Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHẠM HOẺ, NỖI BUỒN NHÂN THẾ

Lê Ngọc Tú
Thứ ba ngày 23 tháng 7 năm 2024 9:33 AM



Anh về Nhà xuất bản Quân đội nhân dân trước tôi mấy năm. Sau này, qua lời anh kể, tôi biết là vào năm 1974, sau gần 1 năm theo học khóa huấn luyện chiến sĩ mới tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, anh và 3 sinh viên tốt nghiệp Khoa Xuất bản, Trường Tuyên giáo Trung ương ( sau này Trường đổi tên thành Phân viện Báo chí Tuyên truyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cùng về cơ quan một ngày, chỉ khác là không cùng phòng biên tập. Đợt ấy, chỉ có mình anh được phân công về làm biên tập viên Phòng Kinh điển – Lý luận. Anh tuổi Tân Mão ( 1951), người Duy Tiên , Hà Nam, là con liệt sĩ chống Mỹ… Cũng phải đến hơn một năm sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi trở lại quân ngũ( diện tái ngũ) về làm biên tập viên tại Phòng Biên tập sách Văn Nghệ, anh đã là Thượng úy, ngạch sĩ quan có số. Bấy giờ, so với đồng đội cùng tuổi, trông anh già dặn, chững chạc, hầu như lúc nào cũng thấy anh vận quân phục, gắn sao, vạch nghiêm chỉnh. Có một điểm dễ nhận ra là anh có một vầng trán vuông, hơi dô, nước da mai mái, chân bước thũng thẵng, dáng đi hơi chúi về phía trước. Anh thuộc tupe người sống khép mình, trong mắt anh luôn phảng phất một nỗi ưu tư, Trong sinh hoạt hàng ngày, anh thuộc người kiệm lời. Thoạt đầu, tôi để ý , trong giờ làm việc, anh ít ra ngoài. Mấy lần tôi có ý định làm quen mà vẫn chưa có cơ hội ?! Vào các chiều thứ bảy cuối tuần, thường thấy anh vội vã khoác balo, tay xách túi vải ra địa điểm xe cơ quan Tổng cục Chính trị đưa những người có gia đình ở quê về, chiều chủ nhật xe lại đón lên. Anh đã có vợ, người vợ vẫn ở quê chăm sóc mẹ già. Mùa hè năm ấy, anh đưa cậu con trai cả lên cùng ở trong một phòng khu nhà công vụ , cách cơ quan không xa... Cả một thời gian dài, ở nhà xuất bản, khu vực làm việc của 2 phòng biên tập ( Phòng biên tập sách Kinh điển – Lý luận và Phòng biên tập sách Văn Nghệ ) là dãy nhà cấp 4, nằm song song với tòa nhà chính với kiến trúc kiểu biệt thự thời Pháp - cách một cái sân rộng, lát gạch. Vì phòng làm việc của anh gần phòng tôi nên mỗi lần có việc ra ngoài, đi qua hành lang, tôi thấy anh thường ngồi nghiêm ngắn trước bàn làm việc, đèn bàn thường xuyên bật sáng. Tôi nhớ, một lần, cảm thấy như không đừng được việc muốn làm quen với người đồng chí này, tôi kiếm cớ mượn sách, liền ghé vào phòng anh, chủ động chào hỏi. Bữa ấy, trong phòng mọi người đi vắng, chỉ có mình anh . Anh nhìn tôi cười và kéo ghế mời ngồi. Tôi vẫn đứng và chăm chú nhìn bàn làm việc của anh. Trên bàn là cuốn Từ điển Nga – Việt ( 2 tập), tập bản thảo đánh máy đang mở, vài cây bút chì màu, cây kéo. Một hàng sách xếp ngay ngắn sát tường gồm các tập sách trước tác dày, bọc bìa cứng… Dưới cây đèn bàn là bức ảnh đen trắng 3 lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân Quốc tế được lồng trong khung kính, đặt trên bàn làm việc của anh. Thấy tôi tần ngần ngắm ảnh, anh đến bên tôi, chỉ vào tấm ảnh, hỏi: đồng chí có biết nhiều về 3 ông này? Tôi cũng chưa hiểu ý anh hỏi, bèn trả lời như một phản xạ tự nhiên: Dạ, có biết một người. Thấy anh im lặng, tôi thoạt nghĩ, có lẽ anh hơi bị bất ngờ vì câu trả lời của tôi, bèn nói tiếp: Tôi biết ông này vì hàng ngày đến cơ quan đều gặp ông đứng ở công viên Canh Nông, gần Bảo tàng Quân đội!( lúc ấy tôi chợt nhớ câu đồng dao của bọn trẻ con đang thịnh hành thời bấy giờ, liền đọc nhanh :” Ông Lênin ở Nước Nga/ Vì sao Ông đến vườn hoa nước mình…”). Khi tôi vừa dứt lời, anh buột miệng, nghiêm nghị : hóa ra đồng chí cũng là người thích đùa! Thời gian đầu, anh xưng hô với tôi là đồng chí, tôi thấy có cái gì đó như có khoảng cách, cứ như cách xưng hô khi họp chi bộ, nhưng không tiện nói ra. ( Có lần tôi đọc cho anh nghe một câu thơ – người ta đồn là thơ của Thần Đồng Thơ Trần Đăng Khoa, chẳng biết hư hay thực – nói về Đảng kính yêu: “ Đảng là gì nhỉ em ơi – Là không quen biết mà ngồi với nhau…”… Tôi thấy, từ lần ấy và về sau này, cảm giác anh không “ yên tâm” những khi nói chuyện với tôi !? Còn tôi xưng với anh, từ ngày đầu biết anh và đến sau này là “anh, tôi”, xem ra thấy thoải mái! Đội ngũ cán bộ chỉ huy và lớp sĩ quan làm chuyên môn ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân thời kì này hầu hết ở độ tuổi bậc cha , chú chúng tôi. Họ là lớp cán bộ chính trị, quân sự, bước ra từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Một