Trang chủ » Truyện

NGƯỜI SẼ NÓI GÌ?

Nghiêm Lương Thành
Thứ ba ngày 25 tháng 1 năm 2011 10:17 PM
Truyện ngắn
 Hôm ấy tôi đến cơ quan sớm hơn mọi ngày. Ngồi một lúc, bụng thấy đoi đói, tôi sang phòng tài chính, định rủ Hoà đi ăn sáng cho vui. Hoà vẫn chưa đến, cả phòng cũng chưa ai đến. Thấy có một kẹp giấy mỏng vương dưới sàn, ngay phía dưới chân bàn của trưởng phòng, tôi nhặt lên. Đó là một tập chứng từ, gồm đủ các loại giấy tờ hợp thức cần thiết để lập nên một thủ tục thanh toán hoàn chỉnh theo quy định của nhà nước. Tôi liếc qua tên công trình: Đó là cây cầu Khe Thượng, một chiếc cầu nhỏ của Chương trình xoá đói giảm nghèo, bắc qua một con suối, nối thôn Khe Thượng với khu Uỷ ban Nhân dân và trường tiểu học xã Quyết Thắng. Tôi biết rõ chiếc cầu này vì chính tôi là người thiết kế, lập dự toán. Theo nội dung diễn giải, tổng giá trị đề nghị thanh toán cao gần gấp đôi giá trị do tôi lập dự toán khi thiết kế. Tập giấy trong tay tôi run bắn lên như một cánh bướm ma, trong người có bao nhiêu máu dường như đều dồn hết cả lên đầu. Một cách bản năng, tôi xải chân, bước tới cái máy photocoppy đặt ở góc phòng, ngay cạnh chỗ Hoà ngồi, nhưng …  ngón tay tôi đột nhiên run bắn và cứ lửng lơ phía trên cái nút bấm lệnh màu xanh da trời. Không được! - Tôi lắc đầu chán nản - tôi còn chồng còn con … chồng tôi đã vất vả vì mẹ con tôi biết bao, các con tôi còn đang bé dại, tôi cần việc làm, tôi muốn yên ổn, tôi muốn tiến bộ … Trời ơi! - Tôi buông ra một tiếng thở dài, ngán ngẩm quay lại, trả tập chứng từ về vị trí ban đầu của nó và, như một kẻ khôn ngoan thuận thời, nhanh nhẹn bước ngay ra khỏi cái phòng mơ mờ ao ảo ấy.
 Bảy giờ bốn mươi, mọi người đã đến đông đủ. Đầu giờ sáng, bên ấm trà, thôi thì đủ các chuyện nhớn chuyện bé, chuyện trên giời chuyện dưới đất, chuyện trong nhà ngoài phố, chuyện trong buồng ngoài sân … Tám rưỡi, trưởng phòng đi họp giao ban về, huỳnh huỵch bước vào phòng, nét mặt nom chẳng khác gì mấy cô người mẫu khoác váy áo trên sàn diễn, quẳng đánh toạch tập báo xuống bàn: “Cả nhà xem đi, có tin mới tốt lành đấy!”. Tôi ngồi ngay bên cạnh xấp báo, tiện tay lấy ra một tờ. Ngay đầu trang nhất là hàng tít nói về ông Thứ trưởng của chúng tôi. Tôi lướt nhanh cột báo … Trời! Thế thì còn biết tin vào đâu bây giờ?! Tôi ngồi im, mặc cho mọi người bàn tán, bình luận, phân tích, dự báo, bức xúc, than ngắn, thở dài … Những thứ này đâu có gì mới, nhưng dường như nó chỉ xảy ra ở đâu đấy, xa lắm, chả có liên quan gì đến những người làm công ăn lương như tôi. Những cái thiết thực, gần gụi, đối với tôi là ở ngay trước mắt, ngay bên cạnh tôi. Đó là công việc thiết kế và thù lao theo chế độ của nhà nước; là những đồng nghiệp tốt bụng, ưa tào lao bông phèng, suốt ngày còng lưng trên những tấm bản vẽ, có khả năng nắm bắt và ứng dụng các công nghệ mới vào thực tế nhanh như cuội, luôn bằng lòng với những giấc mơ con trong tiến trình xây đắp một cuộc đời lớn đầy ắp những tương lai tươi sáng và thực sự vui mừng khi thấy một đồng nghiệp có đứa con đạt thủ khoa trong một kỳ thi tuyển vào một trường đại học nào đó.
