Trang chủ » Truyện

CHUYỆN LẠ VỀ MAO TÔN ÚC (13)

Trần Nhương
Thứ tư ngày 15 tháng 12 năm 2010 5:37 AM
Mười ba
 
Kim Thánh Phán tom chát cô đầu
Nhương Tác Nghiệp tối ngày “làm việc”
 
Kim Thánh Phán bị đâm xe ở phố Khâm Thiên hôm ấy hóa ra là một âm mưu của lũ quan quân Trưởng Thượng. Bọn họ rất nhiều trò nhưng có một trò là gây tai nạn giao thông là hay áp dụng nhất. Đã nhiều chuyện tự cổ chí kim mà Kim tiên sinh đã nghe. Chẳng hạn một người thiếp của vương phủ họ Hàm sau khi đã thỏa mãn mọi nhục tính thì bày mưu tai nạn giao thông giết nàng đi theo kiểu “diệt khẩu”. Phải chăng vụ đâm xe tại phố Khâm Thiên vẫn là trò ám sát của mấy kẻ mật vụ. Càng ngày Kim Thánh Phán càng hiểu kẻ sĩ thời buổi này khó sống quá. Một triều đình chỉ muốn nghe lời xu nịnh, ai có lời nói khác là họ quy vào tội phản nghịch. Ô hay cuộc đời mà tạo hóa sinh ra đã có ngày có đêm, có âm có dương, có trắng có đen, có mặt trái có mặt phải, có tốt và xấu, có thiện và ác…Vậy mà kẻ cầm quyền không thích ai nói khác mình, không muốn ai nói đến cái xấu, cái ác đang hoành hành trong xã tắc. Không phơi nó ra thì sao chỉ mặt nó được để con dân biết mà lên án, mà tránh xa. Không nói tức là họ ủng hộ, họ tiếp tay cho cái xấu… Sự thịnh xuy của một quốc gia nếu kẻ sĩ tham gia vào đời sống hoặc mũ ni che tai.
  Nhờ âm đức của tiên tổ nên vụ tai nạn ấy chỉ gây chấn thương nhẹ cho Kim Thánh Phán. Người kéo xe tay nằm vật trên càng xe một lúc rồi cũng đứng dậy được. Duy chỉ cái xe là hỏng mất cái bánh. Thương tình người phu xe nên Kim Thánh Phán đã cho anh ta ít tiền để sửa chữa. Người kéo xe chấp tay vái Kim tiên sinh nhiều lần…Kim Thánh Phán được các đào nương xóm Khâm Thiên dìu vào trong nhà. Người lấy dầu xoa, kẻ tìm mật gấu nặn các vết thâm tím. Và đêm ấy Kim tiên sinh được các điệu ca trù và các bàn tay dịu dàng của đào nương ru ngủ. Một thân một mình bao nhiêu năm đến cái hơI đàn bà cũng lạ, Kim tiên sinh quyết định đêm nay sẽ sông hết mình. Và quả nhiên đêm ấy là đêm của thánh thần mà vị thánh tối thượng là chính Kim Thánh Phán. Tiền nhiều, Tiên sinh cứ vung tay “thướng” cho các đào nương mỗi lần tom chát. Ôi cái kiếp người trầm luân mấy khi được an nhàn, sung sướng. Vứt tất cả những ham hố tục lụy để đắm mình trong vũ trụ ái ân…
  Sáng hôm sau Kim tiên sinh vội vàng trở về ngôi nhà của mình. Vừa về nhà được một lúc thì Chu Lin cùng một tên gia nhân đến thăm. Chu Lin báo tin cuốn tiểu thuyết Kiếp luân hồi đã được bộ Lễ trình lên nhà vua để xem xét trao giải nhà nước và bộ Huấn học đã đưa vào chương trình của các trường. Chu Lin ngỏ ý nhờ Kim tiên sinh sáng tác cho một tiểu thuyết mới về chủ đề tham quan ô lại. Tuy nhà vua luôn