số được đào tạo từ Liên Xô về. Họ sử dụng thành thạo tiếng Pháp và tiếng Nga. Phòng Biên tập sách Kinh điển – Lý luận nơi anh Hòe làm việc, tôi thực sự ấn tượng với các bậc “trưởng lão” tên tuổi như Đại tá Nguyễn Tính ( mọi người trong cơ quan quen gọi theo biệt danh là Tính Tây, có thể do vóc dáng to cao, da trắng, để râu quai nón và học ở Liên Xô về), Đại tá Vũ Hoài Chương ( thân phụ ông là người dịch tác phẩm “ Hồng Lâu Mộng” của Tào Tuyết Cần, tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc), giỏi tiếng Pháp. Tiếng Anh, và Đại tá Phùng Lộc, người từng học tại Học viện Quân chính Lênin ( Liên Xô) với nền tảng kiến thức đáng nể. Tôi được biết các ông là những cán bộ nghiên cứu, tổng kết của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được điều về tăng cường cho nhà xuất bản từ năm 1966. Các ông đều có sách in riêng. Riêng Đại tá Phùng Lộc, người gốc Nghệ, tôi có cảm tình đặc biệt mỗi khi được “hầu chuyện” ông. Những lúc trò chuyện với ông tôi cũng mạnh dạn chêm vài câu tiếng Nga cho đỡ quên! Đấy là một người thấp, đậm, dáng đi nhanh nhẹn, luôn nở nụ cười thân thiện,vui tính… Tôi còn biết, ông là người chuyên được giao “ chấp bút” các bài phát biểu của lãnh đạo Tổng cục Chính trị. Được sinh hoạt, làm việc cùng cơ quan với họ, cánh sĩ quan trẻ chúng tôi luôn cảm thấy hãnh diện, có cả niềm tự hào! Anh Hòe thường tâm sự: tôi là người may mắn vì có 3 người thầy đã dìu dắt tôi trưởng thành. Tôi luôn nghĩ, là người biên tập mảng sách kinh điển – lý luận, khởi đầu chỉ với hành trang tri thức mỏng manh ở một nhà trường dạy thực hành làm sách, báo, bây giờ về làm việc ở cơ quan yêu cầu năng lực nghiên cứu, thẩm định bản thảo sách là nhà xuất bản, rõ ra là một thách thức không nhỏ không riêng với anh, mà với chung cánh trẻ chúng tôi, những người mới vào nghề! Nếu không sớm nạp thêm kiến thức mới, chắc chắn sẽ khó đáp ứng được đòi hỏi của công việc! Với một khát vọng làm nghề cháy bỏng, anh Hòe ngoài nỗ lực tự học qua đọc sách, tự học tiếng Nga, còn học được nhiều kinh nghiệm làm nghề từ những người thầy như thế! Di sản văn hóa đọc mà phòng các ông để lại thời kì này không thể không kể ra là “ các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin về chiến tranh và quân đội, đã in 4 trong 6 tuyển tập luận văn quân sự của Ăng ghen, 18 chuyên đề của V.I. Lênin..” ( Lịch sử Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ( 1950 – 2010). H. 2010, tr,64); “ Lênin – bậc thầy sáng tạo về lí luận và thực tiễn quân sự”, “ Học thuyết Mác – Lênin về chiến tranh và quân đội”, “ Tìm hiểu sự nghiệp và di sản quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh”… và tác phẩm “ Bàn về chiến tranh”của tướng Karl von Clausewitz, Nguyễn Tùy và Đinh Kim Khánh dịch từ bản Tiếng Pháp có đối chiếu với bản Tiếng Nga – là một trong những tác phẩm lí luận quân sự đầu tiên về các chiến lược quân sự hiện đại …Những cuốn sách này đã được chọn làm tài liệu tham khảo có giá trị trong các nhà trường, học viện quân đội. Tiếp đến là các tác phẩm của các tướng lĩnh, các nhà chỉ huy quân sự Xô viết cũng lần lượt được giới thiệu từ “ bệ phóng” là Nhà xuất bản Quân đội như: “ Bộ Tổng Tham mưu Xô viết trong chiến tranh” của Đại tướng Sergei Matveeich Stemenco, Hồi kí Nguyên soái Giucop… Trong số các tác phẩm kể trên, việc chọn dich và giới thiệu với bạn đọc nước ta có đóng góp không nhỏ của biên tập viên Phạm Hòe. Vào thập niên 80 của thế kỉ trước, Việt Nam và Liên Xô có kí một chương trình hợp tác trao đổi văn hóa, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực xuất bản. Các nhà xuất bản nước ta đã cử các đoàn chuyên gia Tiếng Việt sang làm việc với các nhà xuất bản bạn trong việc chọn, dịch ra tiếng Việt và in tại chỗ các tác phẩm của Liên Xô. Từ đây, bạn đọc nước ta được đọc một cách hệ thống các sách với nhiều thể loại, được in chất lượng từ chính quốc chuyển về. Năm 1981, Phạm Hòe là người đầu tiên được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cử sang làm chuyên gia tiếng Việt tại Nhà xuất bản Hòa Bình ( Liên Xô). Thời gian đầu anh xa nước, tôi có nhận được thư của anh và một đồng nghiệp ở nhà xuất bản khác cùng sang một đợt với anh gửi về. Anh kể về cuộc sống và làm việc bên xứ người, không hề nói tới những khó khăn riêng của anh. Nhưng qua thư của người bạn cùng sang với anh, tôi biết, sống ở xứ lạnh, căn bệnh dạ dày đã hành hạ anh, dù anh giấu , không nói trong thư...Căn bệnh này là di chứng từ những