 Suốt buổi sáng hôm ấy, hầu như tôi không làm nổi việc gì.
 Gần mười hai giờ. Hoà bước vào:
- Chưa đi à?
- Đi đâu? – Tôi ngạc nhiên, hỏi lại.
- Đi chùa Phúc Thiện chứ còn đi đâu nữa?
- À, ừ … Chết thật ! Cảm ơn cậu đã nhắc, mình quên hẳn đấy. Đi với mình chứ?
 - Xin lỗi, hôm nay thì cậu đi một mình vậy; ăn trưa xong, mình phải tranh thủ hoàn thành nốt đoạn cuối cái tài liệu dịch cho bên dự án thuỷ lợi Tây Nguyên. Deadline   là chiều nay rồi; mấy “đồng chí Tây” là coi trọng việc đáp ứng thời hạn lắm, cũng phải cố mà giữ lấy cái nguồn việc làm thêm này. Mấy lại, cũng đang cần tiền để sớm ngày mai đưa cho con bé lớn đóng tiền học thêm.
Tôi vội vã thu dọn giấy tờ, dụng cụ đồ hoạ, đi ra chợ Hôm sắm chút hương hoa và đến thẳng chùa, nơi tôi đã giác ngộ và đặt trọn niềm tin của mình vào đấy; thì cũng vẫn là chuyện chồng chuyện con.
*
Mấy đứa con tôi, chẳng hiểu làm sao, cứ ốm đau quặt quẹo luôn. Lo cho sức khoẻ chồng con đã đành một nhẽ, nhưng bây giờ xã hội phức tạp lắm: Giao thông thì tung tăng bừa phứa, rác thải thì vứt xả vô tư, nghiện hút đã tràn đến hầu hết các ngõ hẻm quanh co, đâu đâu cũng đầy rẫy các thứ cạm bẫy óng ánh chết người; sáng sáng nghe đám trẻ con bán báo xa mẹ cất giọng lanh lảnh, rao tướng những tin tức về các vụ án đâm chém, lừa đảo, tham nhũng … mà cứ giật mình thon thót nên phải gánh thêm cái nỗi lo về tai nạn, về sự hư hỏng thường trực đe dọa các con nữa. Thiên hạ cứ bảo đẻ con trai là mừng, nhưng có ở trong cuộc mới thấy lo. Tôi có hai thằng con trai nên lại càng thấy thảng thốt tợn. Biết được tôi hay lo lắng, hốt hoảng, mẹ chồng tôi bảo: “Con cứ đem bán cả hai đứa lên chùa, làm con Phật con Thánh, được các Ngài che chở cho thì cứ tự nhiên khoẻ mạnh, ngoan lành thôi”. Thế là tôi đem ráo cả chồng lẫn con, bán một lượt lên chùa. Cũng vì vậy, cứ đến mồng một hàng tháng, đúng lệ, tôi theo các phật tử, lên chùa thắp hương lễ Phật, cầu cho chồng con được mọi điều an lành, tốt đẹp. Còn điều này nữa, nói ra xấu hổ chết đi được, sau khi khấn cầu cho chồng con, tôi chưa bao giờ quên khấn cầu cho cả cái xã hội này sẽ trở nên tốt đẹp như bên Thuỵ Điển hay trở lại trong trẻo như hồi tôi hãy còn bé tý cũng được.
