Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NỮ THI SĨ WISLAWA SZYMBORSKA (02.07. 1923 - 2023), NOBEL VĂN HỌC 1996, QUỐC HỘI BA LAN QUYẾT ĐỊNH CHỌN NĂM 2023 LÀ NĂM WISLAWA SZYMBORSKA

Lê Bá Thự
Thứ hai ngày 3 tháng 7 năm 2023 9:47 AM


Wisława Szymborska - Życie i twórczość | Artysta | Culture.pl

Tôi vẫn còn nhớ, sáng ngày 2 tháng 2 năm 2012, đang dự lễ khai mạc Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất tại Quảng Ninh, tôi bàng hoàng khi nhận được tin, nữ nhà thơ lớn của Ba Lan và thế giới, người được giải thưởng Nobel văn học năm 1996, người bạn chân tình của Việt Nam, thần tượng của tôi, đã qua đời ngày 1 tháng 2 năm 2012, thọ 89 tuổi. Ông Michal, thư kí của nữ nhà thơ cho biết, bà ra đi trong giấc ngủ an bình tại nhà mình. Trong những ngày ốm nặng bà nằm tại nhà riêng, bà đề nghị đừng ai đến thăm bà, để cho trong tâm thức của mọi người bà luôn luôn là một người khỏe mạnh.

Lễ tang nữ nhà thơ Wislawa Szymborska, công dân danh dự của thành phố Krakow, đã được cử hành trọng thể ngày 9 tháng 2 năm 2012, theo thế tục, với sự tham dự của các vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Cộng hòa Ba Lan: Tổng thống Bronislaw Komorowski, Chủ tịch thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, Thủ tướng, nhiều vị bộ trưởng, quan khách Ba Lan, các đại diện Ngoại giao đoàn, các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nghệ sĩ, bạn bè và những người mến mộ nữ nhà thơ. Có trên tám ngàn người đã tham dự lễ tang vĩnh biệt nữ nhà thơ, diễn ra trong giá lạnh, tuyết rơi trắng trời. Theo nguyện vọng của bà, đúng 12 giờ trưa, bình đựng hài cốt được đưa từ nhà tang lễ tới khu mộ gia đình bà. Cùng lúc, trên tháp chuông nhà thờ Mariacki ở trung tâm cố đô Krakow, nhà thờ cổ kính bậc nhất châu Âu, thay vì tiếng kèn hiệu vào giờ này hàng ngày, ngân vang giai điệu phổ thơ của bà - bài “Không có gì hai lần”. Ca khúc phổ thơ này do Lucja Prus, nữ ca sĩ nổi tiếng Ba Lan từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước, thể hiện. Trong bài phát biểu vĩnh biệt nữ nhà thơ, tổng thống Ba Lan, ngài Bronislaw Komorowski nói: “Vĩnh biệt nữ nhà thơ, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng, tài năng lớn này sẽ ở lại với chúng ta, khi trong những vần thơ của mình bà để lại cho chúng ta kỹ năng nhận biết chung quanh những mảnh nhỏ bình thường của cái đẹp và niềm vui của thế giới…”

Buổi tối cùng ngày, tại Viện bảo tàng Mỹ thuật thành phố Krakow đã diễn ra Đêm văn học tưởng niệm nữ nhà thơ Wislawa Szymborska. Đài truyền hình Ba Lan TVP tường thuật tại chỗ đêm văn học trang trọng này. Theo di chúc của bà, Quỹ di sản Wislawa Szymborska đã được thành lập. Quy chế của quỹ này đã được soạn thảo rất chi tiết với sự chứng giám của bà khi bà còn sống.

Như ta đã biết, Ba Lan, đất nước với chừng bốn mươi triệu dân, có tới năm nhà văn và nhà thơ được giải Nobel văn học: Henryk Sienkiewicz ( Nobel 1905), Stanislaw Reymont (Nobel 1924), Czeslaw Milosz (Nobel 1980), Wislawa Szymborska (Nobel 1996) và Olga Tokarczuk (Nobel văn học 2018). Như vậy, W. Szymborska là người thứ tư trong số năm nhà văn và nhà thơ nói trên đã về cõi vĩnh hằng. Bà ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân Ba Lan và cho những người mến mộ thơ bà trên thế giới. Nhưng di sản thi ca của bà sẽ mãi mãi ở lại với nhân loại, để chúng ta mãi mãi không quên bà, mãi mãi nhớ ơn bà về những vần thơ bất hủ, những bài thơ giàu triết lý và tính nhân văn, rất đỗi đời thường nhưng đầy ma lực.