ngày rèn luyện ở môi trường quân ngũ trước khi về nhà xuất bản…Tôi nhớ lời kể của người đồng nghiệp trước cùng học đại học, cùng tham gia khóa huấn luyện tân binh và về nhà xuất bản cùng đợt với anh Hòe, sau này chuyển vào làm đại diện nhà xuất bản phía Nam, thời gian ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, trong các bài huấn luyện chiến đấu, các anh đã đeo cát nặng tới nửa tạ, khoác súng AK, vượt hàng rào dây kẽm gai ,cùng những lần hành quân dã ngoại mùa đông trong bộ quân phục dã chiến dầm mình dưới mưa phùn, gió bấc… Cuối năm 1983, trong cơ quan, tôi là người thứ hai, được cử sang làm chuyên gia tiếng Việt tại Nhà xuất bản Tiến Bộ ( Liên Xô). Tôi còn nhớ, ngay ngày đầu tôi đặt chân tới đất bạn, khi về đến khu ở của đoàn chuyên gia, thấy anh đã có mặt. Anh rất vui, vì từ nay, anh có thêm một đồng đội mới . Anh chu đáo mang theo mấy đồ thiết yếu cần cho người mới trong nước sang cho tôi và cùng anh, chị em trong Đoàn chuyên gia chuẩn bị bữa cơm đón người mới. Trông anh vẫn như hồi ở trong nước, duy nước da coi trắng hồng hơn. Tôi hỏi về sức khỏe cái dạ dày, anh nói , do duy trì chế độ ăn kiêng nên vẫn ổn! Đêm ấy, anh ngủ lại, chúng tôi có dịp nói với nhau nhiều chuyện… Những ngày xa xứ, vì chúng tôi ở 2 nhà xuất bản nên muốn gặp nhau thường xuyên cũng không dễ. Nơi anh ở là phía Bắc thành phố, chỗ tôi ở là nhà ga cuối của tuyến Metro Nam thành phố. Từ nơi tôi lên anh, phải qua 2 lần chuyển tàu điện ngầm, ga nối ga dằng dặc. Nếu việc đi lại suôn sẻ cũng mất nửa ngày đường mới gặp được nhau. Thủ đô Matxcova mênh mông tưởng như không cùng vậy! Vào mùa Đông, tuyết rơi dày đặc, mỗi lần anh xuống chơi, khoác trên người bộ bành tô dày và rộng,trông anh cứ như một cây rơm ở quê nhà vậy. Những lần như thế, anh tỏ ra vui và cười rạng rỡ, cố giấu đi những cơn đau dạ dày đang hành hạ anh, nhất là vào những ngày đông giá rét nơi xứ người. Những ngày mùa Đông năm sau đó, chúng tôi thường đi lên chỗ anh, không muốn anh phải lặn lội đường xa xuống thăm chúng tôi. Bữa ăn đãi khách của anh xem ra còn trên cả sự đạm bạc: bánh mì được hấp cách thủy, kèm trứng luộc; một bát canh cải, hoặc xu hào luộc chấm muối vừng (món này bà xã anh ở trong nước gửi sang). Anh không uống bia, rượu nhưng luôn mua sẵn chúng để trong tủ lạnh dành cho chúng tôi và đặc biệt , có món đồ nhắm với bia lúc nào cũng sẵn, đó là món “ đặc sản” – cá khô ướp muối của vùng Atxtrakhan (một nước cộng hòa, người cháu của anh gửi lên). Nhiều lúc tôi nghĩ, suốt cả nhiệm kì chuyên gia ( 3 năm), anh duy trì chế độ ăn “ chay” như thế, thấy cảm phục mà thương bạn vô cùng! Đoàn chuyên gia nơi anh làm việc là một nhà xuất bản chuyên xuất bản sách khoa học kĩ thuật nên anh ít có đất “ dụng võ” chuyên môn của anh. Ngoài việc phải tích lũy thêm kiến thức chuyên ngành kĩ thuật qua đọc sách, học hỏi từ các đồng nghiệp, để đáp ứng yêu cầu của công việc, anh dành thời gian trau dồi vốn tiếng Nga. Nhớ hôm đầu tiên lên thăm anh, thấy tôi chăm chú coi mấy cuốn từ điển trên giá sách của anh, đặc biệt thấy có cuốn từ điển kĩ thuật tiếng Nga, tôi nghĩ, anh làm việc ở một nhà xuất bản chuyên về xuất bản sách khoa học – kĩ thuật nên việc sử dụng công cụ này là lẽ thường tình. Khi tôi nhìn thấy trên bàn làm việc có cuốn sách về kĩ thuật in đang mở và trang bản thảo viết tay, có vẽ hình các chi tiết máy in, tôi đang phân vân, định hỏi anh việc này, anh gượng cười, nói: Tôi đang dịch cuốn sách về kĩ thuật in offset, vừa tập dịch, vừa bổ sung thêm kiến thức… Điều anh quan tâm từ ngày ấy, tôi không nghĩ sau này thật sự hữu ích khi anh chuyển sang cơ quan quản lí ngành, trong đó có ngành in!? Mỗi lần nhớ lại chuyện này, tôi thấy anh thuộc người có giác quan tiên tri, một người biết trước điều gì sẽ đến với mình ở những khúc quanh “định mệnh” ?! … Anh là người sống có trách nhiệm với gia đình. Những buổi chiều sau giờ làm việc, anh “ xuống đường” lùng mua những thứ hàng thiết yếu, nhẹ cân như thuốc Tây, dây mayxo, phim ảnh… gửi về nước, qua bạn bè, người quen sang công tác ngắn ngày, hi vọng những món quà “ cứu trợ” như thế sẽ giúp được cho vợ con vượt qua những năm quê nhà còn nhiều khó khăn… Bù lại, anh giúp những người quen sang ngắn ngày mua, bán hàng “ đối lưu” để họ mang về. Những việc không tên như vậy cũng chiếm khá nhiều thời gian, nhưng anh cảm thấy vui vì làm được việc có ích cho bạn bè, người quen. Có lần, khi tôi lên chơi, đúng lúc anh đang đóng hàng cho một nhóm bạn về nước, anh