Mồng một tháng nào chùa cũng đông người. Phật tử ở đâu cũng ăn vận nghiêm cẩn mà giản dị; gặp nhau thường cúi đầu khiêm cung, khẽ khàng một câu Mô Phật! Cái cô văn thư phường nơi tôi cư trú, ngày thường vốn đanh thép, oai phong vắt nóc là thế, vậy mà gặp nhau ở đây cũng cảm thấy bình dân, nền nã, dễ chịu lạ lùng. Ôi, giá như lúc nào cô cũng hạ cố xuống sống dưới đời thường với chúng tôi! Có một lần, nhân những tình cảm thân ái đang nảy nở trong tâm trạng trong sáng nơi cửa thiền, cái đầu ngớ ngẩn của tôi đã nảy ra một ý nghĩ kỳ quặc: Tại sao người ta không đưa Phật vào thờ ở các nơi công quyền nhỉ ? Tôi không dám thổ lộ điều ấy với ai; chả bõ người ta lại cười cho, nhẹ thì bị riễu cợt là kẻ hấp lìm ngớ ngẩn, nặng thì bị kết quy tả hữu hoặc đưa vào tá túc trong nhà thương điên; vào đấy, dù chỉ tá túc, thì không khéo cũng đến phát điên lên thật. 
 Khắp các gian thờ, ban nào cũng thấy khói hương nghi ngút, hoa quả phẩm oản bày la bày liệt. Thời gian gần đây lại thấy có cả những đĩa đựng tiền, tiền thật ấy! Có đĩa, nhìn thoáng qua cũng thấy có đến cả mấy chục ngàn bạc. Các nhân linh phàm tục đã đành, không lẽ Phật cũng cần thứ này? Tôi không tin điều đó, tôi nhất quyết cho rằng làm như thế là không phải với các Ngài.
Tôi kính cẩn đặt lễ, thắp hương, khẽ khàng ngồi xuống chiếu, ngay sau sư bác. Sư bác vẫn ngồi ngay ngắn; bàn tay trái duỗi thẳng tựa một cánh lá đa bánh tẻ, đưa lên trước ngực; bàn tay phải cầm chiếc dùi, gõ đều đều lên mặt chiếc mõ đã mòn lõm từ bao giờ. Phía trước thày, trên cái kệ nhỏ, là một pho Kinh viết bằng chữ nho, lâu ngày đã sờn hết cả mép. Bên tôi là một bà đứng tuổi, đầu tóc gọn ghẽ; chiếc áo vinilông màu xanh trên người bà khiến tôi liên tưởng đến tờ bìa sờn rạn của pho kinh đang để trước mặt sư bác. Khuôn mặt  khá cân đối của bà được thoa nhẹ một chút phấn, vừa đủ như những người có văn hoá vẫn làm, nhưng vẫn không giấu nổi cái vẻ khắc khổ lộ ra nơi ánh mắt và những vết chân chim kéo dài thành mấy đường cong không đều từ nơi đuôi mắt xuống tới chớm gò má. Có lẽ ngày còn trẻ, bà đã từng là một cô gái có nhan sắc. Thỉnh thoảng bà lại cựa quậy, khuôn mặt lúc ửng đỏ, khi tái nhợt, không giấu được vẻ bồn chồn thảng thốt của một tâm trạng đang có điều gì đó bất ổn.
Một chị to béo hừng hực, mắt sắc môi cong, son phấn tưng bừng, lễ mễ đi vào với một chiếc làn nhựa màu đỏ rực, đầy ắp những đồ lễ.
