Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chân dung Văn học: CHIẾN TRANH VÀ TÌNH YÊU

Lê Anh Phong
Thứ năm ngày 3 tháng 4 năm 2025 8:42 AM


“13/8/1972:

Đoàn tàu lầm lũi lao đi trong bóng đêm. Gió lùa qua ô cửa mát rượi. Trăng đã lên. Ba tháng trước, họ là học sinh, sinh viên, giáo viên, công nhân… của thủ đô. Lần đầu đi xa, đám lính trẻ Hà Nội ngồi bệt trên bậc cửa con tàu hút thuốc, nhìn về phía xa xăm… Một con chim đêm chao cánh khẽ lượn tránh làn khói đầu tàu. Nó bay theo hình chữ S, rồi đập cánh lao thẳng vào màn đêm…”

“Đêm 16/9/1972, (ngày cuối cùng của 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị):

… Anh ơi, rút thôi! Tiếng đạn cối giảm dần và tắt hẳn. Băng bó xong cho Trụ, bò sang chỗ Vân. Vân đã ra đi, vẫn nằm đó trong hố pháo, như một đứa trẻ đang ngủ. Đôi mắt Vân vẫn hé mở, trong veo, hướng lên bầu trời vần vũ của đêm chiến tranh, như đang nghĩ ngợi điều gì…”

Đó là những đoạn trích trong cuốn hồi ký “Đường ta đi dài theo đất nước” của người cựu binh, thương binh, nhà thơ, bác sĩ Trịnh Hòa Bình. Cuộc vệ quốc đang bước vào giai đoạn đầy thử thách, đang học cấp III, người thanh niên Hà Nội mới bước sang tuổi 17 đã viết đơn tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. Chỉ sau mấy tháng rèn luyện, anh đã đến với điểm nóng nhất của chiến trường lúc ấy. Ký ức vẫn còn nguyên ngày trở lại với dòng “Thạch Hãn” trong thơ: “Đêm Thạch Hãn/ Thả hoa trên con sông nghĩa trang/ Em có thấy những trang sách đang chảy ra phía biển/ Có thấy giấc mơ người lính trẻ/ Sóng sánh sông xanh mà khé đỏ trong lòng?”, “Thạch Hãn mùa này nước thật xanh/ Xanh như mái tóc người lính năm mươi hai năm trước/ Có người lính già quỳ gối bên dòng nước/ Giơ tay nghiêm cẩn chào anh linh những người bạn ngày xưa/ Chiến tranh/ Chiến tranh/ Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ/ Vẫn nghe tiếng nức nở/ Gọi mẹ/ Của những mái đầu xanh lên từ đáy nước…”. Rưng rưng trước những con chữ gọi mẹ, thần thức bay lên, bay lên từ đêm sóng hoa đăng. “Những mái đầu xanh lên từ đáy nước”, trong trẻo nhưng ám ảnh, vọng ngữ hóa hình đêm trắng sông linh…

Là người lính trẻ của trận chiến khốc liệt 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, cùng vết thương, anh trở về tiếp tục học lớp 10 và thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội. Trang sách lại mở ra, nhưng vẫn vương vương mùi cỏ cháy. Đam mê và ảnh hưởng phong cách trữ tình của văn học Nga một thời, anh viết về cuộc đời mình, thế hệ mình, về tình yêu, về cái thời anh đã và đang sống, gian khó thương đau nhưng lãng mạn mơ hồ. Tên gọi các bài thơ như nhật ký thao thiết của nỗi niềm: Nỗi đau im lặng, Một ngày như thế, Em và trăng, Rong rêu, Mơ hoang, Dòng sông xưa…

Song hành với thơ, văn xuôi Trịnh Hòa Bình dấu ấn trong truyện ngắn, hồi ký và tản văn. Nhiều trang viết cảm động, giàu chất thơ: Những đêm không ngủ, Lá thư chiến trường, Đêm mất thành, Chuông nguyện, Trinh nữ và khoảng lặng chiến tranh… “Chiến tranh, nó như cái dằm độc găm vào cơ thể người lính”. Nhưng, cùng với tình yêu, chiến tranh đã tạo ra, đã làm nên những trang viết tràn đầy cảm xúc “máu và hoa”.

Tự nhiên, giản dị và chân thành, thơ Trịnh Hòa Bình trầm hậu, thầm thì. Không đại ngôn, hiện thực trong thơ anh là hiện thực của nội tâm. Thơ vì thế mà trở nên nhân bản, nhân tình. Nặng lòng, nhưng không sa vào cảm xúc sơ lược, thơ anh nghiêng về phía “nghe tiếng hoa rơi”. Đó không chỉ là hình ảnh tượng trưng về sự tinh tế, nghiêng về duy mỹ, duy cảm, mà còn là góc khuất trong lặng lẽ, khoảnh khắc của ưu tư trước sự mất mát của vẻ đẹp dâng hiến. Chiến tranh đã lùi xa, không có nghĩa đề tài này cũng mất, hoặc cũ mòn. Điều cốt yếu của sáng tạo là điểm nhìn: “Đứng dưới gốc cây gạo/ Những bông hoa quay tít/ Xòe trong cánh gió/ Rụng rơi/ Tôi hỏi đám bạn/ Yên lặng nghe tiếng hoa rơi có thấy gì không?/ Tất cả dỏng tai lắng nghe/ Giống tiếng đạn cối rơi…/ Thế đấy!/ Tiềm thức của chúng tôi/ Cuộc chiến tranh đã ăn gỏi ý nghĩ…”. Đọc bài thơ này, tôi chợt nhớ câu nói của người cựu binh, nhà thơ Anh Ngọc: “Chúng ta ra khỏi chiến tranh, nhưng chiến tranh chưa ra khỏi chúng ta”. Nửa thế kỷ đã trôi qua, “nỗi buồn của chiến tranh”, sự ám ảnh ấy vẫn mang hình đạn pháo. Mảng thơ này của anh ấn tượng với nhiều bạn đọc.

