Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GÓI KẸO “ĐÁ KỲ”CỦA NHÀ ĐIÊU KHẮC THÀNH CHƯƠNG

Đinh Quang Tỉnh
Thứ tư ngày 20 tháng 7 năm 2011 10:27 PM

“Đá kỳ” là loại kẹo bình dân, ngày xưa thường được bán rong trên hè phố, cũng có khi nó vinh dự được nằm trong “túi hàng Tết” của thời bao cấp. Viên kẹo nhỏ bằng đốt ngón tay út, hình bầu dục trông giống như viên đá cuội dùng để kỳ khi tắm, rồi không biết tự bao giờ quen miệng gọi thành “Kẹo Đá kỳ”. Nhân kẹo ngọt sắc vị đường cát, ngoài bọc bột gạo nếp được nhuộm màu đỏ, xanh hoặc vàng. Có nơi còn gọi là kẹo “Trứng sáo”, hay “Trứng chim” nhưng là loại kẹo để mộc, không nhuộm màu. Mỗi gói kẹo có khoảng vài chục viên, giá bán 2 hào, tương đương với nửa cân gạo mậu dịch.
Cuộc sống giúp tôi nghiệm ra rằng: việc phát hiện và đánh giá đúng tài năng của người đàn ông chính là linh cảm của người đàn bà, nhất là đàn bà đẹp. Họ tinh tường lắm. Bởi chưng, những nghệ sỹ tài hoa từ cổ chí kim, thường thì ai cũng cưới được một người vợ đẹp hoặc chí ít cũng phải có vài cô nhân tình rõ đẹp. Vì vậy, có thể được hiểu là chính những người vợ, người tình đẹp ấy đã phát hiện và đánh giá chính xác tài năng của người đàn ông mà họ quyết tranh đấu, quyết giành giật để được độc quyền, mặc dù thời gian có thể là hữu hạn. Thành Chương đắt duyên mỹ nhân, đời anh đã không dưới ba lần ôm hoa, mà lần nào cũng cưới được người đàn bà vừa đẹp vừa nổi tiếng, đa phần họ đến với anh trước khi có cái ốc đảo thần tiên mang tên Việt phủ Thành Chương.
Nguyễn Thành Chương quê gốc ở làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là con trai trưởng của cố nhà văn Kim Lân. Ông là họa sỹ chuyên nghệp.
Mới lên 7 tuổi, cậu bé Thành Chương đã biết cầm bút màu vẽ tranh trước khi cầm bút mực để viết những chữ cái đầu đời. Bức tranh “Hai con gà tồ” của cậu đã giành giải vàng cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế tổ chức tại Anh quốc. Từ đó, gần như cuộc thi thiếu nhi quốc tế nào Chương cũng gửi tranh dự thi, và luôn đoạt giải cao. Có lẽ đó chính là những tia sáng lấp lánh báo hiệu một tài năng sau này. Và quả đúng như vậy, Thành Chương đã trở thành một trong những họa sỹ Việt Nam đương đại, sáng giá đếm trên đầu ngón tay. Anh là một trong số không nhiều họa sỹ của nước ta sống bằng nghề và sống rất ung dung. Anh vẽ rất nhiều, riêng tranh tự họa gương mặt mình cũng lên tới hàng ngàn bức, và tranh của anh bán đắt như “tôm tươi”. Đặc biệt, Thành Chương đã nhận được một vinh dự mà chưa một họa sỹ Việt Nam nào có được, đó là: bức tranh Tình yêu của anh bày trong triển lãm Một trái tim, một thế giới tại New York đã được Liên Hiệp Quốc chọn làm một trong sáu mẫu tem kỷ niệm năm quốc tế về Những người tình nguyện, con tem có bức tranh Tình yêu mang tên họa sỹ Thành Chương được phát hành khắp thế giới, nối tiếp những con tem gắn liền với các tác phẩm nổi tiếng và tên tuổi các danh họa hàng đầu thế giới như Pablo Picasso, Hans Emi, Leroy Neiman... Nhưng trên tất cả, anh đã làm nên một dòng tranh - Tranh Thành Chương, như Trịnh Công Sơn làm nên dòng Nhạc Trịnh. Bởi vậy, chuyện kể về họa sỹ Thành Chương, về cái Việt Phủ độc đáo có một không hai đã làm đẹp và sang trọng cho rất nhiều trang báo trong và ngoài nước.
