Trang chủ » Truyện

LỢI ĐIÊN

Nghiêm Lương Thành
Thứ ba ngày 21 tháng 12 năm 2010 6:46 PM
Truyện ngắn
 
Đào Viên Lợi là sinh viên đại học lâm nghiệp, người gầy guộc, cao một mét bảy mươi tám, dáng thư sinh, đôi mắt “bồ câu trâu” luôn nhìn thẳng bộc bạo, như xoắy vào đối tượng giao lưu; có khối cô gái tiếp xúc với hắn đã phải hãi đến phát khiếp. Một lần, Lựu Lùn và Xuân Xoăn tranh luận về vấn đề người Việt có thông minh và cần cù hay không; nhận thấy cuộc “ný nuận” xem ra không thể kết thúc được, Lựu lùn bảo Lợi: “Mày là người Hà Nội, biết nhiều, thử nói xem thằng nào đúng”. Lợi liếc xéo, cái đầu gật gật, ngủng nghỉnh, bảo: “Tao chỉ chào đời và lớn lên ở Hà Nội” rồi bỏ đi. Trong khoa Công nghiệp Rừng, hắn là một trọng tài bóng đá có hạng, bắt pha nào là đích đáng pha ấy, các tay chơi phạm lỗi chỉ còn mỗi một việc hậm hực chấp hành. Trong những trận đấu giải với các khoa khác trong trường, đội khoa nhà cũng không thể trông mong được điều gì “linh động” hay “cơi nới” ở hắn. Tuy học cùng lớp nhưng tôi không chơi thân với hắn. Bởi hắn hay chơi kiểu chỉnh huấn người khác, kể cả bí thư chi bộ khóa là cán bộ đi học, đã kinh qua công tác. Có thể vì vậy, cả lớp gọi hắn là Lợi Điên.
Năm 1970, khi đang học năm thứ tư, tôi và Lợi cùng một số sinh viên trong lớp nhận được giấy gọi vào bộ đội. Thời gian trước ngày nhập ngũ, không khí trong khoa trầm hẳn. Buổi tối, thấy chỉ lác đác có mấy người chong đèn học bài; còn lại ngồi túm năm tụm ba, đun nước pha trà, nói chuyện rầm rì hoặc lặng lẽ hút thuốc. Một buổi tối, khi đã tắt đèn, tất cả đều đã lên giường, không gian yên tĩnh, chợt nghe một tiếng bộp mềm nhẹ trên mặt đất phía ngoài cửa sổ. Không ai nói gì vì đều biết đấy là tiếng quả bàng rụng. Một cậu, cũng trong danh sách chờ nhập ngũ, nằm xây người ra phía cửa sổ, nhìn những chùm quả bàng lưa thưa in hình trên nền trời đêm đầy trăng sao, thở dài: Chúng mình cũng như những chùm bàng kia, quả chín trước, quả chín sau. Lợi phì cười: “Nói vớ vẩn!”, rồi chui ra khỏi màn, quờ quạng lần tìm cái bật lửa, nhồi một mồi thuốc lào, kéo một hơi giòn giã và sau đó cứ ngồi bên cạnh giường ư ử mãi: “Nổi lửa lên em, nổi lửa lên em, ánh trăng sáng ngời đưa ta vào trận đánh, núi rừng xanh dồn dập bước quân hành…”
*
  Ngày nhập ngũ một thượng úy mặc bộ quân phục vải Tô Châu mới cứng đến khoa nhận quân và đưa chúng tôi về tập kết tại Bến Tắm. Chúng tôi, những tân binh mặc thường phục đủ loại, xếp thành hai hàng ngang quay mặt vào nhau. Mấy chiến sỹ gái quân nhu ôm những thứ trang bị cá nhân đi dọc theo hàng quân, quẳng xuống chân mỗi người lần lượt các thứ: chiếu, chăn, màn, quần áo… Lựu lùn nhận được bộ quần áo số không, mặc vào đũng quần sa xuống gần đầu gối, gấu áo cũng ở độ cao ngang với đũng quần. Lợi nhận được bộ quần áo số ba, nhìn cái rốn cứ lấp la lấp ló nơi gấu áo và cái gấu quần thì thượng lên đến ngang bụng chân, không ai nhịn được cười. Lựu nhăn mặt, đến bên Lợi:
- Lợi, đổi cho tao bộ quần áo của mày.
