Tháng 12-1986 tôi viết bài Người đốt lửa không ngủ trong không khí cả nước hưởng ứng Những việc cần làm ngay của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trên các báo các bài Những việc cần làm ngay tác giả ký tên NVL. Vì thế tôi đề tặng đồng chí NVL.
Bài thơ viết với dạng trần thuật tâm trạng của người đứng đầu đất nước nghĩ về thực trạng đất nước đang bế tắc, khủng hoảng. Trong đó có sự ê chề, cay đắng về sự trì trệ, sự giả dối, nỗi khổ của người dân. Nhưng người lãnh đạo đất nước đã nhìn thấy hy vọng từ nhân dân: sự chịu đựng, lòng kiên nhẫn, niềm tin vào vận mệnh của đất nước và ông nhận ra lối thoát duy nhất là phải phá bỏ cái cũ, cái bảo thủ và phài đốt lên ngọn lửa đổi mới. Xưa nay thơ văn viết trực tiếp về tâm trạng tự thú của người đứng đầu đất nước là rất hiếm.
Tôi mạnh dạn gửi bài thơ cho Tổng Bí thư. Bài thơ được ông gửi xuống ông Trần Độ. Tôi biết việc này vì có anh bạn học Nguyễn Viết Lểnh lúc đó là nhân viên của Quốc hội thấy bài thơ trên bàn ông Độ và được yêu cầu gửi cho ông Nguyên Ngọc đang là Tổng Biên tập báo Văn Nghệ.
Báo Văn Nghệ đang gây chấn động xã hội đầu năm 1988 với số báo có bài Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc. Bài nửa ký nửa truyện đã viết ra chân thực hình ảnh làng quê của Phùng Gia Lộc đói khổ hết cả cái ăn vẫn bị bắt sưu thuế giữa đêm không khác gì trong tiểu thuyết Tắt đèn thời Pháp thuộc. Có điều là cái hiện thực nghiệt ngã ấy bị chính quyền Thanh Hóa và bộ máy tuyên truyền giấu kín.
Nhà thơ Bế Kiến Quốc đang làm Thư ký tòa soạn của báo Văn Nghệ bảo tôi: Anh Nguyên Ngọc bảo cần mở một số thơ đổi mới. Ông cho mình bài đi. Tôi bảo Có bài Người đốt lửa không ngủ đang ở chỗ anh Nguyên Ngọc rồi. Thế là Quốc bắt tay vào huy động bài. Ngày 19-3-1988 số 12(1272) số Thơ đổi mới ra đời. Đây cũng là một sự kiện đáng nhớ với anh em làm thơ và công chúng cả nước vì thơ đã lên tiếng cùng công cuộc đổi mới.
Hai trang thơ 4+5 có các bài sau: Ánh Hồng với bài Giữa ngày Hội Gióng, Lê Chí với Tự khúc trò chơi, Trần Mạnh Hảo với Bài ca sự thật, Bế Kiến Quốc với Tặng bạn, Phạm Khải Nháp, Phạn Cung Việt bài Với cha, Trần Quốc Toàn Tờ báo hôm nay, Thạch Quỳ bài Cỏ dại, Trần Đăng Khoa Ghi ở ao nhà, Anh Chi bài Tháng Ba, Phạm Tấn Hầu Bản tin về Pa xtec nắc. Và bài Người đốt lửa không ngủ của tôi ký Lê Hoài Nguyên.
Cả hai trang thơ rừng rực khí thế đổi mới. Riêng Người đốt lửa không ngủ được rất nhiều người quan tâm, đánh giá cao. Sau này nó được đưa vào nhiều tuyển thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại.
Tôi có vài kỷ niệm về bài thơ này. Tôi gửi một số Văn Nghệ Thơ đổi mới về cho bố tôi ở Thái Bình với lời dặn Bố giữ lại số báo cho con. Vài tháng sau tôi nhận lại một tờ văn Nghệ nhàu nát. Bố bảo: Bà con mượn đọc nhiều quá. Lần nữa, đang diễn ra vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng, Nguyễn Hùng phóng viên ở báo Pháp Luật gọi điện cho tôi: Em đang ở Tiên Lãng. Bà con vừa nhắc đến anh. Em đang đọc lại Người đốt lửa không ngủ cho bà con nghe. Hùng làm tôi rất xúc động.
Năm mới đón Kỷ nguyên mới của Đất Nước.
3-2-2025
Người đốt lửa không ngủ
Tặng đồng chí NVL
Sương lạnh không làm đầu ta bớt nhức
Thấp thoáng sau những đám mây mờ mịt
Dòng Ngân Hà ám ảnh hồn ta
Lời Ông già lòng như sao Khuê
Chở thuyền là dân , lật thuyền cũng là dân.
Không thể nào ngủ được
Mỗi khi bắt ta nằm trên giường vua chúa ngày xưa
Vải sa tanh nhớp nháp cả da thịt.
Cái gì ngăn cách ta
Đến nỗi ta thèm đi bộ trên đường
Thèm ngồi dưới một gốc đa
Thèm bát nước chè xanh giữa mảnh sân nhà cha mẹ
Thèm nói một câu với người bạn gái xưa đã thương ta…
Giở trang sách những câu dân giã
Bỗng giật mình :
Làm người có miệng có môi
Khi buồn thì khóc khi vui thì cười
Chân lý không phải tìm trên chín tầng mây
Chân lý ở ngay đây
Từ miệng của nhân dân.
Ta nghe trong gió nhiều chuyện lạ
Bao nỗi oan khiên bao sự suy đồi
Lòng dân đau thành tâm thần chính trị
Dân cô đơn tìm đến thánh thần
Lòng dân buồn lang thang
Cay đắng cười câu tiếu lâm hiện đại.
Ta đã thấy rồi đất nước
Còn những túp lều xiêu vẹo
Những dòng sông khô héo
Những người già dắt cháu ăn xin
Đồng tiền bay như giấy vụn
Bọn cường hào mới
Như những bóng ma lướt trên mặt người dân
Không có cả tiếng quạ kêu nữa rồi
Quạ đi hết vì không còn chỗ sống
Vẫn có những trẻ em bị đánh chết oan
Ôi những ai đau nỗi đau của đất nước
Đã bảy mươi tuổi ta còn lừa ai nữa
Mà không dám gọi đó là nỗi đau!
Bỗng quanh ta
Trẻ con hát đồng giao
Như xưa ta hát cùng bè bạn
Lặc cò cò
Mò cuốc cuốc
Cò chân luốc
Cuốc chân vàng
Sang đây chơi
Ngồi đây hát
Mỏ dính cát
Thì xuống sông
Bùn dính lông
Thì đi rửa
Chân dẫm lúa
Thì phải treo
Cù kheo à ập
Khoan các cháu hát lại
Cho ta nghe cái đoạn này
Mỏ dính cát
Thì xuống sông
Bùn dính lông
Thì đi rửa
Chân dẫm lúa
Thì phải treo
Sáng mai
Ta đốt lửa.
Tháng 12 - 1986