Trang chủ » Tản văn

CHUYỆN ÉM THÔNG TIN

Nghiêm Lương Thành
Thứ năm ngày 11 tháng 11 năm 2010 1:30 PM
Tạp bút


 Thỉnh thoảng, vào những lúc nhàn cư, lang bang nghĩ ngợi, mông lung ý tứ, mới nhớ lại một cái tân tư tưởng mà quá nhiều các quốc gia trên thế giới ngày nay đang cho là “so hot”: Thời đại ngày nay là thời đại của thông tin ! liền thấy trong người ấm ách dấm dẳn, bức xúc bời bời. Chúng ta đang cần xóa đói, giảm nghèo; chúng ta đang cần xã hội công bằng, văn minh … nghĩa là đang cần những giá trị vật chất và tinh thần được in hoặc gắn trên các khẩu hiều giăng ngang đường và không giăng ngang đường trên phạm vi cả nước. Đúng là mấy chú này sung sướng quá rồi đâm rỗi hơi, rách chuyện, phung phí thời gian sức lực vào những cái hão huyền không đâu !
 Nhưng từ hôm 18/10/2010, lập trường của tôi về vấn đề “so hot” này đột nhiên bị lung lay quá chừng. Cũng chỉ bởi tại cái tờ báo Nông Nghiệp Việt Nam. Hôm ấy, khi tình cờ cầm tờ báo này lên, tôi liền bị một dòng tít phóng thẳng vào mắt:
Vì sao nhiều tỉnh thường xuyên bị dịch ?
Bài 6: ÉM THÔNG TIN = TRIỆT TIÊU CHỐNG DỊCH
 Mở đầu bài viết là mấy dòng chữ in đậm: Chuyện không công khai thông tin về dịch bệnh và chính sách hỗ trợ ngay từ lúc dịch tai xanh còn trong “trứng nước” tại nhiều địa phương được xem là một nguyên nhân quan trọng hàng đầu gây cảnh điêu đứng cho ngành chăn nuôi nước ta …
 Điêu đứng ! Ái chà, nghiêm trọng đây !
 Điêu đứng đâu phải là một từ phản ảnh một tình trạng tốt đẹp.
 Thế thì gay go đấy !
 Ở đây, điêu đứng là gì nếu không phải là nông dân thất thu, nợ nần, thiếu thốn, lo lắng … lần hồi cho đến bao giờ kinh tế gia đình mới hồi lại được ? Dân ở nhiều vùng rộng lớn sẽ thiếu thực phẩm, phải mua thịt với cái giá trong hoàn cảnh cầu cao hơn cung rất nhiều với mức tăng của thu nhập luôn ở dưới xa mức tăng trưởng của … nhiều loại chỉ số.
 Đọc kỹ, bài báo nói ông bộ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phát biểu: Muốn chống dịch hiệu quả thì việc làm đầu tiên là các địa phương phải thông tin đầy đủ về tình hình dịch, về chính sách hỗ trợ tiêu hủy để từng hộ chăn nuôi có heo bệnh bắt tay với cán bộ thú y. – Quá đúng !
 Tác giả bài báo còn phát hiện ra có tình trạng thông tin bị “ém”. Khi không thể ém thì lại xoay sang đổ lỗi cho nông dân.
 Vẫn biết “ém” thông tin thì những người có trách nhiệm không bị mất điểm với các nơi cho điểm. Còn đổ lỗi cho dân thì bản thân mình được vô sự mà nông dân lại là một trong số những chủ nhân tối cao của nước nhà, đố ai dám cách chức. Thật là nhất cử lưỡng tiện, an lành hòa hai. Còn cái sự nhà nhà, người người bỗng chốc trở nên túng bấn, sản xuất đi xuống, giá cả đi lên, thị trường ngác ngơ … thì đã có cơ chế thị trường nó bảo cách, họ vượt được tất. Cái anh cá thể là nó tài lắm ! Vô tư đi. Mà, khó thế, chứ khó đến vạn lần thế, các bố ấy mà đã liệu, chẳng có gì là không xong.
   Nhưng, thành thật xin lỗi, không lạc đề nữa, chỉ muốn xin được bộc bạch vài tâm sự nhớn của cá nhân sau khi đọc phải bài báo nói trên:
1. Từ rày xin chừa hẳn cái tình cảm bức xúc và thái độ coi thường những việc thuộc về thông tin. Bởi thông tin là quý lắm, thậm chí nó còn liên quan đến việc sống còn của một cộng đồng.
2. Từ rày, cái gì chưa biết thì phải gắng học hỏi, phải gắng nghe, phải gắng xem cho nó biết. Rồi biết gì thì nói nấy (thông tin ấy mà). Nói cho vợ con, loan báo với hàng xóm để cùng nhau biết; cái hay thì cùng làm theo, cái dở thì cùng không làm theo, chứ, dẫu có bị phường xã hội đen dọa dẫm, kể cả dọa đẹp hay không đẹp, cũng quyết không a dua a dáo. Ém ỉm những cái có thật như thế … nó cứ lén lén lút lút thế nào ấy, lại đâm ra thành con người thậm thụt vênh vang, động cái gì cũng sợ sệt láo liên, không chừng còn mang tội.
3. Từ rày, nếu bản thân có bệnh tật, quyết không sỹ diện giấu diếm vì sợ người khác coi thường mình không khỏe mạnh, bồ chê vợ nguýt, cơ quan thải hồi …, nhất quyết phải đến trạm xá nhân dân cho bác sỹ người ta khám. Không đi khám và thành thực chữa trị thì bệnh thành ngày càng nặng, gây phiền nhiễu cho xã hội; mà lại, nói dại, dễ phải nói lời chào bạn bè gần xa, bà con lối xóm lắm. Mà cuộc đời thì còn đầy cái hay ho tươi đẹp, có đến tài thánh cũng chẳng bao giờ biết hết. Thôi, chả dại.
 
N.L.T  -  18/10/2010