Nhưng có một Nhà điêu khắc Thành Chương với những tác phẩm được coi là kỳ tích trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước thì có lẽ ít người được biết, vì những tác phẩm điêu khắc này phần lớn đã bị bom đạn Mỹ phá hủy, số còn lại vì làm bằng chất liệu thạch cao, độ bền kém, mà thời gian đã khá lâu nên không thể tồn tại được, có chăng chỉ còn đọng lại trong ký ức của đồng đội và những bức ảnh đen trắng đã phai màu thời gian mà anh còn giữ được… 
Con đường đưa Thành chương đến với điêu khắc cũng thật bất ngờ, nó như là một cơ duyên vậy. Anh đang theo học ở Trường Mỹ thuật Yết Kiêu thì bị gián đoạn bởi chiến tranh. Ngày ấy, cùng với thế hệ trẻ toàn trường nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh quyết định “xếp bút nghiên” tình nguyện lên đường nhập ngũ. Thành Chương được đầu quân về Bộ Tư lệnh Công binh do một trí thức nổi tiếng làm Phó tư lệnh Chính trị. Ông là Tiến sỹ khoa học quân sự, tốt nghiệp bằng Đỏ ở Liên Xô, nên rất quan tâm đến văn học nghệ thuật, ông đặc biệt yêu mến những người lính trẻ hồn nhiên, có nhiều “tài lẻ”, nhất là tài vẽ tranh và làm “Báo liếp”... trong số đó, ông dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với Thành Chương, không chỉ vì anh là con của nhà văn Kim Lân đáng kính, mà dường như, ông đã cảm nhận được nhân cách nghệ sỹ trong con người Thành Chương, và rất kỳ vọng ở cây cọ duy nhất của binh chủng được đào tạo cơ bản về Mỹ thuật này.
Những năm 1971-1972, tình hình chiến sự vô cùng ác liệt. Tổng thống Mỹ Ních-Xơn ngạo mạn tuyên bố sẽ đưa Miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Y và bộ máy chiến tranh của Nhà trắng lập tức huy động tối đa sức mạnh quân sự, kể cả pháo đài bay B.52 là loại vũ khí chiến lược có tính hủy diệt khủng khiếp, chỉ đứng sau bom nguyên tử, hòng lật ngược tình thế, cứu nguy cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sắp bị sụp đổ. Nhưng chúng đã vấp phải những đòn giáng trả oanh liệt của quân và dân ta, đã đập tan mọi toan tính đen tối và hành động điên cuồng của đế quốc Mỹ. Thảm bại này là tổn thất lớn nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược của không lực Hoa Kỳ từ sau thế chiến thứ hai.
Đúng vào thời điểm lịch sử này, Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt, với một quy mô toàn quân, mang tên: Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nhằm khích lệ tinh thần yêu nước, biểu dương tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Trong các hạng mục của triển lãm, điểm nhấn quan trọng là khu tượng đài “Chiến thắng” với quy mô cao lớn, bề thế, có bố cục hài hòa với không gian rộng mở của sân bay Bạch Mai. Mặc dù đề án đã được Bộ Quốc phòng thông qua, nhưng không có một đơn vị chuyên nghiệp nào trong và ngoài quân đội đủ khả năng thực hiện việc thiết kế và xây dựng tượng đài khổng lồ này, trong thời gian ấn định chỉ vỏn vẹn có hơn hai tháng.
Đứng trước tình hình cấp bách này, vị Phó tư lệnh binh chủng Công binh như ngồi trên đống lửa. Đã mấy đêm ông thức trắng cùng với những bao thuốc lá Trường Sơn và ly ca-fe đen quánh mà vị tiến sỹ khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải cho bài toán hóc búa. Vào thời khắc nung nấu nhất, ông đã đi đến một quyết định táo bạo: Binh chủng Công binh chứ không phải đơn vị nào khác sẽ đảm nhận và hoàn thành bằng được công trình này, mà Thành Chương và tiểu đội của anh sẽ là đơn vị chủ lực, nòng cốt để thực hiện.
