Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN TRẦN HỮU TÒNG MỘT TẤM LÒNG NHIỆT HUYẾT VỚI BIÊN CƯƠNG

Ngô Khiêm
Thứ tư ngày 21 tháng 6 năm 2023 8:36 PM

 

Vanvn- Nhiều năm trước, tôi đã từng đến nhà của nhà văn Trần Hữu Tòng và biết ông là người say mê sáng tác về đề tài biên cương, trong đó nổi bật nhất là tập sách “Bên dòng Păng Pơi” viết về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Thọ. Thế rồi, bẵng đi một thời gian sau đại dịch Covid-19, thông qua một số người bạn, tôi vui mừng khi biết ông vẫn nhớ tôi, vẫn theo dõi từng bài viết của tôi trên Báo Biên Phòng.

Nhà văn Trần Hữu Tòng (1938 – 2023) trong một lần về thăm miền biên cương

Cuối buổi chiều tháng 7 oi bức, tôi tìm đến phố Nguyên Hồng (Hà Nội) để gặp nhà văn Trần Hữu Tòng. Ở tuổi 85, nhà văn quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, tinh tường… Dẫn tôi thăm căn phòng làm việc ở tầng 3 của ngôi nhà, ông hào hứng kể cho tôi nghe những kỷ vật, những cuốn sách trong cuộc đời ông mà trong đó hầu hết là các kỷ vật, cuốn sách về các vùng biên cương của Tổ quốc. Đặc biệt, ông còn ép plastic 2 trang báo viết về ông trên Báo Quân đội nhân dân và Báo Biên phòng – 2 cơ quan báo chí mà ông từng công tác, gắn bó và tạo điều kiện để ông có những chuyến đi đến các miền biên cương.

Khi trò chuyện cùng ông, tôi mới vỡ lẽ là trong thời gian đại dịch Covid-19, ông đã tập hợp, sưu tầm, viết và in đến 3 cuốn sách, trong đó có 2 cuốn sách do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành là “Bóng vàng chóp núi”, “Chuyện non thiêng biên ải” và 1 cuốn sách chuẩn bị được Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành. Ông bảo: “Đại dịch Covid-19 khiến tôi bị “cuồng chân, cuồng tay” và tôi không muốn đầu óc mình được nghỉ ngơi. Bởi nguồn tư liệu, suy nghĩ, tâm tưởng của tôi dành cho biên cương và những người lính Biên phòng còn rất phong phú. Bây giờ, tuy tuổi đã cao, nhưng đầu óc tôi vẫn còn minh mẫn, tôi vẫn có thể gõ bản thảo qua máy tính hoặc viết tay. Đợi đến mấy năm nữa, muốn viết cũng không thể viết được. Khi làm việc, tôi thấy mình khỏe ra, minh mẫn hơn. Và tôi thấy mình đang có một cuộc chạy đua với thời gian”.

Nhà văn Trần Hữu Tòng luôn tâm đắc với lời nói của một nhà văn người Nga, đại ý: Người viết văn cũng như người thợ tần tảo góp nhặt những bụi vàng trong cuộc sống để tạo nên bông hồng vàng lộng lẫy dâng hiến cho đời… “Tôi – người lính Biên phòng mong góp nhặt được chút hương thơm của trăm loài hoa đẹp nơi non ngàn để tạo nên bông hoa dâng tặng đồng đội. Tôi không dám ước mơ tác phẩm của mình sẽ được giải thưởng này, vinh danh khác mà chỉ mong người đọc nhớ được đôi điều về sự hy sinh của đồng đội trong sự nghiệp giữ bình yên của vùng biên cương Tổ quốc…”. Những dòng chữ này còn được ông trân trọng in ngoài bìa các cuốn sách “Bóng vàng chóp núi” và “Chuyện non thiêng biên ải” để ghi nhớ, nhắc nhở bản thân mỗi ngày và cũng cho thấy quan điểm nhất quán của ông với độc giả yêu mến mình.

