Truyện ngắn
Có tiếng hỏi từ phía dưới vọng lên lẫn trong tiếng gió u u, âm âm:
-Anh còn ngủ hay sao vậy?
Tiếng đáp lại ở phía trên có vẻ mệt mỏi:
-Dạ. Không hiểu sao suốt đêm qua tui không ngủ được!
Tiếng hỏi vọng lên đầy lo lắng:
-Anh có sao không?
-Dạ. Tui không sao…
Một chút im lặng rồi tiếng nói ở phía trên lại tiếp:
-Mấy đêm rồi tui mơ lại chuyện cũ. Nó ám ảnh kinh khủng…
-Vậy sao?
-Nó làm tui mất ngủ…
Im lặng.
-Tôi lên với anh nhé!
-Dạ!
Im lặng. Hình như hai người nói chuyện đã ngồi đối diện với nhau.
-Những chuyện cũ luôn làm ta bồn chồn…
-Dạ!
Im lặng.
-Đêm qua tôi đã ngủ được chút ít, có lẽ do vết thương đỡ đau…
- Dạ! Thế thì tốt quá rồi!
-Trong giấc ngủ, tôi mơ thấy mình đang tắm sông. Mà tắm truồng như hồi còn chăn trâu, cắt cỏ…
Giọng kể lắng xuống:
-Con sông Châu quê tôi đẹp lắm. Nước lúc nào cũng trong xanh, hai bên bờ là những bãi mía. Người dân trồng toàn loại mía có hàm lượng đường cao nên rất ngọt, ăn xong hai bên mép cứ dính dính như có mật. Mỗi tội vỏ mía dày và rắn. Bãi mía ấy là của hợp tác xã trồng để bán cho nhà máy đường. Buổi trưa đi học về muộn, đói bụng quá, lũ học trò chúng tôi thường lẻn vào ruộng mía bẻ trộm mía để ăn. Nhiều lần bị bảo vệ hợp tác bắt giong về giao cho gia đình. Lần nào mẹ tôi cũng phải ký vào biên bản chịu trừ công điểm. Khi bảo vệ hợp tác đi rồi, mẹ tôi bẻ que tre ở hàng rào làm roi, bắt tôi nằm xuống tấm phản gỗ, quất như phủi bụi vào đít tôi. Mẹ vừa đánh vừa quát: Hư này! Hư này! Ai dạy đi ăn trộm mía này! Quất tôi vài roi rồi mẹ ngồi thụp xuống, ôm mặt tấm tức khóc. Tuy không đau nhưng tôi khóc hu hu và ôm lấy mẹ. Thấy thương mẹ quá!...
Người kia chợt sụt sùi:
-Sinh ra ở thành phố. Cha tui đi làm công sở. Má tui có sạp hàng kha khá ở chợ Bến Thành. Có mình tui là con trai nên ông bà cưng lắm. Muốn chi là được đó liền à. Hồi nhỏ tui cũng phá dữ lắm. Đi học về là quậy. Cha tui, ổng có con chim sáo biết nói. Ông cưng nó hết chỗ. Một lần tụi bị cha tui la. Sau nó cứ thấy tui là nó la giống như cha tui vậy làm tui hết chịu nổi. Tui hại nó chết, ông giận tui cả tuần không thèm ngó tới tui. Hôm tui đi học về bị mưa, cảm lạnh, sốt mê man. Nửa đêm tỉnh dậy, thấy ổng ôm tui, ổng khóc. Khi đó tui chưa hết giận ổng. Tui cứ nghĩ ổng thương con sáo hơn tui… Sau lớn, đôi lúc nghĩ lại thấy thương ổng quá!...
- Ừ. Ai cũng có những trò dại dột khi còn là trẻ con… Mà không, khi lớn rồi cũng chắc gì đã khôn. Không biết anh có nghĩ thế không?
- Dạ. Chắc là có!
-Nhà tôi cũng có mấy anh em. Vào thời buổi đất nước chiến tranh, anh em chúng tôi lớn lên đến đâu là ra mặt trận đến đấy nên hầu như chả giúp được gì cho cha mẹ. Tôi là út, được ưu tiên đi học nhưng mới học hết năm thứ nhất, theo lệnh tổng động viên, thế là xếp sách vở lên đường. Chúng tôi tự nguyện. Có nhiều anh còn lấy máu mình viết đơn xin ra mặt trận…
Im lặng một lúc, người kia khẽ nói:
-Tụi tui thì không. Nhiều người trong tụi tui không thích đi lính. Họ trốn không được. .. Còn tui… Tui giận cha tui nên tui vào lính… Khi bị đẩy ra mặt trận tui mới thấy sợ… Tui đã mấy lần bỏ trốn mà không thành.
