Xưa nay, hầu như không có khuôn mẫu nhất định cho thể loại thơ viết về các anh hùng cái thế, danh nhân văn hóa từng được ghi chép trong chính sử cũng như lưu truyền trong dã sử. Đó là một thể loại mở, với nhiều cách tiếp cận nhân vật, sự kiện, tùy vào quan điểm chính trị, xã hội, cùng với năng lực cảm xúc mà hình thành cấu trúc văn bản và chiến lược diễn ngôn. Gọi chung là thơ nhưng thật ra, bên cạnh thơ còn có phú, một thể loại biền văn chịu ảnh hưởng của thi pháp Trung Quốc mà trong đó văn tế, chúc văn, câu đối rất phổ biến cho đến những thập niên giữa thế kỷ XX. Về thơ, ngay từ thời trung đại, các nhà nho đã sử dụng chữ Nôm để viết diễn ca chẳng hạn như "Thiên Nam ngữ lục", "Đại Nam quốc sử diễn ca", "Việt sử diễn âm". Trong các bộ sử bằng thơ nay, hầu hết các nhân vật Lịch sử như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Chu An… đều được tác giả xây dựng thành hình tượng uy nghi, lẫm liệt bằng thơ lục bát hoặc song thất lục bát, tuy mỗi người một vẻ nhưng đều là những tấm gương anh hùng cái thế tiêu biểu cho tinh thần, ý chí, bản lĩnh của người Việt trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước mà một trong số đó là Triệu Trinh Nương:
"Đầu voi phất ngọn cờ vàng
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha
Chông gai một cuộc quan hà
Dù khi chiến tử còn là hiển linh".
Sở dĩ phải có mấy lời rườm rà như trên là bởi tôi vừa được đọc tập bản thảo "Thơ danh nhân, chân dung văn nghệ sĩ" của nhà văn Phùng Văn Khai, một anh bạn vong niên thuộc vào loại "hậu sinh khả úy" bởi ngón nghề "thi văn hợp bích" bằng một loạt tiểu thuyết lịch sử về Phùng Hưng, Lý Bí, Ngô Quyền… theo kiểu chương hồi khiến thiên hạ phải ngả mũ vái chào.
Nhớ lại, từ những năm trước tôi đã viết mấy bài phê bình "Hư thực, không gian ảo và triết lý của những nghịch lý", "Ám ảnh da cam và yếu tố huyền hoặc của tiểu thuyết Hồ đồ” và "Nhận diện tiểu thuyết Nam đế vạn xuân qua góc nhìn văn hóa" cho Phùng Văn Khai về các cuốn tiểu thuyết "Hư thực", "Hồ đồ" và "Nam đế vạn xuân". Có thể đấy là nguyên nhân khiến bạn ấy viết thơ chân dung về tôi, và cũng thật không ngờ, bài thơ ấy lại là một cú depart khiến cho hàng loạt bài thơ chân dung giới văn nghệ sĩ Việt Nam ra đời như một mối lương duyên chăng?
Thật ra, "Thơ danh nhân, chân dung văn nghệ sĩ" gồm 3 phần, phần 1 viết về 15 danh nhân lịch sử từ Cao Lỗ, Trưng Nữ Vương, Lý Bí… đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương bằng các thể loại lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, thậm chí cả lục ngôn với cách lập ý, lập tứ và kỹ năng diễn đạt vừa cổ điển vừa hiện đại tạo nên một phong cách riêng của tác giả Xứ Đoài không lẫn với bất cứ ai. Phần 2 được xem như là trọng tâm với 88 chân dung văn nghệ sĩ, bạn bè và những người thân trong gia đình, cũng là mảng thơ chứng tỏ bút lực thâm hậu của người cầm bút thông minh, trải nghiệm nhiều.