Lợi nghiêm mặt:
- Quân nhu phát thế nào, cứ thế mà dùng.
Lựu gặp cán bộ trung đội trưởng trình bày về vấn đề áo quần. Trung đội trưởng đến gặp Lợi:
- Đề nghị đồng chí Lợi đổi bộ quần áo cho đồng chí Lựu.
- Không được - Lợi đĩnh đạc - Đây là quân trang Đảng và nhà nước trang bị cho các quân nhân. Quân trang thể hiện một phần quốc thể, quân nhân được sử dụng phải có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ chu đáo, không phải là thứ đem ra đổi chác được!
Trung đội trưởng quẳng toẹt điếu thuốc đang hút giở xuống đất, hầm hầm bỏ đi. Lựu bực mình, cầm bộ quần áo số không đi ra phía sân hợp tác xã. Nhân trông thấy con dao quắm cài trên đầu gánh của một chị nông dân đi lấy củi vừa về đến đó, liền mượn, rồi kê hai ống quần lên một khúc gỗ mục ngay đấy, cáu kỉnh chặt phăng đi hơn hai mươi phân.
Buổi chiều, trung đội tập hợp ở sân kho hợp tác xã. Trung đội trưởng không hài lòng khi nom thấy Lựu lùng bùng trong cái áo số không, trong cái quần dúm tụm không ra hệ thống gì ở vùng thắt lưng; đôi ống rộng chẳng khác gì quần ta, lại lởm khởm lua tua nơi mắt cá chân. Và sự bực dọc thật sự bùng phát khi phát hiện ra tình trạng cộc cỡn của Lợi:
- Yêu cầu chiến sỹ Lợi và chiến sỹ Lựu bước ra khỏi hàng!
Lợi và Lựu bước ra khỏi hàng. Việc đứng riêng ra của hai người khiến cái sự khập khiễng càng trở nên tương phản. Cả trung đội cùng dồn mắt vào hai gã trai. Có tiếng cậu nào đó thầm thì: “Trời ơi, nom hai đứa có khác gì một đôi câu đối”. Lúc đầu chỉ nghe thấy những tiếng hích hích, ục ục… bị nén quẩn trong những cái cổ họng trai trẻ. Sau đó - như nước dồn về, tích tụ mà không thoát được, cứ quẩn xoắn mãi vào bờ chắn, làm bờ chắn không chịu nổi, vỡ toang - không ai có thể kìm nén được nữa, tiếng cười cùng ồ toá ra.
- Trật tự! Trật tự! – Trung đội trưởng quát lạc cả giọng - Quân phong quân kỷ để đâu?! Chiều nay, hai đồng chí nghỉ tập, viết kiểm điểm!
- Xin cho biết về khuyết điểm gì - Lợi dõng dạc hỏi.
Trung đội trưởng đỏ mặt tía tai:
- Đồng chí là sinh viên đại học, nhận thức cao hơn mọi người, còn hỏi thế sao? Hay là phản động gây rối, muốn ra tòa án binh?!!
Lợi đứng nghiêm, không nói gì, lơ đãng nhìn mấy con chuột béo núc đang loay hoay chui vào chui ra qua cái lỗ nhỏ dưới chân tường gian nhà kho của hợp tác xã.
Xẩm tối, một chiến sỹ quân nhu gái đến chỗ ở, trao cho Lợi và Lựu mỗi người hai bộ quần áo đúng với cỡ người. Không có kiểm điểm, cũng chẳng có kỷ luật. Chuyện này qua đi lúc nào, không ai để ý.
*
Sau ba tháng huấn luyện cấp tốc, chúng tôi đã nắm được những yêu cầu cơ bản và chuẩn bị đi B . Thời gian này, bộ đội học chính trị và được ăn theo tiêu chuẩn bồi dưỡng trước khi đi chiến trường: định suất cao và không phải ăn độn.
Một hôm, nhận thấy xoong cơm vàng chóe những ngô là ngô, Lợi nhăn mặt: “Trông như cứt trẻ con” rồi đứng dậy bỏ đi. Trung đội trưởng đang ngồi ăn, vằn mắt dằn bát cơm xuống nền sân gạch:
- Đồng chí Cảnh! Bắt nhốt thằng Lợi lại cho tôi!
Cảnh sững người ra một lát, lúng túng:
- Báo cáo, làm gì có chỗ nào để nhốt?
