Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ THƯƠNG VĂN LINH

Nguyễn Kế Nghiệp
Thứ ba ngày 6 tháng 6 năm 2023 11:26 AM



TNc: Nhà văn Văn Linh vừa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Nhớ hồi nhỏ đọc Mùa hoa dẻ của ông mà vẫn nhớ đến bây giờ.


Ngày mồng 5 Tết Giáp Ngọ tôi đến nhà A5 Khu tập thể Giảng Võ thăm Văn Linh, một chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam, một cựu chuyên gia văn hóa thuộc Chi Hội hữu nghị Việt – Lào chuyên gia các ngành tuyên huấn, văn hóa, giáo dục và báo chí. Nắm chặt tay tôi ở cửa phòng 219, ông nói “Xuống cấp quá rồi. Cái rét đợt này nó hành mình ghê quá. Ăn không được, ngủ không được, đau quá”. Hồi còn học phổ thông tôi thích đọc tiểu thuyết “Mùa hoa dẻ” vừa ra lò, một tác phẩm phản ảnh chân thật tình cảm, suy nghĩ của lớp thanh niên bấy giờ hồn nhiên, trong trắng. Mê đọc “Mùa hoa dẻ” và những tác phẩm viết sau đó của ông, tôi mong muốn được gặp tác giả. Như có duyên phận với nhau, năm 1970 tôi cùng sống với Văn Linh trong đoàn chuyên gia tại khu vực Phu Khe ở Sầm Nưa. Sau khi cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn năm 1975, về nước chúng tôi lại cùng sinh hoạt trong Chi hội hữu nghị Việt-Lào, thường xuyên gặp nhau để ôn lại kỷ niệm đẹp trong những năm tháng ở chiến trường và thăm hỏi, động viên giúp đỡ nhau theo tiêu đề “Trọn tình với Lào, vẹn nghĩa với đồng đội”. Không thể ngờ, cuộc gặp ngày mồng 5 Tết Giáp Ngọ là cuộc gặp cuối cùng của chúng tôi với một đồng đội có 15 năm gắn bó với chiến sĩ, cán bộ và nhân dân Lào – Nhà văn Văn Linh. Ông đã trút hơi thở cuối cùng hồi 8 giờ 15 phút ngày 7.3.2014.

Nhà văn Văn Linh (Trần Viết Linh), sinh năm 1930, tại phường Đại Nai, thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1949, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam phân chia sự giúp đỡ cách mạng Lào cho các Liên Khu. Mặt trận Hạ Lào do Liên khu V phụ trách. Mặt trận Trung Lào do Liên khu IV phụ trách. Anh lính trẻ Trần Viết Linh đang chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa được tham gia trong đơn vị vũ trang chiến đấu tại mặt trận Trung Lào, với cái tên thống nhất Quân tình nguyện Việt Nam theo quyết định của Trung uơng Đảng ta ngày 30-10-1949. Hiểu rõ thiên nhiên và con người miền Trung hai nước Việt-Lào, ông còn được giao trọng trách Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cha Lo giữ cho sự bình yên và phát triển vững bền vùng biên giới miền Trung hai nước anh em. Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh leo thang, phá hoại vùng giải phóng Lào, ông lại được cử sang Lào làm chuyên gia văn hóa trong suốt 10 năm. Có tới hai lần ông được chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc Lào đùm bọc, chở che thoát chết khi bọn thổ phỉ lùng xục.

“Ngôi nhà sàn chơi vơi” do ông và nhà báo Phan Sĩ Quán dựng cheo leo trên vách đá ở Phu Khe, Sầm Nưa làm nơi gặp gỡ, đàm đạo với nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam sang Lào công tác, như Đỗ Nhuận, Đinh Đăng Định, Tân Nhân, Lệ Thu, Nguyễn Văn Tý, Huyền Kiêu, Nguyễn Văn Thương và Trần Tiến… Nhiều chương trình giúp bạn Lào về xây dựng đội ngũ và sáng tác văn học, nghệ thuật từng ấp ủ nơi đây. Ngôi nhà sàn chơi vơi còn là “Trụ sở” làm việc với các đồng nghiệp Lào. Văn Linh đã làm việc với nhiều cây bút trẻ của Lào, như nhà văn Đuông-xay Luổng-pha-xỉ, người giành giải Văn học quốc tế sông Mê Công năm 2008; Văn May-xúc-coong-mi, người nhận giải Văn học quốc tế sông Mê Công năm 2009 tại Cam-pu-chia… Trưởng thành từ vùng giải phóng, các nhà văn trẻ của Lào đã chân tình gọi nhà văn Văn Linh là “Thầy của em. Nếu không có thầy, em không biết viết văn”. Cũng tại đây, Văn Linh, Phan Sĩ Quán và Nguyễn Xuân Bảng đã cùng các đồng nghiệp Lào xây dựng ý tưởng xuất bản những tác phẩm văn học Lào. Tập hồi ký “Xẻng Xạ vàng” (Ánh sáng cách mạng) hơn 100 trang của nhà văn Chăn-thi Đươn-xa-vẳn được coi là cuốn sách mở đầu của văn học cách mạng Lào. Tiếp đó là truyện “Xảo Nọi”, hơn 200 trang của bác sĩ Khăm-liêng Phôn-xê-na, được nhiều người đón đọc.

