Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT LỜI CHÚC MỪNG VÀ MONG ĐỢI Ở TỔNG BÍ THƯ MỚI

Dương Đức Quảng
Thứ năm ngày 20 tháng 1 năm 2011 5:01 PM
 
Sáng nay, 19/01/2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tại Hà Nội đã bế mạc với việc ra mắt Ban chấp hành Trung ương Khoá mới gồm 175 Uỷ viên chính thức, 25 Uỷ viên dự khuyết, 14 Uỷ viên Bộ Chính trị và tân Tổng Bí thư mới của Đảng là ông Nguyễn Phú Trọng.
Ngày hôm nay, 19/1 cũng là ngày kỷ niêm sinh nhật của tôi. Lời đầu tiên tôi viết trên blog này đúng vào một ngày rất có ý nghĩa đối với riêng tôi, tôi muốn được gửi lời chúc mừng tới anh Nguyễn Phú Trọng - chứ không phải là ông Nguyễn Phú Trọng, người bạn đồng môn, Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa đã được bầu vào cương vị cao nhất của Đảng và gửi tới anh sự mong đợi trên cương vị mới anh sẽ làm được nhiều việc có ích nhất cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta trên cương vị mới đầy trọng trách và trong nhiệm kỳ mới đầy khó khăn và thử thách của anh.
Nhớ lại năm 1986, khi ấy Nguyễn Phú Trọng là Phó Trưởng ban Xây dựng Đảng của tạp chí Cộng sản, còn tôi là Trưởng Tiểu ban Nội chính, Ban Tin trong nước của Thông tấn xã Việt Nam, cùng một số nhà báo khác được dự và đưa tin về Đại hội lần thứ VI - Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới của Đảng, ngồi trong Câu lạc bộ Ba Đình theo dõi qua màn hình vô tuyến các diễn biến của Đại hội, tôi nói nửa đùa nửa thật với Nguyễn Phú Trọng:
-         Này, tôi nghĩ với công việc và tính cách của ông, lại được nhiều Cụ lãnh đạo quý mến, chả mấy chốc ông sẽ làm lãnh đạo cấp cao. Biết đâu khi ấy chúng tôi lại đưa tin về hoạt động của ông, lại viết những câu “đồng chỉ ân cần nhắc nhở”, “đồng chí chỉ rõ…” cũng nên!
Sở dĩ tôi nói thế vì gần như đã trở thành công thức đối với các phóng viên chính trị, đưa tin về hoạt động của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những năm đó đều chỉ in thống nhất theo một bản tin chính thức do Thông tấn xã Việt Nam phát ra (mà thời đó anh em chúng tôi gọi vui là mặc “đồng phục trên báo”) mà trong các tin không thể thiếu như câu chữ như trên. Bây giờ đã có nhiều đổi mới trong thông tin, tin tức chính trị, ngoại giao trên báo đã có nhiều đổi mới. phong phú và sinh động hơn, nhưng những câu chữ “nhắc nhở”, “chỉ rõ’, “lưu ý” …khi đưa tin về hoạt động của các vị lãnh đạo cấp cao vẫn còn khá nhiều, chưa có thể bỏ hoặc có câu chữ nào thích hợp thay thế!
Nguyễn Phú Trọng tủm tỉm cười, nói:
- Ông chỉ được cái hay đùa!...