-Thì ai đối mặt với cái chết mà không sợ! Thằng nào nói không sợ là nói phét!
-… Anh cũng sợ?...
-Ừ! Trận đầu sợ vãi đái ra quần ấy chứ! May mà sau trận ấy trời mưa to. Rút về cứ, anh nào anh nấy ướt như chuột lột cả! Nhưng sợ thì sợ, tôi không nghĩ đến chuyện đào ngũ. Với chúng tôi, chuyện đào ngũ là nhục nhã lắm. Nỗi nhục không chỉ của một cá nhân, một gia đình mà của cả dòng họ. Ở quê tôi, thanh danh dòng họ là quan trọng lắm!
-…
-Thôi, mặc kệ dòng họ dòng hiếc. Này, tò mò tí nha! Anh đã có người yêu chưa? Khi anh ra trận ấy?
-Dạ chưa…Mà cũng không hẳn…
-Là sao?
-Trước khi vào lính, tui thích một cô bạn cùng phố. Cô ấy dễ thương lắm! Con gái một của ông thiếu tá an ninh. Cô ấy không nói thích tui nhưng lại thường đòi tui chở đến vườn hoa Tao Đàn. Cô ấy thích ngồi đọc sách dưới bóng cây. Vườn hoa Tao Đàn có nhiều cây đẹp lắm. Với lại khi biết tui vào lính cô ấy khóc suốt. Khi tui ra trận, cô ấy gởi tặng tui một tấm hình của cô ấy. Tiếc là tui không giữ được để khoe với anh…
-Thế là yêu hay chí ít là cũng ở ngưỡng cửa của yêu rồi!
-Dạ. Cũng không biết nữa! Cùng đi chơi với nhau, mấy lần tui thèm hôn cô ấy lắm mà không dám…
-Cô bé nghiêm lắm à?
-Dạ không. Cô ấy có vẻ như chờ đợi. Tại những lúc ấy tui run quá!... Sao anh cười? Giờ nghĩ lại tui cũng thấy mình thật mắc cười…(cười bẽn lẽn)
-Hì hì…Tại tôi thấy cũng có phần giống anh nên cười. Tôi cũng có một cô bé. Khi đó tôi lại không hiểu tôi có thích cô bé ấy không vì năm tôi vào đại học cô bé mới học hết lớp bảy. Hồi đó chúng tôi học hệ mười năm. Tối hôm trước đi B, chúng tôi ngồi bên nhau trên bờ đê đầy cỏ may. Hoa cỏ may đâm vào người cũng không làm chúng tôi khó chịu. Khi ai phải về nhà nấy, cô bé mạnh dạn bảo: Anh hôn em đi! Tự nhiên tôi cũng cảm thấy hai đầu gối mỏi kinh khủng. Cô bé chưa cao bằng vai tôi. Tôi đánh bài hẹn: Để dành đến ngày chiến thắng anh về…Thế là không hôn… Thực ra là tôi chưa kịp yêu.
Lặng ngắn.
-…Khi đi đánh trận các anh tin là mình sẽ thắng à?
-Ừ. Tin. Nhưng chỉ chưa biết chắc là bao giờ thôi. Bác Hồ đã nói: “Dù năm năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa…”, rồi nơi nào trên miền Bắc cũng thấy khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lươc!”. Mà Mỹ thua là chúng tôi chắc thắng rồi!
Người kia nói, giọng đầy vẻ ân hận:
-Cái trận cuối cùng của anh và tui. Bọn tui phục sẵn ở đó biết chắc thế nào các anh cũng đi qua, thế mà khi phát hiện ra các anh tự nhiên tui sợ hết vía cứ nhắm mắt lia súng kéo cò…
-…
-Lúc nằm phục tui nhủ sẽ bắn chúi xuống đất. Hết đạn là rút êm, rồi thấy các anh đánh trả dữ quá, đâm hoảng…Phải chi không quá sợ, tui không bắn phải anh…
-Thì không trúng tôi cũng trúng người khác… Mà thôi, anh đừng tự dày vò về chuyện ấy. Chiến tranh mà. Ai lại chẳng quý cái mạng của mình… Hình như trời lại sắp mưa to. Mình mải chuyện nên không để ý mây đen đã kéo đầy trời.
-Thảo nào từ dưới này nhìn lên cứ như sắp tối…
-Thôi tôi xuống nhé! Kẻo tí nữa mưa to lại không về được!
