Sau khi hai bộ tiểu thuyết bề thế “ Tám triều vua Lý” và “ Bão táp triều Trần” của Hoàng Quốc Hải được tái bản đồng thời vào năm 2022, bạn đọc có điều kiện theo dõi một cách có hệ thống và liên thông về tiến trình lịch sử kéo dài từ vị vua đầu tiên của nhà Lý là Lý Công Uẩn lên ngôi đến vị vua cuối cùng của nhà Trần là Trần Thiếu Đế bị Hồ Quý Ly phế truất. Đó là khoảng thời gian kéo dài 391 năm với biết bao biến thiên của lịch sử. Với một dung lượng đồ sộ về sự kiện và con ngừoi của hai nhà nước phong kiến lớn nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Hoàng Quốc Hải đã phải sử dụng tới 4705 trang sách in khổ lớn. Trong đó nhà Lý chiếm 2615 trang, được chia làm 4 tập, nhà Trần chiếm 2090 trang được chia làm 6 tập.
Bằng sự hiểu biết hạn hẹp về văn học viết về lịch sử từ trước Cách mạng tới nay, tôi thấy hầu hết các tác phẩm mới dừng lại trong khuôn khổ một sự kiện, một nhân vật, một triều đại, chỉ riêng Hoàng Quốc Hải là viết về hai thời đại lớn nối tiếp nhau kéo dài 10 tập, cho tới tập cuối vẫn không hề cảm thấy đuối sức. Chỉ riêng điều đó đủ thấy anh trường sức biết bao. Tâm sự với tôi, Hoàng Quốc Hải cho biết, để viết về nhà Lý anh phải dụng bút 9 năm liền, sau 20 năm đi sưu tầm tài liệu. Một sự hé mở cho ta thấy công phu biết nhường nào ở phía sau tác phẩm.
Theo sát chính sử với các tác phẩm lớn của cha ông, lặn lội đến nhiều vùng đất, ghi chép kĩ càng các yếu tố địa lý, thời tiết, phong tục, tập quán, các gia phả, ngọc phả, thần phả, giai thoại, sự tích, thổ ngữ đến các bức câu đối hoành phi trong các đền thờ, miếu mạo, đình chùa…ngần ấy việc tuy đã chiếm bao công sức nhưng vẫn còn chưa đủ, mà còn phải hiểu rõ lịch sử của các thời đại của hai nước phía Bắc và phía Nam, những quốc gia mà ta luôn phải đối đầu. Các yếu tố này chẳng những góp phần mở rộng không gian của tác phẩm, mà còn có tác dụng tô đậm hồn cốt cho các sự kiện và nhân vật.
Hoàng Quốc Hải ký thác biết bao nhiêu tâm sự khi viết về nhà Lý.
Được xác lập với viêc Lý Công Uẩn lên ngôi, nhà Lý đặt ra cho mình biết bao kỳ vọng. Việc đất nước đứng dậy sau bao nhiêu tội ác, sụp đổ, đau đớn, tuyệt vọng, chia rẽ, đói rách do sự cai trị tàn bạo của Lê Long Đĩnh gây ra, xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền lớn mạnh, cường thịnh, vua sáng tôi hiền, trọng dân và thân dân, ban chiếu những sắc dụ làm khuôn thước cho sự cai trị, thực hiện những ước nguyện mà các thời đại trước chưa làm được hoặc chưa kịp làm, đó là những mục tiêu chính trị mà nhà Lý theo đuổi. Việc dời đô của Lý Công Uẩn ra Thăng Long là một tuyên bố chính trị đưa trung tâm quyền lực ra nơi Long chầu Hổ phục, chấm dứt thời kỳ thụ động, náu mình kéo dài, chủ động trong mọi phương sách đối nội và bang giao. Đảm trách sứ mệnh lịch sử, đó là một bậc minh quân đã được chuẩn bị kỹ càng về tài và đức.
Lý Công Uẩn được nuôi dưỡng trong nhà chùa, được học các bậc thiền sư giỏi nhất, bản tính lương thiện được hình thành từ tuổi nhỏ, cho nên mọi chính sách của ông đều toát lên tinh thần vị tha hơn vị ngã. Các bước đi chính trị của ông đều dựa trên cơ sở lấy dân làm gốc. Thiền sư Vạn Hạnh đối với ông, không chỉ là người cha tinh thần đáng kính, mà còn là một cố vấn chính trị siêu việt. Việc đầu tiên Lý Công Uẩn thực thi là lo cho dân khỏi đói. Ông cho lập các kho thóc để cho dân vay những ngày giáp hạt, ông khuyến khích người dân khai hoang, miễn thuế từ ba đến bẩy năm và cho dân được làm chủ đất ấy. Trong 18 năm trị vì, ông ba lần tha tô thuế cho dân, gộp lại là 7 năm rưỡi, dân hoàn toàn được hưởng mọi hoa lợi mà mình làm ra.
Lý Công Uẩn rất hiếu Phật. Ông cho lập nhiều chùa, tranh tre nứa lá nhưng thấm đầy tinh thần hỉ xả. Dưới thời ông, chùa là một cơ sở tôn giáo thực hiện đồng thời ba chức năng : Hướng dẫn tâm linh, dậy học và chữa bệnh cho dân.
Lý Công Uẩn rất quan tâm đến binh nghiệp. Một câu hỏi đặt ra đối với ông là một đất nước luôn phải đối phó với giặc ngoại xâm thì việc xây dựng một đội quân thường trực và đội quân dự bị thế nào là thích hợp?
Một sáng tạo mang tầm vóc lịch sử và có tầm quốc tế trong lĩnh vực quân sự là chính sách “ Ngụ binh ư nông”, theo đó quy định hàng năm tất cả các hoàng nam từ 18 tuổi đến 35 tuổi đều phải đi học từ một đến hai tháng về quân sự. Đội quân này vừa thích dụng cả thời chiến và thời bình. Đến nhà Tống lúc nào cũng vỗ ngực là Thiên triều cũng phải học theo.
Quyền lực là vấn đề trọng đại, liên quan đến sự trường tồn của thể chế. Lý Công Uẩn dầy công dậy bảo, rèn cặp các hoàng tử, coi đây là việc làm tối quan trọng để chọn người kế nghiệp. Ông bắt buộc hoàng thái tử phải thực hiện chê độ “mở phủ”, nghĩa là phải tự vỡ đất, khai hoang, dựng nhà, cày cấy như một nông dân bình thường. Qua đó hiểu cái khó nhọc của dân, tu tâm, tích đức trọng đạo lý, trọng nhân tâm.
Đối với Lý Công Uẩn, yêu dân, trọng dân, không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là bí quyết của việc trị quốc. Luôn luôn vang lên trong tâm trí ông là câu hỏi dân sống thế nào? Mọi dụ chiếu canh cải đất nước đã tới dân hay chưa? Để trả lời các câu hỏi đó, nhà vua quyết định xếp lại các tấu biểu để đi vi hành. Trong trang phục một nhà sư, đi nửa ngày tới một ngôi làng cách kinh kỳ không xa, ông đã phát hiện ra bao cảnh đau lòng. Đó là một nhà tù đã tồn tại 36 năm từ thời Lê Long Đĩnh. Trong đó có nhiều đồ tra tấn và 8 người bị giam. Một bà già bị xã trưởng bắt giam vì không chịu để cho hắn cướp đất vườn của mình. Mấy em nhỏ trên mười tuổi bị bắt đi làm sâu, bị bỏ đói tìm cách trốn về nhà. Một phụ nữ goá chồng bị xã trưởng cướp hiếp có chửa, bắt phải nộp lệ làng một con trâu. Không có trâu, tên xã trưởng mặt mo ấy bắt vào tù. Vua gọi viên xã trưởng đến hỏi:
Vua lập tức ra lệnh
Xoá bỏ ngay nhà tù.