Trong lĩnh vực sáng tác, Văn Linh có sức viết khỏe. Viết về Lào với bút danh Thạo Bun Lin, Thoong Văn-vi-chít, ông có tới 17 đầu sách. Tiểu thuyết “Tiểu đoàn 2” đã được ngành điện ảnh Lào dựng thành phim. Tiểu thuyết “Pả Xua” được các bạn đọc trong nước và quốc tế đánh giá cao về nghệ thuật và nội dung. Các truyện “Trên đất bạn”, “Xảo Khay”, “Phim Phạ”, “Bến Thác” được nhiều người, nhất là lớp trẻ tìm đọc. Có lần đoàn quay phim vô tuyến truyền hình Nhật Bản đến thăm vùng giải phóng Lào ngỏ ý xin gặp nhà văn Thạo Bun Lin để trao đổi việc in sách của ông. Lãnh đạo ngành văn hóa bạn trả lời nhà văn này đang công tác ngoài mặt trận. Không gặp được tác giả Thạo Bun Lin, nhưng đoàn làm phim Nhật Bản vẫn đến quay cảnh Ngôi nhà sàn chơi vơi lưng chừng núi đá, treo đầy phong lan, rất mộng mơ. Một số tác phẩm của ông đã được Hội quốc tế ngữ Nhật Bản in lại.

Suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, ngoài 15 năm sống và chiến đấu trên đất bạn Lào, Văn Linh đã sống, chiến đấu và làm việc tại Quảng Bình. Có thể nói ông là một trong số ít nhà văn gắn bó với Quảng Bình suốt cả cuộc đời. “Mùa hoa dẻ” viết năm 1957, 200 trang, đến nay đã tái bản 6 lần với số lượng in 60.000 cuốn. Tiểu thuyết “Con ngựa bốn vó trắng”, hơn 200 trang, tiểu thuyết “Hai bờ một thung lũng”, 250 trang. Bộ tiểu thuyết “Sông Gianh” ba tập, xuất bản năm 1998, hơn 1.500 trang, có thể coi là bộ sử thi về một vùng đất miền trung kiên cường, anh dũng. Tiểu thuyết “Tịnh Hà dấu yêu” viết xong ít lâu thì ông lâm bệnh suy sụp. Đây là tác phẩm thứ 70 sau rất nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim. Truyện cho thiếu nhi có tới 15 đầu sách, sách nào cũng tái bản nhiều lần. Truyện “Nơi xa” tái bản trong nước tới 9 lần, in tại Nga và Bê-la-rút tới 4 lần. Trong Tổng tuyển văn học Việt Nam xuất bản mới đây, Ban biên soạn đã chọn in hai tiểu thuyết “Mùa hoa dẻ” và “Pả Xua” của ông, được đánh giá là những tác phẩm văn học tiêu biểu, xuất sắc trên văn đàn Việt Nam thế kỷ 20.

Nhà văn Văn Linh không thích ồn ào, khoe mẽ. Ông lặng lẽ sống và lặng lẽ viết cho tới khi kiệt sức. Ông để lại cho đời 70 tác phẩm văn học, mà mảng văn học nào cũng sáng giá, được người đọc trân trọng. Ông đã được Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương ITSALA hạng nhất. Thế là đủ cho một đời người, một đời văn. Cầu chúc nhà văn Văn Linh, đồng đội của chúng tôi yên nghỉ bình an nơi thế giới người hiền.

NGUYỄN THẾ NGHIỆP

Nguồn: vanvn.net