Trang chủ » Truyện

ĐÂY LÀ NHÀ CỦA TÔI!

Nghiêm Lương Thành
Thứ tư ngày 2 tháng 2 năm 2011 10:37 AM

Truyện ngắn
 Sinh ra làm giống người, không có được một cái mái che mưa che nắng, không có nơi để hương khói tâm linh, không có chỗ để phụng dưỡng cha già mẹ héo, không có nơi chở che cho vợ dại con thơ, không có một chỗ đi về cho chính mình, thực không đáng mặt đứng trong trời đất!
 Cao hứng thì nghĩ vậy, chẳng hại gì đến ai, chỉ là tự cho phép mình ngấm ngầm oai phong, phét lác một chút thôi mà. Ai có thể cấm ta âm thầm oai phong, làm phách một cách hiền lành chứ? Bởi, nếu ta nghĩ thì, đương nhiên, ý tưởng chỉ nằm trong cõi tâm tư trừu tượng, chẳng ai biết mà đồng cảm sẻ chia, chẳng ai hay mà kết quy tả hữu; cũng chẳng thể trở thành hiện thực để có thể làm cho bạn ta vui sướng, hoặc để có thể âm ỉ hành hạ tâm tư mấy gã giời đầy, bắt phải è cổ mang lấy cái tính chung thân đố kỵ trong người. Và, cuối cùng, cụ Nam Cao kính mến sẽ không bao giờ lần đâu ra được cơ sở thực tiễn khách quan để tạo nên một trang Chí Phèo có kích vóc kinh điển đến dường ấy.
 Nhưng tại sao lại cao hứng?
Cao hứng quá đi chứ! Cao hứng đến mức suýt nữa thì tôi đã vừa đi vừa nhảy chân sáo, trên vỉa hè, trước những cái lắc đầu, trước những ánh mắt ái ngại chân thành, chan chứa các loại nhân sinh quan của những người đồng bào đang tham gia giao thông và buôn bán dọc theo một con phố nhộn nhịp. Tôi cao hứng là bởi chỉ cách lúc ấy chừng mươi phút, tôi đã chính thức, tôi đã thực sự có một mái nhà riêng, nằm gọn trong khu vực của một dự án bảo tồn phố cổ, giữa một nơi tàng chứa rất nhiều văn và hiến. Rằng ngày mai, tôi có thể đứng giữa căn nhà ấy, tất nhiên là sau khi cẩn thận đóng kín cửa, trịnh trọng hét tướng lên: "Đây là nhà của tôi!"
Nhà của tôi là chỗ tôi có thể yên tâm thờ phụng cha tôi, là nơi tôi sẽ đón mẹ già về phụng dưỡng. Nhà của tôi là nơi che chở "nhà tôi" và đứa con sắp ra đời của chúng tôi. Của tôi, vâng, đúng là của tôi, cái đại từ sở hữu nhỏ nhoi tầm thường ấy… chưa bao giờ tôi cảm nhận được một cách sâu sắc phần ý nghĩa sâu thẳm, mênh mông, mê hồn và thiết thực của nó đến thế!
*
 Cha mẹ tôi là nông dân trăm phần trăm; nghĩa là chung thân chăm chỉ nhẫn nhục, quý trọng ngọc thực và thèm khát chữ nghĩa. Bởi vậy, chẳng nề khó nhọc, một nắng hai sương, chắt chiu kham khổ, các cụ đã đắc đạo nhẫn nhịn, đã dựng được một ngôi nhà gỗ ba gian hai chái bằng thứ xoan vườn trên hai sào thổ cư ông nội tôi để lại và cho anh em tôi theo học đến hết đẳng cấp đại học mới thôi. Vốn bẩm tính lãng mạn, thích trò chơi chữ, nên từ thuở bé tôi đã đem lòng yêu quý ngành báo chí - phát thanh. Em gái tôi thì khác, một cô bé có đầu óc thực tế, luôn đặt chữ thực lên trước chữ đạo, thì nhất định chỉ thi vào khoa tin học thuộc một trường quân sự. Em bảo vào đấy học thì được nhà nước nuôi, đỡ khó khăn cho cha mẹ, lại được tính là người nhà nước ngay từ năm mới vào học. Và nhờ phúc đức của ông bà và cha mẹ, chúng tôi đều được toại nguyện. Người làng thấy vậy, đùa vui bảo cha tôi khao. Cha tôi chỉ cười, bảo: "Đi học nghề ấy mà!". Hồi còn sống, có lần cụ nói với anh em tôi: "Sau này ra nghề, tìm nơi thuận tiện mà làm việc, sinh sống, không nhất thiết phải về làng. Chớ có nghe thiên hạ nghị luận xằng bậy phiền phức, việc mình mình làm, cốt sao không hại gì đến ai là được". "Phải đấy - mẹ ngồi bên cha, đồng tình - miễn sao chúng mày được tiến bộ, sung sướng là cha mẹ thoả lòng rồi".