Tất cả những người bắt oan phải được bồi thường mỗi người ba mươi quan tiền. Riêng bà lão năm mươi quan tiền, thiếu phụ hai trăm quan. Sau này thiếu phụ sinh nở, ngươi ( xã trưởng) phải chăm sóc, nuôi nấng cả hai mẹ con cho tới khi đứa bé mười lăm tuổi. Còn xã trưởng, ta sẽ xét tội sau.
Nửa ngày chưa đủ để Vua thấy hết mọi thảm cảnh nơi thôn dã, nhưng cũng đủ làm cho người quyết tâm tìm cách làm trong sạch bộ máy cai trị từ trên xuống dứoi. Đó là cả một đống việc ngổn ngang đòi hỏi nhiều thời gian và trí tuệ, không thể nôn nóng làm xong trong một lúc. Ông nghĩ đến người kế vị. Lúc này, hoàng trưởng tử là Lý Phật Mã tức Đức Chính đã đi lập phủ được ba năm. Vua liền triệu Đức Chính về kinh và trao cho việc đi bình Chiêm đang quấy rối ở Bố Chính. Đức Chính lĩnh mệnh xuất quân với sự trợ giúp của tướng quân Lê Phụng Hiểu, Lý Nhân Nghĩa, Lý Huyền Sư, Ngô An Ngữ. Cuộc tập kích xuất thần, bất ngờ khiến cho lũ giặc Chiêm không kịp trở tay. Đích thân thái tử Đức Chính với võ nghệ cao cường đã lấy đầu tướng giặc là Bố Linh, đem thủ cấp về dâng vua. Lý Công Uẩn bằng lòng với việc chọn Đức Chính để truyền ngôi, vì thái tử đã được rèn luyện và qua thử thách. Nhưng sự việc đã không diễn ra suôn sẻ như ngài dự liệu. Trong lúc vua cha đang lao tâm tìm kế trị nước lâu dài, thì mầm ác đã nảy nòi ngay dưới chân ông. Đó là “ Loạn Tam Vương”.
Lý Công Uẩn sinh được 5 con trai : Lý Phật Mã ( tức Đức Chính), Dực Thánh Vương, Khai Quốc Vương, Đông Chính Vương, Vũ Đức Vương. Trong đó Lý Phật Mã là hoàng trưởng tử được truyền ngôi là lẽ đương nhiên. Nhưng Khai Quốc Vương là kẻ không vừa. Vốn mẫn nhuệ, đa mưu túc trí, lại được gia thần vào hàng trí huệ là Đinh Thành huấn hỗ nên Khai Quốc Vương xin về lập phủ ở Trường Yên và xây dựng nó như một quốc gia riêng. Tuy ông có tham gia vào vụ mưu phản nhưng đến phút chót lại đứng ngoài “ Toạ sơn quan hổ đấu”. Thế là, trong lúc vua vừa băng, chưa kịp phát tang thì tam vương : Vũ Đức vương, Đông Chinh vương, Dực Thánh vương lập tức đem quân vây vương phủ khởi loạn, nhằm sát hại Lý Phật Mã. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, tướng quân Lê Phụng Hiểu quyết đoán và kịp thời ra tay trừng trị. Lập tức lấy đầu Vũ Đức vương, buộc hai vương còn lại phải bó thân đầu hàng. Loạn Tam Vương như lịch sử thường gọi được dẹp yên. Lý Phật Mã lên ngôi đế hiệu là Lý Thái Tôn.
Mặc dù Hoàng Quốc Hải rất ca ngợi và đề cao bậc minh quân Lý Công Uẩn, nhưng anh không hề nương nhẹ khi phanh phui vụ Tam Vương. Chính là qua vụ nghịch phản này, tác giả muốn để cho độc giả suy nghĩ về một vấn đề muôn thuở, đó là vấn đề quyền lực. Thiển nghĩ, muốn nghiền ngẫm lịch sử hay giải mã lịch sử thì trước hết phải phục dựng lịch sử như nó vốn có. Đây là một trong những chủ đề lớn xuyên suốt 4705 trang sách của hai bộ tiểu thuyết trường thiên của Hoàng Quốc Hải.
Lý Thái Tôn lên ngôi, tâm sự rối bời trước bao vấn đề trị quốc. Nhưng với bản lĩnh và mưu lược được rèn luyện và kế thừa từ vua cha, ông đã rất sáng suốt và kiên định đi theo quỹ đạo khai quốc của tiên đế. Vì vậy, ông đã không triệu Khai Quốc Vương về kinh trị tội về việc không về phục tang vua cha, đồng thời tha chém cho Dực Thánh vương và Đông Chinh vương, chỉ buộc không được phép lập phủ binh để trừ hậu hoạ theo lời tấu của Lương Nhậm Văn.
Có lẽ chính vì sự khoan dung, lượng cả này là một trong những nguyên nhân giúp Lý Thái Tông tiếp đến các triều Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông đã đưa nhà lý phát triển đến chỗ cực thịnh, trở thành một quốc gia văn hiến làm mẫu mực cho các triều đại về sau. Đó là thời kỳ mà nhà Lý đã ghi được các dấu mốc lịch sử bất hủ trong cả hai lĩnh vực đối nội và đối ngoại.
Về đối nội :
Kiên trì chính sách khuyến nông, đẩy mạnh vỡ hoá, khai hoang và cho làm chủ đất ấy cùng với việc miễn thuế từ ba đến mười năm.
Thực hiện kế sách “ Ngụ binh ư nông”, xây dựng đội quân thường trực và dự bị hùng mạnh.
Xây dựng và ban hành bộ luật hình sự vào năm Nhâm Ngọ 1042 trong thời Lý Thái Tông.
Mở khoa thi đầu tiên vào năm 1075 với vị tiến sĩ thủ khoa Lê Văn Thịnh.
Chấp nhận tam giáo đồng nguyên làm cơ sở cho sự cố kết, ràng buộc trong xã tắc.
Tiến hành cho khai các mỏ vàng, đồng, sắt theo sáng kiến của Lý Đạo Thành.
Cho mở thương cảng, lập thương đoàn, lấy vùng Vân Đồn làm đặc khu kinh tế đồng thời là hiểm địa quốc phòng.
Hướng dẫn cho dân việc trồng dâu nuôi tằm, mở mang dệt lụa.
Thực hiện văn hoá từ chức bắt đầu từ Mai Mạnh Minh, rồi đến Tô Gia Phan, Trần Quang Minh… mặc dù họ chưa tới tuổi 50.
Gả các công chúa cho đầu lĩnh các vùng biên ải, tạo thế ỷ dốc phòng khi có chiến tranh.
Về đối ngoại:
Cho lập các trường dậy võ để đào tạo tướng tài.
Lập đội Hải binh theo hiến kế của Lý Thường Kiệt.
Tiến hành cuộc chinh phạt Chiêm Thành vào năm Đinh Dậu 1069 để phá thế hai đầu thọ địch, rảnh tay đối phó với quân Tống. Bắt Chế Củ và 5 đại thần của vua Chiêm và phải đền bù chiến tranh bằng ba châu: Bố Chánh, Địa Lí, Ma Linh, mở mang bờ cõi Đại Việt cho đến Quảng Bình ngày nay.
Mở cuộc tấn công thần tốc táo bạo, đánh chiếm Ung Châu, Liêm Châu phá tan cuộc chuẩn bị đánh Đại Việt của nhà Tống.
Đại phá quân Tống bên bờ sông Như Nguyệt.
Ngoài công khai sáng, có ý nghĩa đặt nền móng của vua Lý Công Uẩn, các thành tựu to lớn về đối nội và những chiến công hiển hách chống ngoại xâm chủ yếu xẩy ra dưới triều ba vua : Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Qui tụ quanh ba vua là một đội ngũ các đại thần mưu lược, tài giỏi, trung nghĩa đặc biệt là quan văn Lý Đạo Thành và quan võ Lý Thường Kiệt. Hoàng Quốc Hải đã tập trung xây dựng hai đại quan tiêu biểu nói trên thành hai ngôi sao chói sáng trên dải ngân hà nhà Lý. Cũng có thể xem đó là hai hình tượng nghệ thuật có sức ám ảnh nhất trong “ Tám triều vua Lý”.