tâm sự: Mệt lắm đồng chí mình ạ. Những khi như thế này, tôi phải “ ứng trước” (những thứ đồ anh chuẩn bị cho cá nhân), lắm khi phải giật tạm( mượn) của người trong đoàn, rồi sẽ tìm cách trả họ sau cho đủ cơ số hàng xách tay, gửi chậm…cho bạn. Tôi kể ra những điều này, hy vọng các bạn hôm nay hiểu cái tình, cái nghĩa của những người con xa xứ chúng tôi một thời chưa xa ấy với bạn bè, quê hương, xứ xở những năm đất nước trải qua trước thềm đổi mới, thêm trân quý những kí ức không quên… Để có thêm tiền, anh nhận bán giúp những món đồ lưu niệm mà người quen mang từ trong nước sang như : làn cói, vòng xương, áo thun cành mai… Những hàng thủ công này, anh gửi xuống các vùng, miền xa, nhờ các cháu công nhân giải quyết. Anh làm việc này cần mẫn, miệt mài. Nhiều lúc nghĩ về anh, so với bạn bè cùng trang lứa, anh như người ở “hành tinh” khác. Trong 3 người cùng dân làm sách chúng tôi chơi với nhau, và cùng sang làm chuyên gia tiếng Việt thời gian ấy, anh và một người bạn khác cùng tuổi Tân Mão, cũng dân khoa học xã hội, anh không so được với người bạn này. Những khi ấy, tôi lại nghĩ người đời thường nói con người ta có số, có thể là đúng! Anh bạn này cao ráo, đẹp trai, số đào hoa. Anh bạn cũng từng là lính, chuyển về học đại học, lấy vợ cùng quê, nhưng vì người vợ không rõ vì lý do gì không theo chồng ra Thủ đô. Vợ chồng sống “ hai đứa ở hai đầu xa thẳm…”. và “xa mặt cách lòng”, anh chia tay người vợ , nhân nuôi con và đưa ra thành phố sống với bố. Cảnh “gà trống nuôi con” kéo dài không lâu. Anh này đi bước nữa. Người vợ sau là con gái phố cổ, giỏi giang, một tay bà lo hết thảy mọi việc trong nhà, từ việc nuôi dạy con (chung và riêng) ăn học thành tài đến xây nhà, dựng vợ, gả chồng cho chúng… Bởi thế, người bạn của chúng tôi có nhiều điều kiện để thực hiện niềm đam mê của mình trong “ chế tác” những công trình lớn, các tổng tập tác phẩm văn chương của một trào lưu, khuynh hướng, trường phái, giai đoạn …từ nguồn kinh phí Nhà nước cấp. Ngoài ra, các tuyển tập truyện tiếu lâm dân gian , hiện đại…được anh “ linh hoạt” xác định tác quyền với các tác giả hữu danh và khuyết danh trong việc tuyển chọn và giới thiệu, luôn thuộc diện “ cháy hàng” đã cho hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi. Có thể nói , mọi việc đến với anh bạn hanh thông, thuộc diện người “ công thành danh toại”. Có lần, có mặt cả ba đứa, tôi nói: Tôi với Hòe số lận đận, cần lao. Ông ( tôi chỉ người bạn) sống mấy cuộc đời mà vẫn ngon nghẻ, bọn tôi sống một cuộc đời cũng thấy trầy trật…Khi ấy, cả 3 chúng tôi hầu như không ai nói thêm gì… Tôi sang được hơn một năm cũng là năm anh kết thúc nhiệm kì công tác về nước. Anh viết thư sang, báo tin, anh đang có dự định đón vợ và các con lên Hà Nội . Được tin, tôi rất vui, vì như thế, việc hợp thức hóa gia đình sẽ giúp các con ổn định việc học hành, vợ chồng có điều kiện chăm sóc nhau. Trước mắt sẽ ở nhà công vụ, chờ cơ quan xét cấp nhà riêng. Anh nói vẫn làm ở Phòng biên tập cũ. Anh còn kể chuyện vừa mới dành cả đợt phép năm đầu tiên về nước đi tìm hài cốt người cha hy sinh thời chống Mỹ. Cha anh từng là một cán bộ chủ chốt của huyện, ông đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi anh và cậu em đang học cấp 2. Ông có mặt ở các chiến trường miền Nam những năm chống Mỹ cho tới khi gia đình nhận được giấy báo tử đơn vị gửi về. Như thế, từ ngày nhập ngũ, cho tới lúc hy sinh người cha của anh cũng không gặp lại vợ, con nơi hậu phương. Nỗi đau mất mát người thân neo vào kí ức của anh từ khi còn là cậu học trò trường làng, Người mẹ tần tảo thay chồng ra trận nuôi 2 con ăn học lên đại học. Người em trai của anh học ngành y, trở thành một bác sĩ nhi khoa, làm việc tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, khi lập gia đình có đón mẹ lên ở cùng. Việc đi tìm hài cốt cha, suốt những năm sau này, được bạn bè, đồng đội của anh, bạn chiến đấu của cha anh hỗ trợ, ngoài ra, còn có các cơ quan, đơn vị tận tình giúp đỡ, anh tìm mọi cách liên hệ, kiếm tìm... Anh bạn tôi kể lại, hầu hết các nghĩa trang lớn tại các tỉnh , thành phía Nam , anh và đồng đội đều đã tìm đến, nhưng không cho kết quả chắc chắn. Có lúc , anh đã định mới cả nhà ngoại cảm giúp việc này… Thực tế từ những chuyến đi ấy, có những nghĩa trang anh tìm đến, họ tên liệt sĩ , cha anh, ghi trên tấm bia khắc trên mộ thì đúng, nhưng lại khác quê quán!? Tôi hiểu, trên đất nước mình, có bao nhiêu người con ưu tú đã ngã xuống trên mọi chiến trường, trải qua