Tôi khép mi mắt lại, cố gắng tập trung đọc theo những lời kinh đang được sư bác đọc dẫn. Không giống những lần trước, trong không gian ngát hương nơi nhà Phật, tôi bắt đầu cảm thấy có một cái gì đấy thư thái dễ chịu lạ lùng. Lúc sau, tâm trí tôi bắt đầu trở nên phiêu diêu bồng bềnh, tựa như không phải của mình nữa … Tôi nhận ra mình như đang lạc vào cõi nào đấy, sáng láng và lạ lẫm vô cùng. Đâu đâu cũng thấy những hoa là hoa; có rất nhiều người, ai cũng mặc quần áo đẹp đẽ, đi đứng khoan thai thoải mái: Áo the khăn xếp cũng có, complet mũ phớt cũng có, áo tứ thân nón thúng cũng có, áo dài sài gòn nón bài thơ cũng có … thật là hoa cây hoa người, muôn hồng nghìn tía. Ai ai cũng cười, cái cười trông thấy chỉ muốn tin ngay; khuôn mặt ai ai cũng sáng rỡ, chỗ nào cũng chỉ thấy những lời thân ái, những cử chỉ đẹp đẽ khoan hoà. Rồi bỗng Phật xuất hiện … Ngài để đầu trần, đi giày rơm, vận chiếc áo cà sa đã cũ nhưng vẫn lành lặn. Ngài tươi cười đi đến, tà áo phất phơ trong gió, phảng phất mùi mồ hôi của các kiếp chúng sinh. Ngài thong thả cúi xuống, dịu dàng cầm lấy bàn tay tôi, ôn tồn ấm áp như người cha đã khuất của tôi: “Các con của con sẽ khoẻ mạnh ngoan lành. Hãy hết lòng chăm sóc chúng. Chúng là những người hữu dụng cho đời đấy”. Tâm hồn sướng vui dào dạt, tôi vừa định nói lời cảm tạ và hỏi Người về người cha đã khuất của mình thì thấy thân thể như lạng đi, nhẹ bẫng … Sao thế này ? Ôi, hình như thân xác tôi không còn vương chút bụi phàm nào … Bỗng “Xoảng”, tôi choàng tỉnh, người lảo đảo, xuýt thì ngã ập xuống chiếu. Mở mắt, định thần, thấy chị béo vẫn đứng bên ban thờ chính, dưới chân là chiếc đĩa vỡ làm mấy mảnh, đây đó lăn lóc mấy quả cam quả xoài, cái oản. Tôi đứng dậy, rón rén đi lại phía chị, giúp chị thu nhặt những đồ lễ, bày lại và thận trọng đặt lên ban. Sau cùng, chị đưa cho tôi cái đĩa đựng một xấp tiền một ngàn mới cứng: “Em nhanh nhẩu, lại khoẻ mạnh cao ráo, đặt giúp chị cái đĩa này vào phía trong với”.
Kết thúc bài kinh cầu phúc, sư bác chậm rãi đứng dậy, chắp tay trước ngực chào các phật tử rồi từ từ lui vào phía trong. Mọi người tản ta. Bà mặc áo vinilông màu xanh cũng đứng dậy, khuôn mặt nom có vẻ còn nhợt nhạt và hồi hộp hơn lúc ngồi lễ, đi xuống dưới dãy nhà ngang, nơi có mấy ban thờ sư tổ và thờ mẫu. Tôi cũng ra khỏi gian thờ chính, bước xuống sân, định bụng dạo một vòng quanh vườn chùa, hít căng lồng ngực làn hương thanh tịnh đang toả ra từ tán mấy cây đại xù xì u bướu cho tăng thêm cái sự thanh thản mình vừa thụ lãnh được, thì bỗng trông thấy chị béo đã đang ngồi trên chiếc ghế kê dưới một gốc ngâu già. Sẵn cái thắc mắc vẫn đang âm ỉ trong người về cái sự cúng tiền của chúng sinh, tôi tiến lại chiếc ghế, mỉm cười với chị:
- Chị có thấy mệt không?