Về Lý Đạo Thành. Ông xuất thân nho học, dòng tộc nhà vua, vai vế trong hoàng tộc là ngang vai với Lý Thái Tông. Trong thời Lý Thái Tông, Ông được phong chức Trung Thư Thị Lang. Đến đời Lý Thánh Tông được phong chức Thái sư, tức Tể tướng – đứng đầu văn ban. Đó là một bậc trí giả, cao minh, thông tuệ, có tài thu phục nhân tâm, kinh bang tế thế, được các tầng lớp quan lại, trí giả, tăng lữ cảm phục. Vua Lý Thánh Tông gọi Ông là chân tay và khối óc của mình. Lý Đạo Thành là ông quan thanh liêm, mưu lược, hiến rất nhiều kế hay trong việc trị nước. Ông là người đề xướng với nhà vua việc khai thác các mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ đồng ở Cao Bằng. Ông khuyên vua không chém tù binh để làm lễ hiến phù, chấm dứt một tục lệ đã tồn tại từ trong lịch sử. Ông hiến kế, mở các cuộc thi để kén người tài và được giao cho làm chánh chủ khảo cuộc thi đầu tiên mang tên Minh Kinh vào năm 1075, trong đó chọn được Lê Văn Thịnh làm thủ khoa. Đó là cuộc thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước nhà.
Một nhân vật kiệt xuất, được cả hai triều vua tin cậy giao nắm vị trí then chốt như vậy, ấy thế mà vua Lý Thánh Tông vừa băng, liền bị Ỷ Lan giáng chức từ Thái sư xuống Binh bộ thị lang. Sau đó không lâu ông lại bị giao nhận một chức gián nghị đại phu và phải rời Thăng Long về coi sóc châu Nghệ An. Từ một vị quan đầu triều, uy danh trùm thiên hạ, liên tiếp bị giáng chức xuống làm quan địa phương, chỉ vì lý do duy nhất là tính cương trực, dám can dán vua khi cần thiết, hỏi sao không choáng váng, hụt hẫng? Nhưng Lý Đạo Thành vẫn an nhiên đi nhậm chức, không hề buông một tiếng thở than, oán trách.
Rất thính nhậy với tình hình Đại Việt, sau khi Lý Đạo Thành rời khỏi Thăng Long, quân Tống tung hàng loạt đội quân thám báo vào nước ta. Chúng đóng giả làm lái buôn, nhà sư, thầy bói, thầy địa lý…thâm nhập vào mọi ngõ ngách, săn lùng mọi tin tức về chính trị, quân sự, kinh tế và cấp báo về triều đình. Chúng mở chiến dịch lùng soát và bắt bớ hàng loạt lưới tình báo của ta đã được dầy công cài cắm vào đất Tống. Tất cả những diễn biến nham hiểm này không qua được con mắt tinh đời của Lý Thường Kiệt. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định sai Lý Kế Nguyên vào Nghệ An mời Lý Đạo Thành trở về Thăng Long. Về mặt pháp lý, ông đã phải rất vất vả, vừa khôn khéo vừa cương quyết thuyết phục Ỷ Lan.
Thế là Lý Đạo Thành lại trở về Thăng Long. Để giữ thể diện cho Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt đề xuất giao cho Lý Đạo Thành giữ chức Thái Phó bình chương quân quốc trọng sự, rồi từng bước nắm giữ toàn bộ trọng trách của một vị thái sư như trước. Thế nước đang bị chung chiêng đã trở lại vững như bàn thạch. Chính Lý Thường Kiệt đã nhận thấy, không ai có khả năng cố kết lòng người thành một khối vững chắc như Lý Đạo Thành.
Trong hai cuộc phá Tống, đánh vào Ung châu và chặn giặc bên dòng sông Như Nguyệt, Lý Đạo Thành đã đem hết tài năng tập hợp lòng dân, huy động mọi nguồn lực của hậu phương, đáp ứng đầy đủ và kịp thời mọi nhu cầu của tiền tuyến. Tuy tình thế rất căng thẳng, ông vẫn kiên trì thực hiện chính sách không gọi vào lính những nhà con một. Những ngừoi đến tuổi đi lính, nhưng có cha mẹ già yếu hoặc có con nhỏ cũng không phải nhập ngũ. Các tử sĩ thì gia đình được hưởng tiền tuất và được cấp ruộng đất để cúng viếng lâu dài. Những thương binh về làng cũng được cấp ruộng đất để trở lại cuộc sống bình thường. Nhờ làm tốt chính sách hậu phương mà quân lính ta ngoài mặt trận càng hăng hái giết giặc, số người đến tuổi đăng lính xin nhập ngũ ngày càng tăng.
Ngoài trọng trách ở hậu phương, Lý Đạo Thành còn nhiều lần ra trận tuyến, vừa góp phần uý lạo, động viên quân sĩ vừa tham gia những cuộc họp cơ mật do Lý Thường Kiệt chủ trì. Chính Lý Đạo Thành đã đề ra kế đánh vào lòng giặc, đánh vào tâm lý sợ ma của quân Tống. Người ta thấy đêm đêm xuất hiện những bóng thần trên núi Nham Biền và việc xuất hiện bài thơ Thần “ Nam Quốc Sơn Hà” làm nản lòng giặc chính là bắt nguồn từ mưu kế của Lý Đạo Thành.
Phá Tống thành công, Lý Đạo Thành dâng biểu về hưu lần thứ ba mới được chấp nhận. Trong Di chúc trước khi từ trần, Ông viết “ Xin cho tôi được chôn cất như một người bình thường. Hãy đặt xác tôi trong một cỗ quan tài gỗ nhẹ để những người phu kiệu đỡ đau vai.”
Chỉ một chi tiết nhỏ mà nói lên tất cả lòng thương yêu vô hạn của Lý Đạo Thành với con người và nhân cách cao thượng của ông.
Về Lý Thường Kiệt. Tên thật của Ông là Ngô Tuấn, dòng dõi Ngô Quyền. Đó là một danh tướng lẫy lừng bậc nhất của lịch sử nước nhà, với những võ công oanh liệt làm vẻ vang cho dân tộc ta. Một nhân vật kiệt xuất đến như thế, nhưng lại có một số phận vừa vinh quang vừa cay đắng. Trước khi chuyển sang học tập võ nghệ, Ngô Tuấn đã có 10 năm theo học chữ Hán với thầy Lý Công Ân. Về sức học của Ngô Tuấn, thầy nhận xét như sau “ Ta mừng vì con đã nhập được phần căn cốt của thánh học vào trong tâm, nên văn bài của con vừa có hồn của đạo vừa có phần trí lực và phách lực của con. Ta chắc con sẽ đem được cái sở học của con mà giúp đời”. Nói xong Thầy trao cho Ngô Tuấn cuốn Dịch học với niềm tiên cảm “ vào đời chắc con cần đến cái này.”
Quả thực là như thế, thời gian đã chứng minh rằng võ nghệ mới chính là sở trường và tài năng của Ngô Tuấn. Với niềm say mê khổ luyện, chẳng bao lâu Ngô Tuấn đã trở thành một võ sĩ bắn cung và cưỡi ngựa nổi tiếng trong vùng. Nhưng muốn thi thố tài năng, đặc biệt là muốn bước chân vào chốn quan trường phải có ngừoi tiến cử. Ngô Tuấn không phải chờ đợi lâu. Cơ hội đã đến với ông khi được Khai Hoàng Vương mến tài mà tặng cho một con ngựa quý. Đó là một con ngựa có khoáy lệch trên đỉnh đầu, hay thì rất hay nhưng đã hất bao nhiêu kỵ mã rớt đài. Nhưng với Ngô Tuấn, nó thuần phục ngay từ đầu. Với con ngựa ấy, Ngô Tuấn đã lập bao chiến công vang dội về sau.