Nhận được mệnh lệnh, trống ngực của Thành Chương đánh thình thình, lo lắng dồn nén làm anh nghẹn thở. Anh xác định, đây là một công việc quá lớn, quá mạo hiểm, dường như ngoài khả năng và sức lực của anh. Những lúc gian nan bế tắc như lúc này, Thành Chương lại nghĩ đến người cha kính yêu - nơi vững chãi như cột đình làng Phù Lưu để anh vịn tay đứng dậy và được được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, niềm tin, và  dũng khí. Công việc khẩn trương như thôi thúc anh, không thể để mất thời gian, mặc dù trời đã chạng vạng tối nhưng Chương nằn nì đồng chí trực ban để mượn bằng được chiếc xe đạp “công vụ”, rồi tức tốc đạp về nơi sơ tán để gặp thầy (cả nhà Thành Chương gọi bố, mẹ bằng Thầy, U). Trông thấy con hớt hơ hớt hải từ đơn vị phóng về, ông bà Kim Lân chững lại, dường như cùng đoán rằng con về chào thầy u để đi “B”. Bà cụ lật đật xuống bếp, mở vung, vét kiệt đáy nồi mới được lưng bát vừa mỳ vừa cơm khô khong khỏng, bà đành rưới ít nước dưa cho con dễ nuốt, Chương đỡ bát cơm từ tay mẹ mà nước mắt tự gan ruột cứ tức tưởi trào ra.
Hạ bát đũa xuống, Chương vắn tắt thưa với Thầy đầu đuôi nhiệm vụ dựng tượng đài Chiến thắng... Khi nghe con nói đến quy mô, kích cỡ của công trình thì năm đầu ngón tay ông níu chặt vào chiếc xe điếu, chòm râu thưa rung lên như để kìm nén xúc động. Nghe thủng câu chuyện, cụ Kim Lân nhắm mắt, bậm môi rít một hơi dài cho kiệt vê thuốc lào Tiên Lãng, rồi tròn môi vừa phả khói, vừa nói như đinh đóng cột: “Làm, phải làm anh ạ, làm cho kỳ được. Người ta không làm mới đến lượt mình, chết cũng phải làm, thời cơ trăm năm có một đấy anh ạ!”. Nói đoạn, ông cụ khoan thai mở nắp hộp sắt-tây xúc đẫy một thìa trà thả vào chiếc ấm gan gà chỉ bé bằng nắm tay, ông cẩn thận đỡ ấm nước sôi từ tay cụ bà, rồi thư thả rót vào ấm. Ông cụ “phá lệ”, dành chén trà đầu đặt trước mặt anh con giai như một khu xử mực thước của gia phong con nhà.
Tớp một hớp trà Tân Cương chát đắng cửa miệng nhưng lại ngọt thắm nơi cổ họng, Thành Chương như được tiếp thêm sức mạnh để hạ quyết tâm lao vào “cuộc chiến đấu” không cân sức nhưng không thể thất bại này.
Trở về doanh trại, ngay đêm hôm ấy, Thành Chương đã cho ra đời những phác thảo đầu tiên của tượng đài Chiến thắng. Mới tờ mờ sáng, anh đã ôm một quận giấy tơ-rô-ki khổ A không chi chit hình vẽ, yêu cầu công vụ cho anh được báo cáo trực tiếp với Tư lệnh, nghe Thành Chương trình bày, phó tư lệnh Chính trị rất hài lòng và tin vào quyết định của mình là đúng đắn và nhất định sẽ thành công. Để giúp cho Thành Chương thực hiện tốt nhiệm vụ, ông giới thiệu với Chương nhiều hình ảnh các tượng đài ở Mat-cơ-va, Ki-Ép, Lê Nin Gơ-Rát…Ông say sưa miêu tả những tượng đài mà ông được tận mắt chiêm ngưỡng, nó hùng vĩ, mê hoặc lòng người rất khó diễn đạt thành lời, nhưng Thành Chương lại cảm nhận được sự mê hoặc ấy và trong anh đang dần hình thành một tượng đài Chiến thắng của Việt Nam. Chỉ sau một tuần lễ, những bản vẽ chi tiết của tượng đài đã được Thành Chương hoàn tất. “Bộ hồ sơ thiết kế” bài bản ngoài sự mong đợi của các thủ trưởng Bộ Quốc Phòng.
