Trang chủ » Truyện

MÙA BÀNG RỤNG TRÁI

Trần Ngọc Dương
Thứ bẩy ngày 18 tháng 12 năm 2010 9:08 PM
 
Tôi cắn một nửa cái nhân bàng, phần còn lại đưa cho anh. Như hồi trẻ thơ, tôi bắt anh há mồm đón nhận. Cái nhân hạt quả bàng rụng cuối đông chất dinh dưỡng đáng là bao, trông chẳng ngon lành chi, mùi vị cũng không có gì đặc sắc. Vậy mà đối với chúng tôi: Nó là báu vật của thượng đế ban tặng.
**
Dạo đó tôi gầy như cây bàng mùa đông, còn anh chẳng hơn gì, bộ quần áo mỏng không che nổi những mấu xương trên người. Vậy mà cả xóm phải lắc đầu, lè lưỡi khi thấy thúng than kíp lê chúng tôi đội. Nó nặng đến mức người lớn phải cố sức, lấy gân mới bê đặt nổi lên đầu mỗi khi bọn tôi nhờ. Hai đứa bênh nhau ra mặt, ai cũng tưởng chúng tôi có mối quan hệ ruột thịt. Những ngày mẹ làm ca ba, tôi sợ thường đóng kín cửa, bỏ sang nhà anh đòi nằm ké. Mẹ tôi và u anh làm cùng một công trường trên mỏ, việc để con ngủ một mình qua đêm là chuyện bình thường.
Anh nghịch nhất xóm, chuyên đầu têu những trò tai quái. Mọi người luôn qui tội cho anh mỗi khi lũ trẻ trong ngõ làm trò dại dột. Có lần nhìn giàn bí đao của hàng xóm trổ bông, bọn tôi reo lên mừng rỡ, tranh nhau đếm hoa, nhưng lúc thấy những cái lông xù bao quanh quả bí bé xíu mới thành hình, bọn con gái có đứa sợ hét toáng lên:
- Eo ơi! Trông như sâu róm ấy, khiếp quá đi thôi.
 Anh lý giải:
- Nếu ta làm mất những sợi lông ấy, quả sẽ đui ngay!
Lúc chúng tôi bỏ đi, có đứa trong bọn không tin lẻn ở lại kê ghế, lấy giẻ lau sạch đám lông bao quanh hoa cái. Chủ nhà bắt được, nó chối đây đẩy nói tại anh xui. Người hàng xóm mách, anh bị bố quật cho một trận tơi bời. Nghe tiếng quát tôi chạy sang, thấy anh nằm sấp trên giường chịu đòn. Tôi ào tới, lăn xả vào ôm lấy anh tức tưởi khóc thanh minh. Hay chuyện, bố anh quẳng roi lên nóc tủ thủng thẳng:
- Tại nó chẳng chịu nói.
- Ở phố này có ai tin con đâu.
- Mày cũng chẳng oan, nghịch cho lắm vào, lêu lổng suốt ngày.
Gia đình chúng tôi được xí nghiệp phân cho một cái nhà hai gian có từ hồi người Pháp còn làm chủ mỏ, tường được xây bằng đá hộc, có bề dài bám mặt đường hơn tám mét. Để tiện cho sinh hoạt, bố mẹ chúng tôi bàn nhau ngăn ra riêng biệt, mỗi gia đình làm chủ sở hữu mười sáu mét vuông. Song diện tích đất còn lại khá lớn, gấp bốn lần nhà ở, thoải mái cho việc cơi nới. Vừa mới an cư thì cả hai ông bố được lệnh nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện, đơn vị của họ chuyển địa bàn hoạt động. Từ đó gia đình bặt tin các ông cho đến tận ngày miền Nam giải phóng.
Mẹ ốm nằm liệt giường vào đúng lúc tôi chuẩn bị thi hết cấp hai, uống đủ loại thuốc mà không dứt bệnh. U anh gồng lên lo chuyện nhà, việc bạn. Công trường thiếu người u phải thông ca liên tục, có lúc phó mặc hai đứa, làm bọn chúng tôi cuống lên chẳng biết xoay sở ra sao.