Cuộc thử thách đầu tiên là được cùng đi dẹp loạn Nùng Trí Cao với Khai Hoàng Vương. Trong cuộc ra quân này, Ngô Tuấn vừa thể hiện được cái mưu và cái dũng của một vị tướng trẻ. Mưu là dùng kế cho quân lính vào các làng, các chợ rỉ tai mọi người phen này triều đình sẽ đem hàng mấy vạn quân lên hỏi tội mẹ con Nùng Trí Cao, tạo ra sự hoảng loạn trong hàng ngũ địch. Dũng là tình nguyện dẫn một đội binh đánh thẳng vào sào huyệt của họ Nùng. Để đảm bảo chắc thắng, ngoài việc nghiên cứu sa bàn, Ngô Tuấn còn lợi dụng đêm tối mò vào các cửa hang, rồi bí mật bố trí quân rất kỹ càng. Mọi việc xong xuôi chờ khi có pháo lệnh, đội kỵ binh tinh nhuệ của Ngô Tuấn nhất loạt xông vào bắt gọn mẹ con Nùng Trí Cao mà không mất một mũi tên hay một mạng quân.
Sau khi cùng Khai Hoàng Vương thắng trận trở về, tên tuổi Ngô Tuấn nổi như cồn. Con đường danh vọng trải thảm đỏ trước mắt ông. Nhưng vì được Khai Hoàng Vương trọng tài quá mà vô tình đem một đại hoạ đến với Ngô Tuấn.
Vào một ngày thời tiết đang đẹp bỗng đen kịt mầu chì. Trong lúc cả nhà đang vui vầy mừng người thắng trận trở về, thì viên xã trưởng chạy vào báo tin Ngô Tuấn và cả nhà sửa soạn nghi lễ đón chiếu của nhà vua. Ngô Tuấn và cả nhà nín thở nghe quan trung sứ đọc:
“ Nước nhà đang thời thịnh trị, người tài không thể bị vùi lấp. Nay Trẫm đặc cách ân vinh cho Ngô Tuấn sung vào chức Hoàng môn chi hậu. Ban cho ba vạn quan tiền để báo hiếu và thu xếp việc nhà. Lại xét nhân cách vào hạng cao trọng nên ban quốc tính từ nay. Thụ chiếu.”
Ngô Tuấn chìa hai tay đón lấy tờ chiếu đặt lên bàn thờ tổ tiên.
Viên xã trưởng tự hào nói với bà con: Làng ta từ nay đã có quan lớn.
Thuần Khanh, người con gái nhan sắc và đức hạnh, người vợ mới cưới mà Ngô Tuấn vô cùng yêu thương nửa đêm khăn gói bỏ đi, mang theo giọt máu của họ Ngô.
Hạnh phúc gia đình tan vỡ.
Ngô Tuấn đau đớn trở thành Lý Thường Kiệt, một ông quan hoạn
Thật là “ Chữ tài liền với chữ tai một vần.”
Từ đó, Lý Thường Kiệt ngang dọc vẫy vùng, võ công hiển hách, thăng tiến không ngờ. Ông có tất cả, trừ gia đình.
Ông đã làm quá nhiều cho cuộc đời, nhưng cuộc đời cũng lấy đi của Ông không ít
Đối với Lý Thường Kiệt, có lẽ Hoàng Quốc Hải không cần hư cấu gì thêm, bởi cuộc đời Ông đã đủ trở thành một thiên tiểu thuyết bi hùng.
Với tư cách là trụ cột quốc gia, thống lĩnh toàn bộ binh quyền, Lý Thường Kiệt ra sức xây dựng chiến lược quốc phòng, vừa có một đội quân dự bị đông đảo vừa có một đội quân thường trực tinh nhuệ. Ông đề xuất và đứng ra xây dựng đội hải binh hùng mạnh và chọn tướng Lý Kế Nguyên làm thủ lĩnh đội quân này. Ông mạnh dạn cất nhắc Lê Văn Thịnh vào chức thị lang bộ binh và cho tham dự vào Hội đồng cơ mật. Ông trực tiếp tổ chức màng lưới tình báo cài cắm tài tình vào đất nước của đối thủ, hoạt động hết sức có hiệu quả. Ông đã cất công đi kinh dinh nhiều vùng hiểm yếu ở biên thuỳ phía Nam và phía Bắc, để chọn những quyết chiến điểm khi chiến tranh nổ ra. Trong các cuộc Bình Chiêm Phá Tống, Ông bao giờ cũng đứng đầu đạo quân tiên phong, tả xung hữu đột, nhân sức mạnh đến từng binh sĩ. Cuộc tập kích phá Tống đánh vào Khâm châu, Liêm châu, Ung châu là một chiến tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước nhà. Tên tuổi Lý Thường Kiệt đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với vua Chiêm và vua Tống. Ông đã buộc Tô Giàm một danh tướng của nhà Tống phải cay đắng tự cầm kiếm giết sạch vợ con, gia tộc gồm 36 người rồi lao đầu vào biển lửa tự sát, dâng thành Ung Châu cho Đại Việt. Trong cuộc chiến bên bờ sông Như Nguyệt, vua Tống đã triệu ba tướng giỏi nhất là Quách Quỳ, Triệu Tiết, Yên Đạt để địch nhau với Lý Thường Kiệt, nhưng cuối cùng cả ba tướng phải ngậm bồ hòn thu tàn quân tháo chạy về nước. Cho đến khi bước vào tuổi 80, trong một buổi thiết triều, Hoàng thái hậu Ỷ Lan tuyên chiếu sai ông vào coi sóc châu Thanh Hoá, với cái cớ là để vua quan nhà Tống bớt lo sợ mà không tăng quân đến vùng biên thuỳ với Đại Việt. Thật là một cái cớ vô lý và ngu xuẩn. Tuy chức tước vẫn được giữ nguyên nhưng quyền hành thực tế thì không còn gì. Tuy vậy Lý Thường Kiệt vẫn thanh thản ra đi. Sau ba năm trấn trị ở Thanh Hoá, với hàng loạt biện pháp giảm quân, giảm tô thuế, khuyến khích khai hoang, tiến hành khơi sông, đào ngòi chống hạn ngập úng, tu sửa các đền chùa hư nát…Lý Thường Kiệt đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của Xứ Thanh. Thiên hạ thái bình, không có ngừoi bị đói, nạn trộm cướp biến sạch. Tết nhất Ông cấm ngặt các quan và dân thường mang quà đến biếu. Đánh giặc thì thế, trị quốc thì thế, chăm dân thì thế, công lao với nhà Lý còn ai hơn Lý Thường Kiệt?
Cho đến khi 86 tuổi, Ông vẫn kiên trì xin nhà vua đi đánh dẹp 2 vạn quân Chiêm quấy phá biên thuỳ phía Nam và thu được thắng lợi rất vẻ vang.
Sự nghiệp của Lý Thường Kiệt thật là hiển hách. Ông là ngôi sao chói sáng vượt lên những ngôi sao chói sáng. Hậu thế tôn vinh ông về những công lao trời bể, đồng thời tôn vinh cả những lời tự sám hối thành thật. Ấy là khi ông tự trách mình vì quá nghe lời nhờ cậy của Lý Thánh Tông mà nhất thời bị lôi cuốn vào những tham vọng quyền lực của Ỷ Lan, để cho bà lộng quyền gây ra bao tội ác. Dù thế, kể cả với những điều đáng tiếc như đã nói ở trên, Lý Thường Kiệt vẫn là một thiên tài quân sự làm vẻ vang cho truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Năm tháng trôi qua, nhắc đến tám triều vua Lý, có thể người ta không nhớ hết tên các vị vua, nhưng người ta không bao giờ quên tên tuổi Lý Công Uẩn và Lý Thường Kiệt.
