Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẾ NÀO LÀ LƯƠNG TÂM

Đắc Trung
Thứ ba ngày 15 tháng 4 năm 2025 7:44 AM



Ở đời có một đơn vị đo lường chung. Để khẳng định và so sánh giá trị con người bất luận thuộc đẳng cấp nào.

Đó là “Lương tâm”.

“Lương tâm” là năng lực tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình trách nhiệm đạo đức phải làm, tự đánh giá ý nghĩ và hành vi của mình. “Lương tâm” chủ yếu được hình thành phát triển dưới sự tác động của điều kiện sống ảnh hưởng đến nhận thức, tư tưởng, hành vi mỗi người. “Lương tâm” có vai trò rất quan trọng trong mọi hoạt động cuộc sống góp phần xác lập nhân cách và bản chất mỗi người.

“Lương tâm” có hai loại: "Thiện tâm" và "Ác tâm".

Cả hai đều trong một con người và luôn đấu tranh với nhau. Chỉ khác ở chỗ người nào nhận thức đúng về trách nhiệm đạo đức, làm theo “Luật”, sống theo “Đạo” thì "Thiện tâm" thắng và ngược lại. Giá trị con người hơn kém nhau là đấy. Chứ không phải ở giàu sang, chức cao quyền lớn, hoặc nghèo khó tiểu tốt vô danh. Một bác nông phu "Thiện tâm" đáng kính hơn một hoàng đế bạo chúa.

Cuộc chiến giữa "Thiện tâm" và "Ác tâm" trong một con người diễn ra liên tục, gay go, quyết liệt. Có khi "Thiện tâm" thắng, song cũng có lúc "Ác tâm" thắng. "Thiện tâm" thắng sẽ nhận được phúc. "Ác tâm" thắng tất phải gánh họa.

Bởi thế "Thiện tâm" luôn là đích cho những ai biết làm theo “Luật”, sống theo “Đạo”. Lão Tử dạy:

"Không có mây không là trời. Không có nước không là biển. Không có lương tâm không là người".

Khổng Tử viết:

"Lập đạo của trời là âm dương. Lập đạo của đất là cương nhu. Lập đạo của người là nhân nghĩa. Tất cả các tính khác của người đều do nhân nghĩa mà nên. Con người bất nhân là ác, bất nghĩa là bạc. Muốn được coi là nhân thì phải có lương tâm".

“Lương tâm” không ở ngoài mà là tiếng nói thầm thì ở trong ta. Mách bảo cho ta thế nào là đúng, thế nào là sai. Tiếng thầm thì ấy không tự nhiên mà có, không thể muốn mà được. Đó là kết quả sự suy nghĩ tu rèn thường xuyên không mệt mỏi, đầy thử thách với quyết tâm cao, bản lĩnh vững. Để chống lại bản năng, chống lại cám dỗ, chống lại mọi áp lực kể cả sự đe dọa tính mạng. Chỉ là tiếng nói thầm thì, nhưng sức mạnh phi thường. Có thể bất chấp cường quyền, coi thường cái chết.

“Lương tâm” có vai trò điều khiển, điều chỉnh cuộc sống chúng ta. Ngăn ngừa sự lừa dối hoặc làm tổn thương, tổn hại chính ta và người khác. Chặn đứng sự thèm khát, thói dâm ô, thói đạo đức giả, tính tham lam và những lỗi lầm thầm kín khác mà chỉ “Lương tâm” mình biết.

Ở đời có một thứ luật lệ áp dụng riêng cho từng người. Đó là “Lương tâm”.

Kinh Thánh có đoạn:

"Giá như dân ngoại không có luật. Nhưng theo lương tâm mình mà làm những điều luật dạy. Thì lương tâm họ đã là luật cho chính họ".

“Lương tâm” không chỉ là luật lệ mà còn là toà án rất nghiêm khắc và công minh. Phán quyết mọi ý nghĩ và hành vi của ta. Không ai có thể lừa dối được “Lương tâm”. Giấy không gói được lửa. Làm điều ác nhất định bị “Lương tâm” xét hỏi. Nỗi đau khôn tả là “Lương tâm” cắn dứt. Có kẻ không chịu nổi mà phát điên hoặc nhảy lầu tự tử. “Lương tâm” giống như vị "Thần hộ mệnh" giúp ta khỏi lầm lạc, hướng dẫn ta làm điều thiện, tránh điều ác. Chính vì thế trước khi quyết việc gì phải tự hỏi “Lương tâm”. Trong "Truyện Kiều", thi hào Nguyễn Du viết:

"Thiện căn ở tại lòng ta.

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".

Cốt lõi của “Lương tâm” là trung thực. Trước hết trung thực với chính mình. Lời nói thật của gã lái trâu còn quý hơn lời nói dối của kẻ đứng đầu xã tắc. Nghĩ một đằng, nói một nẻo, nói một đằng làm một nẻo. Đó không phải “Lương tâm” người lãnh đạo. Không thể ôm trái tim vô cảm và thói đạo đức giả đăng đàn rao giảng về “Lương tâm”. Mà phải bằng phẩm chất của chính mình.

“Luật Nhân quả” luôn bám sát ta. Bất cứ hành vi trái “Lương tâm” nào đều phải trả giá. Không chỉ bằng quả báo mà còn hành hạ “Lương tâm” đến chết.