Những năm cùng học Khoa Văn Trường đại học Tổng hợp, Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng học chuyên về Văn học Nga, còn tôi học Văn học Trung Quốc. Đều là học sinh phổ thông ở Hà Nội, anh học Nguyễn Gia Thiều, còn tôi học Phổ thông 3B Lý Thường Kiệt, nhưng Nguyễn Phú Trọng “ngoan” và tiến bộ hơn tôi nhiều. Trọng học hành nghiêm túc, là đoàn viên ưu tú, đối tượng kết nạp Đảng trong trường Đại học, năm thứ tư đã được kết nạp vào Đảng, còn tôi “chậm tiến’ hơn nhiều. Tôi, với thành phần gia đình Tiểu tư sản, tuy học phổ thông khá giỏi, thi đỗ giải nhì học sinh giỏi văn thành phố Hà Nội (không có giải nhất) năm học 1961-1962, nhưng lại là học sinh cá biệt, chỉ được hạnh kiểm khá, đến năm thứ ba đại học mới được kết nạp vào Đoàn. Đang học dở năm thứ tư đại học tôi ra trường, trở thành phóng viên mặt trận của TTXVN, còn Trọng học hết năm thứ tư được về công tác tại tạp chí Học tập, cơ quan lý luận của Đảng. Sau đó anh được cử đi học tiếp ở trường Đảng cao cấp và được cử đi Liên Xô làm thực tập sinh và đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô. Phải đến gần mười lăm năm, kể từ ngày ra trường năm 1966, sau khi tôi chuyển công tác từ Nha Trang ra Hà Nôi năm 1980, tôi mới có dịp gặp lại Trọng và các bạn cùng lớp cũ trong các lần họp mặt đầu Xuân hàng năm. Từ đó đến nay, hầu như năm nào lớp tôi cũng gặp nhau vào ngày đầu xuân và Nguyễn Phú Trọng thường có mặt đều đặn, kể cả khi đã giữ cương vị cao cấp của Đảng và Nhà nước. Chỉ khi nào anh vì công việc mà không có mặt ở Hà Nôi thì mới vắng mặt hoặc khi có cuộc họp quan trọng thì dù có muộn Trọng vẫn đến để gặp bạn bè. Năm 2010, lớp tôi họp mặt đầu Xuân tại Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ , Hà Nội, Trọng cũng đến dự. Sau hôm họp mặt ấy, tôi có viết một bài trên blog của mình, nhan đề “Ba năm nữa mong còn đông đủ như hôm nay”, trong đó có câu: “Vì bận họp, gần 11giờ30 Nguyễn Phú Trọng mới đến họp lớp được. Có thể nói Nguyễn Phú Trọng là người được bạn bè lớp tôi quý mến, không phải vì chức vụ hiện nay anh đảm nhiệm…Nguyễn Phú Trọng là người bạn được bạn bè cùng lớp có chung nhận xét là “một người tử tế”.
Tôi và bạn bè tôi nhận xét về Trọng như vậy là bởi anh là một người có tấm lòng đồng cảm và sẻ chia với mọi buồn vui, mất mát, đau thương của bạn bè. Đám tang cha mẹ các bạn, đám cưới con cái các bạn Trọng không đến được khi tổ chức thì bao giờ cũng đến nhà chia buồn, chia vui với bạn bè, dù xa xôi đến mấy. Trọng biết lắng nghe những điều bạn bè nói, từ những chuyện tiếu lâm dân dã, tiếu lâm chính trị đến cả những câu “xóc óc” bạn bè nói tận tai anh về dư luận bàn tán anh “lú lẫn” và “bảo thủ”. Đối với tôi, ít nhất có vài ba lần tôi đã viết thư riêng tới anh, khi anh đang là Bí thư Thành uỷ Hà Nội và là Chủ tịch Quốc hội, gửi kèm theo đó là những bài báo, những lá thư kêu cứu của người dân nhờ anh can thiệp vì bị oan trái, đều được anh tiếp nhận, quan tâm chỉ đạo giải quyết. Đầu tháng 3/2010, đọc trên mạng thấy bài viết của anh Hoàng Phủ Ngọc Phan, nhan đề “Hướng về 1000 năm Thăng Long :Đôi điều xin cân nhắc”, nêu ba vấn đề rất đáng quan tâm xung quanh cuốn “Phim Trần Thủ Độ và người tình”; vở kịch nói “Anh hùng và Mỹ nhân” (Huy chương vàng  Hội diễn sân khấu toàn quốc) và về pho tượng cố đạo Alexandre de Rhodes mà một nhà điêu khắc nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh có nhã ý làm quà tặng thành phố Hà Nội để góp phần tôn vinh lễ hội 1000 năm Thăng Long, tôi đã gửi một bức thư kèm theo bài viết của anh Hoàng Phủ Ngọc Phan đến Nguyễn Phú Trọng, với suy nghĩ và đề nghị: “ Tôi nghĩ bài viết này sẽ rất có ích nếu được anh và các anh lãnh đạo của Đảng và Nhà nước quan tâm, cho ý kiến để các cơ quan có trách nhiệm xem xét, nghiên cứu, nếu đúng thì tiếp thu, sửa chữa, làm sao để lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thật tốt đẹp. Tôi in bài viết này gửi anh, vì ngoài trọng trách là Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội hiện nay, anh đã từng là Bí thư Thành uỷ Hà Nội nên tiếng nói của anh sẽ rất có trọng lượng”. Sau này tôi được Thư ký riêng của Nguyễn Phú Trọng và một đồng chí Vụ trưởng ở Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Anh Trọng đã có ý kiến với Thành uỷ và Uỷ ban Nhân dân Hà Nôi và Ban Tuyên giáo Trung ương nghiêm túc nghiên cứu và tiếp thu những ý kiến đóng góp đúng đắn trong bài viết của anh Hoàng Phủ Ngọc Phan trên đây.