Hoàng Quốc Hải kết thúc “ Tám triều vua Lý” với xu hướng mở. Nghĩa là anh có ý mời gọi sự tham gia của người đọc. Đó là đổi mới tư duy tiểu thuyết đáng trân trọng. Tôi xin nói đôi điều về hai vấn đề có thể còn gây tranh cãi. Đó là vụ án “ hoá Hổ giết Vua” mà kẻ bị quy tội là thái sư Lê Văn Thịnh và việc đánh giá công trạng của nhiếp chính Hoàng hậu Ỷ Lan.
Vấn đề thứ nhất, vụ án hoá hổ giết vua. Vụ án này xưa nay đã có nhiều giả thuyết. Ý kiến của Tào Mạt trong vở kịch bộ ba “ Bài ca giữ nước” quy cho Lê Văn Thịnh giết vua, xem ra không có cơ sở đứng vững. Trong tiểu thuyết “ Thiên Thu Huyết Lệ” mới xuất bản, Nguyễn Trọng Tân cho rằng tình báo của nhà Tống giết. Còn Hoàng Quốc Hải trong “ Tám triều vua Lý” thì cho rằng đó là do một giáo phái nào đó chủ mưu. Nhưng bên cạnh đó anh lại cho biết Lê Văn Thịnh có nuôi trong nhà một vệ sĩ có thuật hoá hổ. Và chính ông vào lúc nhàn rỗi cũng đi tập thuật ấy. Ông tập để định lập mưu giết vua chăng? Tôi không tin. Vì một người trọng Nho, coi đạo vua tôi là khuôn vàng thước ngọc, lại là thầy dậy vua bao nhiêu năm, con người ấy có dã tâm lớn đến mức thế ư? Hơn nữa, Ông và nhà vua có gì bất đồng để gây ra tâm trạng bất mãn mà làm việc ấy? Vừa trúng tuyển và đỗ thủ khoa Minh Kinh, ông được Ỷ Lan chọn làm sư phó dậy vua, ít lâu sau lại được Lý Thường Kiệt phong chức tả thị lang bộ binh, rồi nhanh chóng được phong làm tể tướng. Đường công danh của ông được thăng tiến quá nhanh. Vậy ông giết vua để làm gì? Và giả dụ ông có giết được vua thì có thể ngồi vào ngai vàng được không, khi Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lý Kế Nguyên và bao nhiêu danh tướng hùm sói khác còn ở quanh vua?
Trước bao nhiêu giả thuyết thì việc Nguyễn Trọng Tân cho biết nhân dân vùng Kinh Bắc mới đây đào được bức tượng Con rồng năm ngón tự cào xé bản thân mình, có thể mở ra một hướng mới tìm kiếm câu trả lời cho vụ án này chăng?
Vấn đề thứ hai: Đánh giá công và tội của Hoàng thái hậu nhiếp chính Lê Thị Khiết Ỷ Lan.
Cuộc đời Ỷ Lan có hai giai đoạn, giai đoạn còn là cô gái hái dâu với tên tục là Lê Thị Khiết thì thật trong sáng, đáng yêu, và thậm chí đáng thương nữa vì bà bị bà Tuất là mẹ kế ghẻ lạnh, soi mói và đầy đoạ khổ sở.
Nhưng từ khi trở thành Nguyên Phi rồi Hoàng Thái hậu Linh Nhân, nhiếp chính Ỷ Lan thì bà hoàn toàn thay đổi. Bà hoan hỉ nghe theo tên đô thống Đỗ Khánh Thập đứng đầu bọn hoạn quan rỉ tai phải xin với vua gửi gắm mẹ con bà cho Lý Thường Kiệt. Vua vừa băng, con bà được kế vị. Trong buổi thiết triều đầu tiên, bà thông qua vua con huyền chức khu mật viện chánh chưởng Mai Trung Thứ, cách chức Thái sư Lý Đạo Thành, giáng làm thị lang bộ binh, bãi chức Thượng dương Hoàng Thái hậu, tống ngục chờ xét tội. Liền sau đó, bà sai Lý Thường Kiệt đi kinh dinh biên thuỳ phía Bắc để bà ở lại Thăng Long rảnh tay chôn sống Hoàng thái hậu Thượng Dương và 72 cung nữ. Việc làm của bà đã khiến các quan xa lánh, dân chúng phẫn uất, tới mức thiền sư Lâm Huệ Sinh phải rũ áo bỏ đi. Khi cảm thấy không còn ai bên cạnh nữa, bà cho chân tay giết chết Đỗ Khánh Thập để bịt đầu mối. Đối với Lê Văn Thịnh, là bạn thủa ấu thơ khi vô sự thì chị chị em em, đến khi vụ án hoá hổ, dù có quyền lực đầy mình nhưng bà ngoảnh mặt không nói cho được nửa lời. Ngay cả việc đẩy Lý Đạo Thành vào Nghệ An, sai Lý Thường Kiệt vào Thanh Hoá để bà rảnh tay thao túng quyền lực cũng là việc làm bạc bẽo, vô ơn.
Trong lúc sám hối, Lý Thường Kiệt đã ví bà là Võ Tắc Thiên, đúng hay sai???
Có xu hướng quy tất cả công lao hàng đầu trong hai cuộc bình Chiêm phá Tống cho bà Ỷ Lan, tôi thấy khó thuyết phục. Mặc dù bà được chồng là Lý Thánh Tông vì quá yêu mến mà trao cho bà chức Lưu thủ kinh sư trong khi ông cùng Lý Thường Kiệt đi bình Chiêm. Nhưng trong suốt thời gian giữ chức ấy, bà không biết nghĩ ra việc gì và làm được việc gì ngoài việc trống giong cờ mở về quê bái tạ tổ tiên và đưa cho viên chủ họ 5 đĩnh bạc để tu bổ nhà tổ. Còn trong cuộc phá Tống bên bờ sông Như Nguyệt, việc lớn nhất bà làm được là tổ chức vài chuyến đi uý lạo binh sĩ và sai ban chiếu những quyết định mà các tướng lĩnh, trước hết là Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành đã bàn thảo kỹ dâng lên.
Công lớn nhất của bà là sinh được hai hoàng tử cho vua Lý Thánh Tông. Thế thôi.
Bắt chước Hoàng Quốc Hải, xin để mở những điều mà tôi biết được từ bộ tiểu thuyết rất thành công của anh tại đây để thỉnh giáo những cao kiến của bạn đọc.
***
Về “ Bão Táp Triều Trần”
Việc chuyển giao quyền bính từ nhà Lý sang nhà Trần vừa mang tính tất yếu, vừa mang tính ngẫu nhiên. Tất yếu vì cho đến đời Lý Huệ Tông, cơ nghiệp nhà Lý đã suy sụp lắm rồi. Mọi quyền hành đều trao vào tay một ông vua ốm yếu, nửa tỉnh nửa mê, sợ sệt từ một cơn gió lạnh trở đi. Triều đình hoàn toàn bất lực trước hàng loạt cuộc nổi dậy ở khắp nơi. Bộ máy cai trị buông bỏ trách nhiệm, tìm chỗ dấu thân. Một cơ nghiệp rệu rã đến mức ấy thì nếu không rơi vào tay nhà Trần thì cũng rơi vào tay một phe đảng nào khác hoặc thậm chí gánh lấy thảm hoạ mất nước. Ngẫu nhiên vì, trong lúc tháo chạy khỏi kinh thành, phiêu dạt khắp nơi để tránh cuộc săn lùng của nghĩa quân Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn, Hoàng thái tử Sảm được dẫn vào nhà phú gia địch quốc Trần Lý và được ông gả con gái là Trần Thị Dung cho. Buồn ngủ lại gặp chiếu manh, thế là ông vua nhà Lý đã trở thành con rể nhà Trần. Mọi diễn biến về sau như việc ép vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thánh, đưa Trần Cảnh vào cung, tác hợp mối duyên Trần Cảnh – Chiêu Thánh, rồi ép Chiêu Thánh nhường ngôi cho chồng, hoàn toàn nằm trong kịch bản của Trần Thủ Độ.