Trung đội trưởng cũng lúng túng. Nhưng rồi cái khôn cũng ló ra:
- Kho thực phẩm!
- Mà nhốt bao lâu? – Cảnh vẫn chưa hết phân vân.
- Ba ngày!
Lợi, có vẻ sốt ruột, đưa hai tay ra giục Cảnh:
- Tay đây, trói rồi đưa vào giam nhanh lên!
Cảnh lầu bàu: “Không cần!” rồi đi trước, dẫn Lợi vào kho thực phẩm, ập cửa khóa lại và cắt Nhiên Tồ gác bên ngoài.
Nhiên Tồ, một chàng trai má còn lông tơ người Thái Bình, ôm súng ngồi trên cái cối đá thủng bên bụi chuối trước nhà kho, mặt mũi buồn thiu, lẩm bẩm bất mãn:
- Miễn là no, ăn gì chả được. Đang yên đang lành thì... thiên thối, làm vạ lây sang người ta phải ngồi cả đêm!
- Xin lỗi mày. Cái chuyện mày phải ngồi đây canh là tao đã không nghĩ ra được từ trước - Lợi cười, ném ra ngoài cho Nhiên một củ đậu còn tươi nguyên - Ăn đi cho đỡ buồn, coi như tao tạ lỗi.
Khoảng một giờ sáng, muỗi đốt quá, đang không ngủ được thì Lợi nghe tiếng gọi thì thào bên ngoài. Lò dò đi về phía cửa sổ, nhận ra Nhiên đang đứng co ro trong hơi sương ẩm ướt.
- Muỗi quá, em đếch ngủ được. Anh có ngủ được không?
- Ừ, muỗi thật, tao cũng đếch ngủ được. Có chuyện gì không mày?
Nhiên gãi đầu gãi tai, ngượng nghịu trình bày:
 - Thức đêm không quen, đói quá… anh xem trong ấy có gì ăn được, lấy cho em một ít, an ủi cái dạ dày.
Lợi quay vào trong, quờ quạng trong bóng tối một lúc, lần được xoong thịt và ít đậu phụ, đem bỏ lẫn cả vào cái ca tôn đong gạo của anh nuôi, đưa ra bên cửa sổ, cùng bốc ăn với Nhiên.
- Nhà mày có mấy anh em? – Lợi hỏi.
- Bốn.
- Mấy trai mấy gái?
- Độc trai.
- Mày thứ mấy?
- Thứ ba.
- Hai anh mày làm gì?
- Bộ đội. Đi mấy năm nay rồi.
- Bây giờ ở đâu?
- Ông trưởng ở chiến trường D , ông hai ở chiến trường C … Ăn vụng ngon anh nhỉ!
- Ừ.
- Từ bé đến bây giờ em mới được ăn chán thịt một bữa đấy.
- Bố bậy!
- Thật mà! Nông dân ở đâu chả thế.
- Mày phịa. Tao đếch tin.
Ba giờ sáng. Anh nuôi vào kho lấy gạo và thực phẩm để nấu bữa sáng. Lợi vùng dậy, đứng chắn trước những bao ngô:
- Cậu không được động đến những bao ngô này. Cho anh em ăn gạo không độn, đúng tiêu chuẩn nhà nước quy định.
Anh nuôi không biết làm thế nào, đành làm theo như Lợi bảo. Vào giờ ăn cơm sáng, Linh đến thay gác cho Nhiên, bảo: “Lợi ơi, có nghe thấy tiếng anh em hoan hô mày ở nhà bếp không?”
Khoảng chín giờ, cậu liên lạc xuống mở khóa nhà kho, bảo Lợi: “Trung đội trưởng lệnh cho tôi xuống mở cửa, bảo anh ra ngoài tắm rửa ăn uống, chiều tiếp tục học chính trị cùng anh em”. “Cậu thông cảm cho, quân lệnh như sơn, chưa đủ ba ngày”. Lợi lấy tay đẩy nhẹ cậu liên lạc ra phía ngoài, rồi nhẹ khép cánh cửa kho lại. “Thật… không thể hiểu được!” – Cậu liên lạc nói và lắc đầu, quay ra, rảo bước đi về phía nhà ban chỉ huy. Chừng hơn một giờ sau, chính trị viên đại đội đến. Chẳng biết họ nói gì với nhau, chỉ thấy sau đó Lợi ra khỏi nhà kho, trở lại sinh hoạt bình thường. Và từ đấy, bữa cơm của anh em không còn thấy độn ngô nữa.
