Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SỰ CỐ TÂN BIÊN "VÒNG TRÁNG" VÀ "SẸO ĐẤT"

Xuân Ba
Thứ ba ngày 16 tháng 7 năm 2024 9:16 AM




TP - Tiền Phong Chủ nhật số trước (ra ngày 7/7/2024), trong bài về nhà thơ Hoàng Cát, tôi có viết “Cái năm 1974 ấy, làng Văn sao lắm việc chẳng lành. Văn có “Cây táo ông Lành”, thơ có “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật, “Sẹo đất” của Ngô Văn Phú. Từ số báo TPCN này, như một dạng “Cố sự tân biên - Chuyện cũ viết lại” người viết xin đề cập đến chuyện năm xa ấy!

Kỳ I: Tại sao “Vòng trắng”?

Trước nhất, xin đăng lại bài thơ ngắn gồm 8 câu này.

VÒNG TRẮNG

PHẠM TIẾN DUẬT

Khói bom lên trời thành một cái vòng đen

Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng

Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng

Cái yên lặng bình thường đêm sau chiến tranh

Có mất mát nào lớn bằng cái chết

Khăn tang, vòng tròn như một số không

Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng

Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.

1 - 1974

(in lần đầu trên tạp chí Thanh niên)

Trước khi mất không lâu, trong một bài trả lời phỏng vấn một tờ báo, nhà thơ Phạm Tiến Duật có bộc bạch về hoàn cảnh ra đời bài thơ và số phận lạ lùng của nó.

…Thực ra tôi không có bài thơ nào tên là “Vòng trắng” cả. Mà bài thơ này có tên “Viết về số 0”.

Chỉ có 8 dòng. Tôi viết và để trong sổ tay cái hồi B52 đánh Hà Nội. Năm 1973, tôi ra Bắc mấy tháng, ra làm một số việc mà anh Đồng Sĩ Nguyên giao. Trong đó có việc chuẩn bị soạn thảo Văn bia Trường Sơn nên Duật phải đi thu thập tài liệu của tất cả các văn bia từ trước đến giờ để anh xem, kể cả Vĩnh Lăng bi ký của Nguyễn Trãi, thu thập hết.

Khi mình ra Hà Nội, anh Định Nguyễn ở Tạp chí Thanh Niên là chỗ quen biết đến thăm và bảo: Chúng tôi đang chuẩn bị làm một số báo kỷ niệm một năm tròn bom Mỹ ném Khâm Thiên, ông có bài thơ nào không? Duật bảo, chả biết, có mấy bài làm ở chiến trường. Anh ấy hỏi ở đâu thì Duật giở sổ tay sáng tác ra. Trông thấy bài thơ “Viết về số 0” anh Định Nguyễn bảo, chùm này được, coi cái bài này là cái bài viếng những người chết ở Khâm Thiên. Vậy là đăng lên thôi. Thế nhưng cái số báo ra không phải là số tháng 12/1973 mà in chệch ra thành số Tháng Giêng năm 1974!

Người đầu tiên nói với tôi về bài “Vòng trắng” là ông Đồng Sĩ Nguyên, ông bảo “Duật ơi, hình như là Duật có một cái tai nạn nghề nghiệp rồi, có nghe một ai bên Phủ Thủ tướng nói rằng Duật có làm bài gì “khó khăn” lắm, nhưng mà tôi không biết”.

Sau đó, ông Bảo Định Giang, người đang trực ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật bảo “Anh Tố Hữu có nhắn là Duật lên gặp anh ấy”.

Tôi lên gặp thì anh Tố Hữu nói chuyện rất là nhiều, rất là dài, về tình hình quốc tế, trong nước, về tình hình quân sự, so sánh lực lượng giữa ta và Mỹ, về triển vọng cuộc chiến.

Sốt ruột quá, tôi bảo “Anh ơi, thấy anh Giang bảo là anh gặp tôi vì một bài thơ nào đó, mà hình như là có tai nạn gì đó, chứ không phải là chúng ta nói chuyện tình hình quốc tế hay là trong nước”.

Tức thì anh Tố Hữu nói ngay “À thế là hoá ra thật à! Thì hoá ra là một ông tiền đạo rất là giỏi của Việt Nam thế mà nay lại đá thủng lưới nhà à? Thủng lưới nhà rồi!”.