-Dạ! Mưa ở đây vừa lớn lại vừa lâu…
-Ừ. May mà tụi mình mắc kẹt sâu trong vách khe chứ không thì đã bị nước cuốn trôi mỗi thằng một nơi tự đời nào rồi! Mà thế thì kinh khủng lắm!
-Dạ… Anh để tôi đỡ…
-Tôi xuống được mà. Cám ơn anh! À mà quên tôi chưa hỏi. Chỗ vết thương của anh?
-Dạ. Cũng khi đau khi không. Anh xuống chầm chậm thôi!
-Được rồi!
Mây mỗi lúc một nặng, cảm giác như bầu trời trĩu xuống. Người bên trên nhìn hút theo bóng người đi xuống bên dưới. Họ đứng và đi chẳng bằng con đường nào cả.
Mấy hôm sau chờ mãi không thấy ở bên dưới động tĩnh gì. Người ở trên nghiêng đầu, vươn cổ lắng nghe. Mãi sau mới thấy tiếng rên nho nhỏ từ phía dưới, anh vội gọi:
-Anh ơi! Anh có làm sao không?
Lại nghe thấy tiếng ú ớ một lúc, người ở trên hỏi đầy vẻ lo lắng:
-Anh sao vậy?
Lúc sau mới nghe rõ tiếng người ở dưới đáp:
-Tôi không sao!
Không yên tâm, người ở trên bảo:
-Tôi xuống với anh nhé!
-Ừ. Xuống đây!
Giờ họ lại ngồi cạnh nhau như mọi bận.
-Nghe tiếng anh rên, nghĩ anh lại đau, tôi lo quá!
-Trong khe đá lạnh nên đau là thường. May mà hôm rồi chỉ là cơn mưa cuối mùa. Có lẽ đã bắt đầu vào mùa khô…Anh ngủ được không?
-Dạ cũng được! Còn anh?
-Cũng ngủ được. Khí hậu khô ráo nên dễ chịu hơn nhưng lại có thêm một giấc mơ lạ...
-Dạ.
-Giấc mơ khiến tôi thảng thốt quá, may có anh xuống chứ nếu một mình thì tôi không chịu nổi.
-Dạ.
Im lặng.
-Ngày xưa thì toàn mơ được những giấc mơ đẹp. Đẹp đến đến nỗi mẹ gọi mãi vẫn không muốn dậy. Mà dậy rồi lại cố nán ngủ thêm để mong được mơ tiếp… (cười buồn).
-Dạ. Tui cũng có thời vậy đó… Mà anh cho tui hỏi nghe.
-Ờ, hỏi đi!
-Anh kể giấc mơ lạ của anh…
-À…(cười buồn). Sợ anh buồn…
-Thì xin chia sớt nỗi buồn với anh mà! Anh đừng ngại…Trước nay sự chia sớt, thông cảm của anh đã nâng đỡ tui rất nhiều.
-Thì tôi kể vậy. Tôi thấy mình đang đứng trên mỏm đá nhô ra bên sườn núi, nơi mà thi thoảng ta vẫn dìu nhau leo lên đó để được nhìn thấy bầu trời rộng hơn ấy. Ừ. Tôi đang đứng ở đấy, đang nhớn nhác trông vời ra xung quanh vì không thấy có anh đứng bên cạnh như mọi bận thì nghe thấy tiếng có ai đó gọi tên mình. Tiếng gọi nhỏ lắm, xa lắm nhưng đúng là gọi tên mình. Tiếng gọi ấy cũng lạ hoắc. Tiếng một người phụ nữ. Tôi đang phân vân không biết có nên đáp lại tiếng gọi của người đó không thì lại thấy như đã đến rất gần người ấy. Tôi nhận thấy đó là một người phụ nữ lạ, không còn trẻ nhưng cũng không phải già. Người ấy có gương mặt thật nhân hậu và cũng toát lên sự quyền uy khiến tôi nhớ đến anh Khiêm, đại trưởng của tôi xưa. Đại trưởng của tôi hiền lắm, rất tâm lý, rất thương chiến sĩ của mình nhưng đại trưởng đã quyết điều gì thì không lay chuyển nổi. Anh ấy xung trận như vào chỗ không người. Vào trận xáp lá cà thì quân địch cứ gọi là đổ như chuối bị phạt ngang cây…
Chợt như thấy mình lỡ lời nên vội dừng lại, gương mặt anh ửng đỏ lộ vẻ bối rối nói:
-Xin lỗi… tôi không nên…
Người nghe chuyện thấy vậy liền bảo:
-Không có sao đâu anh. Đó là lúc xung trận mà… (tuy nói vậy nhưng vẫn nhận thấy chút buồn trong giọng nói). Anh kể tiếp đi!