chỉ dụ sức cho quan địa phương không được hà lạm của công, không được dựa vào quyền chức mà bóc lột dân chúng nhưng tình hình không mấy thuyên giảm. Chu Lin khẩn khoản cậy nhờ tài cán của Kim Thánh Phán. Nói rồi Chu Lin gọi tên gia nhân bê cái tráp mà trong đó mấy chai Bảo tửu, một hộp sâm Cao Li đặt lên bàn gọi là chút quà biếu Kim tiên sinh. Ông ta lôi từ trong bọc ra một phong giấy điều khá dày, tay nâng lên, nói:
- Đây là chút tiền mọn xin để tiên sinh chi dùng trong những ngày miệt mài bút nghiên mà kẻ bất tài này nhờ vả. Khi hoàn thành xin được hậu tạ hơn nữa…
Kim Thánh Phán bần thần một lúc. Tiên sinh nghĩ ngợi lấy làm buồn vì chả nhẽ cứ đi viết thuê mãi sao. Từ nhiều năm nay nhà chức trách đã sức cho các nhật trình, các xuất bản xã không được dùng tác phẩm của Kim Thánh Phán. Ôi cuộc đời hết viết bậy biến giấy trắng thành giấy lộn nay lại viết sách thuê. Nhưng nghĩ cho cùng kẻ có tiền mà háo danh, bất tài thì chi tiền cho ta là thuận luật trời. Tiền kiếm được ta sẽ làm từ thiện, giúp đỡ những người cơ nhỡ cũng là việc đạo lí. Ta mất công để có tiền giúp đỡ kẻ khó thì sự làm thuê của ta đỡ phần hổ thẹn…Nghĩ vậy Kim tiên sinh không còn ngần ngại nữa:
- Thì tôi sẽ cố giúp ông, thành công hay không chưa dám chắc nên tôi không nhận số kim ngân ông khoản đãi. Khi nào viết được dăm thiên rồi ta nói chuyện với nhau.
Chu Lin ra vẻ thiểu não, nằn nì:
- Xin tiên sinh đừng chê. Có đáng là bao, gọi là một chút như bôi trơn ấy mà.
Nói rồi Chu Lin vẫy tên gia nhân ra về, gã chỉ e nấn ná một chút là Kim tiên sinh từ chối mọi việc.
Tiễn Chu Lin ra cổng rồi quay vào, Kim tiên sinh nghĩ thầm trong bụng: chuyện tham quan ô lại có vô thiên lủng, cứ ra phường, ra tổng tha hồ chép lại đã hay. Có tiền nhiều Kim Thánh Phán chợt nghĩ đến cái quán văn của Nhương Tác Nghiệp. Kì này ta biếu cho Nhương huynh ít tiền để tu sửa cái quán văn. Kẻ sĩ Hà thành và khắp nơi chỉ còn mỗi chỗ này gặp nhau thơ ca đàm đạo. Ô, không biết từ hôm chia tay Nhương huynh thì có chuyện gì không. Bọn Trưởng Thượng không muốn quán văn của Nhương tác nghiệp hoạt động để tụ bạ đám văn nhân lắm chuyện. Hình như chúng vẫn theo dõi và chỉ chờ có gì sa sẩy là gây sự…Tự dưng thấy nóng ruột, Kim Thánh Phán vội thuê một cuốc xe tay đến ngay cửa Tây thành.
  Vừa đến khu vườn nhãn của nàng thôn nữ đã thấy trương tuần, lí dịch và đám tay chân Trưởng Thượng đen đỏ ngoài sân.
- Rõ ràng có quan hệ bất chính, luật pháp của triều đình là phải có hôn thú mới được ăn nằm với nhau. Lập biên bản rồi đưa bọn nó về dinh quan tổng.
- Không được nói càn. Đây là bạn gái của ta. Các ngươi có quyền gì xông vào nhà của dân để gây sự…- Nhương Tác Nghiệp to tiếng.