Một lần anh dẫn về một bà lang người Dao bắt mạch, cắt thuốc. Ban đầu mẹ chẳng chịu uống thứ nước được sắc từ những thứ lá cây rừng nhì nhằng, chúng tôi bèn chìa cho bà xem đôi bàn tay sưng húp. Chẳng là trong thang của bà lang buộc mỗi ấm phải có thêm: chín nhân hạt bàng còn nguyên màu trắng ngà thuốc mới linh nghiệm. Kiếm quả bàng để đập rất dễ, nhưng giữ cho cái nhân không bị vỡ quả là một kỳ tích. Do sợ quá mùa không kiếm được, quả rụng nằm dưới đất lâu hay bị thối hoặc nảy mầm, chúng tôi thi nhau ghè. Lúc đầu chẳng có kinh nghiệm, hai đứa nhiều lần đập cả vào tay mình. Số nhân bàng kiếm được khá lớn, chúng tôi phơi khô để dự trữ. Nghe rõ chuyện, mẹ nhìn chằm chặp vào đôi bàn tay của hai đứa, rồi bưng uống một hơi hết bát thuốc. Chẳng biết có phải do gặp thày, hợp thuốc, hay sợ tôi côi cút mà mẹ dứt bệnh. Bà hồi phục rất nhanh, chỉ thời gian sau lại lên mỏ làm bình thường như bao người khác. Tết năm ấy, chúng tôi mang số nhân bàng chẳng dùng đến rang trộn đường làm mứt.
Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng trở lên tàn khốc. Những đợt bắn phá liên miên, bất kể ngày đêm, không phân biệt mục tiêu đã gây cho ta nhiều hậu quả nghiêm trọng. Một lần hai bà mẹ nói chuyện với nhau, chúng tôi nghe lỏm được. Họ bàn:
- Thời buổi này chẳng biết đâu mà nói trước. Nếu một trong hai ta có mệnh hệ nào, người còn lại phải lo nuôi dạy bọn nhỏ lên người.
- Nếu chẳng may cả hai...
- Thì chúng phải dựa vào nhau mà sống.
Nghĩ sao làm vậy, mẹ và u bắt chúng tôi thề: "Hai đứa phải như anh em ruột thịt, có nghĩa vụ chăm sóc nhau suốt đời."
 Chẳng biết đấy có phải do linh tính không. Mấy ngày sau, trong một trận rải thảm của máy bay Mỹ vào khai trường xí nghiệp. Chúng tôi cùng trở thành trẻ mồ côi mẹ. Gần một trăm gia đình thợ mỏ có chung ngày giỗ, những vành khăn tang quấn vội trên đầu người thân được xé ra từ một xúc vải.
Khi tôi vừa biết xấu hổ, anh lên đường nhập ngũ. Làm hồ sơ anh phải khai tăng thêm một tuổi, hội đồng tuyển quân mới chấp nhận. Còn tôi - con bé chíp hôi được mỏ ưu tiên cho đi làm như người lớn. Hôm chia tay anh dặn: "Em ở nhà thắp hương cho mẹ với u hộ anh."
Tôi đục thông cửa, ở cả hai nhà, chờ đợi ba người đàn ông. Ngày chiến thắng tôi chỉ gặp có một!? Anh về để sẻ cái đau của mình, hay chia nỗi buồn cùng tôi? Hai người đàn ông còn lại địa phương chỉ làm lễ truy điệu một - Gia đình tôi nhận bằng Tổ quốc ghi công, còn bố anh nằm trong diện mất tích. Anh thổ lộ: Rồi sẽ đi tìm bằng được tin tức của bố. Song tiếng súng nổ vang từ biên giới phía Tây nam không cho phép những người lính được hưởng những giây phút bình yên, làm những công việc như dự tính. Lại một lần nữa chúng tôi vội vã chia tay nhau.
Ở công ty tôi thuộc diện chính sách, nên được lãnh đạo đơn vị cho đi học. Đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt, anh giải ngũ trở về tôi đã có bằng kỹ sư. Còn anh học hành dang dở, sức khoẻ yếu, nghề ngỗng không có chẳng nơi nào tiếp nhận. Anh bày tỏ nguyện vọng:
- Muốn được chữa dứt điểm một số bệnh mắc phải, do sống ở vùng lam sơn chướng khí trên đất nước bạn, rồi về đi làm cũng chưa muộn.
