Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THỦ LĨNH NHÂN VĂN CUỐI CÙNG ĐÃ RA ĐI

Lê Hoài Nguyên
Thứ hai ngày 26 tháng 6 năm 2023 10:27 AM


Nhân 103 năm ngày sinh họa sỹ Trần Duy (7-1920 - 7-2023) xin đưa lại bài của nhà văn Lê Hoài Nguyên để tưởng nhớ Ông



Thế là ngày ấy đã đến. Họa sỹ Trần Duy đã ra đi.

Có một lần họa sỹ cho tôi xem lá số tử vi của ông. Lá số của một cuộc đời cao số đầy bất trắc và nhiều dữ dội ở cung phúc đức thường thấy ở những dòng họ binh nghiệp. Tôi nói : Có điều đáng mừng là anh phải sống đến ngoài chín mươi tuổi. Trước Tết ông đã có vẻ thấm mệt. Tai cũng khó nghe, nói chuyện với ông phải nói to như quát. Sau sự kiện con trai út nhà văn Phan Khôi xuất bản cuốn hồi ký Nắng được thì cứ nắng- Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn tôi bảo ông : Cuộc đời anh ngoài cái bi ra còn đầy cái hùng tráng một thời trận mạc không phải nghệ sỹ nào cũng có được. Anh phải viết hồi ký. Ông lưỡng lự nhưng rồi đồng ý. Tôi thảo cho ông một cái đề cương gồm chín chương để ông theo đó nói cho các con cháu ghi âm, sau tôi sẽ sắp xếp lại. Giai đoạn này tôi có việc gia đình rất bận nhưng vẫn chờ và hy vọng ông có thề để lại cho người đời biết được những năm tháng đã sống của ông.

Ngày nhà thơ Hoàng Cầm mất một bạn làm báo cũng đã viết thủ lĩnh Nhân Văn cuối cùng đã ra đi! Do mấy chục năm im lặng trong cô độc rụt rè, hầu như không nói với ai về cuộc đời mình, rất nhiều người đã nghĩ rằng ông không có vai trò quan trọng trong cái phong trào dân chủ từng gây sóng gió và còn dư âm mãi trong lịch sử đất nước.

Trần Duy là hậu duệ của một gia đình vọng tộc ở Hoài Nhơn Bình Định, của một dòng họ lớn đã sinh ra Trần Quang Diệu, lại sinh ra những danh tướng khai quốc công thần của chúa Nguyễn, đã ba đời làm phò mã triều Nguyễn. Bố ông là bạn của bố thủ tướng Phạm Văn Đồng trên quan trường trong triều đình Huế. Có lần ông cho tôi biết bố ông sau khi bị bắt cùng với ông Phạm Quỳnh, Bửu Trưng...được cụ Huỳnh Thúc Kháng can thiệp tha ra đã được ông Đồng đưa về nuôi dưỡng ở Quảng Ngãi suốt thời gian kháng chiến chống Pháp.

Nhà thơ Chế Lan Viên là một trong những người bạn đồng ấu của ông thời niên thiếu ở Bình Định.

Sau khi đậu thành chung ở Huế ông ra Hà Nội thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đó là khóa chót với những người bạn đồng tuế như Phạm Tăng, Mai Văn Hiến, Lê Thanh Đức, Phan Kế An...Khi người Nhật đảo chính Pháp, máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, trường sơ tán về Sơn Tây ông bắt đầu tham gia phong trào Việt Minh cùng bà Tuyết em gái họa sỹ Lê Thanh Đức sau là vợ ông chuyển tài liệu theo đường dây từ chiến khu về dưới xuôi.

Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, ông trở về tham gia cướp chính quyền ở Huế. Ông cùng người bạn Từ Chi được ông Nguyễn Duy Trinh giao vẽ cái affiche cách mạng đầu tiên treo trên cầu Tràng Tiền của thành phố. Một người mẹ trẻ bế con nhìn ra biển, trên đầu là lá cờ đỏ sao vàng lồng lộng. Kháng chiến bùng nổ, ông được giao nhiệm vụ hoạt động trong Đảng Dân chủ, tham gia biệt động thành giúp cho các ông Hoàng Minh Chính chỉ huy cảm tử quân Hà Nội tổ chức đánh sân bay Gia Lâm. Trong thời gian ở Việt Bắc, tại Khu 10 dưới sự chỉ huy của tướng Song Hào ông phụ trách công tác địch vận, giúp hùm xám Đặng Văn Việt đánh các trận phục kích lẫy lừng trên đường số 4 trong chiến dịch Biên giới. Sau đó ông làm báo Vui Sống của Cục Quân y với bác sĩ Từ Giấy, đi hỏi cung tù binh của chiến dịch Điện Biên Phủ... Hòa bình lập lại, ông trở về Hà Nội ông làm việc tại Hội Mỹ thuật.

Từ cuối 1954 miền Bắc bước sang giai đoạn mới. Cuộc cách mạng dân chủ lần thứ nhất của phe chủ nghĩa xã hội bắt đầu ở Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu. Phong trào dân chủ nở rộ khắp các nước xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc phát động phong Trăm hoa đua nở, giải phóng tư tưởng cho trí thức. Những bài phát biểu của Chu Ân Lai, Lục Định Nhất, Chu Dương được đón nhận nồng nhiệt ở miền Bắc nước ta.

Sự chuyển tiếp đời sống thời chiến sang đời sống thời bình mang lại cho tổ chức cũng như mỗi cá nhân con người những điều mới mẻ, ngỡ ngàng cũng như những câu hỏi không thể tìm được đáp số ngay lập tức. Để xây dựng cuộc sống mới đưa miền Bắc vào thời kỳ quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa, đấu tranh thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình Đảng chủ trương chấn chỉnh tổ chức, mở rộng tự do dân chủ và kiên quyết sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Hơn ai hết, trí thức văn nghệ sỹ là những người mẫn cảm nhất trong xã hội đón nhận luồng gió mới và hăng hái đóng góp nhiệt tình cho công cuộc xây dựng cuộc sống mới.

Trong điều kiện luật pháp lúc đó cho phép tồn tại báo chí, xuất bản tư nhân, một nhóm văn nghệ sỹ cấp tiến như Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt...thành lập Tập san Giai Phẩm và báo Nhân Văn. Trần Duy nhận lời làm Thư ký tòa soạn cho báo Nhân Văn. Cụ Phan Khôi nhận làm Chủ nhiệm.

Tất nhiên vai trò của một tờ báo có công sức nhiều người nhưng với người có tay nghề làm báo vững vàng trong nhóm và việc làm Thư ký tòa soạn phải nói là Trần Duy có đóng góp quan trọng. Lâu nay do ông im lặng mà mọi người tưởng như không có ông trong tờ Nhân Văn hoặc rộng hơn cả trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Ông cho biết :
Hàng ngày tôi phải làm mise , đăt bài, nhất là những bài trong chủ đề chính của báo. Có những bài phỏng vấn , như với Giáo sư Đặng Văn Ngữ chẳng hạn là người quen biết của tôi từ khi còn ở Huế. Vì chỗ thân tình mà sau này ông bị liên lụy, làm tôi áy náy cả đời. Khi không có bài vừa ý tôi phải viết thay vào. Gần như tất cả minh họa, tranh hài của báo Nhân Văn đều do tôi vẽ.

Mặc dù là một họa sĩ nhưng ông còn có biệt tài về văn xuôi. Các bài tiểu luận của ông thời điểm 1955- 1957 cũng như sau này đều uyên bác, sắc sảo. Phấn đấu cho Trăm hoa đua nở ( NV số 2 ), Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ ( NV số 4 + 5 ), Góp ý kiến về tự do dân chủ trong Nghị quyết TW lần thứ mười ( NV số 5 )...