Chắc chắn còn có nhiều điều tôi chưa biết về Nguyễn Phú Trọng bởi khi còn học chung một lớp anh và tôi không phải là bạn thân của nhau, và cả sau này nữa, nhiều năm không cùng công tác với nhau, tất nhiên vì anh là một cán bộ lãnh đạo cấp cao, còn tôi chỉ là một nhà báo bình thường như bao nhà báo khác. Nhưng đối với tôi và nhiều người bạn mà tôi biết thì cảm nhận về Trọng trước tiên là một người tử tế, nghiêm túc trong công việc và chân thành với bạn bè, biết lắng nghe và biết ứng xử trong các mối quan hệ với bạn bè, đồng chí. Hai lần tôi tổ chức cưới vợ cho hai con trai, Nguyễn Phú Trọng đều đến nhà mừng cho các cháu. Trong những lần ấy tôi có dịp nói với Nguyễn Phú Trọng những điều mà mình tâm huyết. Anh chân tình chia sẻ cùng tôi về những điều tôi nói…
Trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng XI có khá nhiều bài viết trên mạng về Đại hội và về Nguyễn Phú Trọng. Có những thông tin đúng và lời tiên đoán đến giờ phút này là chính xác. Nhưng cũng không ít bài viết, bình luận về anh chỉ dựa trên một thông tin hoặc dữ liệu nào đó mà tôi biết là nếu tôi nói rằng không chính xác chắc chắn sẽ có người phản ứng ngay lập tức!
Nghĩ tới Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư mới của Đảng không hiểu sao tôi lại nghĩ tới cố Tổng Bí thư Trường Chinh, một người đã có thời được nhiều người cho rằng “bảo thủ” nhưng sau này, như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đánh giá, lại là “người khởi xướng công cuộc đổi mới” của Đảng, công cuộc mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và nhiều vị lãnh đạo sau đó đã kế tục lãnh đạo để đưa đất nước chuyển mình và phát triển như hôm nay.
Thế là sau 25 năm lời nói vui và cũng là lời “tiên đoán” của tôi về Nguyễn Phú Trọng trong lần cùng làm phóng viên tại Đại hội lần thứ VI - Đại hội đổi mới của Đảng, đến hôm nay đã thành hiện thực. Hy vọng và mong mỏi lắm thay nhiệm kỳ này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ làm được nhiều việc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công cuộc đổi mới đất nước. Và, có lẽ không chỉ riêng tôi mà còn có triệu, triệu người trông đợi vào sự lãnh đạo của Tổng Bí thư mới sớm đưa đất nước Việt Nam trở thành một nước “Dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” như mục tiêu của Đại hội Đảng đề ra, để Việt Nam tự hào sánh vai cùng các quốc gia tiên tiến, văn minh trên thế giới!
Chú thích ảnh: Bạn cũ Nguyễn Phú Trọng đến chia vui với gia đình nhà báo Dương Đức Quảng ngày cưới vợ cho con trai.
Nguồn: quang194 - Đầu gối - Yahoo!360plus.