Trần Nhương là một nghệ sỹ đa tài. Không chỉ làm thơ, viết văn mà ông còn là một họa sỹ vẽ tranh có tiếng của Hà Nội, đặc biệt là mảng tranh biếm họa. Thơ ông thường giản dị về câu chữ mà sâu sắc về ý nghĩa, đôi khi chất dí dỏm và chân tình đi sóng đôi với nhau đã tạo nên những thi phẩm thú vị vô cùng. Bài thơ “Chẳng có gì quan trọng” thể hiện rõ những phẩm chất thi ca ấy của ông.
Bài thơ được diễn ngôn từ cái tứ nằm ngay trên tựa đề “chẳng có gì quan trọng”. Lời thơ cứ thủng thẳng mà thể hiện cho bằng hết vai trò diễn xuất của mình. Do thế, nhịp tuy có vẻ đủng đỉnh đấy nhưng ý lại bùng lên ở từng đoạn. Từng câu từng đoạn như được chắt ra từ những chiêm nghiệm rút tỉa trong cả cuộc đời. Cho nên, từng đoạn như là một khía cạnh của vấn đề để minh chứng. Bởi vậy, vấn đề “chẳng có gì quan trọng” vì thế mà dần sáng lên trong câu chữ, lấp lánh mời gọi thì kể cũng thú vị!
Khổ thơ đầu, ý thơ bám lấy hai chi tiết để thể hiện. Đó là “những cuốn sách” và “những quy phạm”. Dĩ nhiên, chữ “những” ở đây được hiểu theo nghĩa số nhiều. “Sách” là kho tàng kiến thức còn “quy phạm” là những quy định, quy cách có phạm vi giới hạn buộc ta phải theo. Song, những điều ấy lại như có vẻ đang bị thời gian làm cho đảo lộn giá trị. “Những cuốn sách” thì “giờ bán cân” cho “bà đồng nát mua về”, còn “những quy phạm” thì giờ “thành vết hằn ghi dấu sự ngô nghê”. Chỉ cần một đoạn thơ thôi mà dường như đã cho độc giả thấy rõ được bao nhiêu những ấu trĩ “một thời” vừa bị bước chân của thời gian lật tẩy. Thế thì có thật sự “sấm trạng” và “thước ngọc” như trước đó chúng ta tụng ca hay chỉ là do ta tự huyễn hoặc ta, thần thánh hóa mà ra nên giờ mới ra nông nỗi ấy? Ý thơ làm cho chúng ta không thể không suy ngẫm!
Tiếp đến, ý thơ phóng năng lượng ra ở một góc độ khác, chắc chắn đó là chủ ý của tác giả. Cái nhìn bung ra rộng hơn bởi có hai hình ảnh đại diện một thời cho kiểu tư duy “rừng vàng biển bạc”, ấy là “Sông Đà hùng dũng” và “Biển Vũng Tàu”. Thực tế hiện hữu đã và đang va đập dữ dội với thực trạng trước đó. Từng thi ảnh ẩn trong sự so sánh tương phản nổi lên rất rõ: “hùng dũng nhường kia” >< “sóng luồn qua cửa cống”; “cứ tưởng mình dài rộng” >< “hóa mảnh ao quê”. Điều ấy, chứng tỏ sự thực thi trong cuộc đời này có chi đó chủ quan duy ý chí nếu không dám nói là hời hợt, nông cạn. Thời gian lại lột ra từng mảng màu của hiện trạng non yếu một thời. Tư duy loanh quanh chưa vượt khỏi giới hạn của “ao làng” thì làm sao có thể đủ sức mạnh tri thức làm chủ thời cuộc để vận dụng được sức mạnh của thiên nhiên mà mong phục vụ tốt đẹp cho cuộc sống con người? Cớ sự ấy do đâu, do con người mà ra cả thôi. Câu chữ xoắn vào nhau rồi bám lấy con người mà phát ngôn. Như thế thì thử hỏi câu chữ kia sao không nặng chất đời và những phát ngôn kia không vì con người mà diễn ngôn?