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của Cục Doanh trại, dự toán của công trình đã sớm hoàn thành để làm cơ sở cho các đơn vị phối hợp chuẩn bị nguyên vật liệu. Công trình được triển khai nhanh chóng, mười mấy chuyến xe tải Zil-khơ chở đầy gỗ, đất, cuốc, xẻng… chất cao như núi giữa trung tâm triển lãm. Đường băng sân bay Bạch Mai đã biến thành một công trường náo nhiệt suốt ngày đêm. Đúng một tháng “ăn với đất, ngủ với đất”, tiểu đội của Thành Chương ngày đêm nhào nặn mấy chục xe đất sét đắp thành một kỳ đài khổng lồ phủ lên hai thanh tà vẹt được hàn nối với nhau cao tới 16 mét để làm cốt tượng. Tượng đài thật hung vĩ, các nhân vật quyện vào nhau thành một tổng thể thống nhất, hài hòa: Đứng giữa là người chiến sĩ vai đeo súng, tay vươn thẳng về phía trước; Bên trái là nữ dân quân, đầu đội mũ sao vuông, vai đeo súng trường, cổ quàng khăn dù tung bay trước gió, bên phải là anh lính công binh đang dũng cảm phá bom mìn. Vút về hai bên tượng đài, nối với khối phù điêu “công nông binh” là lớp lớp thanh thiếu niên…đang hừng hực khí thế lên đường chống Mỹ cứu nước. Tác phẩm như một bài ca ra trận mà những “nhà điêu khắc” như đang tạc chính mình vào lịch sử của dân tộc.
Thành Chương gồng tay, vét một đường bay cuối cùng lên chiếc khăn dù ngụy trang của cô nữ dân quân, rồi đu người nhảy xuống. Chân vừa chạm đất, anh khoái chí hét lên: “xong”! Cả tiểu đội lấm láp bùn đất cùng ào lại ôm Thành Chương tung lên trong tiếng hò reo vui sướng vang vọng cả sân bay.
Trước khi đổ khuôn để đúc tượng, Bộ tư lệnh mời Hội đồng nghệ thuật đến thẩm định và tổng duyệt lần cuối. Hôm ấy, ngoài một ông luống tuổi, dáng vẻ bệ vệ, đi chiếc xe Von-ga đen bóng loáng, còn có nhiều nhà điêu khắc, họa sỹ nổi tiếng trong và ngoài quân đội đến dự. Hội đồng nghệ thuật đã bất ngờ được chứng kiến một tượng đài hùng vĩ, uy nghi mà chỉ do một tiểu đội lính công binh thực hiện. Mọi người đều hết lời khen ngợi, cũng có một số ý kiến yêu cầu chỉnh sửa như: cánh tay người lính cho cao hơn, hoặc khẩu súng tiểu liên phải hạ thấp xuống để cân đối với người... Anh sỹ quan trực ban hý hoáy ghi chép, đôi lúc còn chạy tới chạy lui hỏi tên, chức danh của từng người để viết vào sổ tay cho chính xác.
Nắng hè như đổ lửa, đốt khô cong bộ quân phục bạc phếch, loang lổ mồ hôi kết cứng lại như mo nang bó chặt lấy thân hình nhỏ thó của Thành Chương. Anh đứng chống nẹ, cố bấm mười đầu ngón chân xuống nền đất nhão cho vững, nhưng thấy mình như sắp ngã vật ra. Chương vòng tay ra sau lưng định gãi ngứa, thình lình bị một cùi trỏ đánh “hự” như trời giáng vào mạng sườn đau điếng, anh văng tục chửi “mẹ” thằng nào vô cớ đánh ông mày, thì bắt gặp ngay một khuôn mặt lạnh tanh của người bảo vệ ông đi xe Von-ga. Thành Chương chợt hiểu: thì ra thằng cha này tưởng mình rút súng ám sát thủ trưởng của hắn, nên đánh đòn phủ đầu đây. Khi biết đánh nhầm phải “quân ta”, cha này tảng lờ như không có chuyện gì xảy ra.