Trần Thủ Độ là một nhân vật phức tạp. Đó là một con ngừoi vừa nham hiểm vừa khôn khéo, vừa tàn bạo vừa dũng cảm. Đối với Ông, những từ như nhân ái, khoan dung, thương cảm hoàn toàn là những từ xa xỉ và vô nghĩa. Một ông vua ốm o như Trần Huệ Tông đã thất hồn bạt vía quỳ mọp dưới thanh kiếm của ông rồi đã từ bỏ mọi quyền lực, xuống tóc đi tu. Tức là một con người đã hoàn toàn bất lực và vô hại, thế mà ông vẫn còn sai lính đem thòng lọng treo trước cửa chùa buộc phải thắt cổ tự sát. Giết ngừoi ngay trước cửa Phật, Trần Thủ Độ là một kẻ vô đạo và tàn bạo không kém gì Lê Long Đĩnh róc mía trên đầu sư. Với dã tâm “ nhổ cỏ tận gốc”, Ông đã bầy ra vụ giỗ Tổ để giết sạch hơn bốn trăm con cháu nội tộc họ Lý ở chùa Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn quê hương nhà họ Lý, đưa tội ác giết người của Ông lên tới mức ngút trời, chưa từng có trong lịch sử. Ấy là việc đối với thiên hạ. Còn đối với việc trong nội tộc họ Trần ông cũng gây ra không ít thảm kịch. Việc chọn ngành thứ là Trần Cảnh lên ngôi đã gây ra sự bất hoà, hậm hực cho Trần Liễu ngành trưởng còn chưa đủ, ông còn cùng vợ Trần Thị Dung ép Trần Cảnh phải lấy vợ của anh mình để cướp lấy chiếc bào thai đã được mấy tháng khiến cho Trần Liễu buộc lòng phải cầm gươm mà chống lại. Việc ông tư thông với Trần Thị Dung lúc bà còn là vợ vua, rồi trở thành vợ chồng, rồi đến việc quan hệ hôn nhân của con cháu trong nội tộc là một sự loạn luân công khai, hợp pháp duy nhất trong lịch sử. Bên cạnh một chân dung như thế, Hoàng Quốc Hải còn cho chúng ta biết một Trần Thủ Độ khác. Đó là một con người yêu nước, kiên cường, đảm lược, công chính. Có một lần, trong phút xao lòng Vua Trần Thái Tông bí mật rời bỏ kinh thành để đi tu. Trần Thủ Độ đi tìm, gặp nhau vua không muốn hồi cung, ông quyết định “ Vua ở đâu thì triều đình ở đó”. Thế là vua buộc phải trở về.
Trong một cuộc tuyển chọn chức câu đương làm xã trưởng, Ông đã buộc đứa cháu vợ của ông, nếu nhận chức phải chặt một ngón chân vì được đặc cách lên quan đặc biệt phải có cái gì đặc biệt. Ông diệt nhà Lý về mặt quyền lực nhưng ông tham mưu cho Trần Thái Tông tiếp thu tất cả những tinh hoa của nhà Lý. Đó là việc thực thi chính sách “ ngụ binh ư nông”, mở các kì thi chọn nhân tài định kì bẩy năm một lần. Trong cuộc chống quân Nguyên lần thứ nhất, từ việc vợ ông xin đưa bớt đồ thờ về quê Long Hưng, Ông đã biến thành kế “ Thanh giã”, triệt để thực hiện vườn không nhà trống. Trước cuộc xuất quân, Trần Thái Tông định làm lễ tổng duyệt binh quân, thì ông kiên quyết bãi bỏ để đưa ngay quân đi mai phục ở những nơi hiểm yếu. Trong trận huyết chiến ở Bình Lệ Nguyên, trước thế giặc quá mạnh, quân ta núng thế, vua Trần Thái Tông hỏi ông, nên ứng phó thế nào? Ông nói “Đầu ta chưa rơi xuống đất, thì bệ hạ đừng lo”. Một câu nói đúng lúc, đầy can đảm đã có tác dụng to lớn làm yên lòng vua và truyền sức mạnh cho binh sĩ. Trần Thủ Độ xả thân cho nhà Trần, vắt kiệt tâm sức cho nhà Trần. Ông là cột trụ, là linh hồn của nhà Trần. Ông có công lớn kèm cặp, giáo dưỡng, chỉ vẽ từ việc lớn đến việc nhỏ, giúp Trần Thái Tông, ông vua đầu tiên của nhà Trần trở thành một bậc minh quân. Trong thâm tâm Ông cũng tự biết mình. Trong một lần trò chuyện với tướng Lê Tân, Ông nói: “ Trí và Dũng ở ta còn tạm được. Chứ Nhân ta còn thiếu. Còn phải tu chính nhiều lắm mới đạt tới cõi Nhân”. Ta quý sự thành thật này biết bao. Vì những sự đối lập như nước với lửa tồn tại ngay trong một con người nên nhân vật Trần Thủ Độ là một trong những nhân vật có sức hấp dẫn nhất trong “ Bão táp triều Trần.”
Trong 175 năm tồn tại, cống hiến vĩ đại nhất của nhà Trần là ba lần đại thắng quân Nguyên. Đó là một võ công oanh liệt nhất của dân tộc ta ở thế kỷ XIII, mang tầm cỡ thế giới. Nếu chỉ đứng trên quan điểm quân sự thuần tuý dựa trên sự so sánh lực lượng thì người ta không thể hiểu nổi vì sao quân đội Đại Việt lại có thể đánh thắng được quân Nguyên.
Vào thời điểm đó quân Nguyên là đội quân hùng mạnh và thiện chiến nhất thế giới. Nó đã chiếm được một vùng đất mênh mông từ bờ biển Hắc Hải, Châu Âu đến tận Thái Bình Dương, Châu Á, bao gồm hàng chục quốc gia trong đó có nước Nga và Trung Hoa. Còn quân Đại Việt thì sao? Đất đai thì mới gói gọn từ Đèo Ngang trở ra. Dân số cả nước mới chỉ vào khoảng 4 triệu người. Nhà Lý đã mất. Nhà Trần vừa được nước nhưng còn rất non trẻ và chưa trải qua một chiến tranh nào cả. Vậy thì đánh giặc với bí quyết nào đây?
Bí quyết thứ nhất là sức mạnh của lòng yêu nước, là tinh thần “ vô uý”, nghĩa là không biết sợ. Với khí phách ấy vua Trần Thái Tông đã ba lần thét trói sứ giặc giam vào nhà công quán. Khi chiến tranh nổ ra, các vua Trần luôn có mặt tại tuyến đầu sát cánh cùng tướng sĩ đánh giặc. Trong kháng chiến lần thứ hai, trong lúc hiểm nghèo Trần Ích Tắc mang cả nhà ra hàng giặc, Trần Kiện mang theo cả vạn quân theo giặc nhưng các vua vẫn hết sức vững vàng.
Bí quyết thứ hai là quốc sách cố kết dân tộc, làm cho cả nước một lòng, trăm phương thắt chặt vào một mối. Để thực hiện kế sách này, ngay từ khi cuộc chiến tranh lần thứ nhất chưa xẩy ra, Trần Quốc Tuấn đã lĩnh mệnh lên biên thuỳ, đến Quy Hoá để thuyết phục các chủ trại Hà Bổng, Hà Khuất nhận sắc vua ban, khiến họ hết sức cảm kích và hứa sẽ trung thành với triều đình, không đầu hàng và quyết tâm đánh quân Nguyên. Nhân dịp này Trần Quốc Tuấn đã được họ dẫn đi thăm các nơi hiểm yếu để bầy kế chặn giặc. Chính vì thế mà khi chiến sự xẩy ra, Trần Quốc Tuấn đã cùng với Hà Bổng và Hà Khuất đánh tan đội quân tải lương gồm hai vạn tên của Đoàn Hưng Trí, buộc địch phải nhanh chóng tháo chạy khỏi Thăng Long.