Thơ Trịnh Hòa Bình không phải là gương mặt của niềm vui, của hoan ca, nhưng nó hiện lên vùng trời của miền thi cảm trong sáng trong cách nhìn. Đó là mỹ cảm về nỗi buồn, ẩn ức của hoa hồng và thời gian thương nhớ… Vừa trực cảm vừa suy tư, cảm xúc và ý niệm, thơ anh có nhiều nỗi niềm không gọi thành tên. Đây là khoảnh khắc của sự vô tình: “Mưa vô tình đem nước mắt vào đêm/ Em vô tình theo mùa xuân xa mãi/ Ta, chiếc lá vẫn cháy một chiều mê dại…”. Chỉ còn anh và câu thơ đứng lại giữa vô tình, “chiếc lá” ấy vẫn cháy, vẫn sáng lên trong khoảnh khắc giao mùa. Còn đây là “Nỗi đau im lặng”: “Em đã đến/ Em ra đi/ Khúc hát bỗng thành dang dở/ Bao giờ? Có bao giờ nữa?/ Hay chỉ còn mình anh/ Và nỗi nhớ...”. Cô đơn luôn là yếu tính của thi ca. Phần lớn thơ anh là tình tự của nỗi buồn, lẻ loi, thao thức. Là người sống trọng tình, một lần chia tay cũng để lại trong thơ không ít di chứng của tình yêu. Nhiều bài, nhiều câu là diễn ngôn của mảnh vỡ: “Còn bây giờ là giông tố từng đêm/ Anh viết gửi em những dòng thơ tan nát/ Hát cho ngày đã mất/ Với trái tim đã vỡ tự lâu rồi”. Là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, đã đọc hàng ngàn tấm phim, nhưng anh có đọc được âm bản của tình yêu?... Như tìm lại thời gian đã mất, nhưng với anh, “giữa muôn vàn điều dối gian/ Chỉ tình yêu là thật/ Tình yêu không thể chết/ Hà Nội vẫn còn đây/ Gửi em ngàn mắt biếc”. Câu thơ cô đơn soi bóng bên Hồ Gươm, “gửi gió cho mây ngàn bay”.

Có thể nói, thơ Trịnh Hòa Bình là chân dung của đồng hiện, đồng vọng: Xưa và nay, chiến tranh và hòa bình, ra đi và trở về, xa và gần… Dường như trái tim người thương binh – bác sĩ mang cái tên khát vọng Hòa Bình, luôn phân thân, dùng dằng bởi bao điều níu kéo giữa trần gian. Vừa ngọt ngào vừa đắng đót, có khoảnh khắc mùa xuân trở nên mơ hồ trong cảm giác “hình như”: “Hình như mùa xuân vừa bay qua/…Hình như ngoài kia là mùa xuân”. Nhưng có một điều rất thật: “Khi mỗi lần em dặm chút son/ Có thấy màu lá cuối thu cháy đỏ/ Môi em thắm màu lá thu gục ngã/ Chỉ lá thu hân hoan nỗi cô đơn”. Một trái tim thơ nhạy cảm, cảm thức thời gian thường trực trong dự cảm trữ tình.

“Tháng Bảy không mưa” là bài thơ anh viết tặng cha. Trước khi trở thành bác sĩ, giáo sư, hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, cha anh cũng là người lính trẻ. Hình ảnh trong đêm, người cha trước đỉnh núi của một thời, gợi rất nhiều nghĩ ngợi và suy tưởng. Dường như, anh gặp cha mình trong “mãi mãi tuổi hai mươi”: “Tháng Bảy không mưa/ Cha nhìn xa xăm đỉnh núi/ Con dốc từ phía Quân Chu/ Vẳng nghe tiếng quân reo/ Đêm hun hút thật sâu/ Những chiếc lá khô giòn gãy vỡ/ Đèn khuya hanh vàng vò võ/ Lòng người vàng mã/ Cháy một thời thanh xuân/ Có bao nhiêu tháng Bảy mưa không rơi?”

Trong những sáng tác mới của anh, tôi dừng lại trước “Đoạn chát với cô con gái người sĩ quan Việt Nam cộng hòa: “Cuộc chiến tranh này đương nhiên có nhiều góc nhìn khác nhau. Nhưng cuộc chiến tranh nào cũng chỉ mang lại thương đau và nỗi buồn. Anh phải viết để giải tỏa. Cuộc chiến đã đi qua gần nửa thế kỷ, đất nước đã thống nhất. Nỗi buồn rồi sẽ nguôi ngoai. Giữa chúng ta không còn bên này bên kia của dòng sông nữa. Bởi vì đó là con sông dân tộc. Chúng ta chung một dòng sông để ra với biển… Cho anh gửi lời thăm ba em. Và nếu ông đã đi xa, xin thắp giùm anh một nén nhang, nén nhang của người cựu binh, san sẻ cùng ông những vần thơ buồn ông viết”.

Đi qua chiến tranh, đi qua miền đất lửa Thành Cổ Quảng Trị, nhưng giờ đây anh đang phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo. Trải qua cuộc đại phẫu, ngày ra viện, khi vợ con đến đón, anh vẫn nghe thấy đâu đây tiếng còi tàu và cả tiếng người náo nức ban mai. Và anh lại viết… Một bản thảo truyện ngắn và hồi ký đầy đặn. Chiến tranh và tình yêu. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, có một cựu binh, một người cầm bút vẫn lặng lẽ hương mùa nhen lửa cháy soi đêm.

17/2/2025

LÊ ANH PHONG