mấy cuộc chiến tranh, thời gian lùi xa, việc tìm hài cốt là một chuyện chẳng dễ dàng. Đấy cũng là nỗi buồn anh luôn gánh chịu, đợi chờ trong hy vọng… Khi tôi về nước, tôi và anh vẫn cùng cơ quan. Đến năm 1997, tôi thấy anh chuyển sang Phòng Quản lí Xuất bản, In, trực thuộc Cục Văn hóa, vẫn cùng một địa chỉ, số nhà. Tôi không hỏi nguyên nhân vì sao anh chuyển?! Tôi tự tìm hiểu và cũng thấy việc anh “ nhảy việc” có nguyên nhân không tiện nói ra! Và điều ấy cũng vận vào tôi sau này… Trước khi đi đến quyết định chẳng dễ dàng này, tôi thấy như có thêm nét buồn trong ánh mắt anh, cùng vẻ mặt trầm tư…Anh trở nên ít nói. Phòng Biên tập Kinh điển – Lí luận của anh, các biên tập viên gạo cỗi thế hệ vàng đã lần lượt nghỉ hưu, lực lượng bổ sung “ thay máu” lại chủ yếu là lính ở các đơn vị về. Đến cả tôi cũng có nỗi ám ảnh mơ hồ, khi chứng kiến những người mới khoác balo con cóc về làm sách. Phòng Văn nghệ tôi là phòng “ đặc thù”, người mới về đều là dân viết văn, dịch sách, làm biên tập viên nhà xuất bản cũng phù hợp với công việc nên không vấn đề! Nhưng Phòng Biên tập của anh lại khác! Với ý nghĩ ấy, tôi thấy anh ra đi là một sự “ giải thoát” cho cả đôi bên, dù tôi và chắc cả anh đều thấy tiếc nuối!? Từ ngày chuyển sang công việc mới, mỗi lần gặp ở cơ quan trong các lần giao ban , anh đã thành là người đại diện cấp trên về dự. Vẫn với phong cách làm việc nguyên tắc, sâu sát, lại là người của chuyên môn, những ý kiến của anh có tính “ phản biện “ cao nên mỗi lần anh phát biểu, các sếp của tôi thường chẳng mấy vui vẻ, nếu không muốn nói là hậm hực ra mặt! Tôi nhớ trong một lần nói chuyện với tôi, có thể biết tôi là người gần với anh, và cũng tưởng anh vẫn chưa chuyển qua” định cư” bên nhà hàng xóm, ông buột miệng: “ vạch áo cho người xem lưng”. Khi thấy tôi cười, thái độ của ông thật khó diễn tả, mà cũng khó thật , vì chẳng mấy sếp nào “ tự thú” trước bình minh ( tên một phim truyện Việt Nam) kiểu nhu vậy! Nhưng biết làm sao được, có những quy định, quy chế…vẫn phải được tôn trọng! Tôi nghĩ, vốn có tính cả nể, nếu làm công việc của anh, chắc tôi…chịu thua! Còn một chuyện tôi luôn “ nợ” anh là việc thường nhờ anh làm giúp các bài thu hoạch các đợt học Nghị quyết, chuyên đề… Anh chưa khi nào từ chối! ( anh nói, bài thu hoạch chỉ là phần “ cốt” mang tính lí luận, tổng quan chung, có nội dung giống nhau cũng thể tất được, ăn nhau là phần liên hệ cá nhân mỗi người trên cương vị công tác của mình kia). Đấy mới là đích đến của việc thu hoạch từ các đối tượng tham gia học! Tôi thực sự nể anh! Năm 2001, tình cờ, không bàn với nhau, cả hai chúng tôi đều viết đơn xin chuyển ngành. Tôi bận rộn với công việc làm sách theo “ đặt hàng” của các nhà sách tư nhân, kiếm thêm tiền thu nhập ngoài lương, anh là người theo dõi, cập nhật tin tức của Quyết định ra quân. Anh về đầu quân cho cơ quản quản lí Nhà nước, là Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch ( sau này thành lập Bộ mới, Cục Xuất bản trực thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông). Tôi chuyển ra Nhà xuất bản Lao Động, cơ quan xuất bản của Tổng Liên đoàn lao động, vẫn được theo nghề nhưng vào làm Trưởng Chi nhánh nhà xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh. Biết tôi chuyển ra ngoài, sang một đơn vị tự chủ tài chính, tức là tự trả lương, lại vào làm việc tận thành phố phia Nam, gặp tôi, thấy anh có chút ái ngại, có lẽ là lo cho tôi. Thấy tôi hào hứng, tự tin, anh chỉ cười , ánh mắt hắt ra nhiều sự sẻ chia… Chừng một tháng, anh gọi điện cho tôi , thông báo đã có kết quả. Anh gặp tôi và chuyển cho tôi tờ Quyết định của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kí( áp dụng với sĩ quan cao cấp có số chuyển ngành), bản photo, chờ Quyết định chính thức đang trên đường về. Bấy giờ tôi chỉ kịp nghĩ, anh rõ là người quen biết rộng! Hai chúng tôi rủ nhau ghé vào một quán bia ghi dấu một sự kiện lớn trong đời. Bữa ấy, lần đầu tiên, tôi thấy anh “ phá giới”, uống bia một cách nhiệt tình! Sau đấy anh còn “ đãi “ tôi một “ chầu” xông hơi, mát xa ở cơ sở vật lí trị liệu của người bác sĩ châm cứu nổi tiếng trên một con phố trung tâm quận Đống Đa, Hà Nội. Những ngày sau này gần anh, tôi hiểu, một người không thích bia, rượu, nhậu nhẹt; càng nói “ không” với cờ bạc…, sở thích cũng như thói quen yêu thích của anh chỉ là một kiểu thư giãn bình dân như thế, nhưng lại mang đến sự sảng khoái cả về thể chất lẫn tinh thần sau những giờ lao động căng thẳng – có thể đó là sự lựa chọn hợp với anh?! Và nhờ vậy, chúng tôi cũng biết cách để “trả nợ” tấm lòng thơm thảo của anh dành cho chúng tôi! Việc chuyển công tác của anh, sau này, qua một người bạn cùng cơ quan với anh, tôi biết có những zích zắc kì quặc! Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy như không thể tin được, trên đời này lại có chuyện như vậy (chuyện này hư thực thế nào, cho đến ngày anh rời cõi tạm, tôi cũng chưa một lần hỏi, vì như thế, tôi thấy cuộc đời sẽ vẫn tươi đẹp như vốn có, cho dù chỉ trong ý nghĩ!?). Sau này, khi có dịp tìm hiểu, tôi mới biết, khi nhận đơn của anh, qua một người bạn cùng học đại học đã về Cục công tác trước anh giới thiệu, và qua “ngâm cứu” Hồ sơ của anh, ông Cục trưởng tỏ ra hài lòng và đồng ý tiếp nhận nhanh. Nhưng, trước ngày kí quyết định tiếp nhận anh, tại buổi tiếp xúc riêng giữa hai người, ông không ngần ngại nêu ra một điều kiện, nhân sự mới phải chấp nhận: Không tham gia cấp ủy, chỉ làm chuyên viên! Như vậy đồng nghĩa với việc sẽ vĩnh viễn không nằm trong diện “quy hoạch nguồn” lãnh đạo , dù có chỉ số tín nhiệm cao! Có thể hiểu, điều kiện ông nêu ra chỉ là 2 người biết, ông có ý cảnh giác (2 người bạn của Hòe đương là phó của ông), một cách tự vệ “từ sớm, từ xa”, với ông là cần thiết( !?), điều không nói ra được nhưng ai cũng hiểu và dễ thông cảm với ông. Tôi không rõ khi ấy anh bạn của tôi nghĩ gì, chỉ thấy anh hăm hở trong lặng lẽ khoác balo về cơ quan mới nhận công tác! Vậy là từ đấy, hai đứa, kẻ Nam,người Bắc. Chúng tôi chỉ gặp nhau mỗi lần anh vào dự giao ban Cục Xuất bản tổ chức ở phía Nam. Anh sống lặng lẽ, không ồn ào, dồn hết mọi tâm trí cho công việc mới, hoàn thành có trách nhiệm cao với chức trách của một chuyên viên ở một cơ quan quản lí ngành. Công việc của cán bộ quản lí và kiêm trợ lí ( không có chức danh) chiếm trọn thời gian của anh mỗi ngày, mỗi tháng: Phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác xuất bản; Chấp bút công văn chỉ đạo, trả lời của cơ quan quản lí tới các đơn vị trong 3 trụ cột của ngành: xuất bản, in và phát hành. Ngoài phần việc trên, anh còn làm thư kí tổ đọc “ hậu kiểm” xuất bản phẩm lưu chiểu (theo quy định của Luật Xuất bản), thảo công văn thông báo các nhà xuất bản có các ấn phẩm “ phạm quy”, cả về nội dung “ nhạy cảm”, về sách đã in nộp chậm hoặc “quên” nộp lưu chiểu…Tôi nghĩ, với vốn kiến thức “ lí luận – kinh điển” cùng ngần ấy năm trong tư cách người biên tập sách sẵn có trong anh, công việc này với anh chắc có nhiều hứng thú và hẳn sếp cũng hài lòng về việc tiếp nhận một “ cục vàng mười” như anh! Tôi cũng là người được hưởng lợi từ cương vị của anh, bởi anh là “cánh én” báo tin vui, tin “ nóng” về sách lưu chiểu an toàn trước khi kí phát hành. Mặt khác, nếu xuất bản phẩm có những ý kiến trái chiều của tổ đọc hậu kiểm, qua nguồn tin “ tình báo” của anh, chúng tôi cũng sớm tìm cách giải quyết, khắc phục… Và hơn thế, từ quan điểm, cách đánh giá khoa học và thông thoáng của những cán bộ quản lí như anh, việc xác định vùng “ nhạy cảm” trong các ấn phẩm các nhà xuất bản từ các ý kiến các chuyên viên tổ hậu kiểm cũng bớt đi sự áp đặt, suy diễn một cách khiên cưỡng, cứng nhắc…Những lần nhà xuất bản tôi có ấn phẩm phải giải trình về nội dung hoặc có dấu hiệu vi phạm quy định liên kết với đối tác tư nhân,… anh xuống “ trao đổi” trực tiếp (thường là cuối ngày làm việc) , vì với anh, những thông tin về ấn phẩm “có vấn đề” không thể thông báo qua điện thoại được, và sâu xa hơn, tôi hiểu cái tình của người làm công tác quản lí dành cho chúng tôi, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người làm sách thời kinh tế thị trường, mà áp lực tự chủ tài chính là bài toán tìm được lời giải không hề dễ dàng… Nhớ lại những câu chuyện này, dù anh đã đi xa, tôi vẫn như thấy anh hiện về, luôn giữ thái độ bình thản, không tỏ thái độ gay gắt, trách cứ khi bạn của mình để xảy ra sơ suất trong kí duyệt bản thảo, trong thực hiện quy định sách liên kết. Những lần như thế, sau khi trao đổi, anh lắng nghe chúng tôi trình bày, và sau cùng , anh thường tư vấn các phương án khắc phục “sự cố” nếu sơ suất hoặc vi phạm là rõ ràng! Sự chu đáo và tình nghĩa của anh , sau này, qua những người đồng nghiệp ở các nhà xuất bản khác, tôi biết, họ cũng được anh dành cho sự quan tâm đặc biệt như đối với chúng tôi vậy! Trở về những kỉ niệm với anh, - người có “ số gánh” như tôi vẫn nói đùa , - số phận như chưa dừng lại – như thế , anh lại có nhiều cơ hội thể hiện “ khát