Trong Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ trên Nhân Văn số 4 ông nói rõ về về tôn chỉ của tờ báo:

Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam có nhận định ở miền Bắc chúng ta chưa thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của nhân dân và đã thảo luận những biện pháp bổ khuyết cần thiết để đề nghị với Chính phủ và Quốc hội.
Chúng ta hoan nghênh những nhận định ấy, và hy vọng những biện pháp bổ khuyết cần thiết trên sẽ mang lại cho báo chí văn nghệ đời sống miền Bắc một luồng gió mới... luồng gió tự do dân chủ (...). Vi phạm tự do dân chủ nhất định không phải là một hành động thích hợp với chế độ.
Việc vi phạm ấy từ lâu vẫn có, tất nhiên không phải vì chính sách của Đảng và Chính phủ, nhưng dù sao Đảng và Chính phủ cũng chịu trách nhiệm trong việc thiếu sót và hạn chế tự do dân chủ ấy.
Chúng ta đòi quyền tự do dân chủ, có nghĩa là chúng ta đấu tranh để được làm tai mắt cho Đảng và Chính phủ, giúp Đảng và Chính phủ sửa chữa khuyết điểm sai lầm để bảo vệ và xây dựng chế độ.

Báo Nhân văn đấu tranh cho tự do dân chủ, cũng không ngoài ý muốn nào khác là tự nguyện làm một tên lính tiên phong

Ông nói về các vấn đề dân chủ :

Thông cáo của Hội nghị lần thứ 10 một lần nữa chứng tỏ rằng Đảng và Chính phủ ta quan tâm đến đời sống của nhân dân, chính quyền ta là một chính quyền của dân, chế độ ta là một chế độ thực sự dân chủ.

Chúng ta phải khẳng định rằng ngoài Đảng Lao động Việt Nam và chủ nghĩa Mác-Lê không còn có một tổ chức đảng phái và một lý luận tiền phong nào có thể lãnh đạo dân ta kháng chiến thắng lợi, tiến hành cách mạng dân tộc, hoàn thành độc lập được.

Do đó chúng ta, những phần tử yêu nước, tha thiết với hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, không có một lý do nào không triệt để ủng hộ Đảng, xây dựng chế độ.

Khi đã xem Đảng là Đảng của chúng ta, chế độ do chúng ta xây dựng, chúng ta là chủ nhân ông của đất nước, thì việc đóng góp cũng như việc đấu tranh để sửa chữa những sai lầm, bổ khuyết những thiếu sót của lãnh đạo, cũng là một trách nhiệm của chúng ta.

Việc mở rộng dân chủ đã đề ra trong thông cáo là một sự kiện đáng để cho chúng ta hoan nghênh phấn khởi,, tin tưởng.

(Góp ý kiến về tự do dân chủ trong Nghị quyết TW lần thứ mười. Nhân Văn số 5)

Trần Duy nhận thấy vai trò của quần chúng nhân dân rất quan trọng đối với việc giám sát thực thi dân chủ:

Đấu tranh cho tự do dân chủ là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ, vì nó là một cuộc tấn công quyết liệt vào những tệ lậu hủ bại của xã hội.

Nó sẽ bị những phần tử tệ lậu và hủ bại hiện đương còn quyền hành và thế lực cản trở, xuyên tạc, phá hoại có khi cả bằng những phương pháp đen tối, độc ác. Đấu tranh cho tự do dân chủ không bao giờ chỉ là một công việc có tính chất thuần tuý hành chính. Nó phải có một tính chất quần chúng rộng rãi. Quần chúng phải là “Bao công” có quyền thực sự kiểm soát mọi công việc của Nhà nước, của cán bộ. Chúng ta cần phải tích cực ủng hộ và giúp đỡ Trung ương Đảng để đẩy mạnh việc mở rộng tự do dân chủ đề ra trong nghị quyết.

(Góp ý kiến về tự do dân chủ trong Nghị quyết TW lần thứ mười. Nhân Văn số4)

Thái độ của ông rất kiên quyết với chủ nghĩa thực dụng trong văn nghệ:

A. Nivov trong bài “Tiến tới xét lại văn sử học Liên Xô” có viết:

Cái lối mệnh lệnh trong những quan hệ với nhà văn, cái lối hẹp hòi không chịu dung nạp tự do tư tưởng, cái lối dùng quyền hành chánh để cắt đứt những vấn đề văn học đang bàn cãi sôi nổi, tất cả những cái đó là những bộ mặt khả ố của kẻ vỗ ngực cộng sản trong văn học, đã xuất đầu lộ diện trong không khí sùng bái cá nhân”.

