Bài viết “Ba mẩu chuyện nhỏ về Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt” của tôi vừa được trang Web của nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương đưa lên thì tôi nhận được tin nhắn của nhà thơ, nhà báo Bùi Đức Khiêm, Tổng Biên tập báo Công Thương: “Nếu bác viết rõ ông V,T,H,Q là ai, bài sẽ hay hơn rất nhiều. Lâu rồi, việc gì phải úp mở, giữ ý nữa?”. Tôi rất hiểu đó không chỉ là yêu cầu của anh Khiêm mà còn của một số bạn đọc bài viết của tôi.
Tôi nhắn tin lại để anh Khiêm biết ông V,T,H,Q và cả ông Tám Th. và ông Tướng trong bài viết của tôi là ai và tại sao tôi lại không viết rõ tên thật của các ông ấy trong bài viết của mình. Tôi nghĩ, các ông Tổng Giám đốc mà Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhắc đến trong mẩu chuyện tôi kể nay đều đã về hưu, yên ổn trong những ngày còn lại của cuộc đời. Những sai lầm, khuyết điểm mà các ông ấy có, một số đã được báo chí thời ấy nêu lên và đã được xử lý. Nay, sau 15, 16 năm chuyện xảy ra đã lui vào quá khứ, tôi không muốn viết rõ tên các ông ấy làm gì. Nếu tôi đưa tên thật của các ông ấy ra, chắc chắn không chỉ các ông ấy mà cả vợ, con và các cháu của các ông ấy không vui vì một chuyện đã qua từ lâu nay lại có một ông nhà báo nhắc lại. Liệu điều đó có nên không? Vì thế tôi đã không nêu rõ tên thật của các ông ấy không phải vì lý do “thân quen” nào khác mà ở sự nên hay không nên này. Hơn nữa, nội dung bài viết của tôi không phải nhằm viết về các tiêu cực của một vài ông Tổng Giám đốc nào đó mà là kể lại câu chuyện về thái độ của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước một số hiện trạng xã hội để người đọc hiểu biết thêm về vị Cố Thủ tướng được mọi người yêu mến. Có thể điều đó không thỏa mãn đối với một số bạn đọc nào đó nhưng với tôi, tôi nghĩ lượng thông tin mà tôi đưa ra là đủ đảm bảo tính chân thật của câu chuyện, không cần thiết phải viết quá rõ ràng. Trong cuộc sống không phải bao giờ rõ ràng, “huỵch toẹt” ra mọi chuyện đã là hay. Vì thế nên hay không nên viết ra một điều gì đó bao giờ cũng là câu hỏi không thừa đối với người cầm bút. Chả thế mà có câu: “Lời nói đọi máu”, nhất là đây lại là lời nói ở chốn đông người!
Sau tin nhắn của tôi, anh Bùi Đức Khiêm nhắn lại: “Bác có lý. OK bác!”. Tôi thành thực cảm ơn anh Khiêm về lời nhắn này.
Nhân bài viết nhỏ này, tôi cũng thành thật xin lỗi các bạn đọc đã đọc bài viết “Ba mẩu chuyện nhỏ về Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt” của tôi, vì một lỗi ngớ ngẩn mà tôi đã mắc phải mà không kịp sửa trước khi gửi cho TN.com. Đó là tôi đã viết nhầm “sau ngày giải phóng 30/4/1975” thành “sau ngày giải phóng 30/4/2011”. Thế đấy, cẩn thận trong nghề báo không bao giờ thừa. Xin cám ơn sự chia sẻ của bạn đọc.
Hà Nôi 12/6/2011