Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LAN MAN CHỮ NGHĨA NGÀY TẾT

Cao Thám Hoa
Thứ sáu ngày 31 tháng 1 năm 2025 10:11 AM
Có nhiều chữ khi đọc, chúng ta đều hiểu, và dùng không sai, nhưng để giải thích cho người khác hiểu thì dường như lúng túng. Đây chỉ nói vài từ xài trong dịp Tết (theo yêu cầu nhiều bạn hỏi).
1. TẾT: Thường chúng ta hiểu “Tết” là do âm của “Tiết” 節 Hán Việt hiện đại mà ra.
(Nhưng theo Wiki, tiếng Hán cổ 節 đọc là “tset” (tết) sau nầy mới đọc là “tsiet” (tiết). Vậy “Tết” có trước “Tiết”!
(Phần nầy viết để chúng ta hiểu thêm thôi, không nên đi sâu mất thời gian)
2. GIAO THỪA: Giao 交 là trao cho; thừa 承 là đón lấy nhận lấy. Vậy giao thừa là thời điểm “bàn giao” năm cũ cho năm mới. thời điểm nầy vào giữa giờ Tý, tức 12 giờ đêm cúa ngày cuối cùng của tháng chạp mỗi năm
Có người nghĩ rằng “giao thừa” là đọc trại của từ “giao THỜI”, e không đúng.
3. ĐÊM TRỪ TỊCH: Tức là đêm 30 Tết (có năm là 29). Trừ 除 là bỏ đi, xóa đi, tiêu trừ, trừ bỏ; tịch 夕 là buổi chiều, buổi tối. Đêm trừ tịch là đêm xóa đi, đêm loại bỏ đi năm cũ để tiếp nhân năm mới. Có thể nói đêm trừ tịch là đêm giao thừa, thời gian của nó là từ chiều tối tới 12 giờ đêm (Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc vào đêm trừ tịch)
Có chỗ gọi là “trừ dạ” 除夜 cũng cùng ý nghĩa.
4. NGUYÊN ĐÁN: Nguyên 元 là đâu tiên; đán 旦 là buổi sớm. Nguyên đán là buổi sáng đầu tiên, là ngày đầu tiên của năm mới, tức là ngày mồng một tháng giêng âm lịch
5. LÌ XÌ: Theo học giả Hạo-nhiên Nghiêm Toản, thì"lì xì" có gốc là từ “lợi thị” 利市 trong tiếng Trung. Từ này phiên âm kiểu pinyin là lì shì, có ba nghĩa như sau:: Số lời thu được do mua bán mà ra; điều tốt lành; vận may.
Như vậy "lì-xì' hay “lợi thị” 利市, đều có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn.
Lại có người cho “lì xì” bắt nguồn từ tiếng đồng âm “lợi thị” 利是 có nghĩa là được sự may mắn; hay “lợi sự” 利事, công viêc thuận lợi, may mắn.
Theo học giă An Chi thì lì xì là do chữ lợi thời 利 時 tức cơ hội có lợi lộc, may mắn
Theo chúng tôi thì “lợi thị” 利是 hợp lý hơn.
Dù dùng chữ nào thì “lì xì” cũng coa nghĩa là tiền đem lại sự may mắn trong năm mới.
6. NGUYÊN TIÊU: Nguyên 元 là đầu tiên; tiêu 宵 là ban đêm. Nguyên tiêu là ĐÊM RẰM đầu tiên trong năm, tức rằm tháng giêng.
* Có bạn lại hỏi: “Tại sao ngày 15 âm lịch gọi là “rằm” mà 15 dương lịch không gọi là “rằm”?
Không ai gọi ngày 15 dương lịch là “rằm” bao giờ. Bởi vậy trong dân gian ta thường nghe nói: “Mầy đợi tới RẰM TÂY đi!”; “RẰM TÂY cũng chưa có”. Nó đồng nghĩa với TÂY ĂN TRẦU! Tất cả có nghĩa là “không bao giờ có”
Câu hỏi thú vị. Mời quý bạn!