Nhưng loáng cái, trong đầu tôi ngờ ngay rằng, cho đến giờ phút đó Tố Hữu chưa chắc đã đọc bài đấy! Tôi đoán rằng có lẽ ông mới được nghe ai đó tóm tắt cái ý của bài thơ cho ông ấy nghe, chứ ông ấy chưa đọc. Vì nếu đọc, Tố Hữu là người rất là tinh, thì chắc là không hiểu lầm được như thế?

Đợt ra Bắc 10 ngày ấy, Phạm Tiến Duật trong thời gian ở Hà Nội, ông Hoàng Trung Thông, khi đó là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ của Ban Tuyên huấn Trung ương, đến nhà nhưng không gặp, lùa vào qua cửa khoá một cái tờ giấy có mấy dòng chữ sau đây: “Duật ơi, thôi cứ vào chiến trường đi. Mọi việc thì ngoài này sẽ thu xếp. Yên tâm mà sáng tác và chiến đấu”.

Người thứ hai là ông Chế Lan Viên gọi đến, bảo là mình biết việc này rồi, bây giờ Phạm Tiến Duật có thể đứng trước một tình huống như sau, trước mặt là một cơn mưa lớn, mưa rất to, có thể có hai cách, cách thứ nhất là thôi trú lại đến khi nào trời tạnh thì đi. Cách này không hay lắm vì khi trời tạnh mà đi thì đoàn lữ hành họ đi qua lâu rồi, đuổi theo không kịp. Cách thứ hai là đội nón, mưa cũng đi, đội nón mà đi. Hôm nay Chế sẽ cấp cho Duật một cái nón như vậy để Duật đội mà đi. Đấy là bộ Thủ Lăng Nghiêm kinh. Cho đến bây giờ có thể nói là rất mang ơn Chế Lan Viên, bộ Kinh Phật hay thật. Có thể nói rằng trong các bộ Kinh Phật không có bộ nào lại hay đến thế, kỳ diệu như bộ Kinh ấy…

Cố sự tân biên 'Vòng trắng' và 'Sẹo đất' ảnh 1

Phạm Tiến Duật đọc thơ ở Làng Chùa Ứng Hòa (Hà Tây cũ).


Hậu cái vụ phê bình “Vòng trắng” đã để lại vài việc rất là dữ dội, và kể cả “đánh leo” cũng có. Nhưng thật ra là phê bình cho bạn đọc ngoài này nghe thôi, nghe và đọc, chứ còn Phạm Tiến Duật đâu có đọc, Duật vào trong Nam rồi.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã kể về vị thủ trưởng cũ của mình như này:

Nhưng rất kỳ diệu là có ông Đồng Sĩ Nguyên. Ông ấy là một người mà tôi phải nói là mang ơn một đời. Ông ấy đặc biệt lắm, ông ấy gặp tôi lần đầu tiên ông nói như sau (lúc ấy tôi đã là nhà thơ có tiếng rồi): về văn học thì tôi không biết, tôi hoàn toàn không biết một tí dòng nào cả, toàn bộ cái việc này thì tôi thấy rất đáng trọng, đáng nể nhưng rõ ràng là không dễ. Cho nên tôi không kiểm điểm anh và tôi đề nghị Cục Chính trị chỗ anh công tác sẽ không kiểm điểm anh hàng tháng mà kiểm điểm hàng năm. Tức là đến cuối năm anh mới phải báo cáo Cục Chính trị là anh làm được gì trong năm đó, chứ anh không phải kiểm điểm hàng tháng vì có những tác phẩm viết 4-5 tháng mới xong thì sao. Riêng tôi thì cứ 3 năm tôi hỏi anh một lần. Còn anh cần bất cứ thứ gì thì anh cứ nói với tôi.

Cố sự tân biên 'Vòng trắng' và 'Sẹo đất' ảnh 2

Phạm Tiến Duật trong Hội nghị mừng công ở Trường Sơn năm 1971.



Tướng Nguyên bộc bạch như này.

“Tôi biết anh là hội viên Hội Nhà văn rồi, thế hội viên Hội Nhà văn được những cái gì? Tôi có đi hỏi thì được biết, hình như là được một tháng 10 gói chè Hồng Đào và mỗi ngày 1 bao thuốc lá, tức là 1 tháng được 3 tút thuốc, đấy là tiêu chuẩn của hội viên Hội Nhà văn. Vậy thì tháng này anh sẽ có tiêu chuẩn ấy, tôi sẽ cấp cho anh y như thế, không khác gì!”.

