Câu chuyện Làng Tiến sĩ Bích La Đông, được đăng tải trên Trannhuong com ngày 15/2/2011, sau bốn tháng trời, ngày 12/6/2011 được tác giả Trúc Diệp Thanh bàn lại. Kết thúc bài viết, tác giả hạ một câu thật nặng nề: “Khải Mông nhiều chuyện chưa biết mà nói biết, lại lên giọng dạy đời quả là một người cầm bút “coi trời bằng vung”.
Khổng Tử dạy: “Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Điều nào mà mình không muốn làm, thì đừng đẩy cho người khác. Vì vậy, tôi xin bàn thêm với tác giả Trúc Diệp Thanh đôi điều để rộng đường dư luận.
1/ Trước hết, với hai vị Tiến sĩ Lê Cảnh Diệu và Tiến sĩ Lê Cảnh Phiên (hay Phiếu), được coi là những người khai khoa đỗ học vị cao nhất thì trong sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” tôi tra cứu đều không có tên.
Tác giả Trúc Diệp Thanh viết: “Đã là “thần” tất nhiên phải có thần phả, không ai tự tôn là “thần”, hai tiến sĩ Lê Cảnh Phiến và Lê Cảnh Diệu từ đời nhà Lê đã được dân làng lập miếu thờ thần… Đây cũng là chuyện hiếm có trong truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Phản bác 2 vị tôn thần Lê Cảnh Phiến, Lê Cảnh Diệu, Khải Mông đã không những xâm phạm nơi tôn nghiêm của một làng cổ…”.
Vì vấn đề tôi bàn tới là các nhà khoa bảng ghi danh trên bảng vàng, bia đá, thư tịch cho nên nếu không có trong sách sử thì chúng ta cần thận trọng, càng phải thận trọng hơn nếu là tư liệu dân gian. Ở đây, tác giả Trúc Diệp Thanh cần phân biệt rõ “Thần” trong “Thần phả” và Tiến sĩ trong Khoa bảng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Khóa sinh, Sinh đồ, Tú tài, Cử nhân, Phó bảng, Tiến sĩ, Hoàng giáp, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên là phải học hành thành tài, thi cử đỗ đạt, được triều đình công nhận.
Còn “Thần” thì là về mặt tâm linh trong truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam. Rất nhiều làng trên đất nước Việt Nam này thờ Thành hoàng, thờ Thần trong đình, miếu, đền là người ăn mày, người tha phương cầu thực… nhưng chết vào giờ thiêng đấy thôi.
Tôi chờ đợi tác giả Trúc Diệp Thanh dẫn cho biết thư tịch viết về hai vị tôn thần Lê Cảnh Phiến, Lê Cảnh Diệu là Tiến sĩ.
2/ Tác giả Trúc Diệp Thanh viết tiếp: “hơn nữa chỉ với các vị khoa bảng triều Nguyễn chưa xa xôi gì như trường hợp với tiến sĩ Lê Bá Thoại dưới đây Khải Mông còn “có nói không” thì người đọc hoàn toàn có lý do để nghi ngờ tính chính xác của tác giả khi đề cập đến các tiến sĩ từ thế kỷ 15”.
Về Tham tri Lê Bá Thoại, từ sự chỉ dẫn của tác giả Trúc Diệp Thanh, tôi tra lại “Các nhà khoa bảng Việt Nam” – Ngô Đức Thọ (chủ biên), Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Hữu Mùi – Nhà xuất bản Văn học 2006, ở trang 756 viết như sau:
“2657. LÊ THỤY (1842 - ?)
Người xã Bích La huyện Đăng Xương tỉnh Quảng Trị - Nay là thôn Bích La xã Triệu Đông huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị.
Sinh năm Nhâm Dần. Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868). 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Hợi niên hiệu Tự Đức 24 (1875).
Tuần phủ Thanh Hoa, sau về Kinh giữ chức tri Hình bộ.
ĐNTL: Lê Duy Thụy.
QTKB (III, 5a); ĐNTL (CB – 453); No 16487”.
Điều dẫn ra trên đây cho thấy, tập thể tác giả sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” làm việc tỉ mỉ, còn chú thích thêm tên Tiến sĩ Lê Thụy được sách Đại Nam thực lục chép với một tên khác: Lê Duy Thụy. Cũng trong sách này, ngay trang tiếp sau có viết về Phó bảng Lê Trinh, người Bích La, có tên Lê Đăng Trinh nhưng vì kiêng húy nên chỉ viết Lê Trinh. Nếu như có một chú thích nào đó trong sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” rằng: Lê Thụy tức Lê Bá Thoại [tôi nhấn mạnh – KM] thì tôi đã không có đặt câu hỏi như bài đã viết. Vậy nên không thể vội vã quy kết cho tôi là “có nói không”.
Điều gì trong sách có thì tôi viết là có, không có thì tôi viết không có, cái đó chính là “biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, ấy là biết vậy” (Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã).
3/ Về cụ Lê Đăng Doanh, tôi xin dẫn từ cuốn Tuyển tập Cao Xuân Dục – tập 5 – Đại Nam chính biên liệt truyện – Bản dịch của Quốc sử quán triều Nguyễn – Nhà xuất bản Văn học 2004; Quyển 16: Truyện các quan; Mục VI: Lê Đăng Doanh (từ tr. 321 – tr. 324), tóm tắt như sau:
Tr. 321: “Trước nhập tịch ở Gia Định, sau nhận quê tổ ở huyện Thuận Xương (xã Bích La) tỉnh Quảng Trị.