Chị tròn mắt, vỗ vào vai tôi đánh bét, rồi cười phớ lớ:
 - Em chả hiểu gì cả! Đến cửa Phật, chưa có ai thấy mệt bao giờ. Có hôm, chị đang khật khừ ốm dở, thế mà đến đây là thấy khỏi bay khỏi biến, thế mới tài chứ!
Thấy chị vui vẻ bắt chuyện, tôi mới lân la:
- Mô Phật, sao chị lại cúng nhiều tiền thế?
Chị nhìn tôi, mắt ánh lên những tình thương hại, thương cho một kiếp chúng sinh nông nổi, vẫn chưa thoát khỏi cái vòng tối tăm mông muội thường tình. Rồi chậm rãi, chị ân cần giảng giải:
 - Rõ thật người đời! Để chị nói cho mà nghe: Mỗi khi cúng xong, chị để lại vài nghìn, cũng gọi là tấm lòng hương khói cho các Ngài; còn lại, là những đồng tiền đã được các Ngài ban cho phúc lộc,  chị đem buôn bán thì sẽ phát tài phát lộc.
- Vậy là Phật lại phụ trách cả mảng tài chính nữa hả chị?
 - Chứ sao ! Ngành nào Ngài cũng phụ trách được. Bây giờ thì cô đã hiểu ra rồi đấy. Phật là vô biên, vô tư; việc gì Ngài cũng siêu, biết không?!
 Chợt có tiếng lao xao ở dãy nhà dưới: “Kìa, sao lại đi lấy tiền cúng của người ta?”. “Ai lấy?”. “Nó đâu?”... Rồi có tiếng người la lên: “Bắt lấy nó, cái mụ ấy đấy!”. Vừa lúc bà mặc áo vinilông xanh bước rảo ra đến cửa thì thấy một bà khác chồm tới, túm chặt lấy cổ áo, giật lại. Bà mặc áo vinilông xanh lạng người, cái cổ áo bị kéo quá mạnh, thít vào cổ làm cho đôi tròng mắt bà như bị lồi ra. Lập tức, một vòng người nhanh chóng hình thành. Người chỉ trỏ, kẻ xỉa xói, rồi bàn tán, rồi nhớn nhác ... “Dẫn mụ vào trình sư cụ!” – vẫn cái giọng ấy thét lên. Thế là cả cái đám người ấy tùng dinh, giải bà mặc áo vinilông xanh lên dãy nhà chính, đi vào căn phòng đầu hồi của sư cụ.
 Sư cụ là một cụ bà đã ngoài tám mươi, vóc người nhỏ thó, đôi mắt tinh anh hiền hậu.   Đứng trước mặt là mình là các khuôn mặt đang đỏ tía, đầy nộ khí xung thiên, cụ không thể hiểu ngay được việc gì đã xảy ra, bởi ở ngôi chùa này, từ trước, chưa bao giờ xảy ra một việc tương tự. Tuy có kinh nghiệm giao tiếp với cụ, song sư bác cũng phải vất vả lắm mới làm cho sư cụ hiểu ra sự thể. Cụ nhìn người đàn bà đang khổ não, xấu hổ đứng trước mặt hỏi:
- Mô Phật, thế nhà bác đã lấy bao nhiêu rồi?
Bà mặc áo vinilông xanh, đầu tóc rối tung, áo khăn xốc xếch, ngượng ngịu móc túi, lấy ra một nắm tiền, khẽ khàng đặt lên mặt bàn. Toàn tiền lẻ, tiền hai trăm và năm trăm là phần nhiều; lác đác cũng có mấy tờ một hai ngàn. Chẳng ai khiến, chị béo đang đứng cạnh tôi, săm sắn rẽ những người đứng trước mặt, te tái bước đến bên bàn và bắt đầu nhặt từng đồng tiền hôi ẩm cong queo nhầu nhĩ đủ kiểu, xếp lại ngay ngắn.
- Hai mươi bốn ngàn đồng chẵn! – Chị béo tuyên bố dõng dạc, sau khi đếm xong.