vọng” cống hiến của mình những năm sau cùng những thử thách mới đang chờ anh ở những khúc quanh định mệnh tiếp sau . Khi chia tay sếp cũ về nghỉ chế độ. Anh lại gặp một sếp mới. Người này là dân quản lí in đi lên. Ông này biết cách “ dụng nhân” khéo léo và tình cảm hơn người tiền nhiệm. Trong công việc, ông là cấp trên, anh là phụ tá, cấp dưới. Ông tỏ ra quý trọng người trợ lí vừa có năng lực chuyên môn, lại là người có trách nhiệm cao trong công việc ( ông không đưa ra bất cứ “ khế ước” nào ràng buộc anh). Đúng vào thời gian sửa đổi Luật Xuất bản ( 2003): Hành trình sửa Luật để trình Quốc hội thông qua là một hành trình đầy khó khăn, thử thách nhóm soạn thảo, trong đó có Phạm Hòe. Suốt mấy tháng ròng bắt tay vào soạn thảo Luật sửa đổi, nhóm soạn thảo ,mà “hạt nhân” là người của Cục Xuất bản đã lên kế hoạch và xây dựng một Chương trình làm việc cụ thể, chi tiết: đi khảo sát thực tế ở các nhà xuất bản, nhà in, cơ sở phát hành sách, văn hóa phẩm “ mậu dịch”, tư nhân…Lắng nghe ý kiến đóng góp để tổng hợp báo cáo trình lãnh đạo, và từ đây, những khái niệm, thuật ngữ chuyên môn, điều khoản… mà lần đầu anh tiếp cận, tìm hiểu Bộ Luật Xuất bản sửa đổi dần dà hiển hiện rõ, không mơ hồ như buổi đầu được giao chấp bút. Thời gian này, anh Hòe được giao làm thư kí tổ soạn thảo, ( sau này khi anh mất, tôi có nghe một trợ lí trẻ phòng đối ngoại Cục Xuất bản (vì cùng làm việc ở một dãy nhà) kể lại, những ngày ấy, chú Hòe – cách xưng hô của cô – thường về muộn, trong giờ làm việc cũng thấy chú ít rời khỏi phòng… như thế đủ biết , công việc này lôi cuốn và lấy đi tâm sức người đồng nghiệp của chúng tôi nhiều biết nhường nào!? Tôi nhớ có lần anh tâm sự riêng với tôi: cái mới của Luật sửa đổi là đưa vào khái niệm người làm sách tư nhân – một lực lượng mới, có nhiều đóng góp rất đáng được ghi nhận trong xuất bản sách, giao dịch mua sách bản quyền với các đối tác nước ngoài, - cùng những quy định, quy chế cởi mở, thông thoáng trong hoạt động liên kết xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Nhưng để xã hội thừa nhận, để các người “ đại biểu” đại diện cử tri hiểu được, quả không dễ dàng! Rất may, người đứng đầu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục… của Quốc hội khóa ấy là một trí thức xuất thân là một nhà giáo, - “người gieo chữ”- như cách gọi dân gian, - qua nhiều lần tiếp xúc, trao đổi với các thành viên tổ soạn thảo Luật, bà hiểu và ủng hộ đề xuất đưa “khái niệm” mới này vào nội dung Luật sửa đổi. Nhờ có bước đột phá như thế, Luật Xuất bản sửa đổi được Quốc hội thông qua, đi vào cuộc sống, đã sớm mang đến cho văn hóa đọc nước nhà những bước chuyển động thần tốc. Nạn “ phá rào” trong in ấn phẩm, việc bán giấy phép “chui” đã không còn đất để tồn tại và việc xử lí vấn nạn in lậu cũng từng bước được kiểm soát bằng các chế tài xử phạt hành chính, mạnh hơn là thu hồi giấy phép kinh doanh… Từ nay, trong các Hợp đồng liên kết xuất bản, họ- người làm sách tư nhân đã là một pháp nhân hợp pháp ( Bên B trong các Hợp đồng liên kết), được bảo hộ bằng Luật Xuất bản. Những người làm nghề xuất bản cả nước, trong đó có đội ngũ người làm sách tư nhân không quên những đóng góp trí tuệ, sáng tạo và đổi mới từ chính họ, những người soạn thảo nội dung bộ luật quan trọng này! Khi Luật Xuất bản sửa đổi đi vào cuộc sống , người thủ trưởng như cảm kích trước tấm gương tận tụy cùng những đóng góp đáng nể của người phụ tá mẫn cán, thẳng thắn, nghiêm túc là anh, và sự cần thiết trong công tác quản lí ngành thời kì mới, ông đã ra quyết định thành lập một phòng chức năng mới: Phòng Pháp chế. Anh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng. Điều đặc biệt là phòng anh chỉ có 2 biên chế: anh và một cán bộ dưới quyền. Thật tinh gọn!? Anh em, bạn bè được tin, gửi những lời chúc mừng. Như thế, dẫu sao anh cũng đã gỡ được vòng “kim cô” vô hình chụp lên đầu anh từ ngày ra quân! Đường công danh của anh từ đây rộng mở… Khi biết tin này , tôi vẫn còn đang làm việc trong Chi nhánh Nhà xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng chưa vội chúc mừng anh, dù chỉ là một tin nhắn qua điện thoại. Tôi định bụng sẽ chúc mừng anh khi có dịp ra Hà Nội gặp trực tiếp! Tết năm ấy, tôi ra Bắc sớm,vì có cuộc họp cơ quan ngoài Hà Nội. Giáp Tết, ai cũng tất bật. Khi tôi hẹn gặp anh tại trụ sở Cục Xuất bản, nhân thể cũng lên chúc Tết sớm các lãnh đạo và anh em trong Cục. Tôi là người chứng kiến ngày giáp Tết nơi anh. Trong khi các phòng chức năng khác khách đến