Một tên chắc là cầm đầu bọn lâu la của Trưởng Thượng ra hiệu cho đám tùy tùng lui ra. Hắn mời Nhương Tác Nghiệp ngồi xuống tràng kỉ nói chuyện.
- Thưa Nhương tiên sinh, thật lòng thì chúng tôi không muốn làm phiền gì ông. Chúng tôi vâng lệnh Hội đồng tư vấn tư tưởng của triều đình mà ngài Trưởng Thượng đứng đầu muốn ông đóng cửa cái quán văn lại. Bao nhiêu thơ ca hò vè, tiếu lâm rồi các văn tự chống lại triều đình cũng từ quán này tung ra làm cho dân tình nao núng, lòng tin vào sự anh minh của nhà vua bị hao tổn. Vậy ý ngài thế nào?
Nhương tác nghiệp nghĩ bụng à ra bọn mày chỉ tức cái quán văn, nơi có nhiều tiếng nói thẳng thắn “trung ngôn nghịch nhĩ”. Bịt mồm là cách mà triều đình đang vào vận xuy mất rồi. Nhương tiên sinh không chịu khoan nhượng:
- Quán văn của tôi là nơi bầu bạn góp vui, mượn chén rượu, câu thơ giải khuây giữa lúc thời buổi nhiễu nhương này. Chúng tôi không gây rối, không chống lại nhà vua và triều đình. Nhưng chúng tôi có quyền nói những điều mà chưa hợp lòng dân. Các quan trên lúc nào cũng nói “Dân vi bản, quan vi nô bộc” mà nghe cái gốc nói vài câu mà cành ngọn đã thù hằn thì còn ra làm sao…
Tên cầm đầu đuối lí nói xẵng bảo đóng là đóng không nói lôi thôi. Kim Thánh Phán nghe được hết những lời đôi bên qua lại. Ngài bước vào xá mấy xá cung kính:
- Thưa ngài cấp trên, xưa nay kẻ sĩ chỉ nói những điều phải chứ ít người phản nghịch. Quán văn của Nhương tiên sinh là nơi vui vẻ như những chiếu quan họ, chiếu chèo sân đình có điều gì đâu mà nhà chức trách để bụng.
- Có gì đâu à ? Nào thơ văn chê bai, nào họa đồ chọc ngoáy. Triều đình là nơi tôn nghiêm mà các ngươi không coi ra gì. Đáng tội, đáng tội…
Kim tiên sinh biết rằng có nói nhiều với bọn khuyển mã này cũng vô ích, chúng nó chỉ cần rượu, thịt và gái gú là xong. Kim Thánh Phán dúi vào tay hắn mấy nén bạc:
- Thôi các ngài lơ mắt đi cho, cái chỗ vui chơi của kẻ sĩ thì có làm triều đình sụp đổ được đâu. Nếu triều đình mọt ruỗng từ bên trong thì chả ai chống cũng đổ.
Tên cầm đầu nhét vội mấy nén bạc vào túi rồi nói:
- Ngài Kim Thánh Phán cẩn thận cái mồm. Triều đình có nhiều cách để các ngài cấm khẩu. Nể tình hôm nay tôi tha nhưng hàng tuần chúng tôi sẽ mời ngài Nhương chủ quán lên trụ sở làm việc. Thôi về các người anh em…
Bọn lâu la kéo nhau đi. Mấy ông lí dịch và trương tuần cũng ra về nhưng vẫn ném lại một lời đe nẹt với cô thôn nữ: Ả coi chừng đừng để làng gọt gáy bôi vôi…
 Thấy không yên lòng, Kim Thánh Phán kéo Nhương Tác Nghiệp ngồi cùng xe để về nội thành. Nàng thôn nữ cứ cầm tay Nhương Tác Nghiệp không muốn rời xa…
  Chuyện còn dài chả biết rồi sau ra sao, xin quý vị chờ đọc tiếp…