Có thể nói, ở tập này, bút pháp của Phùng Văn Khai chẳng những đa dạng, phóng túng mà còn rất tinh tế trong "công nghệ" khắc họa cá tính nhân vật cho dù chỉ giới hạn trong một vài câu thơ. Cái tài "điểm nhãn" ấy được thể hiện khá sinh động ngay ở phần "Danh nhân lịch sử" mà bài "Trước lăng mộ Phùng Tá Chu" là một trong số đó:
"Người xưa đã về mây trắng
Cây xanh xanh mấy trăm năm
Đồi Cao thong dong mạch đất
Văn bia vằng vặc Tây Đằng".
Cũng với bút pháp tung tẩy, bài ngũ ngôn ca tụng công đức Hưng Đạo Vương, tác giả có những khổ thơ làm không ít tâm trạng người đọc bâng khuâng:
"Riêng nào đâu đất hiểm?
Bể dâu lẽ thăng bình
Một lòng vun gốc đức
Mà không màng tử sinh".
Còn đây, Phung Văn Khai bàn về thế sự qua hình tượng Ức Trai tiên sinh:
"Thiên tài sao mơ ngủ?
Công danh tủi nhục cầm
Dòng máu non tơ tóc
Nhỏ buốt mấy trăm năm".
Đến "Trước lăng cụ Trạng", vẫn với phong cách sử thi, dòng cảm xúc dạt dào nhưng Phùng Văn Khai lại sử dụng thể loại thơ hiện đại mang hình ảnh phù sa sông Hồng tương tác với mây trắng núi Tản khiến cho người đọc như bị lạc vào vũ trụ thi ca mà tâm thức thì mang mang nỗi buồn thiên cổ:
"Ngẩng đầu mây trắng Tản Viên Sơn
Cúi nâng phù sa sông Hồng ứa đỏ
Kẻ Nủa kia, sử xanh kia còn đó
Mộ đá ong giản dị nhường này".
Đến Hồ Xuân Hương, một tài nữ thời mạt kỳ phong kiến, người được xem là "nhà nho phi nho", một bậc nữ lưu nổi loạn thế kỷ XIX thì Phùng Văn Khai chơi trò "bính thấu thi", lắp ghép thơ mình với thơ nữ sĩ để làm đậm nét cái gọi là "mỹ học phồn thực" và "triết lý phồn thực" trong "gánh càn khôn" của bà:
"Em đương phận mít xanh ứa nhựa
'Mảnh tình san sẻ tí con con'
Đánh trận cờ người, người thăm thẳm
"Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”.
Trước Phùng Văn Khai đã có không ít người viết chân dung văn nghệ sĩ mà nổi tiếng nhất là nhà thơ Xuân Sách. Thơ Xuân Sách sâu sắc, chắt lọc, bài nào cũng nêu được phần tinh túy, phần cốt lõi nhất trong nhân cách nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình bởi trò chơi chữ nghĩa và triết lý nhân gian tạo ra nụ cười đầy hàm ý.
Khác với Xuân Sách, Phùng Văn Khai viết thơ chân dung theo cách riêng của mình. Anh không câu nệ ở thể loại mà vận dụng chúng như một phương tiện khá linh hoạt để làm nổi bật bản chất đối tượng. Mỗi chân dung của Phùng Văn Khai, dường như người đọc đều nhận ra thấp thoáng đâu đây sự hòa quyện giữa thao tác ký họa chủ thể với yếu tố trữ tình trong một không gian nghệ thuật mở rộng cả bốn phương tám hướng. Chẳng những thế, không ít lần tác giả còn chêm vào vài nét bông đùa tếu táo hoặc trào lộng nhẹ nhàng như một cách giảm thiểu sự nghiêm túc bác học nhằm gia tăng tính dân gian vốn rất cần thiết trong thời đại kỹ thuật số. Và cũng chính phong cách vừa lạ vừa quen này đã khắc họa được những chân dung văn nghệ sống mãi với thời gian:
"Dòng văn chảy thịnh - suy, hưng - phế
nỗi tâm can cơm áo khinh khi
giọt bấc vơi khô
mấy lần bẻ bút
cột điện bạn tù lấp ló vết chim đi".