Cuộc tổng duyệt tượng đài thành công mỹ mãn. Quan khách ra về vô cùng hỉ hả vì những món quà rất hậu hĩnh của Ban tổ chức: người thì được chiếc đài điện tử Hồng Đăng-Trung Quốc, kẻ được chiếc đài bán dẫn Sô-Kôn của Liên Xô… tiếng chào hỏi, lời cảm ơn tíu tít, những cái bắt tay vội vã, dường như ai cũng muốn nhảy ngay lên xe phóng về nhà để kịp nghe bản tin Thời sự.
Rất may là trời nóng, hanh nên tượng đất nhanh khô có thể đổ khuôn thạch cao được. Thành Chương cặm cụi chỉnh sửa những chi tiết theo yêu cầu của Hội đồng nghệ thuật, rồi hướng dẫn anh em dùng “ô-doa” tưới nước lên bề mặt tượng để tạo lớp chống dính với khuôn thạch cao. Mỗi người mỗi việc, rất nhịp nhàng và đầy trách nhiệm...
Có một khó khăn phát sinh mà Thành Chương không lường trước được. Vì chưa có kinh nghiệp dựng tượng đài với kích cỡ quá lớn, thạch cao nhập về lại nhiều loại nên độ kết đặc không đồng nhất, do đó khi dỡ khuôn, phía dưới chân tượng nhiều chỗ thạch cao không kết dính cứ bở bục như vôi tỏa, mặc dù cốt tượng đã được neo chằng rất chắc chắn, nhưng chân tượng không vững sẽ bị đổ sập bất cứ lúc nào. Tình hình vô cùng nguy cấp, mà ngày khai mạc lại sắp đến nơi rồi. Không thể chần chừ để chờ xin lệnh cấp trên mà phải chạy đua với thời gian. Biện pháp khắc phục duy nhất là chui vào bên trong tượng để gia cố, nhưng công việc này vô cùng nguy hiểm, tượng đổ sẽ đè chết người nên Thành Chương quyết định “một mình gánh vác” tất cả. Anh phân công đồng đội “ở ngoài” chuẩn bị pha thạch cao, bện xơ đay còn mình anh tay xô, tay bay chui vào nơi đầy bất trắc và hiểm nguy, như người thợ lò vác cuốc chim chui vào lòng đất...
Suốt hai ngày hai đêm Thành Chương cùng tiểu đội vật lộn với công việc gia cố chân tượng đài. Một điều may mắn như trời cho là khi áp dụng công thức pha ba phần thạch cao với một phần xi măng thì hỗn hợp này kết dính với nhau đạt độ cứng lý tưởng, đây là “diệu kế” của anh lính “tò te” quê làng gốm Bát Tràng mách nước cho Thành Chương, do vậy mà tượng đài được gia cố vững chãi ngoài mong đợi.
Phần vì mạng sườn bị sưng tấy do cú huých ác ý của cha cảnh vệ hôm nào, phần vì làm việc quá sức nên Thành Chương bị ngất xỉu ngay sau khi trát bay “vữa” cuối cùng. Khi đồng đội “lôi” anh từ trong bệ tượng ra, Chương giống như một pho tượng đúc bằng thạch cao, cứng còng, bất động. Mọi người tức tốc khiêng anh lên xe cấp cứu đưa ngay về bệnh viện dã chiến của Binh chủng Phòng không - Không quân. Bởi vậy, Thành Chương đã không có cơ hội cùng đơn vị hân hoan đón chào công trình nghệ thuật của mình vươn cao lồng lộng, nổi bật giữa một rừng cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên nền trời xanh thắm của Thủ đô Hà Nội trong ngày khai mạc triển lãm: Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Cố đưa tay lên kéo chiếc khăn ướt ra khỏi mặt, Thành Chương mở mắt thấy quanh mình chập chờn toàn là màu trắng. Anh không nhớ điều gì đã xảy ra. Bỗng anh nghe có tiếng reo: “Tỉnh rồi! tay động đậy kìa…”. Hai nữ y tá thay nhau trực suốt mấy đêm liền, thấy anh đã qua cơn nguy hiểm, các cô mừng quýnh, quên hết mọi mệt nhọc.