Trong thời gian trên năm mươi năm cầm bút, W. Szymborska đã in 13 tập thơ, cộng lại bà chỉ sáng tác trên 200 bài thơ, nhưng đó là những tinh hoa đã vượt qua sự chọn lựa vô cùng khắt khe của tác giả. Bà là một nhà thơ cực kỳ khiêm tốn, bà không thích xuất hiện trên tivi, trên báo chí, không thích xuất hiện trước đám đông. Nếu chúng ta muốn biết về bản thân bà thì chỉ còn có cách phải đọc ra ở trong thơ bà, bởi không bao giờ bà thổ lộ hoặc giải thích tiểu sử của mình. Khi rất cần thiết, như khi nhận giải thưởng Nobel, thì bà mới đọc một bài phát biểu không dài, chỉ đề cập đến thi ca và sự nghiệp sáng tác của bà.

Đối với Việt Nam, từ lâu nữ nhà thơ Wislawa Szymborska đã là một người bạn chân tình. Những tình cảm của bà dành cho Việt Nam, nhất là những người mẹ Việt Nam chịu nhiều mất mát, đau thương trong chiến tranh, đã được thể hiện rất xúc động trong hai bài thơ Việt Nam và Lá chắn do bà sáng tác. Năm 2005, trong thời gian dự Hội nghị những người dịch văn học Ba Lan trên thế giới, tại nhà hát Slowacki cổ kính ở cố đô Krakow, tôi có cơ hội được gặp bà trong buổi lễ trao giải thưởng Transatlantyk - Con tàu xuyên Đại Tây Dương cho dịch giả văn học Ba Lan xuất sắc nhất. Tôi tự giới thiệu, tôi là dịch giả Việt Nam, bà thốt lên: Việt Nam! Tôi biết Việt Nam từ lâu, và tôi còn làm thơ về Việt Nam nữa đấy. Bà cảm ơn về việc các dịch giả Việt Nam đã dịch thơ của bà sang tiếng Việt và bà đề nghị tôi chụp ảnh chung với bà. Tấm ảnh đầy kỷ niệm này tôi đang treo trang trọng tại nhà tôi. Những bài thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ của bà được chuyển ngữ sang tiếng Việt đã thực sự cuốn hút các nhà thơ, nhà văn và những người yêu văn học Ba Lan ở Việt Nam. Chúng sẽ là hình ảnh không bao giờ phai mờ của bà trong tâm trí người đọc nước ta.

Năm 2023 là năm kỉ niệm 100 năm Ngày sinh nữ thi sĩ Wislawa Szymborska (02.07.1923 - 2023). Quốc hôi Ba Lan đã quyết định chọn Năm 2023 là năm Wislawa Szymborska, để ghi nhớ công lao to lớn của bà đối với nền văn học giàu truyền thống của Ba Lan.



CHÙM THƠ BA BÀI CỦA WISLAWA SZYMBORSKA QUA DỊCH THUẬT VÀ LỜI BÌNH CỦA LÊ BÁ THỰ.


KHÔNG CÓ GÌ HAI LẦN


Không có gì xẩy ra hai lần

Sẽ chẳng bao giờ là như vậy

Mới hay đó là nguyên nhân

Khi sinh ra ta không thuần thục

Ta không lão luyện lúc từ trần.


Cho dù là những học trò tột cùng dốt đặc

dưới mái trường thế gian,

chúng ta chẳng thể nào tái lập

dù một mùa đông hay hè.


Không có ngày nào lặp lại,

Không có hai đêm như nhau,

Không có hai nụ hôn giống hệt,

Không có hai ánh mắt nhìn

Lại y như một.


