Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHỈ DỰA VÀO "MẶT CHỮ" NHẰM LẬP LỜ “ĐÁNH LẬN CON ĐEN”!

Nguyễn Chương.
Chủ nhật ngày 9 tháng 2 năm 2025 8:35 AM

Trên trang của Nguyễn Chương, một nhà báo, nhà nghiên cứu ngôn ngữ có bài viết với những phát hiện rất đáng quan tâm và bất ngờ. Tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng khi đọc đã phải thốt lên lời cảm ơn đặc biệt tác giả Nguyễn Chương về những tìm hiểu sách vở nghiên cứu xưa nay và phát kiến này.

CHỈ DỰA VÀO "MẶT CHỮ" NHẰM LẬP LỜ “ĐÁNH LẬN CON ĐEN”!

Thế kỷ 21 rồi, mà vẫn còn những kẻ "cuồng Hán", cứ xem chữ Hán như "chữ thánh hiền", biến thành đám “xác Nam hồn Hán”.
1.Đây, kể mấy tỉ dụ:
-Đô đốc Zhèng Hé (hoặc Cheng Ho), tên ghi bằng chữ Hán 鄭 和 (âm Hán-Việt: Trịnh Hòa), coi, đọc tiếng Tàu, ghi chữ Hán, chắc mẩm viên đô đốc Trịnh Hòa là "Tàu rặt" chớ còn gì nữa!
Ồ, ông này tên thật là Hajji Mahmud Shams: الحاج محمود شمس . Ông làm quan dưới triều nhà Minh, ban cho tên gọi bằng chữ Hán.
-Nhà thiên văn học san định bộ âm lịch Sùng Trinh (nay vẫn sử dụng) là Tāng Ruò Wàng, tên ghi bằng chữ Hán 湯若望 (âm Hán-Việt: Thang Nhược Vọng). Đọc tiếng Tàu, ghi chữ Hán rành rành, ồ, Thang Nhược Vọng quê tỉnh nào bên Tàu vậy?
Sai bét rồi đa! Quê của nhà thiên văn học ở bên Đức, là người Đức, với danh tính "Johann Adam Schall von Bell". Ngài là một tu sĩ dòng Tên (Công giáo), đồng thời là một nhà thiên văn học, được triều đình nhà Minh bên Tàu mời giúp trong việc san định âm lịch.
Nói nào ngay, Johann Adam Schall von Bell (viết bằng ký tự alphabet a,b,c..), Hajji Mahmud Shams (الحاج محمود شمس ,viết bằng ký tự Ả Rập) thì không thể đưa vào văn tự của người Tàu, mà phải "chuyển đổi" ghi bằng chữ Hán cách này cách kia.
Nếu có giải thích ngọn ngành như rứa, không nói làm gì.
Nhưng, không được giải thích, chỉ dòm mặt chữ, tỉ như 湯若望 (Thang Nhược Vọng), chắc mẩm đây người Tàu chớ còn gì nữa, giỏi quá sức.
2.Về "TỪ VỰNG VAY MƯỢN".
Đây, đơn cử lai rai, Tàu mượn từ tiếng Nhựt, từ tiếng Việt!
2.1) Theo khảo cứu của GS sử học Vĩnh Sính (1944 – 2014, giảng dạy tại Canada, về môn Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Nhựt Bổn), người Nhựt đi tiên phong trong tiếp xúc với văn minh Âu Tây.
Họ nghiên cứu về "Republic", nếu phiên âm hao hao thì dễ thôi, gọi リパブリック (Ripaburikku). Còn ý nghĩa? Cái thiết chế chính trị này đâu xuất hiện trong lịch sử ngàn năm quân chủ ở Nhựt, ở Tàu, và cả ở nước Việt.
Vậy, chuyển ngữ mần răng? Họ suy tính nhiều cách chuyển ngữ, cuối cùng người Nhựt dịch "Republic" là "Kyōwa" (きょうわ), viết Kan-ji (Hán tự): 共和.
Sẵn có Kan-ji như rứa, người Tàu tiếp nhận hai chữ 共和, đọc bằng tiếng Tàu: /Gong hé/. Âm Hán-Việt của 共和 là "Cộng hòa".
2.2) Cũng vậy, đối với một số ngành khoa học. Tỉ như "Physics" bên phương Tây, trong khi ở Nhựt, Tàu, Việt chưa có thành hình những bộ môn khoa học riêng biệt như vậy. Người Nhựt suy tính về cách chuyển ngữ, cuối cùng họ dịch "Physics" là "Butsuri" (ぶつり), viết Kan-ji là 物 理.