Ngày ấy anh yếu lắm, nước da mai mái, hay ốm vặt mỗi khi thời tiết thay đổi. Đến nụ cười cũng đâu được vô tư, nó gượng gạo thảm hại. Tôi thu xếp đề nghị được đưa anh lên Hà Nội để chữa bệnh. Song anh lắc đầu không chịu. Tôi giận dỗi, anh ương bướng khoắc ba lô bỏ đi, mặc người ở nhà  khoắc khoải ngóng trông. Hơn một năm sau gặp lại, người đàn ông mang vẻ đẹp phong trần, có thân hình của vận động viên thể thao, ăn mặc trang phục của dân tộc Dao, đứng trước mặt cười cười với tôi là anh hay sao?! Anh khoe:
- Đã chữa khỏi bệnh, lại học được nghề thuốc gia truyền.
Bữa cơm đầu tiên sau những ngày xa cách vừa dọn ra, bọn trẻ kin kin trong xóm mặc quần thủng đít tò mò kéo tới xem thày lang Mán. Anh mời chúng cùng ăn, lũ nhóc tranh nhau bát đũa. Nồi cơm nấu cho hai người lớn mang xới chia đều: mỗi đứa trẻ được có nửa bát. Ăn hết chúng nhòm vào tận đáy nồi, đòi anh cạy cháy chia tiếp. Tối đó tôi  và anh phải nấu mỳ chay. Hôm sau còn lâu mới đến bữa, bọn nhỏ đã thập thò ngoài cửa, chúng gào to thông báo cho nhau:
- Chưa dọn cơm đâu!
Ngày chuẩn bị đầy đủ, chúng vắng mặt. Lần nấu ít, lũ trẻ rủ nhau kéo tới hò hét vang nhà. Nhiều lần như vậy tôi vẫn cố để anh vui, mặc dù có lúc phải lo méo cả mặt. Thời ấy các thứ đều phải mua theo tiêu chuẩn tem phiếu. Còn anh vẫn vô tư chơi đùa cùng lũ nhóc. Sau này bố mẹ bọn nhỏ rõ chuyện, có người phàn nàn: "Ở nhà đầy đủ các món chúng có chịu ăn cho đâu, đến bữa hò hét đến khản cả cổ. Vậy mà sang bên ấy lại tranh nhau chí choé. Cô chú thông cảm, đừng chiều kẻo làm hư chúng." Họ bàn với nhau cấm tiệt bọn trẻ.
**
Chẳng biết do đâu mà nhiều người biết anh hiểu nghề thuốc. Thấy anh có uy tín được quí mến tôi rất mừng, rất đông bệnh nhân tìm đến chữa bệnh, thu nhập từ khoản này cũng khá. Anh nói:
- Để giành đầu tư vào trang trại.
 Song tôi vẫn cạy cục vào các mối quan hệ lo việc cho anh. Khi biết tôi đứng ra đảm bảo xin cho anh vào làm ở lực lượng bảo vệ mỏ. Anh trách:
- Em đừng bận tâm, làm gì không được.
- Nhưng có công việc ổn định vẫn hơn, chẳng đâu bằng công tác trong các cơ quan nhà nước.
- Nhiều người không trở thành viên chức vẫn cứ sống tốt đấy thôi.
Nói thế song anh vẫn đi làm. Sau này tôi mới biết: anh ưng thuận để cho tôi vui lòng. Hàng ngày tan tầm tôi tranh thủ chợ búa, lo cơm nước cho cả hai.
Tôi lần lượt nhận những vị trí quan trọng, lương bổng nhiều khoản được hưởng theo chức vụ đảm đương. Đầu tiên cầm tiền tôi cũng có hỏi: vì lý do gì? Sau quen dần tôi coi đó là chuyện bình thường. Khi trở thành một trong những người lãnh đạo của doanh nghiệp, việc phải dự hội nghị tiệc tùng liên miên tôi rất ngại, luôn tìm cách lảng tránh, song có lúc chẳng thể chối từ. Một lần đến dự buổi họp mặt của các cựu quân nhân nữ Trường Sơn đang công tác ở mỏ. Nghe chuyện của các chị ngày ấy, tôi thấy mình quá ư nhỏ bé. Trong bữa cơm thân mật, thay mặt lãnh đạo tôi chúc rượu mọi người. Thấy các chị vui hò hát vang trời, tôi đành phải cười uống nhiệt tình. Khi trở lại văn phòng làm việc, tôi ngồi trong xe với tư thế thoải mái, mặt đỏ gay. Lúc qua trạm gác cơ quan, anh ra mở cổng. Tôi lặng đi khi bắt gặp cái nhìn của anh. Từ đó hàng ngày tôi cố ý giữ gìn, tránh làm anh buồn. Song nhiều việc xảy ra ngoài ý muốn, khiến cả hai không vui. Cũng chẳng biết do đâu, trước anh tôi chỉ là đứa trẻ dại khờ, luôn cần đến sự chở che. Có lần đang nói chuyện trên bục, vừa nhác thấy bóng anh, tôi đã lúng túng.