Khi tuổi già không phải để mong hưởng thụ. Mà phải tổng kết cuộc đời. Hãy bình tĩnh soi xét lục vấn mình đã khi nào mình nghĩ điều gì, nói câu gì, làm việc gì bất hiếu xúc phạm tới ông bà, cha mẹ để các cụ phải đau lòng. Đến bây giờ các cụ đã qua đời mới ăn năn hối hận, muốn chuộc lỗi lầm nhưng không được. Đã khi nào ta hành xử quá đáng với cả anh chị em ruột thịt của mình chỉ vì tranh chấp mấy mét vuông nhà, vài ba thứ đồ thừa kế mà cạn tình cạn nghĩa đưa nhau ra toà? Hoặc khi người thân của mình gặp nạn, trong tuyệt vọng cầu mong sự giúp đỡ nhưng mình làm ngơ mặc dù dư thừa điều kiện? Đã bao giờ lừa dối, phản bội, ác khẩu lăng loàn, thô bạo hành hung, hoặc cư xử bất nghĩa với người bạn đời của mình để đến khi già “Lương tâm”
luôn day dứt ân hận? Đã bao giờ mình vô trách nhiệm sống không gương mẫu, thiếu tình thương yêu chăm sóc dạy dỗ con cháu khiến chúng hư hỏng cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút đến nỗi gia đình tan nát, khi tỉnh ngộ ra muốn làm lại cũng không được? Đã bao giờ mình tự đánh mất niềm tin hoặc làm tổn thương đến bầu bạn, những người đã gắn bó bao năm tri kỷ, thậm chí là ân nhân đã từng cứu giúp mình qua hoạn nạn để rồi đến lúc sa cơ chẳng còn ai chia sẻ? Đã bao giờ thấy cháu bé mồ côi tàn tật, hoặc cụ lão mù loà rách rưới hành khất van xin bố thí mà mình cố ý lẩn tránh không giúp, thậm chí còn tỏ ra khinh mạn? Đã bao giờ vì vô cảm thiếu trách nhiệm mà để người bệnh không đáng chết bị chết, hoặc vì tiền mà đạp lên y đức bóp họng cả những bệnh nhân nghèo khổ? Đã khi nào mình thất lễ xúc phạm thầy cô giáo, những người đã tận tâm truyền dạy kiến thức và đạo lý để mình được vinh hiển quyền to chức lớn như bây giờ? Đã khi nào cũng chỉ vì tiền mà bất chấp pháp luật cướp của giết người, hoặc buôn bán tàng trữ, tiêu thụ chất ma tuý huỷ hoại cuộc sống và làm tan nát biết bao gia đình? Đã bao giờ vì mối lợi trước mắt mà táng tận lương tâm, sảo quyệt chốn thương trường buôn bán hàng giả, thuốc giả, thực phẩm nhiễm khuẩn, xả chất thải độc ra sông gieo rắc tai họa cho người khác? Đã bao giờ đường đường là nhà báo, thư ký của thời đại, được xã hội coi là "quyền lực thứ tư" chỉ vì tiền hoặc do động cơ thấp hèn mà cam tâm làm bồi bút, đưa tin không trung thực, bình luận đầy ác ý nhằm hạ nhục người khác, hoặc làm tổn thương tổn hại đến những đơn vị, những địa phương làm ăn chân chính? Đã bao giờ ghen ghét kèn cựa với người khác chỉ vì tài đức họ hơn mình? Đã bao giờ ỷ thế, cậy quyền thành kiến trù dập cấp dưới chỉ vì họ không khom lưng cúi đầu xu nịnh, không quà cáp biếu xén hoặc phản đối lại mình mặc dầu ý kiến họ không sai? Đã bao giờ chỉ để tỏ ra mình nhiều quyền lực mà xuống lệnh đàn áp lương dân, phanh thây mổ xác cả người già vô tội? Đã bao giờ bất chấp đạo lý dám ngạo mạn coi thường cả những bậc lão thành tiền bối có công khai quốc? Đã bao giờ vì tiền, hoặc vì áp lực nào đó mà sẵn sàng kết luận điều tra sai sự thật, tắc trách nhắm mắt phê chuẩn cáo trạng hoặc vô luật, vô đạo, vô cảm khi xét xử khiến người lương thiện phải chịu oan sai bị giam cầm tù ngục khuynh gia bại sản, tan nát gia đình? Đã bao giờ nhân danh công chức, quan chức "chính quyền của dân, do dân, vì dân" mà luôn nghĩ cách hành dân, gợi ý, đòi hỏi tiền đút lót của dân? Đã bao giờ lợi dụng quyền hạn gây khó khăn thúc ép, mặc cả với các doanh nhân, doanh nghiệp để có tiền hối lộ làm giàu bất chính? Đã bao giờ vì những lý do thiếu chính đáng, không đứng trên lợi ích dân tộc, nhân danh chức vụ quyền hạn cá nhân ký kết những văn bản làm tổn hại đến thể diện, chủ quyền, tài nguyên khoáng sản và lãnh thổ quốc gia? Đã bao giờ? Đã bao giờ?...


Hãy lục vấn bằng rất nhiều câu hỏi và tự trả lời một cách trung thực. Rồi suy ngẫm xem “Lương tâm” mình có thanh thản không? Có ân hận day dứt và hổ thẹn không? Có sợ quả báo với chính mình và cả những người thân của mình, không chỉ kiếp này mà cả các kiếp sau không? Có biết lịch sử và hậu thế sẽ lên án và kết tội mình không?

Chỉ đến khi hết chức, hết quyền, sa cơ nghèo khổ và tuổi đã già sự phán xét của “Lương tâm” mới khách quan.


“Lương tâm” là thế. Rất nhân từ nhưng vô cùng nghiệt ngã.