*
  Cuối cùng, chúng tôi cũng lên đường đi B.
Vào đến Quảng Bình, đơn vị phải chuyển quân theo đường thủy. Một đêm, cả đơn vị ngủ trong rừng. Lợi, tay cầm lăm lăm khẩu AK lúc nào cũng sạch bóng, len lỏi giữa các tấm võng bộ đội, vừa đi vừa thủng thẳng: “Vào đến đây, thằng nào B quay , tao bắn bỏ!”. Anh em cười khúc khích, trêu chọc: “Lợi ơi, nhớ là đừng có bắn vào chân mình nhé”. Trung đội trưởng nằm im, không nói gì và hình như đêm ấy anh cứ trằn trọc mãi.
 Vào đến binh trạm, giao quân xong, cán bộ khung quay ra Bắc, còn chúng tôi được phân ra, bổ sung lực lượng cho các đơn vị khác. Từ đấy, suốt trong thời gian ở chiến trường, anh em thuyên chuyển tứ tán, tôi không được gặp lại những anh em cũ, chỉ biết tin của họ qua những dịp tình cờ hỏi thăm được.
 Một lần, tình cờ nói chuyện với một nhà báo mặt trận, anh ta khoe vừa phỏng vấn một tay lính người Hà Nội can trường cự phách: một mình, vai khoác khẩu trung liên, vừa chạy trên đường, vừa bắn đuổi theo tụi lính Cộng hòa đang hoảng sợ chạy như vịt cỏ ở phía trước. Trận ấy, ta thắng to. Lúc tớ hỏi: “Xuất phát từ đâu mà đồng chí lại có lòng gan dạ và tinh thần chiến đấu ngoan cường đến như thế?” Tay ấy trả lời: “Gan dạ cái chó gì! Chúng nó thịt đồng đội của mình một lúc mấy thằng liền, đau chói người, ai chả điên tiết! Ông (tức là nhà báo) mà có mặt ở đấy lúc ấy thì còn điên bằng mấy tôi ấy chứ”. Nghe đến đây, tôi đã thấy ngờ ngợ:
- Này... thằng cha ấy người cao kều?
- Phải.
- Mắt ốc nhồi…
- Phải.
- … và nói năng rất cộc?
- Không sai!
- Trước khi nhập ngũ vốn là sinh viên trường Lâm nghiệp?
- Đúng thế! Tên là Lợi…
- Đào Viên Lợi?
- Chính xác! Ông cũng biết hắn sao? Có điều, hắn trả lời như thế… vẫn biết là thực, nhưng nghe cứ điên điên thế nào ấy, đến bố tiên sư nhà tôi sống lại cũng chẳng thể viết nổi bài!
- Đúng, bạn bè vẫn gọi hắn là Lợi điên mà!
*
 Năm 1974, tôi quay về trường với một tấm thẻ thương binh, học tiếp năm thứ tư. Mấy tháng sau, từ một trại an dưỡng thương binh, Lợi cũng khoác ba lô về học cùng lớp với tôi. Một lần, nhân trong lúc vui vẻ, tôi hỏi lại chuyện xưa:
- Ngày còn trong chiến trường, nghe một tay nhà báo nói chuyện mày đeo khẩu trung liên, chạy nhồng nhỗng trên đèo Măng Giang, vừa chạy vừa bắn đuổi theo chúng nó… tao thấy nể quá đấy!
- Thực ra, có một điều tay nhà báo ấy không nói ra. Về chuyện này, tay ấy thiếu trung thực. Nhưng, nghĩ cho cùng, cái thiếu trung thực ấy lại nảy ra từ cái bụng yêu người, cái bụng dạ chỉ thấy ở những người sống giữa nơi mũi tên hòn đạn.
- Điều tay nhà báo ấy đã không nói ra là gì?
- Thực ra, lúc ấy, tao chạy sau cái tăng T54 của một đơn vị phối thuộc.
- Rốt cục, mày đúng là thằng Lợi điên! Ai khiến mày phải nói ra điều ấy?
- Ai ư? - Lợi nhìn tôi, mặt méo xệch, câu nói như tắc lại nơi cổ họng - Là mấy thằng cùng tiểu đội bị trúng đạn trong trận ấy!
NLT