(Nhớ Bùi Ngọc Tấn)
Cũng vẫn với nhà văn quá cố này, tác giả phải có niềm kính ngưỡng và trạng thái cảm xúc thăng hoa lắm mới viết được những câu thơ phảng phất thi pháp trường ca:
"Người đi vắng biển
Kẻ ở xanh trời
Khúc thu xa rừng cây gió thổi
Bóng trăng tà
Người kiếp nạn
Bấy nhiêu năm oan khuất chưa vơi".
((Nhớ Bùi Ngọc Tấn)
Như vậy, không chỉ giới hạn trong việc mô tả chân dung qua thao tác liệt kê đầu sách mà người viết còn tìm ra điểm nhấn quan trọng ở tính cách được xem như đặc trưng thẩm mỹ làm nên tên tuổi nhà văn. Có được thói quen này là bởi, Phùng Văn Khai ít bị ràng buộc bởi ý thức hệ. Với biên độ mở rộng trong sự kết giao, anh luôn tìm thấy ở bạn bè những phẩm chất mới để mình hòa nhập, học hỏi mà chẳng cần băn khoăn người ấy thuộc thành phần xã hội nào. Cũng bởi cái nhìn nhân ái và tư tưởng cấp tiến của người nghệ sĩ, hơn một lần, Phùng Văn Khai viết về Phùng Cung bằng giọng thơ buồn thảm như một lời ai điếu:
"Bỏ quên gươm báu bên trời,
Dế gào chân mộ sương rơi lạnh lùng.
“Cuối trời trăng mỏi” mông lung,
“Hưu non, nước thải” lệ chừng cạn khô.
Còn đâu hạt thóc trong bồ...".
Phải nói rằng, Phùng Văn Khai viết nhanh, viết khỏe, và trong số đó có những bài tràn đầy năng lượng. Nghĩ về Phù Thăng, một người lính cầm bút, cuộc đời bảy nổi ba chìm nhưng trước sau vẫn là Anh bộ đội Cụ Hồ đúng nghĩa, Phùng Văn Khai dùng thể loại thơ ngũ ngôn, nhịp điệu nhanh như tốc độ hành quân ra trận bằng những hình ảnh so sánh, thậm xưng nhưng vẫn phảng phất niềm bi tráng:
"Người tìm gươm dưới hồ
Kẻ mò kim đáy biển
Một mình ông tiền tuyến
Vượt nghìn trùng “Phá vây”.
Còn với Xuân Sách, bậc lão trượng sinh thành 99 chân dung văn nghệ sĩ thời bao cấp được kẻ hậu bối họ Phùng kính tặng 15 cặp lục bát trong đó có những khổ chỉ mới lướt qua mà lòng đã ngổn ngang nỗi buồn thế sự:
"Văn chương gồng gánh chức quyền,
Năm bè bảy mối an yên bao giờ?
Bây giờ cả nước làm thơ?
Thương vay, khóc mướn giả vờ đau tim?
Cụ thì tăm cá bóng chim,
Trăng nơi đáy giếng, núi chìm mây xa.
Thơ là thơ của người ta,
Đã yên phận chữ đồng ca dàn hàng".
Và đây nữa, từ chân dung tinh thần nhà sử học Trần Quốc Vượng, Phùng Văn Khai suy ngẫm về thế hệ mình chẳng hiều vì đâu nên nông nỗi này:
"Lũ chúng tôi toàn khéo miệng, khéo mồm
Thơ văn toàn những xu thời, nịnh thế
Trái tim rỗng toàn bày mưu, tính kế
Chạy loanh quanh trong yên ấm riêng mình".
Nhưng chân dung của Phùng Văn Khai không chỉ có thế. Viết về những người bạn, dù là đồng niên hay vong niên, bao giờ anh cũng tìm được điểm nhìn hợp lý nhất để tương tác với hoàn cảnh lịch sử, từ đó hình thành một không gian nghệ thuật hàm chứa yếu tố duy lý:
"Đêm Thanh Tùng rượu đong đầy gót nhỏ
Sen hồng, cúc thắm, lá me bay
Gạch vỡ, tường hoang, phố cổ
Sài Gòn nghiêng đổ cơn say.
Người cất bước Hải Phòng áp tải
Cánh buồm giong ứa máu lưng cây
Câu hát cũ đã dần thinh lặng
Màu hoa kia tím sẫm hai tay".