Hôm qua bên em

có người nhắc tên anh

em như được một bông hồng

bay qua cửa sổ mở vào phòng.


Hôm nay chúng mình bên nhau,

Em quay mặt vào tường.

Bông hồng ư? Bông hồng ra sao?

Đó là bông hoa? Hay là cục đá?


Hỡi thời gian tệ hại

Sao mi gây lo ngại

Chẳng đâu vào đâu?

Mi đang hiện hữu - rồi mi trôi qua.

Mi sẽ trôi qua - thế là tuyệt đẹp.


Miệng cười, tay ôm nhau

Chúng ta cố tìm hòa thuận

Cho dù chúng ta khác biệt

Như hai giọt nước trong lành.


Lời bình:


Không có gì xẩy ra hai lần phản ánh đúng thực tế cuộc sống. Mỗi người chúng ta đều nằm trong quy luật vật đổi sao dời, mỗi người chỉ sống có một lần và chỉ có vậy, số phận con người không lập lại. “Thuần thục” và “lão luyện” là những khái niệm xác định sự tinh thông của hành động và ý nghĩ của con người. Rất tiếc không thể có chuyện đó trong “trường đời”, vốn dĩ là một chuỗi dài những chuyện vui buồn không lặp lại, không lường trước được, kể cả chuyện sinh tử. Chúng ta chẳng thể thạo đời, dù là nhờ trải nghiệm bản thân, hay trải nghiệm của người khác. Thời gian trôi đi và cùng với thời gian niềm vui và nỗi buồn rồi cũng trôi đi. Một câu hỏi được đặt ra, có chặn đứng thời gian được hay không? Tại sao chúng ta lại phải chết? Không có câu trả lời, tại vì chúng ta phải chấp nhận, phải học bằng lòng với những gì ta đang có.

Khổ thơ thứ hai khẳng định luận đề đã nêu. Chúng ta đành cam chịu mình là “những học trò tột cùng dốt đặc” chứ làm sao chúng ta làm được cái việc “tái lập, dù một mùa đông hay hè”. Cuộc sống của chúng ta trôi qua và trôi qua, không thể trở về với quá khứ. Chẳng thể quay lại với những gì ta từng nếm trải. Mỗi người chúng ta đều khác nhau. Cái đẹp của sự khác nhau và sự đa dạng của con người là một hiện tượng không lập lại. Thế giới này sẽ buồn tẻ và đơn điệu biết nhường nào khi cái gì cũng giống nhau như đúc.

Không có ngày nào lập lại

Không có hai đêm như nhau

Không có hai nụ hôn giống hệt

Không có hai ánh mắt nhìn lại y như một.

Không có gì hai lần cũng là một bài thơ nói về nỗi cô đơn. Szymborska cố gắng chỉ ra rằng, thậm chí mối thâm tình cũng không đảm bảo cho hai con người gắn bó thực sự với nhau. Trong bài thơ chúng ta thấy một bức tường vô hình đã mọc lên giữa hai người yêu nhau, tại vì trong dòng sông Heraklit không có hai giọt nước giống hệt nhau đang chảy, còn con người khác biệt nhau như hai giọt nước trong lành. Dưới câu hỏi về bông hồng, chủ ngữ của bài thơ suy ngẫm, tình yêu là gì, nghĩ về quy luật vật đổi sao dời.

Mặc dầu đượm chút buồn, Không có gì hai lần là một bài thơ kết cục lạc quan. Thời gian có thể gây lo ngại, nhưng không sao, thời gian sẽ trôi đi, và lo ngại cũng sẽ trôi đi. Chủ ngữ của bài thơ nhận ra, Mi đang hiện hữu - rồi mi trôi qua/ Mi sẽ trôi qua - thế là tuyệt đẹp. Điều này cho hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn, một ngày mai miệng cười, tay ôm nhau. Cho nên, thế giới không ảm đạm, trái lại thế giới là bất ngờ, là thú vị, ẩn chứa nhiều khoảnh khắc đẹp mà rồi ra sẽ xuất hiện.

