọc chiều hướng cảm thức sung sướng, thích thú khi đến với thiên nhiên:
Đêm trườn qua giấc ngủ
Thạch sùng tặc lưỡi
Bình minh ngoài hiên
(Tiếp ngày)
Giá khi mặt trời mọc
Chúng mình nhặt sỏi thia lia
Những vòng sóng chập chờn tan hợp
Đôi thiên nga tắm nắng
Ô kìa...!
(Ước)
Quy luật muôn đời của nghệ thuật đích thực là sự sáng tạo – sáng tạo từ trên cái nền cổ điển – mẫu mực của nghệ thuật truyền thống. Với Cao Ngọc Thắng, tập “Thức hạ” trong cảm thức về thiên nhiên (vốn là nguồn cảm hứng mang tính cổ điển!), anh có đóng góp mang tính sáng tạo riêng – trong cả nội dung cảm suy và hình thức biểu hiện của ngôn từ, hình ảnh. Đáng quý và thích là ở chỗ, ở chiều hướng hết sức kiệm lời – mà thế mới tạo nên tính hàm súc, tạo nên sức gợi đa chiều. Phải chăng, đấy là phẩm chất muôn đời của nghệ thuật – thi ca. Mà, sự chạm đến phẩm chất muôn đời ấy là không có điểm dừng trong sáng tạo.
Hà Nội, 13-7-2011