Lê-nin đã lên án lối cào bằng, lối san bằng máy móc, lối đa số đàn áp thiểu số trong văn học.

Đầu óc bè phái vẫn thường kết hợp với những tư tưởng trên, đã từng bôi nhọ lịch sử văn học từ những vụ Cóc-nay, Mô-lie, Stăng-đan, Xếch-spia Dơ-la cơ roa v.v... cho đến vụ Gờ-gốt-man, Mai-a-kốp-sky v.v... và ở nước ta là vụ Giai phẩm mùa Xuân...

Một tác phẩm văn học là một sản phẩm trí tuệ và tư tưởng – công nhận nó hay không công nhận nó cũng phải là một việc làm trí tuệ và tư tưởng chứ không phải là một việc làm của bản năng và cảm tính. Do đó thái độ nhận xét về văn học mà hồ đồ, vội vàng phần nhiều là nhhững thái độ kém tư tưởng và đều đáng tiếc.

Chủ nghĩa cơ hội và hẹp hòi, trong văn học nghệ thuật tưởng rằng mình đã thích ứng kịp thời với thực tế, với những sự kiện lịch sử, kỳ thực chỉ thu lượm được một ít lợi ích trước mắt, nhưng thực chất nó đã xa rời những nguyên tắc cơ bản của đường lối văn học Mác Lê-nin. Nó tưởng rằng chống tư tưởng duy tâm và tiểu tư sản, kỳ thật nó đã bị rơi vào cái nhìn cận thị và thiển cận, ảo tưởng thú vị (danh từ của Ninord) nhất thời của phái duy tâm và tiểu tư sản.

Nó đưa nghệ thuật chết cứng trong chủ nghĩa thực dụng.

(Phấn đấu cho trăm hoa đua nở. Nhân Văn số 2)

Trong trào lưu cách tân mạnh mẽ về mặt văn học của Nhân Văn Giai Phẩm, truyện ngắn của ông Những người khổng lồ, Tiếng sáo tiền kiếp cũng như truyện ngắn, kịch của Phan Khôi Ông Năm Chuột, Phùng Cung Con ngựa già của Chúa Trịnh, Như Mai Thi sỹ máy, Hoàng Tích Linh Cơm mới... có ý nghĩa hàm súc về tư tưởng, khác với lối văn xuôi trần thuật đơn giản trong kháng chiến, nó đề cập đến những vấn đề chính trị bức thiết đương thời, mang tính ẩn dụ đa nghĩa, làm người ta phải nghĩ ngợi.
Ông nói : Tôi viết Những người khổng lồ là phê phán những người đảng viên đi ngược lại đường lối , làm tổn hại đến uy tín của Đảng. Đó là những người bè phái , tả khuynh, đã phạm những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất. Còn những người khổng lồ có tim là Hồ Chí Minh và các lãnh tụ, các đảng viên chân chính khác. Những người khổng lồ muốn thực sự khổng lồ chỉ khi họ có trái tim, còn khổng lồ mà không có trái tim thì tàn ác và phá hoại ghê gớm lắm. Chủ đề đó vẫn còn có tính thời sự trong hoàn cảnh hiện nay khi còn nhiều đảng viên cán bộ nhà nước tham nhũng, vô cảm trước khó khăn của nhân dân, của đất nước.
Còn truyện ngắn Tiếng sáo tiền kiếp thì có ý nói lên tài năng và tác phẩm của người nghệ sĩ là một phẩm chất bẩm sinh như là một nghiệp chướng, không thể vứt bỏ nó, không thể thay đổi nó bằng sụ ép buộc với tư duy thực dụng thô bạo.

Trong bối cảnh những năm 1954- 1958, với các bài tiểu luận, truyện ngắn, và các tranh châm biếm Trần Duy không chỉ là một Thư ký tòa soạn mẫn cán, ông còn là một nhà tư tưởng cấp tiến mạnh mẽ. Chỉ có điều đáng tiếc cho những tư tưởng , những cách tân nghệ thuật của ông và những người bạn như Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng, Tử Phác...đã xuất hiện quá sớm trước thời cuộc.