Vâng, thì đây, hình ảnh con người xuất hiện trong bài thơ thật như đếm, tả thực đấy mà sao gợi ra nhiều điều đến vậy? “Người quan trọng” là người có đủ quyền và lực trong tay, thì đó thôi, người ấy mới có thể “một thời bao” nhiêu là “thuộc hạ” dưới quyền. Và thời gian, lại là thời gian đã làm thay đổi tất cả. “Giờ vẩn vơ đợi khách chả ai thăm”. Câu thơ diễn tả một thực tế đơn độc trong cái nhìn tủi thân, pha chút giọng điệu xa xót. Hai chữ “vẩn vơ” đặt trong câu thơ này như lột tả được bản chất vấn đề mà thi nhân đang nói. Là bởi, đợi chờ có chút vu vơ nhưng lại được đặt trong giới hạn sự trông ngóng của một người xưa nay luôn có thói quen có người vào ra bẩm báo, thăm viếng và chúc tụng. Ý thơ lại vẫn thấm đẫm sự tương phản. Điều ấy đã gợi ra một tình cảnh đơn lẻ đến tội nghiệp. Là bởi cái thế tạo ra của một “người quan trọng” một thời kia hiện nay đâu còn nữa. Trước đây thì “bao thuộc hạ”, gọi có người nghe, đe có người sợ, giờ thì vắng vẻ, đìu hiu “chả ai thăm”. Một hiện hữu buồn ảm đạm hoàn toàn đối ngược với không khí vui vẻ trước đây. Cũng tương tự, thời gian bào mòn rất nhiều những giá trị khác, cả nhan sắc của hoa khôi, “hoa hậu” một thời, “em hoa hậu đẹp như nhành lửa ấm/ bếp thời gian để lại chút than hoa”. Thời gian quả là có sức mạnh ghê gớm! Và chỉ có thời gian là sẽ giúp cho tất cả bộc lộ đầy đủ nhất những giá trị, phẩm chất bản thể ra mà thôi! Hơn nữa, chúng tôi còn thấy ở đây một sự so sánh cho dù chỉ là phảng phất, rằng người đẹp hoa khôi “hoa hậu” kia, dẫu thời gian có bào mòn thì vẫn còn “chút than hoa” để lại; “người quan trọng” một thời lừng lẫy quyền lực thì có lẽ chả để lại được gì. Xa xót ấy như được nhân lên cho bài học nhân tình thế thái thêm chiều sâu triết lí chăng?
Rõ ràng, thời gian đã làm bật ra một mệnh đề chắc nịch “chẳng có gì quan trọng” trong cuộc đời này, và đây cũng là cái tứ của bài thơ. Một sự thật hiển nhiên kia được thi sỹ Trần Nhương cho vút lên từ những thứ ông chiêm nghiệm trong cuộc sống. Do thế, dường như thi nhân muốn gửi gắm vào thi phẩm “Chẳng có gì quan trọng” một cách sống sao cho phù hợp khi con người ta đã sống và hiểu cuộc đời này. Vì chỉ có hiểu để mà sống sao cho hài hòa với thiên nhiên, với con người thì ta mới có thể tìm thấy tiếng nói hạnh phúc của chính mình. Do vậy, mà lời thơ Trần Nhương mới chân thành và tha thiết khi ông viết về tác động hai mặt của thời gian? Chúng tôi thiết nghĩ, sự nhắc nhở mong cầu đó cũng là lời tự khuyên răn mình “em của anh ơi chẳng gì là quan trọng/ đến tình yêu cũng có thể già/ ta hãy sống vô tư như trẻ nhỏ/ sáng xuân này lối ngõ nở đầy hoa”. Được như thế thì bước chân đi trên cuộc đời này lo gì không tìm thấy sự thảnh thơi và hạnh phúc?
Sài Gòn, hè 2023
CHẲNG CÓ GÌ QUAN TRỌNG.
Trần Nhương
Những cuốn sách một thời như sấm trạng
Giờ bán cân bà đồng nát mua về
Những quy phạm một thời như thước ngọc
Thành vết hằn ghi dấu sự ngô nghê.
Dòng sông Đà hùng dũng nhường kia
Giờ ngăn đập sóng luồn qua cửa cống
Biển Vũng Tàu cứ tưởng mình dài rộng
Dàn khoan dầu biển hóa mảnh ao quê.
Người quan trọng một thời bao thuộc hạ
Giờ vẩn vơ đợi khách chả ai thăm
Em hoa hậu đẹp như nhành lửa ấm
Bếp thời gian để lại chút than hoa!
Em của anh ơi chẳng gì là quan trọng
Đến tình yêu cũng có thể già
Ta hãy sống vô tư như trẻ nhỏ
Sáng xuân này lối ngõ nở đầy hoa.
Đại Lải 12-11-2002