Khi tôi mới tốt nghiệp, em gái đang học năm thứ ba thì chẳng may cha tôi mất. Cả nhà buồn bã ngác ngơ, em tôi choáng váng, suy sụp, suýt nữa thì bỏ học. Cũng may tôi xin được việc làm ngay, trong một toà báo có tiếng, nên khéo thu vén, mẹ tôi cũng chưa đến nỗi bị khổ. Công việc của tôi khá tốt. Tôi được sếp khen là văn khí hùng hồn, tư duy có lập trường và được giao phụ trách mục kế hoạch hóa gia đình. Năm trước, trong một cuộc hội thảo chuyên ngành, tôi đã sướng đến phát điên lên bởi được biết khá nhiều đài truyền thanh phường xã đã thường dùng những bài viết trong mục này của tôi làm tài liệu phát thanh. Tóm lại, tôi vô cùng khâm phục ai đó đã phát hiện ra cái sự đẻ nhiều con là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo lạc hậu và rất mãn nguyện, rất yêu quý, rất tự hào về công việc của mình.
Nhờ có đôi mắt đen ngờ ngệch, cái nết ít mồm miệng, luôn chân luôn tay thừa hưởng được của mẹ, em tôi đã sớm gặp được người "hảo cầu" và đã lập gia đình ngay sau khi tốt nghiệp. Hai vợ chồng đều là quân nhân nên có điều kiện được chia đất làm nhà ngay. Tôi, người ta vẫn bảo nom tinh khôn hơn em gái, thì vẫn tá túc tại nhà một người bạn ở phố Hàng Hòm. Cha mẹ và anh em của Lợi - người bạn cho tôi tá túc - vẫn bảo thủ được cái chất nông dân do các bậc tiên nhân mang ra kinh kỳ từ hơn trăm năm trước nên căn nhà có hơn ba chục mét vuông mà hóa vẫn thênh thang. Tuy vậy, dù sao, tôi vẫn là một gã lang thang, ăn nhờ ở đậu, chưa có căn bản. Em tôi bàn với tôi: Về nói với mẹ bán cái cơ ngơi ở quê, rồi anh em chắt bóp, tiết kiệm thêm vào, mua một căn hộ be bé, đón mẹ về ở cho nó ổn định, sống có mẹ có con, lúc trái gió giở giời đỡ khổ. Lợi cũng rất tán thành kế hoạch đó và đưa cho tôi cuốn sổ tiết kiệm của hắn, bảo: "Mua nhà nếu thiếu tiền thì cứ sử dụng, bạn bè mỗi đứa một ít, thêm tí nào hay tí ấy, bao giờ có thì trả; năm năm, mười năm hoặc... lâu hơn nữa cũng được. Không trả được thì cũng... phải đãi chúng tao một chầu bia hơi ra trò".