Xét đến cùng, như một quy luật bất biến, thơ Phùng Văn khai, dù viết bằng thể loại gì, cấu trúc văn bản và trình tự diễn ngôn ra sao, cuối cùng, cái hồn của nó vẫn mang âm hưởng sử thi rất gần với thi pháp trung đại. Vì thế, có một sự liên thông giữa hai mảng chân dung danh nhân và chân dung văn nghệ sĩ. Chỉ cần đọc một khổ về nhà văn Nam Hà chúng ta sẽ nhận ra ngay phong cách đó:
"Trái tim ông sáng trong như ngọc
Câu thơ ông thơm gấm vóc non sông
Những vết thương sâu giấu kín trong lòng
Để dành dụm nở hoa đất nước".
Cũng với dòng tư duy cảm khái như vậy, tác giả viết về nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán bằng những vần lục bát hào sảng:
"Trùng khơi hồn ảnh thu xanh
Tao nhân, mặc khách vang danh biển trời
Bồng bềnh mái tóc ra khơi
Trái tim tri kỷ, nụ cười hồng nhan".
Đến Phùng Gia Lộc với bài ký nổi tiếng từng làm cho ông "thân bại danh liệt" thì Phùng Văn Khai âm thầm triết lý phía sau những câu thơ tự do về nhân tình thế thái:
"Ngày tháng càng xa, đời người càng ngắn
Sông suối càng dài, lòng biển càng sâu
Những gạch đá, đền đài đã cũ
Thánh chúa, gian thần đang sánh bước bên nhau".
Với đồng hương Lê Lựu, người của một "Thời xa vắng", chẳng hiểu vì cơn cớ gì, họ Phùng vinh danh ông bằng bài thơ thấp thoáng phong vị diễn ca song thất lục bát vốn là thể loại rất thịnh hành cách ngày nay cả thế kỷ:
“Người cầm súng” sá gì sinh - tử
Lẽ tử - sinh trắng nỗi mây bay
Trăm năm mấy cuộc vần xoay
“Người về đồng cói” mưa bay mịt mùng.
Hóa ra, "chất thơ" trong tư duy hình tượng của Phùng Văn Khai cũng chẳng kém gì "chất văn". Một khi hai tố chất ấy liên kết với nhau sẽ làm nên những câu thơ đáng nhớ:
"Hữu Thỉnh đã vì đâu viết những câu thơ?
Máu vẫn đỏ, xương vẫn khô lòng đất
Hữu Thỉnh đã vì đâu nằm gai, nếm mật?
Cỏ vẫn xanh, trăng vẫn sáng bên trời".
Viết như vậy, có nghĩa là tác giả đã ngộ được những gì phía sau những dòng chữ trên trang sách mà nhà văn Nguyễn Tuân từng gọi một cách bi ai là "pháp trường trắng". Chắc là vậy nên Văn Thùy bị điểm trúng huyệt đạo bằng mấy câu phúng dụ giả như thật mà thật lại như giả:
"Ban ngày ngẩn ngẩn, ngơ ngơ
Ban đêm thấy gái như cờ lông công
Dẫu là xuân, hạ, thu, đông
Cực Nam, cực Bắc, ruộng đồng, núi non..."
Có thể nói, thơ chân dung của Phùng Văn Khai là một hiện tượng lạ trong quá trình tìm hiểu nhân cách văn hóa người cầm bút đương đại. Đó không hẳn là tiểu sử, cũng không hẳn những dòng "trích ngang" lý lịch văn chương, mà thực ra chỉ là một lát cắt bất chợt nhưng là lát cắt thông minh nhất với phần cốt lõi tối ưu hóa được vẻ đẹp tinh thần văn nghệ sĩ. Cuối cùng, lại mượn một khổ thơ của anh làm phần kết cho bài viết này:
"Nhắn về anh, trăng chưa tàn, kiếm gãy
Bút mực giang hồ đứt đoạn, khinh khi
Ta vâng mệnh phận rồng ao cạn
Cỏ nghìn đời xanh bước chân đi".