Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT CÁCH TRẢ LỜI NGỤY BIỆN

Quốc Toản
Thứ năm ngày 21 tháng 7 năm 2011 5:41 AM

Báo Người Hà Nội cuối tuần (số ra ngày 15-7-2011), trang 6 có bài: “Xin học Trường mầm non công lập khá khó”. Đây là bài phỏng vấn do Hoàng My thực hiện. Người được trả lời là các ông bà Phó giám đốc, Trưởng phòng Giáo dục mầm non của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Xin cho trẻ được vào Trường mầm non công lập ở Hà Nội mấy năm gần đây thật khó khăn, vất vả. Nhiều phụ huynh đã phải thức trắng đêm để xếp hàng mua hồ sơ cho con vào trường. Theo trả lời của các ông bà ở Sở GD&ĐT Hà Nội thì các trường mầm non công lập chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện Hà Nội có 837 trường mầm non, trong đó có 683 trường công lập. Công tác xã hội hoá giáo dục vẫn bất cập và còn nhiều nan giải. Theo bà Phạm Thị Hằng Nga, phó GĐ Sở thì “đến năm 2015, vấn đề quá tải hay cảnh xếp hàng qua đêm sẽ được khắc phục. Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện chủ trương về xã hội hoá các trường đào tạo, tức là phải có các trường tư thục để làm đối trọng cho các trường công, vì Nhà nước không bao cấp được cho tất cả các trường”.
Điều rất dễ hiểu là tại sao các phụ huynh đều muốn con mình được học trường công lập. Và họ sẵn sàng thức trắng đêm để chờ lấy cho được một cái đơn. Bởi độ tin cậy ở các trường công lập cao hơn, quan tâm chăm sóc và học hành của các cháu bài bản hơn. Gần đây báo chí đưa tin nhiều vụ các bảo mẫu trường tư thục đánh trẻ, dùng nhục hình gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy họ “nghi ngờ” hoặc e ngại đưa các cháu đến trường không phải là công lập. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, trưởng phòng giáo dục mầm non, “hiện nay học phí các trường công lập thấp. Mức học phí hơn 10 năm nay vẫn dừng lại 50.000đ/tháng đối với trẻ mẫu giáo. Đối với trẻ nhà trẻ là 70.000đ/thàng, tiền bán trú ăn ngủ tại trường là 250.000đ/tháng. Trong khi các trường tư thục tự đầu tư, rất ít trường được thuê đất của Nhà nước...nên học phí cao hơn nhiều so với trường công. Vì sự chêng lệch như vây nên phụ huynh thường đổ xô về các trường công lập, chấp nhận xếp hàng cả đêm cho con một xuất học trường công nhằm giảm học phí”
Nếu như chỉ có như vậy thì cững hợp lẽ. Nhất là thời buổi kinh tế khó khăn, giá cả tăng chóng mặt như hiện nay. Nhiều gia đình làm công ăn lương phải dè xẻn chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày. Họ phải tiết kiệm từng đồng. Vì thế không thể không thức trắng đêm để cho con vào trường công lập. Mọi bất cập đều bắt đầu từ phái Nhà nước. Nhưng bà Hằng lại lý giải “một vấn đề dễ nhận thấy đó là hiện nay người dấn Thủ đô vẫn quen sống bao cấp, chưa chuẩn bị cho mình tâm thế thực hiện xã hội hoá giáo dục”
Tôi cho đây là một câu trả lời tuỳ tiện. Đổ lỗi cho người dân. Chẳng ai muốn quay lại cái thời bao cấp. Ở đâu rẻ, chất lượng, hợp lý thì người ta sẽ đến. Giá như các trường tư thục cũng được nhà nước ưu ái, cho thuê đất xây dựng như trường công lập thì chắc chắn phụ huynh cũng sẽ không phải thức đêm xin học cho con. Chưa kể việc xin học còn nhiều chuyện bất hợp lý, chưa thực sự công bằng. Một xã hội “phong bì” như hiện nay thì việc xin vào trường công chắc chắn cũng không ngoại lệ, tuy không phải là tất cả. Chỉ có người lao động với cuộc mưu sinh đầy khó khăn hiện nay người ta mới phải chắt chiu từng đồng, phải tính toán. Gửi con vào trường công mức độ an toàn cho con cái họ sẽ cao hơn, yên tâm hơn. Đó là tâm lý chung của các phụ huynh. Không ai quen sống với bao cấp cả. Nhất lại là với người Thủ đô. Câu nói phản cảm của bà Hương sẽ làm phụ huynh bức xúc.
Nhắc đến chuyện này, tôi lại nhớ đến chuyện lụt ở Hà Nội. Vị lãnh đạo cao nhất thành phố cũng nói người dân “ỷ lại” vào thành phố, trong khi đó dân chẳng được một sự hỗ trợ nào. Và ông đã  xin lỗi dân.
Không rõ bà Hương sẽ nghĩ sao?