Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

AI CÒN NHỚ, AI ĐÃ QUÊN ?

Tô Hoàng
Chủ nhật ngày 4 tháng 8 năm 2024 6:58 AM



 Kỷ niệm 60 năm Trận đầu đánh thắng cuộc Chiến tranh phá hoại của Mỹ trên Miền Bắc  5/8/1964 & 5/8/2024



. Dạo xẩy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ , thuyền trưởng Nguyễn Văn Giảng chỉ huy tầu phóng lôi mang số hiệu 339. Tầu Mađốc của Mỹ thực hiện kế hoạch Desoto Oplan 34 xâm phạm hải phận Miền Bắc. “ Con muỗi mắt 339 “ bằng mấy quả đạn “ đã chọc thủng sườn con voi ma mút ” Mỹ. Trong bộ quân phục mùa hè sơ mi trắng, quần xanh của hải quân, với vóc dáng cao to, rắn rỏi, khó ai đoán được người sỹ quan này đã xấp xỉ tuổi sáu mươi.Đặc biệt với ánh mắt chân thành, nụ cười cởi mở, cựu đại úy Nguyễn Văn Giảng rất dễ gợi sự tin cậy ở mọi người. Anh nói với chúng tôi: “Từ đó đến nay,tôi nào đã lên đài, lên báo bao giờ đâu. Thành thử cứ tấm tức mãi. Tầu Mađốc xâm phạm bờ biển nước ta. Chúng tôi phải đánh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình như nhiệm vụ của bất kỳ đơn vị hải quân nào.Thế mà đùng một cái, có tin hải quân ta tấn công tàu Mỹ ở ngoài hải phận để rồi bùng nổ sự kiện ngày 5 tháng 8. Cha mẹ mình có dậy mình ăn gian nói dối bao giờ đâu? “. Bác Phan văn Cúc- thân sinh liệt sỹ Phan Đăng Cát năm nay đã 84 tuổi, lúc lên xe xuống xe phải có người dìu. Bác Cúc kể lại: sau ngày Phan Đăng Cát hy sinh, chị Sâm –vợ anh, cứ ở vậy thờ chồng. Bác Cúc và mọi người trong gia đình phải khuyên nhủ, động viên mãi, 7 năm sau chị Sâm mới bước đi bước nữa. Bây giờ chị đã có 4 mặt con, nếp tẻ đủ cả. Mỗi năm đến ngày giỗ anh Cát, chị đưa cả bốn đứa con về thắp hương cho anh. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, Phan Đăng Cát đã cầm tờ giấy phép trong tay để về thăm người vợ trẻ. Vừa rời cổng doanh trại, bỗng có kẻng báo động chiến đấu.Không hề lưỡng lự, Cát chạy ngay về khẩu đội cao xạ của mình phát lệnh nổ súng. Sau này so giờ tính phút cụ thể thì biết chính khẩu pháo cao xạ của Phan Đăng Cát đã bắn loạt đạn đầu tiên mở màn cho hơn 3000 ngày đêm miền Bắc đánh trả cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân của Mỹ.Anh Phan Đăng Cát đã hy sinh ngay trong trận đánh đó và trở thành người liệt sỹ đầu tiên trong thiên trường ca miền Bắc quyết chia lửa cùng miền Nam. Ở Hà Nội, nhiều người gọi đoàn khách về thăm thủ đô nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc khánh là “ Đoàn nhân chứng và Sự kiện “. Sự kiện thì đúng rồi còn Nhân chứng thì đối với ai đây? Với những người Hà Nội tuổi trên dưới 50 như chúng tôi, những tên tuổi kia , nhưng gương mặt ấy quá đỗi gần gụi, thân yêu, là hình ảnh của ngày hôm qua, hình ảnh tuổi trẻ của thế hệ mình. Trong buổi đón tiếp đoàn ở Nhà máy ô tô Hòa Bình,mấy cô thợ trẻ cứ lúng túng mãi không biết xưng hô với chị Nguyễn Thị Thanh, vợ của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân ra sao. Đứng trước mặt các cô là người đàn bà nông dân bé nhỏ, vấn khăn vành dây, gọi là cô cũng được , gọi là bà cũng xong. Đun đẩy nhau mãi, cuối cùng một cô thợ mạnh dạn lên tiếng: -Dạ, dạ..Trong ảnh, liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân rất trẻ, rất đẹp trai, không thể gọi bằng tiếng “ chú ”, tiếng “ bác “ được ạ... Chị Thanh cười buồn, gỡ thế bí cho cô gái: -Nếu anh Xuân còn sống, năm nay cũng 63 tuổi rồi ! ...Nguyễn Viết Xuân, người đã sẹt qua cuộc đời biết bao cô gái, chàng trai những năm 1960 như một ánh sao băng và để rồi in