Chiếc xe Com-măng-ca rồ ga trước khi đỗ lại, đã phá tan không khi im ắng của trạm xá. Đại đội trưởng gọn gàng trong bộ quân phục màu xanh lá cây còn mới nguyên nếp gấp. Lấp lánh nơi ve áo quân hàm Đại úy nổi bật trên hai miếng dạ đỏ thẫm. Tiếng giầy da Cô-Xơ-Gin nện đều xuống nền xi măng, khiến Thành Chương chưa kịp định thần thì Đại đội trưởng đã đánh tiếng: “Tỉnh rồi hả? Tốt lắm! Tôi vừa dự lễ khai mạc triển lãm về, vui và trang trọng lắm đồng chí Chương ạ!”. Đại đội trưởng bước vào phòng, bỏ mũ cối úp lên tủ thuốc rồi tự tay kéo chiếc ghế đẩu, nhẹ nhàng ngồi sát bên giường bệnh. Thành Chương được thủ trưởng đến thăm thì trong lòng rưng rưng cảm động, mắt anh bỗng bắt gặp những ngón tay của Đại đội trưởng đang rờ rẫm mở nắp xà-cột, lấy ra một gói nhỏ. Đại úy ân cần đặt vào đôi bàn tay vẫn đang sốt hầm hập của Thành Chương gói kẹo Đá kỳ, rồi nói: Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng, phần thưởng dành riêng tặng Chương đây. Đại úy nói vui: Nhớ chia phần cho hai đồng chí nữ y tá nhé!
Tiếng giầy của đại đội trưởng ra về có vẻ nhẹ nhõm hơn. Chiếc Com-măng-ca bóp còi, rồ máy, rồi lăn bánh bon ra quốc lộ, trả lại sự yên tĩnh cho khu trạm xá dã chiến. Trên giường bệnh, Thành Chương lâng lâng bay bổng cùng với đầy ắp sung sướng và tự hào vì công việc trên giao mình cùng đồng đội đã hoàn thành tốt đẹp. Anh vui vẻ, hồn nhiên chia những viên kẹo Đá kỳ xanh, đỏ cho hai cô y tá, giống như ngày nào chia quà cho các em mỗi khi mẹ đi chợ về…
*
Hà Nội ngày nay không còn bóng dáng những cô gái ngoại thành long tong quẩy gánh hàng rong, rao bán những gói kẹo đá kỳ “hai hào” cho trẻ con nữa. Tên tuổi của Họa sỹ Thành Chương trong giới mỹ thuật đương đại Việt Nam cũng đã “bóng lọng từ lâu” rồi. Nay ông đã ngoại lục tuần, dường như lại thích lui về ở ẩn trong Việt Phủ, thi thoảng chúng tôi mới có dịp gặp vợ chồng Thành Chương trong chớp thoáng. Giờ đây, ông vẫn mải mê với hội họa, vẫn nâng niu những món đồ cổ để tự tay “sắp đặt” chúng về đúng vị trí theo ý tưởng của riêng mình.
Việt Phủ ẩn hiện trong lãng đãng sương chiều, hoàng hôn dần buông xuống, cảnh vật bình yên, thơ mộng nhưng tĩnh lặng, cô tịch như nơi cửa thiền. Tiếng chuông vọng vào thinh không xa dần những mái cong trên tháp Tường Vân.
Họa sỹ Thành Chương ngồi đó hệt như pho tượng Lã Vọng đang câu cá, ông mơ màng ngắm những hòn đá kỳ nhỏ xíu bằng đốt ngón tay, như thể đang vục vào lưng nhau rúc rích dưới gốc cây lộc vừng trăm tuổi, chúng khiến ông phải ngẫm ngợi - Nếu ngày ấy, mình được thưởng chiếc đài Hồng-Đăng hay Sô-Kôn chẳng hạn (là nói giả dụ vậy), thì chắc hẳn đã quên tiệt nó từ lâu rồi. Nhưng ngót 40 năm trôi qua, hình ảnh bàn tay bối rối của người Đại đội trưởng lấy từ trong Xà-cột ra gói kẹo đá kỳ cứ vón vị ngọt của đường cát vào sâu thẳm ruột gan ông, ngọt đấy mà đắng đót khó quên./
Hà Nội 2010 – 2011
ĐQT

1- Chân dung Họa sĩ Thành Chương – Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh 2- Tác giả Đinh Quang Tỉnh và Họa sĩ Thành Chương tại Trung Tâm VH-NN Đông Tây 3- Vợ chồng Họa sĩ Thành Chương và tác giả Đinh Quang Tỉnh.
Ảnh: Vũ Thanh Nhàn