Nhìn người đàn bà mặc áo vinilông xanh, không giấu được sự khinh bỉ, đầu tôi ngùn ngụt bốc hoả, mắt tôi như tối sầm lại. Rồi không rõ ma xui quỷ khiến thế nào, tôi hùng hục chạy ra ngoài phố, nhờ điện thoại cầm tay của một cậu thanh niên đang đứng chờ xe buýt, hối hả gọi cho cảnh sát khu vực gần đấy. Trở vào chùa, thấy sư cụ vẫn đang hỏi bà mặc áo vinilông xanh:
- Sao con lại làm thế?
Bà mặc áo vinilông xanh xụp xuống, quỳ trên hai đầu gối, nét mặt vô cùng đau đớn, tủi hổ:
- Lạy cụ, xin cụ tha cho con ! Từ rày con không dám làm thế nữa!
 - Con hãy cứ trả lời ta đi – Sư cụ hiền từ nhắc lại.
Trong sâu thẳm của đôi mắt một người đã nhiều năm theo Phật hành thiện, tôi nhận ra tấm lòng của một người mẹ, một người mẹ đẻ.
- Nói đi con! – Cụ nhẹ nhàng khích lệ.
 Bà mặc áo vinilông xanh gục mặt xuống, nức lên, nức mãi, không sao trả lời được. Chỉ thấy đôi vai gầy guộc của bà không ngừng so lại rồi nhô lên theo từng nhịp nức nở.
 - Ừ, thì con cứ khóc đi; chả ai thích phải khóc, nhưng nước mắt cũng không hẳn là thứ thừa, thứ bất hạnh đâu – Cụ từ từ đưa tay, dịu dàng vén lại mái tóc đang bị xoã xổ của bà mặc áo vinilông xanh – Con là người tử tế, ta biết thế đấy, sẽ không có ai bắt tội con đâu. Cứ khóc cho thoả đi, rồi mà về nhà với chồng con của con.
Lúc ấy, có tiếng chân người rầm rập chạy trong sân. Mọi người giãn ra, nhường lối cho mấy viên cảnh sát bước vào.
- Nó đây à? – Một viên cảnh sát trẻ măng lấy tay trỏ vào bà mặc áo vinilông xanh, phát âm ra cái câu hỏi ở dạng thức khuyết chủ ngữ ấy bằng một thứ ngữ điệu bảy phần quan nha, ba phần lính tráng.
Tất cả đứng lặng, bối rối, không biết phải nói gì, phải xử trí thế nào. Sư cụ từ từ nói:
 - Nhà bác ấy vất vả, khốn quẫn quá nên mới làm ra như thế. Thôi, chín bỏ làm mười, các chú bỏ qua cho bác ấy.
 - Không được! – Vẫn viên cảnh sát trẻ tuổi ấy nói, giọng hơi nhịu – Pháp nuật thì vẫn phải phân miêng kiêng quyết. Có tội thì phải xử ný tiệt để.
 Nói, rồi anh ta kiên quyết nắm lấy tay bà mặc áo vinilông xanh lôi đi.
 - Khoan! - Sư cụ giơ tay lên, làm hiệu ngăn lại – Các chú nhẹ tay cho, chưa đến nỗi phải chuyên chính như thế!
Rồi cụ quay sang sư bác, nói khẽ:
- Trích quỹ công đức hai trăm nghìn, đỡ cho nhà bác ấy trong lúc khốn khó.
Sư bác nhìn sư cụ, ngần ngừ một lát, rồi đi vào nhà trong. Lát sau, quay ra với món tiền trên tay, trao cho bà mặc áo vinilông xanh.
- Con đội ơn Phật, con đội ơn cụ! – Bà mặc áo vinilông xanh oà khóc.
Sư cụ buồn rầu, xây người ra phía cửa xổ, phẩy tay:
 - Thôi, đưa người ta đi. Luật pháp cũng không làm khó cho người khốn cùng đâu mấy chú ạ.