Với chính sách cả nước một lòng, nhà vua đã mở Hội nghị Diên Hồng nhằm cố kết tất cả các châu mục, quận huyện trong cả nước, nhằm tạo ra bức thành trì bất khả xâm phạm. Trước đó vua còn mở hội nghị Bình Than để các tướng tài hiến kế đánh giặc. Qua đó sức mạnh tinh thần của quân dân Đại Việt đã vượt trội hẳn lên so với quân Nguyên.
Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, quân địch hoảng loạn tháo chạy quá nhanh còn bỏ sót lại một thùng thư trong đó có biểu xin hàng và danh sách những người đã cộng tác với giặc. Sau khi giặc tan, trước mặt các bá quan văn võ, vua Trần Thánh Tông đã cho đốt hết các thư từ, văn bản trong đó. Lòng khoan dung của triều đình đã xoá đi biết bao nghi ngờ, lo ngại, hàn gắn lại lòng người, sức mạnh đoàn kết dân tộc càng được nhân lên hơn nữa.
Bí quyết thứ ba là xây dựng được một đội quân hùng hậu, thiện chiến mang trong mình hào khí Đông A, sẵn sàng xả thân vì nước. Do đội quân của triều đình, của các vương hầu, của các đầu lĩnh được huấn luyện kĩ càng, không phải mang theo gạo nhà khi đi tập, được chia ruộng đất, miễn thuế, đại xá nên rất yên tâm đánh giặc. Họ lại được thấm nhuần tinh thần tự tôn dân tộc và quyết tâm đánh giặc từ “ Hịch Tướng Sĩ” của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, tự nguyện khắc vào tay hai chữ “Sát Thát”, thể hiện quyết tâm giết giặc rất cao.
Bí quyết thứ tư là có được một đội ngũ tướng lĩnh tài ba, mưu lược, can đảm, sáng tạo thiên biến vạn hoá dưới sự thống lĩnh của thiên tài quân sự Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo. Đó là Lê Tần, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Trần Quốc Khang, Nguyễn Chế Nghĩa, Nguyễn Khoái, Nguyễn Truyền, Trần Trung, Trần Bình Trọng, Tuệ trung thượng sĩ Trần Quốc Trung, Trần Quốc Nghiễn, Chiêu Thành Vương, Đặng Dương, Nguyễn Thế Trực, Phạm Lâm, Trần Thí Kiến, Ngô Sĩ Thường, Trần Quốc Hiến, Trần Quốc Uất, Trần Quốc Tảng, Trần Đạo Tái, Trần Quang Hiến, Nguyễn Đức Dư, Nguyễn Thế Trực, Nguyễn Địa Lô, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Văn Hàn, Trương Hán Siêu, Đỗ Khắc Trung, Nguyễn Nhuệ, Triệu Trung…
Tướng giỏi chỉ có thể phát huy được tài năng khi có một chiến lược, chiến thuật sáng suốt, cao cường, “ Mưu sự như thần”. Đó là vai trò thống lĩnh của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Đối đầu với những tên tướng giỏi nhất của quân Nguyên như Ngột – Lương - Hợp - Thai, Thoát Hoan, Ô - Mã -Nhi, Toa Đô, A – Li - Hải - Nha, Bôn – Kha - Đa, Lý Hằng, Lưu Thế Anh…Trần Hưng Đạo tìm hiểu địch rất kỹ để có kế bầy trận và cách đánh thích hợp, hoá giải mọi ưu thế của địch. Lúc thì xé mỏng quân địch ra, tiêu hao dần sinh lực địch, lúc thì tập trung mọi sức mạnh của đạo quân để đánh vào những trận có tính chất quyết định như Hàm Từ, Tây Kết, Bạch Đằng Giang. Khi thì vừa đánh vừa giả thua, giả yếu để đánh vào sự kiêu căng của giặc, khi thì vừa đánh vừa xin hàng, hư hư thực thực khiến giặc không biết đâu mà lường. Khi cần thiết thì cả công chúa An Tư cũng được tung vào hàng địch để cầm chân chúng. Cả ba lần kháng chiến là cả ba lần đánh tan đội quân tải lương hùng hậu của địch, giam địch vào thế đói khát, mỏi mệt. Chọn địa điểm, chọn thời gian để biến đội quân kỵ là thế mạnh nhất của địch thành một lũ vịt què, đó mới là lúc giáng đòn quyết định kết thúc chiến tranh. Toa Đô bị mất đầu, Thoát Hoan bị rúc vào rọ bọc đồng được kéo đi như một con vật, Lưu Thế Anh bị vứt bỏ áo mũ và tháo chạy, Lý Hằng sắp thoát qua biên giới còn bị trúng tên độc gục chết trong cảnh hỗn loạn, Ô Mã Nhi bị trói gọn trước thảm cảnh ở sông Bạch Đằng…Một đạo quân chưa từng biết thất bại trước bất cứ quốc gia nào, thế mà đến Đại Việt có lúc đông tới 50 vạn tên, cả ba lần đều bị quật ngã tả tơi và tháo chạy nhục nhã, thì quả là một sự cay đắng nhất, chưa từng có đối với Hốt Tất Liệt. Không chỉ bốn triệu dân nhà Trần có quyền ngẩng cao đầu trước võ công oanh liệt mà mình lập nên, mà cả dân tộc Việt Nam từ đời này sang đời khác đều có quyền tự hào trước chiến công thần thoại mà ông cha mình đã tạo ra. Chiến công ba lần đại thắng quân Nguyên của nhà Trần nâng cao tầm vóc quốc gia Đại Việt và tư thế tự chủ, tự cường của mỗi người dân. Đó là một võ công oanh liệt nhất trong những võ công oanh liệt nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Bí quyết thứ năm là có sách lược ngoại giao khôn khéo, khi chiến tranh chưa xẩy ra thì tìm mọi cách để giữ hoà khí với phương Nam để rảnh tay đối phó với Phương Bắc. Khi chiến tranh nổ ra thì liên tục cử sứ xin hàng, sẵn sàng tiếp nhận đội quân nhà Tống năm nghìn người do Triệu Trung cầm đầu vào hàng ngũ chiến đấu của ta. Kháng chiến lần thứ nhất kết thúc không lâu liền cử sứ thần sang Yên Kinh dâng sớ xin dâng Đại Việt chấp nhận làm phên giậu của nhà Nguyên, hàng năm đem cống vật rất hậu. Nhún nhường nhưng không bao giờ mất cảnh giác, giao hảo nhưng không bao giờ ảo tưởng. Tất cả chỉ để có thêm thời gian vực sức dân, luyện quân, tích trữ lương thảo, rèn vũ khí, không bao giờ để mất thế chủ động.
Năm bí quyết trên cũng là năm phẩm chất làm nên thiên tài quân sự của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo. Thêm nữa, hẳn bạn đọc còn nhớ rằng, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Trần Liễu có cho gọi Trần Hưng Đạo đến bên và trăng trối rằng “ Dù bất cứ thế nào cũng phải giành ngai vàng về cho chi trưởng”. Trần Hưng Đạo không thể không xúc động về câu nói cuối cùng của cha. Hơn nữa chức Quốc công tiết chế mà Ông nhận được chỉ diễn ra vào phút chót trong lễ duyệt quân của hai vua. Xem thế đủ thấy sự hàn gắn vết thương giữa chi trưởng và chi thứ khó khăn biết nhường nào. Sau này khi đã trở thành Quốc công tiết chế nắm toàn bộ binh quyền trong tay, ông chỉ cần phâỷ tay một cái là ngôi vua sẽ rơi vào chi trưởng, di chúc của cha được thực hiện. Nhưng Hưng Đạo Vương đã không làm thế, bởi ngài biết đặt chữ Trung lên trên chữ Hiếu, việc nước lên trên việc nhà. Trong ba lần đánh quân Nguyên, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương đã tự nguyện hiến một nửa gia sản thái ấp của mình cho nhà nước Đại Việt. Đội gia binh của Ngài là đội gia binh thiện chiến nhất và lập nhiều chiến công vang dội. Thật đúng như Trương Hán Siêu đã viết trong bài phú Sông Bạch Đằng
Giặc tan muôn thuở thái bình
Tại đâu đất hiển bởi mình đức cao
Nhờ chữ Đức ấy mà Trần Hưng Đạo đã hiển Thánh. Phải hàng nghìn năm lịch sử mới có sự kết tinh tuyệt vời như thế, treo tấm gương sáng cho muôn đời.