Tôi không làm chủ được thời gian trong ngày, đi về thất thường, ít khi dùng cơm nhà. Những bữa ăn chung thưa dần, rồi mất hẳn.
Ở cơ quan mọi người nhỏ to bình luận chuyện của chúng tôi. Hai đứa đều biết, song tảng lờ như không hay. Sự bàn tán gia tăng theo những chức vụ tôi đảm đương, ít nhiều cũng tác động đến công việc đang làm. Có lần họ còn mang ra tranh luận công khai:
- Đôi ấy không thể lấy nhau được!
- Vợ làm lãnh đạo, chồng gác cổng cơ quan.
- Tài xế bấm còi, chồng chạy ra mở cổng, vợ ngồi trên xe. Cảnh ấy không đẹp.
- Vợ đi công tác suốt, nếu có con, nó khát sữa khóc đòi bú tí, chẳng biết anh ta lấy cái chi để dỗ.
- Khách của vợ toàn là những người bàn đến chuyện vĩ mô, chồng biết quái gì mà tham gia. Không nhẽ ngồi làm bình phong hóng hớt, nếu là người biết điều thì pha xong ấm nước nên rút lui.
- Ông ấy mà có máu ghen nữa thì thôi rồi. Bi kịch gia đình không sao tránh khỏi.
 Không ít ý kiến bênh vực:
- Mọi người lạc hậu quá, ở nước ngoài vợ làm nguyên thủ quốc gia, chồng chỉ là cận vệ có sao đâu.
- Thôi đi, chuyện của người ta mình xía vào làm gì...
Cũng có người  nêu hướng giải quyết:
- Trong trường hợp ấy, nếu thực sự họ yêu thương tôn trọng  nhau, theo tôi anh ta nên chuyển cơ quan, hoặc thôi việc cho cả hai thoải mái. Chứ sống phải giữ kẽ như thế mệt lắm.
**
Thời buổi Kinh tế thị trường, mọi người đổ xô ra mặt đường, người ta đua nhau xây nhà cao tầng. Thị xã đảy nhanh tốc độ đô thị hoá đến chóng mặt. Dãy nhà của hai đứa trở lên có giá.
Bạn bè khách khứa thay đổi, tôi nhận thấy nơi ở cũ không còn phù hợp với cương vị mình đang giữ. Tôi bàn với anh đập bỏ, xây lại hai căn hộ theo thiết kế. Tôi nói:
- Đàng nào nhà cũng nát, phải sửa thôi. Mình phá bỏ làm mới luôn.
- Bên nhà em cứ làm theo dự định.
- Không, cả hai cùng thi công một lúc, chung móng sẽ khoẻ và đỡ tốn hơn.
Anh ngần ngại:
- Mất nhiều tiền lắm, kiếm đâu ra? Mà làm nhà to để làm gì?
Thấy anh băn khoăn về chuyện kinh tế tôi nói:
- Tiền lương của anh và em lĩnh về đều để chung một chỗ. Tháng nào cũng thừa phải mang gửi tiết kiệm.
- Chỗ đó là của em! Còn lương anh tằn tiện lắm mới đủ chi dùng trong sinh hoạt.
- Từ trước đến nay có bao giờ chúng mình phân biệt chuyện tiền nong đâu.
- Nhưng...
- Không nhưng gì cả. Dạo trước tiền chế độ của hai mẹ, phụ cấp đi B của cả nhà lúc lĩnh em đều để giành không dùng đến. Sợ tiền mất giá em qui hết sang vàng. Sau mua ruộng trồng rau, hồi bao cấp thu nhập cũng khá. Nay chỗ đất ấy được giá, bán đi cũng gần đủ chi phí xây hai nhà. Tiền của em cũng là của anh! Chúng mình thừa khả năng làm theo ý muốn. Em ký hợp đồng với thợ rồi.
