Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỒNG DAO : LỜI VU VƠ HAY TIÊN ĐOÁN TÀI TÌNH ?

Nguyễn Xuân Hòa
Thứ sáu ngày 29 tháng 4 năm 2011 5:22 AM
 
Sao chúng ta vẫn ám ảnh bởi những câu đồng dao thủa nhỏ. Vọng từ xa thẳm.Lời thơ đặt vào miệng trẻ. Ngây ngô, phi logic có, kiểu như “củ cà rốt, đốt cháy nhà”. Dễ thương và như một tiên đề không cần minh chứng: “ơ…ơ…ơ…quả mơ có hột…” Xem truyện Tàu thì nhiều khi nho sĩ đã đặt ra lời cho trẻ hát. Còn ở  ta thì sao?
Lại nhớ mấy bài đồng dao đã lâu lắm.

Bài 1
Phản bội hít le/ ba que xỏ lá/ ăn cơm cá của nhân dân/ mặc quần của bộ đội/phản bội hít le/...
Đồng dao ý tại ngôn ngoại. Đây rõ ràng không phải là thơ ca “chống chủ nghĩa phát xít” rồi. Cái từ “hít le”, “phát xít” ai cũng biết, đối với trẻ con nó hàm nghĩa: Tao không tin mày, tao không chơi với mày nữa . Mà sự trừng phạt lớn nhất của trẻ con với nhau chính là không cho chơi cùng nữa ( nó lại giống như “cấm vận” của các cường quốc!)
Ấn tượng nhất là hai câu cuối. Nó cứ vang lên trong đầu mỗi khi liên tưởng đến vấn nạn tham nhũng nhức nhối. Phải rồi, ba bốn chục năm trước,  cơm trắng với cá kho là mơ ước, rồi các chú bộ đội cũng đầy khó khăn, thiếu thốn…
Suy đoán ra, bài này hình như dự báo nạn tham nhũng, ăn tiền, ăn cứu trợ, ăn đất, ăn nhiều thứ của dân(!). Thế còn “phản bội” có lẽ được hiểu là những ông quan tham đã phản lại những lời hứa hẹn đẹp, phản lại chức năng đầy tớ trung thành của dân. Liệu dân ta có dám “hít le” những quan kiểu này?

Bài 2
Ông Liên Xô, bà Trung Quốc/ ông đi guốc, bà đi giày/ ông nhảy dây, bà đá bóng/ ông đi tắm, bà đứng xem/ông ăn kem, bà xin miếng/…
Tại sao lại ông chẳng bà chuộc thế này nhỉ? Đáng lẽ ông bà phải “đoàn kết” để xây dựng “gia đình văn hóa ” chứ.
Bài này xuất hiện rất lâu,  tạm suy đoán:
- Tầng nghĩa thứ nhất , nó dự báo và phản ánh  về tình trạng Việt Nam chúng ta đang chao đảo giữa hai lựa chọn, hoặc thân Liên Xô, hoặc thân Trung Quốc trong bối cảnh quãng những năm 60, đầu 70 của thế kỉ trước. Lúc ấy “anh cả” và “chị hiền” đang mâu thuẫn cao độ nhưng đang cùng viện trợ lớn cho Việt Nam.
- Tầng nghĩa thứ hai- “chiến tranh lạnh” toàn cầu giữa 2 cực, nhưng cuối cùng kết thúc khi mà bà phải xuống nước: “ông ăn kem, bà xin miếng ”!

Bài 3
Chú què đi công tác/ chú lác bắn máy bay/ chú cụt tay đào hầm/chú câm gọi điện/chú điếc nghe đài/ chú mù đi xem chiếu bóng…
Không khí bài này rõ ràng của thời chống Mỹ.
Không có ý giễu cợt nỗi đau của người khuyết tật, nhưng bài này cũng dự báo hai điều:
-Hậu quả chiến tranh, chất độc da cam, bom mìn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động..làm cho tỉ lệ người tàn tật của chúng ta khá cao trên thế giới. Đối với thời bình, chính cái tính cẩu thả, coi trời bằng vung, thiếu tuân thủ những quy tắc an toàn…vẫn như là một điểm yếu  của người Việt dẫn đến  những thương tích đáng tiếc.
- Và điểm này mới là thông điệp, nạn “ngồi nhầm chỗ” trở thành khá phổ biến ở một số lĩnh vực. Mình không tự biết mình thì làm trò cười. Chú câm gọi điện, chú điếc nghe đài không làm hại đến ai. Nhưng không chuyên môn lại phụ trách chuyên môn thì lắm tác hại khôn lường…
 
Nguyễn Xuân Hòa
ĐT 0988121931