Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“HƯƠNG” CỦA TÌNH TỰ DÂN TỘC

Lê Anh Phong
Thứ hai ngày 12 tháng 6 năm 2023 2:05 PM




( Đọc tiểu thuyết “Hương” của nhà văn Nguyễn Thụy Kha )


350 trang, tiểu thuyết “Hương” của nhà văn Nguyễn Thụy Kha được cấu trúc thành 10 chương và khúc vĩ thanh. Chiến tranh và hậu chiến, hiện tại và hồi ức vừa như đồng hiện vừa như đối thoại. Xoay quanh trục thời gian ấy hiện lên cái nhìn bao dung và nhân ái của tình tự dân tộc. Có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà tinh thần hoà hợp dân tộc được một nhà văn chọn làm âm hưởng chủ đạo và đích đến của tác phẩm. Vì thế, dường như diễn ngôn của văn bản chịu ảnh hưởng của tính luận đề.

Như tác giả tự bạch, “cốt truyện của tiểu thuyết được xâu chuỗi từ bao nhiêu câu chuyện đã nghe, đã đọc”. Tốt nghiệp Đại học Thông tin, vào lúc cuộc chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt (1971), chàng kỹ sư Nguyễn Thụy Kha lên đường ra trận. Anh là người trong cuộc, là chứng nhân của vùng giao tranh đẫm máu Thành Cổ Quảng Trị, đồng thời là nhà thơ - nhạc sĩ, nên những trang viết trong “Hương” vừa giàu chất tư liệu của chiến tranh, vừa thấm đẫm cảm xúc, chiêm nghiệm từ bài học của máu, từ vẻ đẹp của một thế hệ tài hoa ra trận.

Nhân vật chính là Lĩnh, một người lính giải phóng đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn, Hà Nội. Là lính thông tin Quảng Trị, anh gặp Hương, cô chủ quán. Cùng yêu âm nhạc, họ đã đến với nhau trong tình yêu đằm thắm. Nhưng chiến tranh đã đẩy họ ra xa. Lĩnh bị thương và được đưa vào bệnh viện ở Thành Nội - Huế. Người cứu chữa và trở thành bạn anh là bác sĩ Bao, thuộc quân đội Việt Nam cộng hoà. Sau đó, Lĩnh bị đưa vào Đà Nẵng và mất liên lạc. Trong hoàn cảnh ấy, trong sự cô đơn vô định, Bao gặp Hương, dù biết cô đang mang thai với Lĩnh nhưng anh vẫn quyết định tổ chức hôn lễ. Ngày 29/4/1975 vợ chồng Bao di tản sang Mỹ. Sau khi Hương mất vì trọng bệnh, khi mối bang giao Việt Nam và Hoa Kỳ được nối lại, trong một lần đến quận Cam, Lĩnh gặp lại Bao và lần đầu gặp Thơm, con gái của mình, của mối tình xưa với Hương.

Câu chuyện được kể không theo tuyến tính, mà đan xen giữa hiện tại và hồi ức, giữa hồi ức và hiện tại cứ vấn vít trong nhau. Các nhân vật, đặc biệt nhân vật chính luôn bị ám ảnh, vây bọc trong thời gian và không gian ấy của truyện. Đôi lúc, ta gặp những trang viết theo phong cách tiểu thuyết tâm lý. Xen kẽ là những bài thơ, bài hát. Tuy không nhiều, nhưng tính thông tấn cũng hiện lên, nhất là khi tác giả viết về các trận đánh và thông qua hình thức nhật ký chiến trường. Văn phong khi thì khúc chiết, khi thì bay bổng giàu chất thơ, lúc trực diện, lúc sương khói…

Hương xuất thân từ dòng họ hoàng tộc ở Huế. Lĩnh là chàng trai Hà Nội yêu thi ca. Bao sinh ra ở Sài Gòn đam mê lịch sử. Họ chính là hình ảnh của ba miền Bắc - Trung - Nam, họ mang theo những vẻ đẹp văn hoá, lối sống không thể nào chia cắt. Chiến tranh, sự mất mát thương đau, sự cô đơn đã khiến con người xích lại gần nhau. Bao đến với Hương trong sự chia sẻ và cảm thông. “Giữa Lĩnh với Hương và Bao có một tình cảm gì đó rất gần gũi nhưng ở trên tất cả những hận thù, đối kháng”. Bom đạn mang đến dấu trừ. Nhưng Hương là dấu cộng giữa ba người. Đó là cuộc tình tay ba đẹp nhất thế gian.

“Hương” là cuốn tiểu thuyết nghiêng về phía phi hư cấu. Nhưng nhân vật chính (Lĩnh) là sự tổng hoà nhiều gương mặt, nhiều câu chuyện có thật từ đời sống, từ những ký ức không quên. Có lẽ chính tác giả là nguyên mẫu khởi phát để sáng tạo nên nhân vật này. Sự trộn lẫn giữa hư cấu và phi cấu làm cho câu chuyện vừa hư vừa thực, như giấc mơ về những đám mây chở bóng người đi về giữa hai miền ký ức và hiện tại. Ở đó ẩn hiện những mạch ngầm cuộc đối thoại chiến tranh và hậu chiến, cá nhân và dân tộc, bản ngã và tha nhân.

