Trang chủ » Tản văn

ƠI CÁNH CÒ CÁNH VẠC

Dương Phương Toại
Thứ năm ngày 14 tháng 10 năm 2010 1:25 PM

Tản văn:
Ngày xưa, quê tôi vùng làng đảo Hà Nam có rất nhiều rừng cò, bãi chim ven sông. Phía Bắc có rừng Cống Vông. Phía Nam có bãi Đầm Bầu. Phía Tây có Ngãnh Cốc, đầm Nhà Mạc. Phía Đông có dải Cống Mương, Quỳnh Biểu chạy ra sát vịnh Hạ Long… Cả vành đai xanh là những dải rừng ngập mặn như tấm áo khoác ngoài bảo vệ lấy vùng làng đảo. Bên trong là những bờ tre, vườn cây lưu cựu của các thôn xóm cuốn hút bao đàn cò, bầy vạc và các loài chim từ khắp nơi về đây trú ngụ, lập hương.
Rừng Cống Vông bên sông Chanh, nơi bến đò ngang mở ra con đường sống trâu dẫn về các làng xã, các loài cây nước mặn: trang, sú, vẹt, mắm, đước… mọc ngút ngàn.
Thảm thực vật xanh dày, rộng hàng chục ha kéo dài hai, ba cây số. Thuỷ triều dâng, sóng vỗ ngang thân đê, ngang những ngọn cây mắm, đước già cốc đế. Nước rặc, phù sa mát lạnh dưới vòm lá. Tiếng cáy còng đùn bọt, tiếng tôm cá búng long bong. Chúng tôi thường rủ nhau luồn lách dưới rừng, lội bì bõm qua các lạch nước, đứa ghè những vỉa hà bám ở gốc sú, đứa trèo lên những ngọn cây tìm trứng cò, trứng sáo. Lúc hoàng hôn buông toả, hàng nghìn hàng vạn cánh cò từ các hướng theo nhau bay về vùng rừng bãi như có tay ai tung ra bầu trời cơ man những mảnh giấy trắng lấp lánh. Chúng liệng đi liệng lại chào hỏi nhau rối rít sau một ngày lang thang trên các cánh đồng, miệt bãi, rồi từ từ xếp cánh xuống những ngọn cây. Tiếng cánh vỗ sàn sạt. Tiếng lá cây dạt rào rào. Cùng tiếng các loài chim khác sôi lên tạo thành bản hợp âm rộn rã, náo động cả một vùng ven sông.
Thuở ấy đất rộng người thưa, làng nào cũng có những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Từng đàn cò như những dải diều trắng nhẹ nhàng đáp xuống những sào ruộng lấp loá nước in hình những cô thôn nữ vừa nhanh tay cấy vừa hát những lời ca dân dã. Đồng quê đẹp tựa tranh vẽ và dịu dàng như áng ca dao.
Trong các phiên chợ quê, thường có những người nông dân trông mạ, trông lúa đêm bẫy được những con vạc, những con bồ nông, vịt trời…đem bán, nhưng rất rẻ vì ít người mua, ít người biết ăn thịt chúng. Theo mẹ đi chợ, tôi thường ngẩn ngơ đứng xem những con bồ nông, những chú sếu cổ dài ngoẵng, chiếc mỏ nhọn như chiếc compa gắn vào cái đầu mượt lông lóng lánh đôi mắt như hai giọt nước. Thỉnh thoảng chúng lại giãy giụa, vỗ cánh phành phạch, và kêu quác lên mấy tiếng tuyệt vọng, khiến mọi người ngồi quanh giật cả mình.
Bác rể tôi cũng thường bẫy được những con chim trời như vậy. Có lần tôi thấy ông nuôi những con cò, con vạc cho béo, rồi đem ra bờ sông Chanh thả chúng lên trời và còn dặn vói theo: -Bọn bay đi đâu ăn rồi nhớ về, nhưng đừng lội vào ruộng mạ của ta…
Phát hiện đây là nơi chim trời cá nước, nên một dạo ở quê tôi xuất hiện những tay thợ săn vác súng dài, cưỡi “bình bịch” kéo xuống bãi Đầm Bầu cực nam xã Liên Vị. Họ từ các thị trấn, thị xã, từ Thuỷ Nguyên, Hải Phòng… kéo sang trong những ngày chủ nhật. Bãi Đầm Bầu thành điểm giải trí, thi thố tài bắn súng săn chim. Cứ thế chiều chiều từng đoàn xe bình bịch thồ lặc lè những xâu chim đủ loại nào cò, vạc, sếu, sâm cầm… nghênh ngang mãn nguyện qua đò. Ngày còn đi học, mỗi lần nhìn cảnh ấy tôi lại cảm thấy mất đi một cái gì đau đáu khó tả. Hình như có bàn tay vô hình nào đó cấu véo vào cơ thể tôi, vào cơ thể làng quê mỗi ngày một miếng!
Những đêm đập lúa dưới trăng, nghe bầu trời vọng lên tiếng vạc trầm đục, ướt đẫm hơi sương, tôi lại chợt nghĩ không biết ngày mai tiếng kêu nào sẽ tắt ngấm sau chùm nổ “tắc đùm”? Lại thêm con vạc, con vịt trời nào lẻ bạn? Cho đến ngày đường quê vắng bóng những tay vác súng dài cưỡi xe thì cũng là lúc không gian vắng bặt tiếng vạc ăn đêm! Còn vạc đâu, vịt đâu nữa mà săn? Rừng cò Cống Vông, bãi vạc Đầm Bầu, Nhà Mạc… đã hoá chuyện “ngày xửa ngày xưa”! Thay vào đó, chỉ còn thấy những chòm dân cư đông đúc, những lò vôi toả khói đục như sương nống xuống tận mép sông. Bói không thấy một cánh cò chớp nắng.