Thế là tôi bán nhà ở quê, mẹ tôi ra ở tạm với vợ chồng người em gái. Lúc ấy, tôi đã có bạn gái. Chúng tôi đi lại với nhau cũng đã hơn hai năm, nhưng chưa thể nói đến chuyện cưới xin vì nỗi nhà cửa chưa đâu vào đâu. Tôi hăm hở đi tìm nhà; khi thì đi một mình, lúc thì kéo theo cả Lợi. Giờ nghỉ trưa trong ngày làm việc: đi. Ngày nghỉ: đi. Bất cứ lúc nào có thời gian: đi. Gần: đi. Xa: đi, ngoại ô: đi. Nội ô: cũng đi. Lúc đầu thì hăm hở là thế, nhưng về sau đi thì đi thế thôi, đi cho nó hết nhẽ, cho khỏi phải ân hận, chứ đi nhiều sinh nản, niềm hy vọng trong đầu tôi cứ bé dần sau mỗi lần trở về, bởi giá nhà giá đất ở đâu cũng ngất nga ngất ngưởng đến chóng cả mặt. Thế mới biết, cái sự mua nhà khó khăn trầy trật và gian nan biết chừng nào; trách gì nó được liệt vào hàng ba việc lớn trong đời. Chỗ mình thích thì không đủ tiền, chỗ đủ tiền mua thì mình lại không ưng; đấy là chưa kể phải cẩn thận điều tra nào là có bị quy hoạch không, nào là có phải đất nhảy dù không, giấy tờ có hợp lệ không... thôi thì chẳng thiếu thứ gì mà không phải để tâm xét nét: chủ nhà là hạng người thế nào? Đất ấy lành hay dữ? Người chủ cũ làm ăn có được thuận không? Phong thủy gia trạch có bị nghịch không?... Đau hết cả đầu!
Em gái và bạn bè tôi bảo: Không thể cầu toàn được, việc gì làm được trước thì cứ làm, đợi cho thứ tự có khi lại hỏng hết việc lớn. Nghĩ cũng phải, lấy vợ là một việc lớn. Vậy là chúng tôi lấy nhau. Sau đám cưới, vợ chồng tôi chuyển về sinh sống ở phố "hàng bàn". Cũng may, cả hai cùng làm một cơ quan nên được công đoàn hỗ trợ và phòng hành chính thông cảm, cho ngủ tạm luôn ở phòng làm việc. Nghĩa là tối thì kê ghép những chiếc bàn làm việc thành giường; sáng sớm, dậy quét dọn phòng, kê lại bàn ghế và... làm việc!
Thế rồi, cái gì đến thì phải đến, vợ tôi đã có mang! Niềm vui thì khôn tả mà nỗi lo lại càng trở nên nặng trĩu. Không có nhẽ con tôi lại phải khổ từ lúc lọt lòng, không có cái túp nhà mà chào đời? Mẹ tôi đã có tuổi, thời gian ấy lại đang mệt; vẫn biết là đã có em gái em rể, nhưng không được gần mẹ vào những lúc mẹ ốm đau thì thật khổ tâm. Vì vậy, tôi lại hối hả ngược xuôi, ráo riết quyết liệt. Nghe người ta mách, đâu cũng đi. Báo chí rao vặt đã tích lại được cả mấy chồng tướng. Có bệnh thì vái tứ phương, quyết không dám lười biếng, coi thường sỹ diện, chẳng dám từ nan. Nhưng càng tìm bao nhiêu thì càng thấy vô vọng bấy nhiêu: sương khói mịt mờ, tầm nhìn xa trên... vài mươi mét! Cho đến một hôm, đang uể oải đạp xe về phố "hàng bàn", khi đi qua một ngõ nhỏ, chợt nhận ra tờ giấy đề hai chữ BÁN NHÀ đã ố vàng dán trên cửa một ngôi nhà nhỏ. Tôi biết tờ giấy này có đến hơn một năm nay rồi, nhưng biết thân biết phận mình không thể mua được nên liệt ngay căn nhà này vào loại "nho xanh" và mặc nhiên bỏ qua. Vậy mà hôm ấy, không hiểu giời xui đất khiến thế nào, tôi lại dừng xe chống chân ngắm nghía. Phân vân một lúc, bụng bảo dạ: Thì cứ xem, cho nó biết, mất gì đâu mà lại thêm hiểu biết có ích cho cái cuộc tậu nhà này.
Nếu trong tình yêu có những cú sét đánh thì trong việc mua nhà cũng có sét đánh đấy. Thật mà: Tai tôi ù đặc, đầu tôi choáng váng khi nghe bác chủ nhà nói giá bán. Tôi hoàn toàn không tin vào tai mình, vào thông tin mà người chủ nhà tử tế - chắc chắn, như đinh đóng cột, là tử tế - vừa đưa ra. Tôi cố nuốt nước bọt, như kiểu người ta vẫn làm khi đi tàu bay bị ù tai. Tôi kín đáo lấy móng tay cấu mạnh vào đùi để chắc chắn rằng thần kinh của mình vẫn hoạt động bình thường:
- Thưa, bác nói sao ạ?