Người kể không nói về đại trưởng của mình nữa.
-Người phụ nữ ấy hỏi có phải đúng tên tôi là Vinh, Đỗ Quang Vinh không? Tôi không đáp vì nghĩ trên đời có chán vạn người mang tên Đỗ Quang Vinh như tôi. Thấy vậy, người ấy lại hỏi: Quê anh ở làng Bẹo, xã Nghĩa Nam, huyện Nghĩa Đông, tỉnh… Chỉ cần nghe đến tên làng Bẹo là tôi biết đích thực người ấy gọi tôi rồi. Thế là tôi vội thưa: Có tôi! Người phụ nữ lại ấy bảo: Mẹ anh đang tìm anh, anh có biết không? Tôi nghe mà nghẹn đắng trong lòng nhưng vẫn đáp: Không! Người đó lại nói: Mẹ anh đã già lắm rồi. Bao nhiêu năm rồi cụ chỉ ước ao tìm được anh để đưa anh về thôi. Anh ở đâu thì cho tôi biết để tôi nói với người nhà đưa anh về với cụ. Nghe vậy, tôi mừng quá, vội kêu lên: Tôi ở đây! Tôi ở đây! Nhưng người phụ nữ ấy đã quay đi hướng khác…Tiếc quá!
-Dạ. Tiếc thật! Có thể ở nhà đang cố gắng tìm anh…Tui thì chẳng có ai. Giáp ba mươi tháng tư năm bảy lăm, cha mẹ tui theo người di tản cả rồi…
Im lặng.
-Anh đừng khóc! Dẫu sao mình cũng được phụ nữ tôn là phái mạnh…
-Dạ. Tui đâu có khóc! Mà mắt anh cũng ướt kìa!
-Đưa bàn tay anh cho tôi! Thế! Sao tay chúng ta cùng lạnh thế nhỉ?
-Dạ. (sụt sịt) Cũng không biết sao!
Im lặng.
-Anh. Ta lên chỗ mỏm đá trên kia đi. Hôm nay trời đẹp.
-Ừ.
-Khoác vai tui đi. Anh để tui dìu lên.
Họ đã đứng trên mỏm đá quen thuộc ngắm nhìn bầu trời. Họ có một bầu trời hình ô van lởm chởm góc cạnh qua khe núi trông như răng cưa. Một người nghiêng đầu, đặt bàn tay sau vành tai cố sức nghe ngóng. Một chút anh ta nói như reo:
-Có người đang gọi tên anh! Thiệt đó!
-Có người gọi à?
-Dạ. Đúng có tiếng gọi. Anh thưa đi!
-Ừ thì thưa. Có tôi!
-Chu cha! Tui cũng nhìn thấy người phụ nữ giống như anh kể. Lại còn có hai người đàn ông và một người đàn bà đi cùng. Họ đang thắp hương. Đằng sau họ hình như còn mấy người nữa. Người phụ nữ ấy đang chắc chắn với những người cùng đi rằng anh ở đây! Có đúng mấy người đi cùng là người nhà của anh không?
-Ừ. Đúng rồi! Người đàn ông lớn tuổi là ông anh giáp tôi. May quá! Thì ra anh ấy còn sống. Còn người đàn bà…trông quen quen nhưng không nhớ là ai…
-Họ khóc và gọi anh đấy. Anh trả lời họ đi!
Người phụ nữ nói với mấy người cùng đi:
-Tôi thấy dưới khe núi này có hai người thanh niên. Họ đang dìu nhau đứng trên một mỏm đá. Có lẽ họ cùng chạc tuổi nhau. Cả hai đều có vẻ vừa mừng vừa buồn. Để tôi hỏi xem ai là anh Vinh.
Người phụ nữ hỏi với xuống khe núi:
-Ở đây hai anh ai là Đỗ Quang Vinh?
Một người giục khẽ:
-Anh đáp lại đi! Lẹ lên!
Người kia ngập ngừng:
-Là tôi…
Người phụ nữ hỏi:
-Chỗ anh nằm ở phía trên hay ở phía dưới?
Không có tiếng trả lời. Một người khẽ hích vào vai người kia. Phải hai ba lần, người kia mới đáp vẻ miễn cưỡng:
-Ở phía dưới.