Các nhân vật trong bài thơ là những ai? Có lẽ chúng ta đã biết rõ, đó là người đàn bà phát ngôn ở ngôi thứ nhất, số ít (“bên em”, “em như được”, “em quay mặt”). Đôi khi chủ ngữ của bài thơ phát ngôn ở ngôi thứ nhất, số nhiều (“khi sinh ra ta không”, “ta không lão luyện”, “chúng ta chẳng thể nào”, “chúng ta cố tìm”…). Thay mặt tất cả chúng ta, chủ ngữ của bài thơ nêu lên những vấn đề liên quan đến tất cả mọi người. Chủ ngữ của bài thơ, qua từng câu thơ, chuyển tải những nghĩ suy, những suy ngẫm về cuộc sống, về những cảm xúc, về sự gắn bó giữa con người với con người. Bài thơ đề cập những vấn đề triết lí như thế này được xem là bài thơ trữ tình suy ngẫm. Bảy khổ thơ hay, ắp đầy nhạc điệu, đã lọt vào mắt xanh của nhiều nhạc sĩ, và đó cũng là nguyên do của sự ra đời những giai điệu và ca khúc làm say lòng người.

Trong khổ thơ cuối cùng, tác giả sử dụng lối so sánh lạ, rất độc đáo và cũng rất thú vị. Đây là sự so sánh hai người rất giống nhau, chứ không phải khác nhau. Chúng ta khác nhau, nhưng khác nhau như hai giọt nước, mà hai giọt nước thì giống nhau như ta vẫn thường ví, rốt cuộc, nói dzậy mà không phải dzậy, chúng ta giống nhau đấy chứ, một khi như vậy thì chúng ta phải đến với nhau và nhất định sẽ tìm được sự hòa thuận. Lật ngược ý nghĩa của câu giống nhau như hai giọt nước là yếu tố bất ngờ, tưởng chừng là một nghịch lý, gây thích thú cho người đọc, khiến người đọc sau khi đọc xong bài thơ vẫn còn nhâm nhi, vẫn còn suy ngẫm.

Miệng cười, tay ôm nhau

Chúng ta cố tìm hòa thuận

Cho dù chúng ta khác biệt

Như hai giọt nước trong lành.

Khổ thơ cuối cùng của bài thơ cho thấy, hai người yêu nhau đã hòa thuận, mọi sự hiểu nhầm đã được giải tỏa. Như đã nói trên, mỗi người chúng ta đều chịu sự chi phối của quy luật vật đổi sao dời. Đời người, niềm vui và hạnh phúc rồi sẽ trôi qua, nhưng cũng sẽ trôi qua cái xấu, nỗi buồn và bất hạnh. Vấn đề là ở đó. Chúng ta phải biết vui, phải biết hài lòng với những gì ta đang có, phải yêu người, yêu đời, phải sống với thực tại, nắm bắt từng cơ hội mang tới cho ta niềm vui và hạnh phúc. Đó cũng chính là thông điệp của bài thơ. Xin lưu ý: bài thơ nói về cuộc sống và tình yêu, nhưng từ đầu đến cuối tác giả không hề nhắc một lần nào hai từ “tình yêu”, mặc dầu đó là chủ đề của bài thơ. Sự tinh tế này càng làm tăng thêm cái hay, cái đẹp của bài thơ và cả cái tài của nhà thơ nữa. Đã có rất nhiều người bình và phân tích bài thơ này, lời bình và cách tiếp cận tác phẩm có thể có những điểm khác nhau, nhưng tựu trung, tất cả đều khẳng định, đây là một bài thơ hay, thậm chí là bài thơ hay nhất của bà Wislawa Szymborska.

Tháng 8 năm 1965, tại Liên hoan ca nhạc Sopot, liên hoan ca nhạc hàng năm lớn nhất Ba Lan thời đó, với sự tham dự của đông đảo ca sĩ lừng danh của Ba Lan và thế giới, ca khúc “Không có gì hai lần”, do nhạc sĩ Andrzej Mundkowski phổ nhạc bài thơ cùng tên của W. Szymborska, đã được nữ ca sĩ Lucja Prus (1942 – 2002) thể hiện rất thành công. Tôi và các bạn đồng môn của tôi, vừa mới sang Ba Lan học tập được một năm, đã có cơ hội thưởng thức ca khúc này, trong chương trình truyền hình trực tiếp từ Sopot. Có một điều đặc biệt, toàn bộ bảy khổ thơ của bài thơ được nhạc sĩ sử dụng y chang làm ca từ. Ca khúc kết thúc bằng việc nhắc lại hai lần câu thơ “Khi sinh ra ta không thành thạo/ Ta không lão luyện lúc từ trần”.