- Tôi bảo là nhà có đủ giấy tờ hợp lệ - Bác chủ nhìn tôi, cười buồn bã và dường như trả lời tôi chỉ cốt cho phải đạo tiếp khách - giá bán là... và thoả thuận được thì sẽ giao nhà ngay sau khi thanh toán.
Tôi xin phép bác chủ về tham khảo ý kiến gia đình và sẽ quay lại vào hôm sau. Nói cho nó có lệ vậy thôi, chứ "gia đình" tôi, cái người tin cậy, có kiến thức về nhà cửa, cần bàn bạc lại chính là Lợi. Sau khi truyền đạt cho Lợi tất cả những thông tin tôi có được về ngôi nhà đó, Lợi cười phá lên:
- Hoang đường! Cậu bắt đầu học được cái lối đùa dai từ bao giờ đấy? Nhà như thế, ở ngõ phố ấy, tiền phải gấp đôi số tiền mình đang có!
- Thật đấy, đang nẫu cả người, ai mà đùa được! - Tôi yếu ớt thuyết phục.
Thấy tôi ngơ ngác, mệt mỏi, Lợi không nỡ làm tôi buồn, bảo:
- Thôi được, ngày mai cậu xin nghỉ phép, hai thằng sẽ đi điều tra cho rõ vụ này!
Quả là chúng tôi đã không uổng công. Qua dò la, tìm hiểu từ những người hàng xóm đủ loại: công chức, trí thức, buôn bán, hưu trí, thanh niên, trẻ nhỏ; rồi từ công an phường đến tổ dân phố, từ các quán nước đến một số văn phòng kinh doanh nhà đất... chúng tôi thấy không còn điều gì phải cấn cá, phàn nàn: chủ nhà là người hiền lành, có học, tốt bụng và sống dư dả; về quy hoạch thì hoàn toàn yên tâm vì nó nằm trong khu vực của dự án bảo tồn phố cổ. Ngoại trừ một điều: tại sao giá cả lại thế, mềm đến đáng ngờ! Thường nghe nói, những ngôi nhà mà chủ nhân làm ăn chật vật, con cái hư hỏng, vợ chồng lục đục bỏ nhau, hoặc các thành viên lúc nào cũng ốm yếu xanh xao mà không rõ nguyên nhân, hoặc đã từng có người tự tử... thì khó bán lắm, giá có rẻ cũng không ai muốn mua. Nhưng, dò la hỏi ra thì chẳng có cái gì giống như thế. Vậy còn muốn gì nữa, khi tất cả những điều khiến chúng tôi quan tâm đều hoàn hảo! Tôi đang mong có chỗ để đưa mẹ về ở, để đón đứa con đầu lòng ra đời, để vợ tôi đỡ khổ, có chỗ mà hong tã lót cho con và các thứ vân vân cho cả nhà; tiền thì ít, chỗ ở thì như trong mơ... còn chần chừ gì nữa? Kinh nghiệm bảo rằng: do dự là hỏng việc. Vậy là chúng tôi nghị quyết! Và bây giờ, tôi vừa hoàn tất việc thanh toán tiền mua nhà, đang đi trên vỉa hè của con phố có cái ngõ ấy với cái chìa khóa nhà kiểu cổ đúc bằng đồng mà bác chủ vừa chuyển giao, cất kỹ trong đáy túi áo và đang phải hết sức tỉnh táo, nghiêm khắc đè nén bản thân để khỏi bị rơi vào cái trạng thái hồn nhiên vừa đi vừa nhảy chân sáo, rất có thể khiến cho những người đang tham gia giao thông, đang làm ăn buôn bán dọc phố phải dừng chân dừng tay, ngẩn mặt chau mày, chép miệng thương cảm.