Anh bướng bỉnh lắc đầu:
-Không được đâu! Anh không muốn thiên hạ nhìn mình bằng con mắt khác. Chưa chi đã có người bảo anh phải bám vào em mà sống. Bên này em cứ để mặc anh lo liệu.
Làm sao tôi bỏ mặc được anh - người thân duy nhất trên cõi đời! Tôi phải thực hiện lời hai mẹ dặn: "Chúng mày phải dựa vào nhau, chia sẻ cả niềm vui lẫn nỗi buồn..."
Không biết có phải chúng tôi từng sống gắn bó, trưởng thành trong cảnh cơ hàn, nên chẳng thể nào quên được nhau. Tôi coi địa vị, danh vọng tiền bạc mình đạt được cũng là của anh. Vậy mà tôi càng vươn tới những thứ đó, khoảng cách giữa hai đứa cứ tăng dần.
Thấy tôi việc gì cũng hỏi ý kiến, có lần anh nói: "Em cứ làm, nếu thấy việc đó đúng, mang lại cho nhau điều tốt lành." Từ đó nhân danh anh tôi đã tự quyết định nhiều chuyện. Miếng đất xí nghiệp phân cho cán bộ công nhân viên trong đơn vị cũng vậy. Anh đi vắng, tôi đã đứng tên làm đơn xin. Đấy là một gia tài không nhỏ, niềm mơ ước của biết bao nhiêu người. Có kẻ đã hỏi mua với giá hàng trăm triệu. Tôi không dám nói anh về sự việc này.
Chẳng được anh ưng thuận, tôi buồn lắm. Thôi mình cứ cho xây một căn hộ theo hợp đồng, còn bên nhà sẽ tìm cách dần dần thuyết phục. Khi khởi công, anh xin nghỉ chế độ bỏ vào Động Mán kiếm cây thuốc.
Hoàn thiện công trình tôi tổ chức bữa cơm tân gia, anh vắng mặt. Tôi bỏ mặc khách khứa lên lầu, mở cửa sổ phòng riêng nhìn xuống nhà anh tức tưởi khóc. Chiều hôm sau anh đưa tôi một giò lan tím:
- Mừng em vào nhà mới. Hôm qua anh đã định về. Song bầy trâu nhà Seo Nỷ đi lạc, cả xóm phải hùa nhau vào rừng tìm. Mà Seo Nỷ cũng ra đấy, đang tắm bên nhà, chốc sẽ sang chơi. Tối em dẫn cô ấy đi siêu thị, sắm ít quần áo. Con gái dậy thì có khác, mới chỉ mấy tháng không gặp đã lớn vổng lên. Ra dáng thiếu nữ rồi. Kỳ này được đi học tại trường Trung cấp y tế của tỉnh. Mai anh dẫn Seo Nỷ làm thủ tục nhập lớp.
Seo Nỷ, cô con gái độc nhất của bà lang. Trong tôi loé lên ý nghĩ: "Tại sao anh hay vào trong động? Điều gì làm anh say mê đến vậy?? Anh ấy coi Seo Nỷ là chi nhỉ???"
Hồi ở nhà một mình, lần nào xuống chợ bán thuốc bà lang cũng trọ ở nhà tôi. Có bận Seo Nỷ được mẹ cho theo. Cô bé ngơ ngơ, ngác ngác trông tức cười, đi đâu cũng bám lấy mẹ. Sau quen quấn chặt lấy tôi chẳng chịu rời, gặp gì cũng hỏi. Mẹ con Seo Nỷ ngoài những gói lá thuốc bao giờ cũng có thứ làm quà cho tôi. Toàn Sản vật kiếm từ núi rừng, hoặc của nhà làm ra.
Thời gian Seo Nỷ ở Trường học sinh dân tộc nội trú của tỉnh, ngày nghỉ  cô bé đến với tôi còn nhiều hơn về quê thăm mẹ. Tôi coi Seo Nỷ như em gái, hai người thường chia sẻ với nhau những thứ quí báu bí mật của riêng mình. Một lần Seo Nỷ đưa tôi cái khăn thổ cẩm của người Dao với nét thêu vụng về của người mới tập, cô khoe:
- Làm mấy tháng mới xong, bây giờ em đang thêu áo váy cô dâu. Để giành cho chị  ngày đi lấy chồng.
Tôi xúc động:
- Có được bộ đồ cưới ấy mất nhiều công lắm. Sao Seo Nỷ chẳng để lo cho mình. Chị là người Kinh dùng bộ váy áo cô dâu của dân tộc em không hợp.
