Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KÌ LẠ, VĨNH PHÚC

FB Trần Hữu Sơn
Thứ bẩy ngày 1 tháng 2 năm 2025 5:32 PM




Nhà tôi ở ven bờ Đậm Chùa đối diện với rừng công sứ xưa kia. Lịch sử của dinh công sứ và ngôi đầm rất lạ kỳ. Cuối thế kỷ 19, một viên công sứ Pháp ra lệnh phá chùa Ngũ Phúc ở ngay đỉnh đồi có khu rừng cao và đẹp nhất. Chúng hất toàn bộ ngôi chùa xuống khu Đầm Vạc dưới chân chùa, người dân phải chuyển chùa Ngũ Phúc về làng Tiếc xã Tích Sơn. Khu Đầm Vạc ở đó đổi tên thành Đậm Chùa. Sau đó, viên công sứ bị sốt rét, nghe đâu ốm chết. Nghe đồn những viên quan cai trị sau này của Pháp cứ ở dinh thự công sứ đều bị ốm đau, bệnh tật hoặc chết bất đắc kỳ tử.

Sau này, từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, hầu hết người đứng đầu của tỉnh đều bị bệnh tật hoặc kỷ luật, thậm chí mấy đời Bí thư Tỉnh ủy phải vào “lò”. Ông Bí thư đầu tiên sau khi tái lập bị đột tử khi cắt tóc. Ông thứ 2 không trúng cử BCH Trung ương. Ông thứ 3 cũng bị xuất huyết não. Ông thứ 4 di chuyển trụ sở xuống ven đồi nhưng cuối đời không tránh khỏi kỷ luật khiển trách. Còn các ông bà tiếp theo đều vào lò cả tập thể Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh. Lạ hơn nữa, một ông Bí thư mới được điều về thay nữ Bí thư vào lò chưa đầy một năm thì ngày hôm qua (8/1/2025) bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thi hành kỷ luật. Các lãnh đạo bị kỷ luật vì tham nhũng, nhận hối lộ, vi phạm những điều Đảng viên không được làm… Nhưng tại sao từ khi tách tỉnh đến nay người đứng đầu nào cũng bị chết, ốm đau bệnh tật, hoặc kỷ luật, mất chức. Ai cũng thấy là sự lạ mà chưa giải thích được.

Ngày nghỉ về quê, mấy cụ già hưu sôi nổi bàn về chuyện lạ các lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc vào “lò”. Chuyện quan chức vào lò bây giờ là chuyện bình thường nhưng rất lạ là từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc đến nay, hết vị đứng đầu tỉnh này, lại nối tiếp vị kia vào lò. Vị quan đầu tỉnh nào không bị vào lò thì cũng đột quỵ, mất uy tín, dù chuyển công tác cũng vẫn bị kỷ luật. Vì sao như vậy?

- Một ông bạn kiến trúc sư cho rằng rừng công sứ (hay là đồi tỉnh ủy bây giờ) là hình một con rùa thiêng ai xâm phạm vào nó sẽ bị quả báo. Ông hăng hái dẫn chứng, khi làm quy hoạch thành phố đã flycam khảo sát và thấy hình rùa thiêng bị dự án Đầm Vạc của các vị đứng đầu tỉnh chém cổ rùa. Ông còn dẫn chứng thêm ông Bí thư Tỉnh ủy mới lên chưa đầy một năm đã hăng hái chặt hết cây quanh rừng, dọn sạch ven đầm không có chỗ cho cò, vạc về trú ẩn thì vào lò là nhãn tiền.

- Một ông nguyên lãnh đạo ngành công an lại xem xét Vĩnh Phúc có nhiều dự án, các ông bà quan đầu tỉnh không giữ nổi lòng tham, liên tiếp ăn dự án này đến dự án khác thì vào lò là lẽ đương nhiên. Nhưng ông lãnh đạo một cơ quan bên tỉnh ủy lại phản biện tại sao các ông trước đây có tiếng trong sạch nhưng khi ngồi ở trụ sở cơ quan đóng trên nền chùa xa xưa thì cũng bị ốm đau, đột quỵ. Ông còn hạ giọng nói như thì thầm “nghe đâu một ông Bí thư mới lên đã cho chuyển trụ sở Tỉnh ủy về ven đồi. Ông ấy thoát, không bị vào lò, không bị đột quỵ”. Một ông khác lại phản biện nhưng đã chuyển vị trí trụ sở rồi tại sao cả một dây các ông bà lãnh đạo tiếp theo cũng vào lò, bản thân ông ta cũng bị kỷ luật Đảng. Nhưng kỷ luật lớn nhất là mất lòng tin của dân. Và ông cười khà khà “các ông hay hội ý thường trực thì nay kéo nhau vào nhà đá hội ý cho đủ đầy” từ Bí thư, Chủ tịch đến Phó Bí thư, Phó Chủ tịch thường trực... cùng các lãnh đạo ngành, chuyên viên, nhà thầu ngồi chật cả nhà tù.

Bên ly cà phê, các cụ về hưu cứ tranh luận mãi từ sáng đến trưa cũng chưa lý giải được hết. Có ông phải hỏi tiếp ông “cựu” các chủ tịch Hội Sử học và ông “đương” chủ tịch vì sao? Có ông hỏi cả bà Chi Hội trưởng Văn nghệ Dân gian để xem các sự tích, truyền thuyết liên quan. Chưa ngã ngũ, các ông tạm giao việc lý giải này cho mấy ông hay chữ, hay viết về lịch sử quê hương tìm hiểu tiếp. Phải chăng, nó là tổng hòa của các nguyên nhân chứ không phải đơn lẻ một nguyên nhân nào. Ác giả, ác báo nhãn tiền chứ không phải đợi đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Chặng Đại hội sắp tới những người nối tiếp sẽ nhớ về bài học này để giữ nghiêm kỷ luật, không cho các loại Hậu pháo bắn phá khắp nơi. Ai cũng gật gù: “nhớ đời, nhớ đời”.