*
 Thông cảm với hoàn cảnh của tôi, gia đình bác chủ để lại cho bộ bàn ghế, cái giường và toàn bộ dụng cụ nấu bếp. Tôi chỉ phải mua thêm một cái giường cho mẹ và một cái tủ cho cả nhà. Sau đó xoay trần ra quét tước, lau rửa rồi lập tức đón mẹ và vợ về. Nhìn mẹ tôi ngó nghiêng và hài lòng với nơi để bàn thờ, với gian bếp sạch sẽ, ngăn nắp; nhìn vợ đứng giữa nhà, đưa tay xoa xoa lên cái bụng kềnh càng, vừa cười hiền hậu vừa cúi xuống dịu dàng thủ thỉ: "Con ơi, mình về đến nhà rồi đấy!", tôi không hãm được một tiếng thở phào nhẹ nhõm.
Các bạn, các đồng nghiệp của tôi cũng mừng cho tôi. "Phải rửa nhà chứ?" - "Tất nhiên rồi, tại sao lại không mừng đại sự nhỉ?". Ngày ấy thật là vui, họ hàng chú bác anh em ở quê, chẳng quản xa xôi, lặn lội hỏi thăm, tay xách gà sống thiến, vai mang gạo nếp, nách kẹp thêm chai rượu, nét mặt hân hoan, thăm hỏi tíu tít; bạn bè, anh em người đem hoa, kẻ mang rượu kéo đến, nói cười phớ lớ, chúc tụng vui vẻ. Cuộc vui kéo từ trưa cho đến tận chiều, cho đến khi chiếc loa truyền thanh của phường, lắp trên cây cột điện trước cửa nhà tôi, bắt đầu ọ ẹ phát ra chương trình thường nhật. "Hội ngộ, rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế... " . Chú tôi nghe loa hát rồi vui vẻ bảo: "Thế là lại có cả đài phát thanh miễn phí nữa, vừa được nghe ca nhạc, vừa được biết tin tức, lại tiết kiệm hẳn được khoản tiền mua máy thu thanh; cái anh này nhà mình thế mà may mắn đáo để!" rồi khà khà nâng cốc. Tiếng cười vui vẻ, tiếng loa truyền thanh rộn rã đầy nhà, chuyện trò với nhau phải nói to như quát (giống ngoài các quán bia hơi) mới thủng được. Cuộc vui tân gia kết thúc thực mỹ mãn.
Vợ tôi không chịu nghỉ trước khi sinh; cô ấy bảo là để dành ngày nghỉ để chăm con. Mẹ tôi, tính hay lam hay làm, tham công tiếc việc; ở nhà một mình, ngồi không ở nể cảm thấy bứt rứt khó chịu, thấy chỗ này chưa ổn thì sắp xếp lại, chỗ kia chưa sạch thì liền quét tước lau chùi; vợ chồng tôi nói thế nào cũng không được. Vì trước đấy, khi đang ở với em tôi, trong người đang mệt sẵn nên mẹ đâm ra ốm. Cũng đúng khoảng thời gian đó, vợ tôi trở dạ và cho tôi một bé gái kháu khỉnh. Đẻ con so, cô ấy lại vốn là dân viên chức mổ cò, cả ngày ngồi lỳ trước máy vi tính, ít vận động nên đẻ khó, bác sỹ phải xử lý chút đỉnh bằng dao kéo, kim chỉ và thuốc kháng sinh. Tôi xin nghỉ phép, chạy như con thoi giữa nhà và bệnh viện phụ sản, giữa mẹ và vợ con. Nỗi buồn, niềm vui đan xen lẫn lộn. Vừa mới cười nói đấy, thoắt cái đã thừ mặt rồi câm bặt.
Được gần một tuần, tôi thuê xích lô đưa hai mẹ con "về dinh". Trong "dinh", có mẹ tôi đang nằm trên giường, rất khó ngủ vì đã có tuổi, vì đau ê ẩm mình mẩy xương cốt, có vợ tôi đang là sản phụ đi tất trùm khăn, phải tiêm thuốc kháng sinh và con gái bé bỏng non nớt của tôi không may đã phạm phải giờ dạ đề khi chào đời. Mọi việc thuốc thang, giặt giũ, chợ búa, bếp núc... của gia đình một tay tôi bao quát hết. Từ nhỏ, đã bao giờ tôi phải quán xuyến việc nhà thế này đâu. Cũng rối bời một chút, cũng loay hoay một chút, nhưng rồi cờ đã vào tay tôi thì tôi cũng phất được, tuy không được phần phật lắm.