Những hệ lụy của vụ Nhân Văn Giai Phẩm làm cho ông phải sống trong im lặng 30 năm, mang tay nghề của một họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương làm bất cứ việc gì để sống và nuôi gia đình như dịch tài liệu, vẽ bưu thiếp, giúp vợ viền khăn mặt, vẽ tranh về muỗi chống sốt rét... Nhưng trong những năm khó khăn cực nhọc, ông vẫn giữ được tình yêu nghệ thuật. Ông chuyển hứng thú sáng tạo vào việc tìm tòi cách thể hiện vẻ đẹp của các danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa đất nước bằng chất liệu tranh lụa và đã tạo nên một phong cách màu lụa riêng biệt mang made Trần Duy. Có người đã nói sự nghiệp hội họa của ông là một bảo tàng trên nền lụa. Từ ngày đổi mới, ông được phục hồi hội tịch hội viên Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, được xem xét chỉnh lương hưu. Cuối năm 1991 Triển lãm tranh Trần Duy mở tại Nhà triễn lãm tranh 16 Ngô Quyền Hà Nội. Giới nghề nghiệp và báo chí gọi đây là cuộc tái xuất giang hồ trên nghiệp vẽ của ông. Người ta không thể ngờ được qua bao năm tháng thăng trầm, bầm dập, trên nền lụa của Trần Duy vẫn là tình yêu con người, đất nước với vẻ đẹp dịu dàng nhân ái. Tiếp theo ông đã xuất bản bộ sách Tranh Trần Duy, bộ Tranh ký họa trên đất Pháp, các cuốn tiểu luận và văn xuôi Cảm luận nghệ thuật, Suy nghĩ về nghệ thuật, Trần Duy Người xem và tác phẩm.
Ở hai cuốn sách này cho thấy Trần Duy là người am hiểu sâu sắc văn minh phương Tây và văn minh Á Đông, có những kiến giải thuyết phục về việc kết hợp truyền thống và hiện đại trong lao động sáng tạo nghệ thuật mà chính các tác phẩm của ông là minh chứng.

Với văn xuôi, 40 năm sau ông lại tái xuất với truyện ngắn Lụy và đoạt ngay Giải truyện ngắn hay trong năm 1997 của báo Văn Nghệ. Sau nữa ông còn cho in tiếp hai truyện Thần hoa và Nhật Lệ được coi là những truyện hay. Ở bài Tưởng niệm Phan Khôi viết cho cuộc Hội thảo về Phan Khôi do Tạp chí Xưa và Nay tổ chức, bài Bác sỹ Đặng Văn Ngữ- Một nhân cách lại thấy biệt tài về thể loại khắc họa chân dung cùng với cách sống nhân tình của ông. Vẫn là những đoạn văn mang nhiều ám ảnh:

Tiếng thở dài và tiếng chép miệng của ông trong những ngày cuối cùng như còn vọng lại. Sinh thời mỗi lần ông nói đến một nỗi oan khuất nào đó của người đời, ông vẫn thường nhắc đến tiếng cóc kêu với trời.! Gió mưa là do chuyển hóa Đông - Tây của thời tiết, nhưng vẫn có người tốt bụng tin rằng :
Trời mưa nhờ có cóc kêu.

(Tưởng niệm Phan Khôi)

Mới hôm qua khi người con trai cả của Trần Duy gọi điện báo tin ông mất tôi hỏi và biết rằng cái Đề cương hồi ký mà ông hứa với tôi đã không kịp thực hiện. Thật tiếc, bao nhiêu bí ẩn của một cuộc đời đầy những nghịch lý đã theo ông về thế giới bên kia, không bao giờ có thể chạm vào được nữa.

Tôi nhớ đên một câu nói của ông:

Tôi còn nhiều điều muốn nói nhưng không nói được hết. Với những người trẻ cũng vậy. Tôi biết nói gì, có cần thiết không, có ích lợi gì không. Làm nghệ thuật phải học để biết mình, không biết mình không hiểu được người. Đất nước mình đã có nhiều thay đổi và sẽ còn nhiều thay đổi.