Gia Long năm Bính Thìn (1796) đi hạch được trúng cách, năm Đinh Tị [1797] bổ chức Thị học viện Cống sĩ.
…
[Minh Mạng] năm thứ 4, vì can khoản giáng hàm Thị giảng học sĩ, rồi bổ Thiêm sự bộ Lại hiệp lí Bình Định trấn vụ.
Tr. 323: “Năm thứ 15 [Minh Mạng] chuẩn cho lĩnh Thượng thư bộ Binh, đợi việc quân thứ xong, triệu về cung chức. Rồi vì quân luật không nghiêm, phải giáng hai cấp…
Tháng 4, Doanh cùng Tống Phúc Lương đánh thành Phiên An không được. Vua cho là trù tính không đúng, bắt giải chức về kinh đợi chỉ. Rồi vì ngày ở nơi quân thứ dung túng cho con trai con gái giặc phạm, bộ bàn cách chức. Chưa bao lâu, vua gia ơn cho khởi phục Hàn lâm viện Biên tu…
Thiệu Trị năm thứ 1 (1841), Thự Hiệp biện Đại học sĩ, lĩnh Thượng thư bộ Lại, kiêm sung chức Sư bảo của hoàng tử hoàng đệ…
Tr. 324: “Năm thứ 2, vua bảo Đăng Doanh rằng: Ngươi là đại thần cố cựu, có đức vọng lớn, đã chuyển Tây tịch (thầy dạy vua học) [tôi nhấn mạnh – KM] lại kiêm Bách đài (làm ngự sử), tuổi già việc nhiều, trông nom sao cho khắp…
Tự Đức năm thứ 11 (1848) ốm chết, truy tặng hàm Thiếu sư Văn minh điện Đại học sĩ, cho tên thụy là Văn Nhã, chiếu phẩm cấp tiền tuất, cho nhiều gấm màu, sa màu, vải lụa và tiền một số khác thường, sai quan đến tế, cho rượu tế…
Vua cho là Đăng Doanh từng thờ bốn triều [tôi nhấn mạnh – KM], tuổi cao đức tốt đã từng sung chức Tây tịch, giúp ích rất nhiều, cho nên lễ đãi rất hậu. Năm thứ 22, tiết Tứ tuần đại khánh của Dực Tông anh hoàng đế [tức vua Tự Đức – KM], vua lại nhớ đến bề tôi cũ ở chỗ màn sa đỏ (là chỗ giảng dạy) cho tế ở nhà”.
Như vậy, cụ Lê Đăng Doanh thờ 4 triều vua là điều rất hợp lí [tôi nhấn mạnh – KM], tôi không có phân vân gì. Nhưng các tác giả viết cụ dạy 4 đời vua [tôi nhấn mạnh – KM], là điều không thể xảy ra.
4/ Tôi thấy rằng, nếu như ngay từ đầu các tác giả khác đã dẫn ra chính xác, đầy đủ ngọn ngành tư liệu về các cụ Lê Thụy (tức Lê Bá Thoại), cụ Lê Đăng Doanh… thì không có diễn đàn giữa tôi và tác giả Trúc Diệp Thanh hôm nay.
Liệu rằng người đọc Trúc Diệp Thanh có mảy may nghi ngờ tính chính xác về những vị Tiến sĩ, Phó bảng dưới đây của làng Bích La Đông hay không?
Với 5 vị Tiến sĩ dòng họ Lê Văn thì Tiến sĩ Lê Vãn (hay Văn) Nhượng đỗ khoa Đinh Dậu (1837) thì vừa không có tên Tiến sĩ và vừa không có khoa thi năm Đinh Dậu (1837.
Về Tiến sĩ Lê Vãn (hay Văn) Chân đỗ khoa Tân Sửu (1841) thì khoa thi năm Tân Sửu (1841) niên hiệu Thiệu Trị 1 với 15 vị Tiến sĩ, Phó bảng, không có ai tên Lê Vãn (hay Văn) Chân.
Về Tiến sĩ Lê Vãn (hay Văn) Nhiếp đỗ khoa Mậu Tý (Đồng Khánh 3): Trong “Các nhà khoa bảng Việt Nam” không thấy ghi vua Đồng Khánh có mở khoa thi Tiến sĩ, mà chỉ có khoa thi năm Kiến Phúc 1 (1884), rồi đến khoa thi năm Thành Thái 1 (1889).
Khoa cuối cùng của Triều Nguyễn năm Kỷ Mùi (1919) niên hiệu Khải Định, có ông Lê Vãn (hay Văn) Tặng (hay Tăng) đỗ Phó bảng và ông Lê Vãn (hay Văn) Lương đỗ Tiến sĩ: cả hai đều không có.
Vậy “với các vị khoa bảng triều Nguyễn chưa xa xôi gì thì người đọc hoàn toàn có lý do để nghi ngờ tính chính xác của tác giả khi đề cập đến các tiến sĩ từ thế kỷ 15” hay không thưa tác giả Trúc Diệp Thanh?
Ngày 12-6-2011