Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ MÙA XUÂN ẤY TRÊN ĐỊA ĐẦU BIÊN GIỚI

Vân Long
Chủ nhật ngày 13 tháng 2 năm 2011 7:07 PM
 
   Quỹ Thụy Điển Việt Nam phát triển văn hoá (TĐVNPTVH) đã ngưng hoạt động sau 16 năm (1992-2008) tài trợ cho hàng ngàn công trình văn hoá (tu sửa và làm mới), tôi luôn được cụ Hữu Ngọc mời         tham gia các hoạt động dã ngoại.
         Chuyến đi gây ấn tượng nhất với tôi có lẽ là chuyến kiểm tra một công trình mà Quỹ đã hỗ trợ trong năm: Dựng nhà bia Thuỷ môn đình ở Lạng Sơn. Kiểm tra là việc của Quỹ mà cụ Hữu Ngọc làm Chủ tịch, còn chúng tôi, một nhóm bạn của Quỹ với thành phần đa quốc gia, chỉ   là một cuộc du xuân sinh thái. Cụ Hữu Ngọc vốn được mệnh danh là người bắc nhịp cầu cho các nền văn hoá, thường tranh thủ những chuyến đi này để đưa một số bạn người nước ngoài đi thăm thú các địa phương.
 Chuyến đi này có sự tham gia của ông J.Lassen vị Đại sứ đầu tiên của Đan Mạch, tuy hết nhiệm kỳ nhưng năm nào cũng sang thăm hoặc cùng gia đình hưởng những kỳ nghỉ dài ngày ở Việt Nam, hai vợ chồng ông Đại sứ  Ấn Độ Kumar mà ông chồng dáng vẻ khiêm cẩn rất điển hình một trí thức phương Đông, bà vợ là Chủ tịch Hội Những người bạn của di sản văn hoá ở Hà Nội với nụ cười dễ mến. Trong đoàn còn có bà Lorrel Browning (Mỹ) GSTS chủ nhiệm khoa ngữ văn và Hoà bình học của trường Đại học Pacific bang Oregan, người đã khởi xướng xin tài trợ để chuyển ngữ, dựng vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt kịch bản Lưu Quang Vũ, đưa đoàn kịch Việt sang Mỹ biểu diễn, đưa đoàn nghệ sĩ Mỹ sang diễn Giấc mộng đêm hè ở Việt Nam. Đặc biệt là cả gia đình bà L.Browning gồm 6 người: hai vợ chồng bà, hai đôi vợ chồng của hai con trai, cái gia đình Mỹ này đã “đổ bộ” xuống sân bay    Nội Bài đúng mùng 4 Tết Quý Mùi (2002) để hưởng cái Tết Hà Nội.
 Khi món bánh chưng ngày Tết được chuyển thành bánh chưng      rán thay quà sáng của các gia đình Hà Nội thì đoàn chúng tôi nhằm hướng biên giới phía Bắc theo quốc lộ 1, lên Lạng Sơn.
 Đoàn người hợp chủng dừng thăm ải Chi Lăng. Dưới màn mưa bụi giăng giăng, giữa giá lạnh vùng địa đầu biên giới, cụ Hữu Ngọc leo lên bên tấm bia kỷ niệm chiến thắng lịch sử bên vách núi, ở một thế cao để mọi người cùng nghe rõ. Cụ Hữu Ngọc dùng tiếng Việt tóm tắt trận đánh, rồi chuyển sang tiếng Anh với những giảng giải chi tiết hơn, vể trận thảm bại của danh tuớng Liễu Thăng xẩy ra nơi đây, một vùng núi non hiểm trở, đá lởm chởm như chông như mác của người dân sơn cước hỗ trợ quân triều đình chống giặc. Giọng nhà văn hoá Việt Nam (năm ấy 85 tuổi) vẫn sang sảng khúc triết thấm vào người nghe một       cảm giác đặc biệt. Cụ đang đứng trên thế cao của văn hoá giữ nước, văn hoá lập nước mà trò chuyện với bạn bè bốn phương.
Hào sảng và nồng ấm là cảm giác của tôi giữa tiểt trời giá lạnh.
Các bạn nước ngoài lắng nghe, bụi mưa đọng trên lông mày, lông mi, vừa nhìn quanh vùng hiểm địa. Hẳn họ đang hình dung ra tiếng ngựa hí, tiếng quân reo, tiếng loa vang, tiếng gươm đao va chạm quanh những mỏm đá nhấp nhô. Chưa bao giờ tôi được ôn lại bài sử nước nhà giữa một không khí kỳ lạ như vậy! Tôi nghe bằng cả cảm giác của   những người bạn phương xa. Đặc biệt hai đôi vợ chồng trẻ người Mỹ, mắt họ cứ sáng xanh lên, miệng hơi há ra, háo hức…Hẳn khi về nước, họ sẽ đọc lại trang sử về cuộc chiến Việt - Mỹ bằng con mắt khác!
…Qua khỏi bến xe Đồng Đăng, gần đến trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt thì xe dừng lại. Chúng tôi theo cụ Hữu Ngọc, leo lên sườn một ngọn đồi bên vệ đường, dốc đến 45, 50 độ, may mà đã được vạt thành    bậc. Dưới chân dốc có biển ghi Nhà bia Thuỷ môn đình. Chúng tôi leo độ trên trăm mét đã tới nhà bia.