Với chiến công hiển hách ba lần đại thắng quân Nguyên, đạo quân hùng mạnh và tàn bạo nhất hành tinh ở thế kỷ XIII, nhà Trần đã đưa lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta đến đỉnh cao chói lọi, vươn tới tầm nhân loại.
Đất nước sạch bóng quân thù, nơi nơi đều được yên ổn làm ăn, lòng dân ai chẳng hả hê, sung sướng. Nhưng làm sao để xã tắc thịnh trị, mọi nhà đều được ấm no, hạnh phúc dài lâu? Đó là câu hỏi nhói lòng của người ngồi trên ngai báu. Với nhãn quan chính trị xa rộng và lòng trắc ẩn khôn nguôi của bậc minh quân, Trần Nhân Tông trằn trọc, thao thức tìm kế sách trị quốc vững bền. Chuyến đi thăm Chiêm Thành chín tháng và quyết định gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân chính là nằm trong kế sách hoà hoãn kết thân với phía Nam lâu dài để rảnh tay đối phó với phía Bắc. Ngài sớm nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông rồi xuống tóc xuất gia hướng đạo, lập ra phái Thiền Trúc Lâm của Việt Nam. Nhưng đáng tiếc thay và trớ trêu thay nghiệp tu hành của Ngài càng sớm đạt tới chính quả, viên mãn bao nhiêu thì cơ nghiệp nhà Trần càng mau chóng sa sút bấy nhiêu. Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông nối tiếp nhau bất lực, không tìm ra một kế sách gì chặn được cỗ xe lao dốc. Đến Trần Dụ Tông thì triều đình biến thành một ổ dâm loạn, cờ bạc, lừa đảo, không từ một thủ đoạn nhơ bẩn nào để vơ vét tiền bạc của dân. Bạn đọc còn nhớ để chữa bệnh cho Dụ Tông, thái y đã phải giết 21 thiếu niên để lấy mật. Khỏi bệnh, Dụ Tông càng vùi mình trong sa đoạ, hưởng lạc, không hề biết đến dân là ai, càng không biết đến nước là gì. Trước tình thế đó, Chu Văn An buộc phải dâng sớ chém đầu bẩy tên gian thần, nhưng không được chấp nhận. Ông treo ấn từ quan, rời bỏ kinh thành. Đến đời Trần Nghệ Tông thì cơ nghiệp nhà Trần biến thành đại thảm kịch. Trần Nghệ Tông là một kẻ hôn ám, mê lú, một tên bù nhìn sẵn sàng làm tất cả những gì mà Hồ Quý Ly sai khiến. Một đất nước ba lần đánh bại quân Nguyên mà bó tay để cho quân Chiêm Thành vào ra Thăng Long như đi vào chỗ không người. Trần Duệ Tông đem quân bình Chiêm bị chết trận, kẻ phụ trách hậu quân tháo chạy đầu tiên về Thăng Long không bị trị tội mà còn được thăng chức, đó là Hồ Quý Ly. Đất nước cần một ông vua tài đức để thay thế thì Trần Nghệ Tông đã làm ngược lại tất cả các phương án mà các quan đã dâng tấu. Ông không chọn Trần Nguyên Đán người đã được Chu Văn An tiến cử và được cả triều đình kính phục chỉ vì sợ người tài đức hơn mình sẽ trùm lên thiên hạ. Hơn nữa, nếu chọn Trần Nguyên Đán thì sẽ làm mất lòng Hồ Quý Ly. Thế là ông chọn Vương Nghiễn để cho Hồ Quý Ly dễ sai khiến. Ít lâu sau vì Vương Nghiễn không để cho Hồ Quý Ly ép một bề, Trần Nghệ Tông đã không chùn tay giết ngay đứa cháu ruột của mình. Ông cũng không truyền ngôi cho Vương Ngạc, một người con trai của ông tài đức vẹn toàn, đẩy Vương Ngạc vào bước đường cùng phải bỏ đi và gục chết dưới lưỡi kiếm tàn bạo của Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly cho con rể của mình là Thuận Tông lên ngôi nhưng chẳng mấy chốc ép rời ngôi buộc đi tu rồi ép thắt cổ mà chết. Hồ Quý Ly đưa cháu ngoại thái tử Án mới ba tuổi lên thay rồi hơn năm sau phế luôn đứa cháu ấy để cướp ngôi. Tất cả tội ác và mưu mô xảo quyệt đó đều diễn ra hợp pháp vì được Trần Nghệ Tông xuống chiếu. Giết hại con cháu nhà Trần chưa đủ, Hồ Quý Ly còn lợi dụng bàn tay của Trần Nghệ Tông để sát hại hàng loạt những tướng tài, những vị quan chính trực. Trong các trận chống quân Chiêm, với trọng trách là thống suất quân đội nhưng vừa chạm nhau với giặc, Hồ Quý Ly đã bỏ chạy về Thăng Long tâu hót với Trần Nghệ Tông, khiến cho viên tướng dũng mãnh Nguyễn Đa Phương có công lớn chặn được giặc thì lại bị Hồ Quý Ly đem ra giết đầu tiên. Trần Khát Chân vị tướng trẻ vô cùng oai dũng, mưu lược có công chém được đầu Chế Bồng Nga nhưng cũng bị Hồ Quý Ly giết hại. Hồ Quý Ly bầy ra cách “ cầu lời nói thẳng”, rồi lọc ra những ai dám vạch tội ác của y, đều bị y lọc ra để giết hại, tiếm chức, đuổi về quê. Hồ Quý Ly là một tên bạo chúa, giết người không ghê tay nhưng lại được Trần Nghệ Tông hết lòng yêu quý và bảo vệ. vì sao? Vì Hồ Quý Ly là một kẻ biết cách xu nịnh, biết làm vừa lòng vua. Trong nội tộc nhà Trần, nếu Trần Ích Tắc là kẻ bán nước thì kẻ bán nhà là Trần Nghệ Tông. Trần Nghệ Tông là kẻ bất tài, ngu muội, tàn bạo, hèn hạ, phản bội tổ tiên, dâng nhà Trần cho Hồ Quý Ly, đời đời bị nguyền rủa.
Với “ Tám triều vua Lý” và “ Bão táp triều Trần”, Hoàng Quốc Hải đã thể hiện một cường lực sáng tạo thật phi thường, đưa mảng văn học viết về lịch sử đến đỉnh cao. Tôi đọc một mạch gần 5000 trang sách của Hoàng Quốc Hải với sự say mê hiếm có, bởi nó hấp dẫn, không biết đâu là lịch sử đâu là hư cấu. Tôi tin rằng, “ Tám triều vua Lý” và “ Bão táp triều Trần” sẽ có sức sống vượt thời gian.
Với kiến văn rộng lớn uyên thâm, với nghị lực và công phu siêu hạng, và đặc biệt với tài năng hiếm có, bao quát một giai đoạn lịch sử gần 4 thế kỷ, xây dựng hàng trăm nhân vật, nhiều nhân vật để lại những ấn tượng khó quên trong lòng bạn đọc, Hoàng Quốc Hải xứng đáng là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của đội ngũ các nhà văn thời hậu chống Mỹ, là một nhà văn tài danh nhất viết về đề tài lịch sử trong văn chương hiện đại Việt Nam.
Hà nội, 22.11.2024
Hữu Thỉnh