Mấy viên cảnh sát không nói gì, lẳng lặng đưa bà mặc áo vinilông xanh cùng với gói vật chứng là hai mươi bốn ngàn đồng bạc lẻ ra khỏi chùa. Nhìn theo đám người áp giải phạm nhân ấy, sư cụ lẩm nhẩm, như chỉ để nói cho riêng mình:
- Khổ thân, có hai mươi tư ngàn bạc!
- Cụ xử như thế chỉ làm hư người ta ! - Sư bác khẽ cằn nhằn.
- Sinh tái vạn vật … Mô Phật ! Hai mươi bốn là số của quẻ Khôn …
Sư cụ lẩm nhẩm nói một mình, dường như không để ý đến lời trách móc của sư bác. Rồi đột nhiên, cụ mỉm cười, thủng thẳng:
 - Ừ, mà công an người ta bắt đi lại hoá tốt đấy. Lấy có ngần ấy tiền, cũng chỉ nhốt một buổi là thả thôi mà; còn hơn là để bà ấy ra khỏi cổng một mình, không chừng gặp mấy người nóng nẩy, bị người ta đánh cho thì khổ!
Tôi theo mọi người tản ra ngoài. Chị béo đi bên tôi, nói nhỏ:
 - Có lẽ cụ nói đúng. Nom kỹ, cái bà ấy cũng chẳng phải là người giảo. Biết đâu chồng con lại chẳng đang bị bệnh nặng mà không có tiền thuốc thang … hoặc là đang gặp phải cái gì đấy kiểu kiểu như thế! Ôi dào, bây giờ mình đang thế này, ai mà biết được sau này mình có bị khó như thế không?
Tôi ngoảnh đi, giấu bộ mặt khê bì, khẽ chào chị và bước vội ra phía cổng chùa. Buổi chiều hôm ấy, tôi như kẻ mất hồn. Rồi cả đêm ấy, đầu cứ nóng rần rần, thảng thốt trong nỗi hổ thẹn day dứt. Tôi đã cố làm đủ cách mà vẫn không sao chợp nổi mắt.
Sớm hôm sau, đến cơ quan, gặp giám đốc kiêm bí thư đảng uỷ đang đi ngược chiều trong hành lang nhà làm việc; mùi X-men hăng khét phả xộc vào mũi, khiến tôi xuýt nữa thì hắt xì hơi. Trong người chợt dâng lên một nỗi chán ngán, bất cần, tôi lướt qua hắn, thản nhiên như gặp một người chưa hề quen biết. Đi một đoạn, không hiểu sao, tôi ngoái đầu nhìn lại, thấy hắn cũng đang đứng lại, mắt ngó tôi trân trân, khuôn mặt không giấu nổi vẻ ngỡ ngàng. Trong cơ quan này, hình như hắn chưa gặp phải điều ấy bao giờ. Đến cuối hành lang, tôi lại gặp Hoà. Hoà cũng trố mắt nhìn tôi:
- Mặt cậu hôm nay trông dày dày, nằng nặng làm sao ấy!
Tôi đưa tay sờ lên má, rồi véo thử:
- Ừ,  dày dày bi bỉ!
- Thử đi khám xem thế nào.
- Chẳng bác sỹ nào chữa được đâu – Tôi lắc đầu, chán ngán.
- Ác bệnh ư?
- Ừ.
Tôi cười, lơ mơ và thẫn thờ bước tiếp, mặc cho Hoà vẫn đứng nhìn theo mà chẳng hiểu ra thế nào.
Ôi, nếu Sư cụ nhìn thấy nụ cười của tôi lúc này, người sẽ nghĩ gì?
Và nếu trông thấy vị thủ trưởng “hai trong một” của tôi đang đứng ở phía cuối hành lang, với nét mặt và bộ dạng như thế kia thì Người sẽ nói gì?