Nhắc tới đầm Nhà Mạc, tôi lại nhớ lời cha tôi lúc sinh thời, người kể: Sao chim trời ở vùng bãi triều cửa sông Bạch Đằng mình lại lắm đến thế? Đêm nằm trong lều tưởng không thể ngủ nổi vì chim. Ban ngày có những đàn bay ngợp tựa đám mây sa xuống mặt rừng. Những người chặt củi, kéo lưới ngỡ giơ tay lên cũng tóm được chim!…
Đầm Nhà Mạc bây giờ người ta đua nhau chặt phá sú vẹt, mở rộng mặt nước trắng mênh mông rồi khoanh vùng kẻ ô tạo nên những vùng nuôi tôm lấn ra tận cửa Nam Triệu. Chiếc áo choàng rộng lớn thiên nhiên ban tặng bao đời cho cơ thể vùng đất bãi triều đang bị lột bỏ. Cùng lúc, cố hương của các loài chim cũng biến mất. Rồi đây những gì sẽ xảy ra khi quyền sắp đặt của đấng tạo hoá bị tước đoạt?
Một hôm ra đồng thăm lúa, tôi gặp Trình, một nông dân có nghề đánh chã tôm vác một bao chim lặc lè đi trên bờ ruộng sau đêm đánh bẫy về. Ông thản nhiên khoe:
-Đêm vừa rồi hốt được trăm con, có mấy con dẽ béo mẫm, cũng bõ bèn cho công thức trắng. May ra nước này, trừ vốn, cũng được vài ba triệu!…
Đâu chỉ một mình Trình, đêm ấy phải có hàng trăm bộ bẫy lưới chăng trên các cánh đồng, bờ sông, vụng đầm… Hàng nghìn con chim trời sa lưới, hàng nghìn tiếng hót tắt khỏi dàn hợp xướng thiên nhiên! Lầm tưởng kho trời là vô hạn, người ta cứ vô tư giăng bẫy, cứ vô tư hỏi han nhau xem ai bẫy được nhiều hơn! Họ cứ vô tư nhìn bầu trời khi mỗi mùa heo may thưa vắng những đàn chim, khi lúa màu ngày càng nhiều sâu bệnh.
Những luỹ tre già, những mảnh vườn xanh rợp bóng cây trong các thôn xóm cũng dần dần bị chặt hạ. Nông dân bán vườn, bán đất để làm kinh doanh, để xây cất nhà cao tầng, tự thu mình vào khối gạch ngói, bê tông, tự thu mình như con chim vào chiếc lồng chật hẹp. Bạn tôi ở phố về chơi đã từng thốt lên:
-Về nhà quê, mình rất thèm những câu hát ru: “Con cò đi đón cơn mưa…” Vậy mà… bây giờ, buổi sáng chỉ toàn nghe tiếng nhạc xập xình, tiếng còi xe máy ầm ĩ nhiều hơn tiếng chim hót!
Vâng! Biết làm sao khác được, khi cơn lốc thị trường ồ ạt thổi vào đồng quê, khi người nông dân đang khao khát xoá đói giảm nghèo để nhanh chóng làm giàu cho bằng chị bằng em, cho làng hoá phố! Nhưng họ có biết môi trường sinh thái thì lại đang do chính con người làm cạn kiệt dần? Con người đang tự mình triệt phá không gian xanh mát, triệt phá nguồn âm thanh sống động của sân khấu trần gian, loại bỏ dần đi những người bạn nhỏ thân thiết của quê kiểng ngàn đời; để bê về những làn gió nhân tạo của quạt điện, máy điều hoà, những âm thanh giả của tiếng chim điện tử. Nhỡn tiền đấy thôi, thiên nhiên đã trả thù con người ở mọi nơi chân trời góc bể bằng những trận lút lớn, những cơn bão thế kỷ, những trận động đất kinh hoàng!
Trong qui luật phát triển của cuộc sống, của thời đại, con người luôn sáng tạo, tiếp nhận công nghệ mới để không ngừng đi lên. Nhưng song song với sự đi lên đó, có cách gì bảo vệ được nét đẹp của tự nhiên, sự hài hoà của con người với những loài vật quanh ta trong sự tiến hoá của xã hội?
Giữa cảnh nông thôn đổi mới, giữa cánh đồng năng suất cao, sao vẫn nao lòng nuối nhớ bóng dáng con cò trắng tha thẩn lội sau người cày nhặt từng con tép con riu đến vậy! Tự dưng tôi cứ nghĩ tới câu chuyện cổ tích “Con cò và người nông dân” thời học cấp một trường làng. Đâu chỉ là cổ tích, khi cuộc đời vẫn còn những người như bác rể tôi vẫn lặng lẽ nuôi những chú chim trời! Nó có thể bay đi theo bản năng loài muông thú. Nhưng, dù ở lại, dù bay đi, nó vẫn ở trong xứ sở, ở mặt đất, ở gầm trời này. Mong sao con người đừng gạt nó ra khỏi những hình ảnh, những âm thanh của cuộc sống, để nó tiếp tục sinh tồn nòi giống, để nó tiếp tục góp cho đời những vẻ đẹp thiên nhiên.
Chao ôi! Giữa vùng hương lúa thơm toả chiều nay như còn đây cánh cò, vành nôi với mảnh ruộng làng quấn quyện vào nhau! Tôi muốn gọi vang trời: Ơi cánh cò cánh vạc! Hãy về đây! Ơi cánh vạc cánh cò!