Nhà thơ cười, thực ra thuốc thì cũng không được dùng, chỉ được thuốc lào thôi vì mấy cây thuốc lá mang về anh em dùng hết, nhưng mà đại khái là mình đã có một ông thủ trưởng đặc biệt. Có được những ông thủ trưởng như thế thì kỳ diệu lắm!

Có lẽ đây là lần thứ hai Phạm Tiến Duật vướng vào kỷ luật?

Sinh thời, Phạm Tiến Duật có kể cho chúng tôi nghe một chuyện. Hồi mới nhập ngũ, Phạm Tiến Duật được giao nhiệm vụ làm giáo viên văn hóa ở trung đoàn 225. Ngày ấy, dĩ nhiên theo “quân lệnh”, cứ 9 giờ tối khi có tiếng kẻng báo ngủ nổi lên là lính trong đơn vị phải lên giường nhắm mắt, trừ trực ban.

Cố sự tân biên 'Vòng trắng' và 'Sẹo đất' ảnh 3

Nhà thơ Phạm Tiến Duật



Một đêm nọ, đích thân chính trị viên đại đội đi tuần tra bắt “quả tang” Phạm Tiến Duật đang che ánh sáng đèn để đọc vụng sách! Mà cuốn sách anh lính trẻ Phạm Tiến Duật đọc là sách gì? Một cuốn khủng thời ấy (cho đến tận cả bây giờ?) cuốn Kinh Thánh dày cộp!

Chuyện loang ra. Phạm Tiến Duật bị kỷ luật cảnh cáo. Có người dọa “phải ra tòa án binh”.

May mà Trung đoàn sau đó 225 tách ra thành hai binh trạm vận tải, tương đương cấp tiểu đoàn. Binh trạm 10 ở miền Bắc, còn binh trạm 12 hoạt động ở địa bàn Quảng Bình, theo đường lên Cổng Trời sang Lào. Lúc này Quảng Bình, Vĩnh Linh đang bị đánh dữ dội, nhưng Phạm Tiến Duật đã dũng cảm xung phong vào công tác nơi tuyến lửa trong sự ngưỡng mộ của đồng đội.

Năm 1969, Binh trạm 12 sáp nhập vào Đoàn 559, do tướng Đồng Sĩ Nguyên, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần làm Tư lệnh. Lính Trường Sơn thích thơ Phạm Tiến Duật. Mà ông tướng Đồng Sĩ Nguyên cũng rất khoái. “Thế mới là thơ Trường Sơn. Rất tình cảm, rất khí phách…” Và năm 1970, Phạm Tiến Duật đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ.

Có lẽ “Ở nơi chiến trường tiếng bom nghe thường rất nhỏ” (Thơ Phạm Tiến Duật – “Tiếng bom ở Seng Phan”, in trên Văn Nghệ 1969) nên Phạm Tiến Duật quay vào Mặt trận Trường Sơn chưa kịp nghe hết, thấm hết những dư chấn độc địa quanh “Vòng trắng”? Như hồi ức của Vương Trí Nhàn thì “thơ Phạm Tiến Duật không được ngâm trên đài, bài “Trường Sơn đông Trường Sơn tây” không được hát. Quân đội (Vũ Cao, Chính Hữu) kết luận chỉ là một bài thơ yếu về tư tưởng, đăng lúc này không có gì. Nghe Ng. Khải (do tôi đoán đầu tiên) bênh: chẳng qua Duật say mê về kỹ thuật, làm thơ tìm được một ý hay, nên cứ theo đuổi mãi”.

Rồi ngay sau khi bài thơ “Viết về số 0” tức “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật được in trên Tạp chí Thanh niên, lập tức một tạp chí tiếng tăm hồi ấy đã có bài phê phán gay gắt rằng: “Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ lại chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở…”.

Và thế là “Vòng trắng” đã không được in trong bất kỳ tập thơ nào của Phạm Tiến Duật sau này!

Cho đến trước khi anh qua đời, Nhà văn Nguyễn Khắc Phục mới đưa vào tuyển tập Phạm Tiến Duật, bài “Vòng trắng” do nhà thơ Trần Nhương sưu tầm và giới thiệu. Tuyển tập Phạm Tiến Duật in xong ngày 17/11/2007, và chỉ chưa đầy 20 ngày sau (4/12/2007) nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời. May mắn và cũng thương thay, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã kịp nhìn thấy đứa con tinh thần của mình trước khi nhắm mắt.