Cuốn sách “Chuyện non thiêng biên ải” xuất bản cuối năm 2020, tập hợp 24 truyện ngắn mà đa số là viết về những con vật, như: “Chuyện con đom đóm rừng đêm”, “Chào voi xa ma khi”, “Chàng báo hoa chào thua ba bà sư tử”, “Chuyện con chim “hiếu nghĩa” với cha mẹ”, “Chuyện rừng Phù Luông có đàn ong bò vẽ”, “Con rắn đeo vòng vàng”, “Rùa vàng đất núi vùng biên”, “Thân thương con nhím Chiềng Nam”, “Sao la đất núi Cụ Phan”, “Kỳ tích chú ngựa hồng”, “Hổ ơi, đây cũng tuổi Dần”…

Nhà văn Trần Hữu Tòng tâm sự, đây là cuốn sách viết về thế giới của những con vật, nhưng đó đều là những con vật gắn bó và là người bạn thân thiết, gần gũi với người lính Biên phòng. Đọc những câu chuyện này mới thấy ông đã đi sâu tìm hiểu, quan sát kỹ lưỡng, tinh tế thế nào về thế giới loài vật. Qua ngòi bút của ông, các loài vật dường như cũng có tiếng nói, có tâm hồn, có trí tuệ và có tình cảm.

Khác với “Chuyện non thiêng biên ải”, cuốn “Bóng vàng chóp núi” chỉ vẻn vẹn có 9 truyện ngắn nhưng cũng có độ dày đến 200 trang. Tôi đặc biệt ấn tượng khi đọc truyện ngắn “Chiều biên cương có nơi nào đẹp hơn chăng!” và chợt nhớ đến bài hát “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung, phổ thơ Lò Ngân Sủn với câu hát: “Em ơi có nơi nào đẹp hơn/ Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây/ Lúa lượn bậc thang mây, mùi tỏa ngát hương bay”. Truyện được ông viết ở đồn Cầu Treo-Nước Sốt, nơi ông từng là chiến sĩ. Bằng lối kể chuyện giản dị, chân thành, chi tiết đắt giá, truyện ngắn như lời mời gọi, lời thúc giục mỗi người hãy một lần đến với miền biên cương để cảm nhận vẻ đẹp bất tận của Tổ quốc thân yêu, từ đó, có ý thức, trách nhiệm hơn với xã hội, với đất nước.

Nhà văn Trần Hữu Tòng (bên phải) và nhà báo Ngô Khiêm – tác giả bài viết

Ai mà không nao lòng trước những dòng cuối truyện ngắn “Chiều biên cương có nơi nào đẹp hơn chăng!” khi ông viết: “Lại đến những buổi chiều, người lính Biên phòng đứng trên chòi canh chon von chóp núi. Vùng biên cương trong tầm mắt anh là buổi tà dương ráng trời tỏa bóng vàng, xanh lơ, tím biếc… Anh đã từng ấp ủ biết bao kỷ niệm đẹp về buổi ráng chiều. Ráng chiều, lúc đội tuần tra lên đường biên giới. Ráng chiều, gió núi thoảng hương thơm của cây lá hoa rừng là lúc đội mật phục ra quân đón lõng lũ vượt biên… Và lúc ấy bà con đi làm nương rẫy về xóm bản. Trên dòng suối mát lành, những tấm lưng, đôi vai nõn nà dưới ráng chiều đẹp như hoa nở giữa rừng xanh… Ôi! Có chiều biên cương nào của Tổ quốc ta đẹp hơn chăng!”. Có thể thấy, hình ảnh chiều biên giới đã đi vào biết bao áng thơ, câu văn, câu hát nhưng với cách tả của ông vẫn thật mới lạ, độc đáo, vẫn thật cuốn hút người đọc.

Lúc tôi ra về, nhà văn Trần Hữu Tòng nắm tay tôi thật chặt rồi nói nhỏ nhẹ bằng chất giọng Nghệ Tĩnh ấm áp: “Cháu làm gì thì làm, viết gì thì viết nhưng hãy cố gắng để có cái riêng của mình”. Đó là sự răn dạy, sự động viên hết sức chân thành, hữu ích của người cầm bút già với người cầm bút trẻ. Tôi hiểu nhà văn Trần Hữu Tòng đã có cái riêng của mình là định hình nên một phong cách viết về biên cương, về những người chiến sĩ quân hàm xanh không giống với bất cứ cây bút nào. Có được điều này, ông đã trải qua một quá trình rèn luyện không ngừng nghỉ và một trái tim luôn bỏng cháy nhiệt huyết với biên cương.

Chỉ gặp và có cuộc trò chuyện ngắn ngủi cùng ông, nhưng tôi đã được truyền một nguồn năng lượng lớn lao để yêu hơn, trân trọng hơn, trách nhiệm hơn với nghề mà mình đang theo đuổi.

NGÔ KHIÊM