Ngày 9 tháng 2 năm 2012 vừa qua, ngày cử hành trọng thể tang lễ nữ nhà thơ, đúng 12 giờ trưa, khi bình tro hài cốt của bà được đưa từ nhà tang lễ tới khu mộ gia đình, thì trên tháp nhà thờ Mariacki(* )ở trung tâm cố đô Krakow, nhà thờ cổ kính bậc nhất châu Âu (thế kỉ XIV – XV), thay vì tiếng kèn hiệu vào giờ này hàng ngày, ngân vang giai điệu phổ thơ của bà - bài Không có gì hai lần, do nghệ sĩ kèn trumpet tài danh trình tấu. Tiếng kèn da diết tiễn biệt nữ nhà thơ tài hoa về cõi vĩnh hằng vang vọng khắp cố đô và được truyền thanh trực tiếp ra toàn cõi Ba Lan, gây xúc động lòng người, phố đông nín lặng, nhiều người không cầm nổi nước mắt. Đó là tiếng kèn vô tiền khoáng hậu. Vinh dự này, sự tôn vinh này, chỉ dành cho nữ nhà thơ Wislawa Szymborska mà thôi.



BẢN ĐỒ

Bài thơ cuối cùng của Wislawa Szymborska



Tấm bản đồ

trải phẳng trên mặt bàn

Không dịch chuyển

không suy suyển.

Bên trên bản đồ -

hơi thở con người của tôi

không tạo ra những cơn lốc xoáy,

không xóa nhòa những sắc màu tươi rói

của tấm bản đồ.


Ngay cả biển cũng xanh hoài màu xanh dễ chịu

bên những bờ nứt toang.


Ở đây cái gì cũng nhỏ xíu, tới được, rất gần.

Tôi có thể gí đầu móng tay vào núi lửa,

và chẳng cần đi găng dày gì cả,

vẫn xoa tay trên trên hai cực địa cầu,

một cái nhìn của tôi

thâu tóm từng sa mạc

cùng con sông liền kề.


Vài cây nhỏ cỏn con,

là ký hiệu rừng nguyên sinh ở đó

đi trong rừng cây như thế

làm sao cos chuyện lạc đường.


Phía tây, phía đông,

bên trên, bên dưới đường xích đạo –

im lìm như anh túc đã gieo(*)

trong mỗi hạt màu đen

con người đang sinh sống.

Mồ tập thể, những trận hủy diệt bất ngờ

không có chỗ trên bản đồ này.


Biên giới các quốc gia nửa mờ nửa tỏ,

dường như các đường biên này đang do dự

có nên trường tồn hay không.


Tôi thích bản đồ này, vì bản đồ nói dối.

Vì sự thật trêu gan bị bản đồ cấm cửa.

Vì vừa hảo tâm vừa vui tính,

bản đồ trải lên mặt bàn cho tôi một thế giới,

chẳng phải thế giới này.



Lời bình:

Bản đồ - Bài thơ khép lại một đời thơ

Nữ nhà thơ đoạt giải Nobel năm 1996, bà Wislawa Szymborska, lao động vì thi ca cho đến những ngày cuối cùng của đời mình. Bài thơ Bản đồ (Mapa) chính là bài thơ cuối cùng của bà, khi bà hoàn thành bài thơ chỉ vài ngày trước khi bà nhắm mắt xuôi tay. Bà đã dặn người thư kí của mình, cho công bố bài thơ trên tờ Tuần báo Phổ thông (Tygodnik Powszechny), một tờ báo mà khi còn sống bà đã có nhiều gắn bó. Ý nguyện của bà đã được thực hiện. Ngày 6 tháng 2 năm 2012, tờ Tuần báo Phổ thông đã ra số chuyên san, số 7, về Wislawa Szymborska, trang trọng công bố bài thơ này. Ngay lập tức bài thơ được công chúng Ba Lan nâng niu, đón nhận, được dịch và đăng tải ở nước ngoài. Bài thơ khép lại một đời thơ của bà mang đậm tính cách, phong cách và lối tư duy của nữ sĩ. Vẫn giản dị, vẫn mộc mạc, vẫn đời thường, nhưng vô cùng sâu sắc, nhiều triết lý và đầy trí tuệ, giàu tính nhân văn. Tôi đặc biệt thích thú khi đọc khổ thơ: “Biên giới quốc gia nửa mờ nửa tỏ/ dường như các đường biên giới này đang do dự/ có nên trường tồn hay không/. Đây là một giọng thơ đầy lãng mạn, sâu sắc và nhân văn. Nhà thơ kỳ vọng, đến một ngày nào đó biên giới giữa các quốc gia sẽ không còn nữa, trên hành tinh này chỉ tồn tại một thế giới đâị đồng, cả thế giới là một “Đại quốc gia”. Cùng với nhà thơ, chúng hãy cứ kỳ vọng, hãy cứ lạc quan về tương lai của một thế giới đại đồng.

Có thể nói, Bản đồ là một bài thơ trào lộng rất đỗi Szymborska, một cách nhìn độc đáo. Đọc xong rồi, người đọc vẫn còn nhâm nhi, vẫn còn nhấm nháp dư vị của bài thơ.



TẤM ẢNH CHỤP NGÀY 11 THÁNG 9


Họ nhảy xuống

Từ những tầng nhà rực lửa

một người, hai người và tiếp nữa

cao hơn, thấp hơn


Tấm ảnh chụp cố níu họ sống,

Con bây giờ lưu giữ họ

Đang lao xuống

từ trên cao


Họ vẫn còn nguyên

với gương mặt mình,

Máu họ vẫn chìm

Sâu trong cơ thể


Thời gian còn đủ

cho tóc họ bay,

Tiền xu, chìa khóa

rơi khỏi túi dày.


Họ vẫn còn trên không trung,

trong những vị trí

mở toang


Chỉ hai việc tôi có thế làm cho họ:

Miêu tả chuyến bay

Và không đặt tay

Ghi vào câu kết.



Lời bình:

Đây là một bài thơ viết về tấn bi kịch ngày 11 tháng 9 năm 2001, trên đất Hoa Kỳ, khi trong vòng 1 giờ 42 phút hai tòa tháp đôi cao 110 tầng bị quân khủng bố Al Qaeda phá sập, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người và 6000 người bị thương.

Viết về bi kịch , nhưng không một câu chữ nào tác giả nói về bi kịch, về cái chết đang cận kề. Tác giả chỉ mô tả như mô tả một chuyến bay của những con người đang đang lao xuống đất từ hai tòa tháp đôi 110 tầng - “Họ vẫn còn nguyên/ với gương mặt mình/ Máu họ vẫn chìm / Sâu trong cơ thể”. Hoặc: “Họ vẫn còn trên không trung/ trong những vị trí / mở toang”.

Họ vẫn sống, họ đang sống, tác giả không muốn và không chịu để cho họ chết một cách tang thương. Cho nên nhà thơ viết:

“Chỉ hai việc tôi có thể làm cho họ: /Miêu tả chuyến bay/ Và không đặt tay /Ghi vào câu kết”.

Đây là một đoạn kết thâu tóm toàn bộ tính nhân văn của bài thơ, và hơn thế, lòng nhân ái, thương người như thể thương thân của bà. Nhà thơ lực bất tòng tâm, bó tay thật sự rồi, nhưng bà vẫn cố làm những gì bà còn có thể làm, để bà không phải nói, không phải viết về một kết cục bi đát. Và để được vậy bà đã quyết định “…không đặt tay, ghi vào câu kết”. Câu nói nói này, một câu nói biểu đạt cái tâm, cái tầm ắp đầy tính cách Szymborska.

LBT.