- Con gái ai chẳng thích đẹp, em khoắc vào còn ưng cái mắt, chị mà mặc xinh phải biết.
**
Tôi đưa Seo Nỷ đi mua sắm quần áo hoàn toàn không phải vì nghe theo lời anh. Về đến nhà Seo Nỷ vào buồng trong thay quần áo, cô gái xuất hiện trước mắt tôi:
- Chị xem em mặc có hợp không? Nó cứ bó bó thế nào ấy!?
Tôi sững sờ, trước mặt là một cô gái lạ hoắc. Cặp mắt của Seo Nỷ to đen lánh, cô nhìn tôi không chớp. Vẻ đẹp hoang dại vẫn còn nguyên trên khuôn mặt. Quần xóc bò, áo phông như muốn tôn vinh cái thân hình tràn đầy sức sống.  Seo Nỷ dúi cho tôi một nắm lá nói nhỏ:
- Em tặng chị.
- Để làm gì?
- Lá thuốc, quí lắm đấy.
- Dùng để chữa bệnh chi?
Seo Nỷ tủm tỉm:
- Bí mật này chỉ có người thật thân mới được biết thôi. Lá ngừa thai đấy!
- Lá ngừa thai? Chị đâu có cần đến nó!
- Em cũng nói như chị, nhưng mẹ cứ bắt phải mang theo. Mẹ dặn: Nếu thương ai muốn sống vợ chồng với người đó mà chưa thích có con, chỉ cần nhai nửa cái lá sẽ bình yên vô sự.
Seo Nỷ ngần ngừ:
- Em chỉ nói điều này cho anh, chị thôi. Nhiều người biết không hay đâu.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Anh ấy cũng hiểu rõ công dụng của nó như Seo Nỷ?
- Thấy em nói quá tỉ mỉ về lá thuốc, anh ấy không muốn nghe. Em chẳng biết cứ giải thích mãi, làm anh giận quát ầm lên.
 Seo Nỷ thủ thỉ nói tiếp:
- Bây giờ em chỉ muốn mình mãi mãi là trẻ con thôi.
- Sao vậy?
- Hồi còn bé anh ấy chiều em lắm! Có hôm đi rừng về qua suối gặp lũ nguồn, nước dâng cao. Trong khi những đứa khác phải lội, ướt  như con chuột khe. Còn em được anh kiệu trên vai, nên quần áo khô nguyên, làm tụi nó cứ suy bì tỵ nạnh mãi. Em bị đau chân đúng lúc trung tâm xã có chiếu phim. Nhìn bọn bạn rối rít rủ nhau đi xem  từ chiều, còn mình phải nằm bẹp một chỗ, em tủi thân khóc. Nào ngờ đến chập tối anh đốt đuốc cõng em vượt  mấy cái đèo, may đến nơi buổi chiếu phim mới bắt đầu. Dạo ấy thấy em thích cái gì, anh cũng tìm bằng được. Vậy mà bây giờ động một tý là nói to.
- Em thành người lớn rồi, tự lập dần đi là vừa. Có nhiều điều chị em  mình không thể bày tỏ cùng anh được.
Seo Nỷ thủng thẳng:
- Có lần em hỏi: Sao anh chẳng lấy vợ đi? Chị biết anh ấy trả lời ra sao không?
- Chị làm sao mà biết được
- Tao đợi chị mày lấy chồng xong rồi tính. - Đi rừng lấy cây thuốc với em, nhưng toàn nói đến chị. Em phải bảo: Nhắc vừa thôi, kẻo người ta vấp ngã, nhưng anh chỉ im được một lát, rồi đâu lại hoàn đấy. Mà sao hai người thân thiết thế không về ở chung nhà với nhau cho vui.
Cô bé nhìn tôi không chớp:
- Em nói điều này chị đừng giận: Nếu hai người không thương nhau nữa, em sẽ tìm mọi cách ăn trộm ở anh bằng được một đứa con về làm của riêng cho coi.
Tai tôi ù đi, không còn đủ sức nghe những lời cô bé thổ lộ. Với tôi anh im lặng che giấu tình cảm, đã bao giờ nói lời yêu đâu!