 Một cán bộ Bảo tàng Lạng Sơn cho chúng tôi hay: Ngày xưa, nơi này gọi là Đồi Sứ vì có trạm để sứ thần hai nước làm thủ tục xuất nhập cảnh. Tấm bia trên đồi lâu năm bị vùi lấp, nay bị mưa gió xói mòn làm  lở đất, bia lăn xuống chân đồi. Dân địa phương phát hiện, báo cho phòng văn hoá Huyện từ đầu những năm 70 (thế kỷ trước). Những người đọc được bia, biết đây là di tích quý giá, niên đại khắc bia từ năm 1670. Bài văn bia có hai chữ Việt Nam. Cụ Hữu Ngọc bảo: Có thể đây là hai từ Việt Nam được xuất hiện sớm nhất được tìm thấy trên một di vật. Lúc ấy đang thời kỳ chiển tranh ngổn ngang nhiều việc nên Bảo Tàng địa phương chưa kịp đề đạt lên Bộ Văn Hóa xin phục chế. Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn biết Quỹ TĐ-VNPTVH đang hoạt động, bèn đửng ra xin tài trợ để phục chế và dựng nhà bia để bảo vệ. Hội quần chúng đề nghị mới đúng quy chế tài trợ của Quỹ (để không dẫm chân vào công việc của Bộ Văn Hoá). Quỹ đã tài trợ 1.000 USD. Trước mắt tôi bây giờ là nhà bia có mái che, bên trong dựng tấm bia phục chế, một mặt được dịch ra chữ quốc ngữ (hẳn là tấm bia nguyên bản đã được lưu giữ  ở nhà Bảo tàng Lạng Sơn). Do mấy vết xi măng làm vài mặt chữ lem nhem, tôi chỉ ghi chữ được chữ mất, lược trích như sau:
….Yết hầu Việt Nam - ải quan trấn Bắc – Vách đá lớp lớp – phiên giới …Đồng Đăng linh áp…Trạm Sứ bên phải - Trước mặt Núi Tiền - Đỉnh cao bên trái – Núi đồi thâm nghiêm – Hai suối tụ hội - Đường núi bao quanh - Rồng ẩn hổ phục - Phượng múa loan bay – Con nối cha truyền – Tôn tạo bia đá - Để rùa đội mang…Con cháu  phồn thịnh - Kiếp kiếp lưư truyền – Dân yên vật lắm - Quốc mạnh vững bền…           
           Văn bia không chỉ miêu tả chính xác “tọa độ” nơi đặt bia (như để dè chừng sự di chuyển cương giói đời sau) , mà còn ghi nhận ý thức
tự cường của người dân trước núi sông tươi đẹp  (Rồng chầu hổ phục - Phượng múa loan bay …)tin tưởng ở tương lai dân tộc (Con cháu phồn thịnh – Dân yên vật lắm - Quốc mạnh vững bền ). Di vật thật quý giá với các nhà khảo cổ, các nhà viết sử!
            Buổi trưa, cả đoàn được mời vào một gia đình người Tày ở xóm Bố Tra, thôn Lũng Cài, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan. Đường vào xóm, hai bên đầy hoa mận trắng. Những khóm tre bương. ruộng bậc thang, ba cây đào đang tưng bừng nở hoa ở trước sân chủ nhà đang đợi khách càng làm tăng không khí tiết xuân trong lành nơi đây!
Ông chủ nhà được giới thiệu là Hoàng Quốc Hưởng mời chúng tôi một bữa ăn toàn hương vị dân tộc. Rượu nấu lấy bằng ngô nếp với một thứ lá rừng, cơm lam với thịt gà nướng và ba loại rau rừng mà người thành  phố chưa bao giờ được nếm.  Có loại rau gọi là rau sau (bà chủ nhà sáng nay bán ở chợ được năm chục nghìn đồng). Món tráng miệng là bánh pẻng khoai , chế biến bằng bột nếp và mật ong rừng. Cô con gái chủ nhà bảo nếu khách chịu ở lại đêm nay, cô sẽ dạy cho cách làm.
Giao lưu giữa khách với chủ thật đa dạng: hát then, hát lượn của dân      tộc Tày, Nùng, các cô gái con chủ nhà và hàng xóm hát có đệm đàn tính.  Hai cô gái Mỹ vui quá cũng song ca mấy bài dân ca đáp lại…
          Phút chia tay, ba cây đào phai đang tưng bừng nở hoa được các cô gái chặt từng cành tặng khách mang về xuôi, làm cái Tết Quý Mùi năm ấy của chúng tôi kéo dài ra cả ngoài rằm tháng Giêng. Đó là chuyến đi kỷ niệm 10 năm hoạt động của Quỹ Thụy Điển - Việt Nam     phát triển văn hoá (1992-2002).
          Quỹ TĐVNPTVH đã giải thể sau 16 năm hoạt động. Tôi không lưu được tấm ảnh nào trong chuyến đi năm ấy. Nhưng trong trí nhớ của tôi còn in đậm một cảnh tượng kỳ vĩ:
           Cụ Hữu Ngọc đứng cao bên cạnh tấm bia ải Chi Lăng, kể lại trận tiêu diệt đạo binh xâm lược của danh tướng Liễu Thăng trước các bạn Mỹ, Ấn Độ, Đan Mạch và chúng tôi cùng nghe. Tiếng nói nhà hoạt động văn hoá như tiếng nói của lịch sử, hào sảng, nồng ấm cả một vùng  địa đầu biến giới trong tiết xuân mưa bay, giá lạnh…