đậm trong tâm tưởng họ tiếng hô bất tử : “ Nhắm thẳng quân thù mà bắn ! “. -Thưa bác Thanh-vẫn cô gái lúc nãy lên tiếng- Bác còn nhớ kỷ niệm những chuyến về phép cuối cùng của bác Xuân không ạ? - Nhớ chứ ! – Chị Thanh đáp- Hạn phép là 10 ngày, anh ấy chỉ ở nhà hết ngày thứ 8 là ba lô, khăn gói lên đường trở vể đơn vị rồi. Trong 8 ngày ấy anh Xuân đi thăm nội, ngoại; làng trên xóm dưới mất hết 5 ngày, 3 ngày còn lại nào cũng nhăm nhăm vác cày giong con bò ra đồng cày ruộng. Anh Xuân cứ lo tôi không cáng đáng nổi công việc nặng nhọc ấy. La Thị Tám, o du kích nhỏ Kim Lai, Thái Văn A, Ngô Thị Tuyển, Trần Thị Thản- chính trị viên đơn vị pháo binh nữ huyện Ngư Thủy, Quảng Bình ..tất cả bây giờ mái tóc đã ngả bạc, đã trong ngoài 50 tuỗi... Ngô Thị Tuyển, anh hùng khu Nam Ngạn-Hàm Rồng, kể lại chuyện các nhà báo nước ngoài đã thử chị, lấy một bao gạo, một bao khoai tây, mỗi bao nặng 50kg yêu cầu chị vác. Vì danh dự của người Việt Nam trước quốc tế ( vì khi vác từng ấy khối lượng đạn pháo ở nơi trận địa, trong không khí chiến đâu lại là chuyện khác ). Ngô Thị Tuyển đã nhấc được cả 2 bao tải ấy lên vai mà không hề khụyu chân. Chuyện này thì chúng ta đã biết. Một phần tư thế kỷ trôi qua, bây giờ chúng tôi được nghe người nữ anh hùng thổ lộ.: “ 100kg vác chạy thì khác, còn vác đứng tại chỗ cho các nhà báo chứng kiến chụp ảnh, quay phim quả không đơn giản chút nào. Dạo đó văn hóa tôi thấp, tôi không giải thích nổi. Sau này được Đảng, Nhà nước cho học hết trình độ phổ thông, có chút kiến thức về vật lý tôi mới hiểu ra vì sao 2 bao tải ấy nặng đến như vậy! “. Cũng ở vùng Nam Ngạn này còn có chị Bùi Thị Hiền. Từng ấy năm xông xáo tiếp đạn, tải thương, chỉ huy chị em nữ dân quân không thua kém gì những Hằng, những Tuyển. Trong câu chuyện kể hôm nay, bao giờ chị Hiền cũng nói với mọi người: “Nếu các anh chị, các em sống ở Nam Ngạn vào thời kỳ đó, gặp những tình huống như vậy, các anh chị, các em cũng làm và làm được như chúng tôi “. Anh hùng Thái Văn A năm nay đã 53 tuổi,con trai đầu đã 34 ( anh có 2 con trai ). Anh tự hào vì đã làm “ ngọn đèn đứng gác “ở ngoài đảo Cồn Cỏ ( Vĩnh Linh )-nơi mưa bom bão đạn trút xuống hàng ngày 17 năm cả thảy.Hiện anh sống ở vùng bán sơn địa thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hỏi, anh có vui lòng, mãn nguyện với cuộc sống cày cuốc sau ngày phục viên không. Thái văn A trả lời hồn nhiên: “Mình là anh nông dân, đánh xong giặc thì trở về tiếp tục nghề nông là vui nhất chứ cần chi nữa? “. Tôi có mặt trong buổi lễ đón tiếp Đoàn của thày trò trường PTTH Việt Nam-BaLan, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Một em nữ sinh lớp 11 trong tà áo dài màu vàng cất tiếng hát đầy truyền cảm bài hát ca ngợi người thiếu niên anh hùng Nguyễn Bá Ngọc của nhạc sỹ Mộng Lân. Tất cả khách lẫn chủ bỗng rưng rưng vì mãi đến bây giờ họ mới chợt nhớ lại lời và giai điệu của bài ca vẫn thường hát năm xưa: ..anh qua đời, gương anh còn soi ..chí anh hùng như Nguyễn Bá Ngọc thật vinh quang. Bài ca vừa dứt, thầy Hiền, Hiệu trưởng dắt một cụ già lên bục giới thiệu với mọi người. Cả mấy gian hội trường ắng lặng trong giây lát. Đó chính là cụ thân sinh ra Nguyễn Bá Ngọc. -Thưa ông , sinh thời khi chú Nguyện Bá Ngọc còn sống, ông yêu quý nhất đức tính gì ở chú ấy ạ? –Một em học sinh cất tiếng. - Ông quý nhất đức tính thương yêu cha mẹ, anh em, bà con làng xóm của Ngọc. - Ông còn lưu giữ được kỷ vật gì của chú Nguyễn Bá Ngọc không ạ? Ông cụ bỗng trở nên lúng túng nom thật tội. -Sau khi chú Ngọc hy sinh, mẹ chú ấy cũng không sống nổi, các anh của Ngọc cũng lần lượt theo nhau nhập ngũ. Nhiều sự việc xẩy ra quá! Với lại bom đạn cũng nhiều quá..