chúc mừng nườm nượp, riêng phòng Pháp chế của anh vắng vẻ, không một bóng người. Ngồi bên anh mà lòng tôi trĩu nặng , se sắt buồn về nhân tình, thế thái thời cơ chế thị trường… Gặp anh sau thời gian này, tôi thấy anh gầy rộc, da xanh tái. Thương bạn mà chẳng biết khuyên anh thế nào. Anh thông báo với tôi, gia đình vừa bán lô đất phần trăm rau xanh đã chuyển đổi mục đích sử dụng ở quê, cộng thêm khoản tiền dành dụm bấy nay, anh đã mua được một miếng đất làng cạnh sông Tô Lịch, thuộc Quận Đống Đa, Hà Nội và cất được căn nhà 3 tầng. Vợ anh, một cô giáo làng, theo chồng con ra Hà Nội, tuy muộn nhưng cũng xin được vào làm Hợp đồng ở một trường mẫu giáo mầm non giữa trung tâm Thủ đô. Là người gần anh, đôi lúc tôi thấy thực sự ái ngại với cái tính cực đoan cố hữu của anh trong giải quyết việc nhà, ví dụ như trường hợp của vợ anh, với mối quan hệ rộng, cộng với tấm bằng Tổ quốc ghi công người cha của anh, chuyện xin cho vợ chuyển vùng, chắc không quá khó.!? Ít ra chị cũng không chịu thiệt thòi về chế độ lương, bảo hiểm xã hội…Tôi hiểu, những việc riêng tư của gia đình, anh không muốn làm phiền những người anh quen biết ở trên cương vị của người lãnh đạo! Cả 2 cháu con anh, sau này anh cũng chỉ dám nhờ tôi thu xếp: cậu con cả, sau khi học xong đại học, anh nhờ tôi nhận vào làm việc trong Chi nhánh nhà xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, còn cháu gái, tôi cũng nhờ người quen xin vào làm nhân viên bán sách ở một Công ty sách tư nhân ở quận Cầu Giấy, Hà Nội… Thời gian trôi nhanh, sức khỏe của anh không khá lên, ngoài căn bệnh dạ dày đã cắt đi 2/3, giờ anh lại đeo thêm bệnh suy thận…hằng tuần, anh vẫn phải vào viện chạy thận nhân tạo. Hiểu hoàn cảnh của anh, bạn bè tìm mọi cách hỗ trợ để anh có thêm tiền điều trị. Người thủ trưởng gần anh và là người nhìn xa, trông rộng , nhiều lần gợi ý anh làm thủ tục nghỉ chế độ sớm, với ông , như vậy, cán bộ dưới quyền ông vừa có một khoản tiền trợ cấp ( áp dụng với đối tượng xin nghỉ hưu sớm) để lo thuốc thang điều trị, và quan trọng hơn, bớt áp lực công việc. Nhưng anh vẫn tha thiết để anh được làm việc, với anh, công việc của phòng mới còn ngổn ngang với nhiều dự định cho việc triển khai nghị định dưới Luật Xuất bản mới ban hành… Nếu nghỉ bây giờ, anh sẽ là người “ đắc tội” với thủ trưởng , với ngành… Và như thế, đến ngày anh mất vẫn trên cương vị một trưởng phòng đương nhiệm… Mùa hè năm 2009, trong khi cả nước đang hân hoan với những dự án, chương trình hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội ( 1010 – 2010), 80 năm ngày thành lập Đảng ( 1930 – 2010), 45 năm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (1975 – 2010)… Anh lặng lẽ về cõi Phật sau một cơn đột quỵ tại nhà riêng. Anh ra đi đột ngột, không kịp nói lời sau cuối với người vợ hiền thục, chưa thấy yên lòng vì các con, nhất là cậu quý tử ham chơi thường giao du với đám bạn chưa rõ nguồn gốc mà vì anh chưa có thời gian tìm hiểu… đã không ít lần gây phiền toái cho anh và gia đình! Anh đã không bao giờ gặp lại bạn bè, những người lúc sinh thời anh luôn quan tâm và ngược lại, anh cũng nhận được tình cảm trân quý của họ dành cho anh suốt chặng đường nhiều khúc quanh với bao buồn, vui của công việc, cùng những khoảnh khắc sống tận hiến của anh cho công việc, cho bạn bè, đồng nghiệp. Khi được tin bạn mất, tôi đang có chuyến công tác phía Nam, vội vã đặt vé máy bay ra kịp đưa anh về quê mẹ… Vậy mà đến nay, vừa tròn 15 năm anh từ giã cõi ta bà để đi về miền mây trắng, tôi vẫn như còn ám ảnh bởi giây phút đoàn xe đưa anh về quê nhà “ nơi an nghỉ cuối cùng” buộc phải dừng lại giữa đường dẫn vào làng. Chúng tôi xuống xe, cùng ghé vai nâng linh cữu anh từ trên xe tang trườn qua “ con đê” mới đắp vội, đất màu vẫn còn tỏa mùi ngai ngái, không biết ai đó có “sáng kiến” dựng lên, ngăn không cho xe có trọng tải đi trên đường làng…mà không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ về số phận một con người sinh vào giờ khắc số!? Dẫu biết, anh đã vượt lên nỗi buồn nhân thế, sống làm “người tử tế” theo đúng nghĩa của cụm từ này! … Nhớ mãi mùa hè năm ấy, chúng tôi theo xe về quê để tiễn anh về cõi vĩnh hằng. Những gì anh với tư cách một cựu cán bộ biên tập có tay nghề hay một cán bộ quản lí cấp phòng tận tụy, có trách nhiệm cao đến giờ phút cuối cùng, một người đồng nghiệp chí tình, chí nghĩa…, đều sẽ còn lại mãi trong sự quặn thắt tiếc thương anh của chúng tôi, của mọi người!

Nha Trang, ngày 10 tháng 7 năm 2024