Người phụ nữ phấn khởi nói với những người đi cùng:
-Dưới khe núi này có hai người. Một người ở khe đá phía trên và một người ở bên dưới cách người bên trên chừng hơn chục mét. Người nằm bên dưới là anh Vinh.
Dưới khe, một người không kìm được tiếng thở dài:
-Thế là anh sắp được về với gia đình! Chúc mừng anh!
Người là Vinh không nói gì chỉ nắm chặt tay bạn. Trên bờ khe núi, một người cùng đi nói:
-Ta đưa cả hai người lên. An táng tạm người kia ở một nơi nào đó dễ nhận biết rồi báo cho thân nhân của họ đến đưa về nghĩa trang liệt sĩ địa phương.
Người phụ nữ có vẻ ái ngại:
-Người còn lại không phải là bộ đội. Là người của bên kia.
Lại hỏi:
-Là Mỹ hay ngụy?
Người đàn ông lớn tuổi đi cùng đoàn có vẻ giận dữ:
-Mỹ hay ngụy thì cũng là kẻ thù cả. Biết đâu chính nó lại là kẻ bắn chết em tôi!
Người đứng cùng Đỗ Quang Vinh ở mỏm đá dưới lòng khe cảm thấy lạnh cả gáy. Vinh xiết tay bạn mình chặt hơn.
Vẫn giọng nói giận dữ ấy:
-Chỉ cần đưa chú Vinh lên và rước về là được. Còn thì mặc hắn cứ việc ở đấy!
Không thấy người phụ nữ nói gì. Người đàn ông lớn tuổi nói như ra lệnh:
-Bắt đầu đi!
Người đàn ông trẻ hơn và một người chừng như là dân địa phương dòng dây bám theo vách đá leo xuống khe tìm kiếm. Họ cứ loay hoay kiếm qua kiếm lại trước mặt hai người cả mấy giờ đồng hồ mà không thấy được chỗ của Vinh. Họ hỏi lên trên bằng điện thoại di động thì thấy người phụ nữ trả lời đầy vẻ ngạc nhiên:
-Lạ quá! Lại không thấy cả hai người họ đâu nữa!
Người bạn hỏi Vinh:
-Sao anh lại không cho họ tìm anh?
-Tôi giận họ. Thôi, ta xuống đi!
Trên bờ khe, người phụ nữ kêu:
-Người nhà thắp thêm hương nữa đi!- Và chị khấn- Anh Vinh ơi! Anh linh thiêng thì xin để cho gia đình tìm thấy anh để đưa anh về với mẹ!
Vinh Giằn giọng:
-Tôi không muốn về một mình. Tôi ở lại với bạn tôi!
Người phụ nữ nói gì đó với đoàn người nhà của Vinh. Họ vội vàng hội ý. Sau đó người phụ nữ nói:
-Gia đình đã đồng ý theo ý anh. Nhưng còn ở quê, chính quyền địa phương đang chuẩn bị mọi thủ tục để đón anh về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ thì sao?
Vinh xiết chặt tay bạn mình. Anh đáp:
-Dù ở đâu tôi cũng phải ở với bạn tôi!
-Thế chắc là khó lắm! –Người phụ nữ nói.
Giọng Vinh chùng xuống:
-Chỉ có ai đó đã từng bị mắc lại lưng chừng vách đá nơi khe sâu hoang lạnh như thế này hay lạc lõng, mủn oải giữa rừng già gần nửa thế kỷ thì mới hiểu hết sự vô giá của tình bằng hữu!
Vinh chỉ nói thế rồi im lặng. Người phụ nữ gọi thế nào anh cũng không đáp. Lát sau chị nói:
-Xin anh chờ cho một lúc. Có điện thoại từ quê gọi vào. Hình như là của mẹ anh…
Nghe nhắc đến mẹ, ở lưng chừng khe, Vinh và bạn anh đều khóc. Chỉ nghe loáng thoáng tiếng người phụ nữ vâng, dạ, sau đó chị lại gọi:
-Anh Vinh ơi! Mẹ đang đợi các anh về! Cụ bảo phàm là người thì ai cũng đều do cha mẹ sinh ra cả. Cụ muốn giang tay đón cả hai anh!
Nghe đến đó, hồn vía bạn Vinh bất ngờ tan ra thành một làn sương mỏng làm Vinh phải đuổi theo mãi mới kịp.
Sài gòn 5/ 2010.
H.P.N
Đ/c : Hoàng Phương Nhâm
101-đường 1B-KP4-Phường Bình Hưng Hòa B-Q. Bình Tân – TP Hồ Chí Minh.