Ông không còn giữ được kỷ vật gì của Ngọc cả. Tôi đã bỏ ra những buổi chiều, buổi tối dạo chơi với các thành viên trong đoàn trên những đường phố thanh bình, yên ả của Hà Nội.Không có gì lạ khi nhiều người đi ngược chiều không nhận ra Thái Văn A, La Thị Tám, Ngô Thị Tuyển, Bùi Thị Hiền..dù chắc chắn nhiều người đã từng biết mặt họ, hành động quả cảm của họ qua các trang báo, cuốn phim. Các anh, các chị, các bác là người của một đoạn đời đã lật sang trang ư?Cũng có thể như vậy! Nhưng chỉ cần ngồi trò chuyện dăm ba phút với họ, nước mắt cứ muốn trào ra, bởi lẽ mọi suy nghĩ, mọi chiêm nghiệm, quan sát của các bác, các anh, các chị vẫn trong sáng, tròn trịa, đầy ắp tin yêu, nghĩa tình như hai mươi nhăm, ba mươi năm trước... Còn rất nhiều việc, nhiểu người , nhiều chuyện tôi muốn kể về chuyến tái ngộ này, nhưng xin dừng ở câu chuyện về nữ anh hùng lao động Hoàng Thị Liên. Những năm bom rơi đạn nổ, chị Liên đảm nhiệm cương vị cửa hàng trưởng cửa hàng ăn uống ở phà Bến Thủy ( Nghệ An ). Bao nhiêu đoàn xe, bao nhiêu tiểu đoàn, trung đoàn lính đã qua đây để vào chiến trường..Thành tích và chiến công của bến phà này, của bản thân chị Liên sợ kể ra đây quá dài.Chị Hoàng Thị Liên được tuyên dương anh hùng năm 1985. Trong danh sách những anh hùng được tuyên dương kỳ ấy có một người con gái khác tên là Hoàng Thị Tuất, Giám đốc nông trường cà phê DakMin ( DakLak ). Họ, tên, chức vụ thì đúng em gái của mình rồi-chị Liên nghĩ-nhưng chả nhẽ một nhà hai chị em ruột đều là anh hùng sao? “ Thời đạn bom mình hành động như ri, như ri đã là một nhẽ. Còn bây giờ là thời bình, nhiều thử thách lắm, làm sao dì ấy vươn lên được? “ Mãi đến khi các chị ở Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam đưa chị Hoàng Thị Liên tới gặp chị Hoàng Thị Tuất, chị Liên mới tin rằng đó là em gái mình. ..Những buổi chiều, buổi tối thư thả ngồi trò chuyện với Kim Lai, La Thị Tám, Thái Văn A, Nguyễn Văn Giảng..tôi như vỡ ra điều này: Dù sống ở những miền quê khác nhau, dù sinh ra và lớn lên với những gốc cội khác nhau, chúng tôi vẫn gắn bó với nhau bởi những kỷ niệm của một thời yên hàn. Ai mà chẳng có một buổi sáng, buổi trưa được quàng lên cổ tấm khăn quàng đỏ dưới bóng rợp của cây đa làng hay giữa mảnh vườn hoa thành phố lốm đốm nắng. Chúng tôi nhớ lại những bài hát về đất nước hòa bình dựng xây cuối những năm 1950 đầu những năm 1960. Nhiều hơn cả vẫn là những kỷ niệm của một thời học trò: Nhớ những Tử Trực, Hớn Minh, nhớ bài thơ “ Quê Hương “ của nhà thơ Giang Nam, nhớ mối tình lãng mạn của Paven và Rita trong “ Thép đã tôi thế đấy ”; nhiều nhất là nhớ tới gương mặt, giọng nói của thầy cô mà mình yêu mến, kính trọng, của lũ bạn bè nhi nhô, lúc nào cũng thấy đói bụng, mà vẫn biết chia nhau từng củ khoai, từng bắp ngô..Và qua bao năm tháng, qua thử thách của lửa đạn, qua những thiếu thốn khó khăn “ gạo tem, dầu phiếu “ những năm sau chiến tranh, để đến tận bây giờ chúng tôi như mới hiểu ra: cái lõi cốt làm nên hành động anh hùng, sẵn sàng xả thân vì độc lập-tự do của Tổ quốc chính là phẩm giá làm người mà thế hệ chúng tôi đã được xã hội nói chung, nhà trường nói riêng vui đắp, trui rèn trong suốt nhiều năm trước khi chiến tranh trùm màn khói đen tàn khốc lên quê hương, xứ sở.. ( Từ một cuốn sổ ghi chép cũ )