Đang là mùa xuân, tiết trời vẫn ẩm và lạnh, hoàn toàn không thích hợp với những người bị bệnh khớp. Hơn mười giờ tối, bóp chân bóp tay cho mẹ tôi được một lúc thì con tôi lại khóc. Tôi xoay sang dỗ con, đỡ cho vợ tôi vẫn còn đang yếu và mệt. Cái giống dạ đề, cứ thức ráo hoảnh về đêm, ẵm lên thì nín, đặt xuống là khóc. Hai bố con cứ thế ôm nhau đi ròng ròng trong nhà suốt đêm. Mẹ tôi nằm trên giường thỉnh thoảng lại cựa mình. Tôi biết mẹ thương tôi nên cắn răng, không hề rên rẩm một tiếng. Khoảng ba giờ sáng, tôi thấy mẹ đã nằm yên, có lẽ mệt quá cụ đã thiếp đi được một lát. Con gái tôi dường như cũng mệt, đã ngủ trên tay tôi từ lúc nào. Tôi thận trọng đặt bé xuống giường, bên cạnh mẹ nó. "Anh tranh thủ ngủ đi cho đỡ mệt. Cẩn thận không rồi lại ốm cả nhà!" - Vợ tôi xót xa khẽ nói. Tôi gật đầu, nháy mắt động viên bà xã và liền tranh thủ nhắm mắt "làm một tý".
 Bỗng có tiếng lạch xạch... soạt soạt... rồi cộc cộc như âm thanh của tiếng đế giày đinh nhà binh nện lên mặt nền gạch cứng... Tôi dỏng tai, nhưng chưa xác định được nó là cái gì và phát ra ở đâu. Sau đó lại nghe tiếng u u... và, kết thúc cái tiếng u u chua chói ấy, một điệu nhạc khàn khàn òa ra. Té ra là từ cái loa nén buộc trên cây cột điện trước cửa. Mắt cay xè, tôi nhìn đồng hồ: đang còn sớm. Tôi nghe thấy tiếng rên và tiếng cựa mình khó nhọc của mẹ. Cùng lúc, con gái tôi bỗng khóc ré lên. Như một quân nhân dày dạn khi nghe tiếng còi tập hợp, tôi vùng dậy toan bế nó lên thì vợ tôi ngăn lại: "Để em dỗ bé, anh sang bóp chân tay cho mẹ một lúc đi". Nhìn mẹ già đau yếu, tay thì bóp chân cho cụ mà tai vẫn dỏng lên dõi theo tiếng khóc của con trên nền tin tức và nhạc nhã phát ra từ cái loa trước nhà mà tôi không sao cầm được tiếng thở dài. Ồ, họ đang đọc một bài viết mới của tôi, nhưng sao lại đọc to đến thế! Mà sao mình lại viết dài thế nhỉ?... Tự nhiên tôi thấy căm ghét bản thân; căm ghét thành thực. Bài đọc kết thúc, một điệu hành khúc hùng tráng nổi lên... mẹ tôi lại cựa mình, thiên thần bé bỏng của tôi lại oằn mình, ré lên...
Ừ, chiều nay... lại thế, sáng mai vẫn giống sáng nay...
Ừ... rồi ngày kia, ngày kìa, ngày kĩa cũng vẫn vậy...
Càng nghĩ, tôi càng thấy, càng nhận thức sâu sắc được cái nỗi đoạn trường đang hiện sinh mười mươi trước mắt. Rồi, trong dư vị hoan hỷ tân gia, trước cảnh trạng não ruột cùng cái tương lai gần và xa đã cầm chắc của mình, tôi chợt ngộ ra một "điều giản dị": giá căn nhà người ta bán cho mình như thế là phải chăng! Và, bất giác, trở lại, thấp thoáng trong đầu tôi là hình ảnh của một tờ giấy ố vàng phủ đầy bụi, trên đó có đề hai chữ, thư pháp rắn giỏi, dứt khoát nhưng vô vọng: BÁN NHÀ.
NLT