Không biết tôi ở nhà anh, trên cái giường vẫn nằm ngày trước bao nhiêu lâu. Qua cơn say thân thể còn đau nhừ, đầu óc váng vất. Nghĩ lại tôi thực sự lo sợ: Mình đã dại dột làm cái gì vậy. Liệu có nói ra những điều bấy lâu nay vẫn giấu kín trong lòng. Mà tại sao mình lại nằm ngủ ở đây? Rõ ràng hôm qua mình đã về nhà, thay quần áo leo lên giường ngủ. Tôi liếc nhìn đồng hồ đeo tay: đã gần bốn giờ chiều ngày hôm sau. Vậy là mình đã ngủ liền một mạch gần hai mươi tiếng đồng hồ. Tôi ngồi dậy uể oải vươn vai. Sao lại thế này? Bộ đồ thể thao đang mặc không phải là của mình! Tôi xấu hổ đỏ mặt khi nghĩ tiếp: Chắc mình say nôn mửa ra quần áo, nhưng ai đã thay đồ hộ nhỉ?
Nhà vắng, ngó qua khe cửa khép hờ thấy anh đang ngồi dưới gốc bàng, nơi tiếp giáp với sân vận động cũ cặm cụi đập. Tôi ngần ngừ mở cửa bước qua đường. Thấy tôi, anh hỏi:
- Hết say chưa? Ngoài này gió lắm, em ra đây làm gì? Cẩn thận không bị nhiễm lạnh đấy. Về đi, chốc anh làm mứt đãi hai chị em.
- Lâu lắm rồi em chưa ghè hạt bàng lấy nhân.
- Seo Nỷ từ bé đã quen uống rượu bằng bát, em thi với cô ấy sao lại. Sáng nay anh đã đưa Seo Nỷ nhập trường. Tối qua hai người uống khiếp quá. Hết cả số rượu anh định dùng ngâm thuốc. Đã vậy khi về em lại lôi cả một chai sương mù  ra tu. Đi không vững còn sang đòi Seo Nỷ tiếp tục uống để phân thắng bại. Em cũng chẳng ra làm sao cả, biết Seo Nỷ hôm nay phải nhập trường mà còn bày cuộc thi uống rượu. May mà cô ấy chịu được, không thì lỡ hết việc.
- Anh lo cho Seo Nỷ nhiều thế hay sao?
- Chỗ thân tình không lo làm sao được. Mẹ Seo Nỷ gửi gắm mình phải có trách nhiệm chứ!
- Tại sao anh xin nghỉ chế độ.
- Anh muốn giành thời gian làm những việc mà mình ưa thích.
- Liệu còn lý do nào khác không?
Anh thủng thẳng:
- Để em được thoải mái trong công việc hàng ngày.
- Cần đến thế hay sao?
Anh ngần ngừ:
- Vì anh không muốn trở thành kẻ ích kỷ cản trở em.
- Anh chỉ nghĩ cho mình, có bao giờ chịu hiểu người khác đâu.
Anh cười:
- Ai không biết, chứ em anh còn hiểu rõ hơn cả bản thân mình.
Bỗng dưng tôi nổi cáu, nói liên hồi:
- Hiểu mà lại cư sử như vậy? Tại sao anh cứ né tránh, chẳng nói ra điều mình đang nghĩ, không dám đương đầu với sự thật, công khai với mọi người mối quan hệ của hai đứa? Em có còn là người thân thích của anh nữa không? Tại sao anh nói vì em, lại làm nhiều chuyện khiến người ta phải khóc? Mẹ và u đã dặn anh: Phải trông nom dạy dỗ em. Vậy mà tại sao không bao giờ anh trách mắng khi em mắc lỗi? Tại sao lúc em hư: anh chẳng cho một cái bạt tai? Tại sao anh không nhắc lại những lời em thốt ra trong lúc say? Tại sao đến tận bây giờ em vẫn còn là con gái? Tại sao...
- Trên thế giới này nhiều cuộc chiến tranh đã xảy ra vì những câu hỏi tại sao đấy. Thôi cho anh xin lỗi. Tất cả tại anh quá ngốc - Anh cầm tay tôi ân cần - Về thôi em kẻo lạnh.
Tôi vùng vằng:
- Tại sao anh không để cho em lấy nốt cái nhân hạt bàng cuối cùng này?
 Tôi giận dỗi cầm hòn đá đập mạnh, những ngón tay cầm quả bàng rớm máu. Tôi đã ghè vào chính tay mình.
T.N.D