Người Tàu tiếp nhận cách chuyển ngữ này từ Nhựt: 物 理, đọc bằng tiếng Tàu /wù lǐ/. Âm Hán-Việt của 物 理 là "Vật lý".
Ta nói, dòm thấy 共 和 "Cộng hòa", 物 理 "Vật lý", chữ Hán ghi rành rành (kèm theo âm Hán-Việt), dễ tưởng rằng cách gọi này có gốc từ Tàu. Nhiều người Việt đã tưởng như vậy, đám “xác Nam hồn Hán” còn bồi thêm chỉ dựa vào mặt chữ Hán.
Nào ngờ, gốc là từ tiếng Nhựt, do người Nhựt nghĩ ra, và Tàu mượn lại cách chuyển ngữ của Nhựt mà thôi.
2.3) "LẠC"
Hết thảy chúng ta đều đọc, nghe đến hai chữ "Lạc Việt". "Lạc" (trong "Lạc Việt"), người Tàu ghi là 駱 hoặc 雒. "Lạc" 駱, nghĩa là lạc đà. Còn "lạc" 雒, nghĩa là "ràng buộc"... Xứ sở gì mà mang nghĩa "quái dị" vậy? Kỳ thực, ký tự 駱 hoặc 雒 đều là cách mà người Tàu ghi âm dựa theo tiếng bản địa (người Việt).
Người Tàu đọc 駱 (hoặc 雒) là /Luò/, họ ghi âm dựa theo tiếng Việt "Lúa", bởi đặc trưng nổi bật của xứ sở này là vùng trồng lúa (lúa nước). [tôi đã ghi chú tỉ mỉ về vấn đề này rồi, đưa lên fb, đây không nhắc lại].
"LÚA" (tiếng thuần Việt)
“Luò”-tiếng Tàu ghi âm bằng chữ Hán 駱 (hoặc 雒). Oái ăm thay, chữ 駱/雒 đọc theo âm Hán-Việt là "Lạc", không ít người chỉ biết "Lạc" này của Hán-Việt rồi ... lạc mất đường về tiếng Việt gốc!
Xin nhắc lại: về mặt từ nguyên học (etymology) chữ "LẠC" 駱/雒 - dùng trong "Lạc Việt" - có gốc từ tiếng Việt!
2.4) "ÁO DÀI"
Trong tiếng Anh không dịch "long dress" mà họ giữ nguyên ngữ, ghi "Ao Dai"; tiếng Pháp cũng vậy, ghi "Ao-daï ".
Quí bạn còn nhớ, cách đây một số năm, báo bên Tàu đại lục gọi "áo dài là phong cách Trung quốc" (!), họ cho rằng "áo dài" xuất phát từ họ. Căn bệnh cố ý "cầm nhầm" của Tàu, ta nói, không chỉ "áo dài"không thôi!
Chữ Hán 奧 黛, người Tàu đọc là /Ào dài/, cách phát âm gần giống với tiếng Việt "Áo dài". Không lẽ cách gọi 奧 黛 ... có trước "áo dài"?
Nghĩa của 奧 (âm Hán-Việt là "Áo", âm Tàu đọc /ào/) là "sâu xa, tinh thâm". Còn nghĩa của 黛 (âm Hán-Việt là "đại", âm Tàu đọc /dài/) nghĩa là "xanh sẫm", là "lông mày đờn bà"... Kết hợp nghĩa của hai chữ 奧黛 với nhau => không dính một tí gì đến trang phục ráo trọi!
Kỳ thực, tiến trình như sau: "ÁO DÀI" (tiếng Việt) => /Ào dài/ (tiếng Tàu), họ ghi âm bằng chữ Hán 奧黛.
Quí bạn thấy gì, ở đây? Đó, Hán tộc rất ưng đi “cầm nhầm” biến thành của họ, tệ hơn nữa là đám “xác Nam hồn Hán” dựa theo… sự cố ý cầm nhầm này, lại bẻ ngược lý luận cho rằng tiếng Việt chúng ta (như “áo dài”) là mượn từ tiếng Hán (奧黛,”áo đại”).
TẠM THAY LỜI KẾT
Những kẻ "phò Hán" làm trò xiếc chữ nghĩa, trên một số mặt báo, nhằm dụ dỗ người Việt thuần thành trong chúng ta hễ thấy ghi chữ Hán (âm Hán-Viêt) là tưởng "gốc Hán" hết ráo.
Tưởng vậy là sai trật, là mắc bẫy bọn “xác Việt hồn Hán”.
Bực bội, vừa giận lại vừa thương cho những người mê mẩn, đắm đuối theo "Hán-Việt" đến mức ... lạc mất đường về quốc âm của tiếng Việt!