Chiến tranh và “thân phận của tình yêu” được nhìn từ nhiều phía. Điểm nhìn cũng luôn thay đổi linh hoạt, nhưng không mang cái nhìn của “bên thắng cuộc”. Tôi đọc “Hương” trong đêm và chợt nhớ câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Bước ra từ bom đạn, vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành trong tinh thần hoà hợp. Sự cởi mở, sự thật và khách quan là từ khoá của câu chuyện trước chân trời. Dường như có hai dòng chảy cùng đồng hiện trong văn bản. Song hành với câu chuyện tình yêu, tình người là câu chuyện của thời cuộc, của lịch sử dân tộc trong và sau chiến tranh. Bên cạnh tự sự, đôi lúc xen vào đó là những bình luận, kiến giải thẳng thắn và chân thành: “Sau 1975, những sai lầm trong “vơ đũa cả nắm” đã đánh mất khá nhiều chất xám, vốn quý của dân tộc nằm trong những người hiền lành nhưng rất tinh hoa bị bắt đi lính, đã quy chụp họ là thù địch, là nguy hiểm. Cứ đọc Nguyễn Bắc Sơn sẽ thấy họ khao khát gì, mong ước gì? : “Điều ta tặng chính là chầu khoái cảm/ Trong gói quà có núi có sông/… Có một Việt Nam quằn quại trong cơn đau/ Có khí thế đứng lên xây đời hậu chiến”. Rõ ràng lòng nhân và tinh thần hoà hợp đã khiến nhà văn lên tiếng: “Dưới đáy sông Thạch Hãn bao nhiêu đồng đội nằm lẫn cùng bao nhiêu xác lính cộng hoà”. Đó là thứ ngữ pháp của “Hương”, của đường xa ngoái lại. Đó không chỉ là hiện thực khách quan, mà còn là hiện thực của tâm linh, của hiện sinh ám ảnh. “Lịch sử đã dẫn dắt dân tộc đi qua một chặng đường máu lửa, rất ít lối rẽ cho yêu thương bất ngờ như Lĩnh và Hương”.

Viết về chiến tranh mà không thấy khoảng cách địch – ta trong chữ nghĩa, không thấy phản diện – chính diện trong cấu trúc, chỉ hiện lên màu của máu và chân dung con người, từ cả hai phía chiến tuyến. Phải chăng đó là góc nhìn âm bản khuất lấp mà văn chương trước đây thường né tránh. Những người lính từ hai phía đều hiện lên trong sự đầy đặn nhân tính. Lĩnh thì “đào ngũ ngược” trở lại vùng chiến sự để tìm Hương. Một sĩ quan cộng hoà gốc Bắc thì lại nhớ Hà Nội của thời thơ ấu với biết bao kỷ niệm buồn vui. Luôn nhớ về Hương trong hy vọng, Lĩnh sống độc thân, không chịu lập gia đình. Chiến tranh hay định mệnh, cuộc gặp giữa Bao, bác sĩ trong quân đội Việt Nam cộng hoà và Lĩnh, người tù binh bị thương được anh chăm sóc như một giấc mơ, dẫu “trong đêm đôi khi vẫn nhói nhức”. Sự nghi ngại ban đầu được xoá tan bởi câu nói của người bác sĩ “Người Việt Nam với nhau” nghe mà ấm lòng. Và họ đã kể cho nhau nghe về cuộc đời, gia đình và quê hương. “Câu chuyện về Hà Nội của Lĩnh và Sài Gòn của Bao cứ đan xen, cứ xoắn bện vào nhau vừa lạ lẫm vừa thân thuộc”. Tất cả như mê đi khi nghe nhau kể “Sài Gòn là sông, là những con kênh nối với miền Tây Nam bộ. Hà Nội cũng là sông, là những hồ nước rộng mênh mông. Hồ Gươm ở ngay chính giữa thành phố”. Phải chăng từ hai chiến tuyến, họ trở thành bạn của nhau bởi sự đồng hiện, đồng điệu về văn hóa. Họ mang theo thiên lương, căn tính người khi lâm trận. Và phải chăng, họ đều sinh ra bên những dòng sông, lẽ nào sông nước quê hương lại chia cắt họ. Xưa là sông Gianh, nay là Bến Hải, Thạch Hãn. Thiên nhiên hiện lên trong văn Nguyễn Thụy Kha thật trong trẻo nhưng thấm thía và mang nhiều ẩn ức. Vượt lên mọi hận thù, “Lĩnh và Nhật đàm đạo với nhau về cuốn sách viết chung trận chiến Quảng Trị, nhìn từ hai phía”. Có lẽ đây là đỉnh cao của sự hòa hợp. Trang giấy trắng để cùng nhau soi vào, họ sẽ gặp nhau bởi tiếng Việt. Đó là chuyện trong chuyện, ký ức trong ký ức. “Hương” đã được viết trong sự cộng hưởng của tâm thức nguồn cội đồng bào, chỉ có như thế chúng ta mới tin yêu cuộc sống này “và thanh thản bước tới tương lai”

Trong tác phẩm có nhiều cuộc trở về, nhưng có lẽ cuộc trở về của Thơm, của thế hệ hậu chiến làm người đọc thấy ấm áp nhẹ lòng. Thơm phát hiện ra giọng hát Khánh Ly “hay khác thường” khi cô được nghe người ca sĩ gốc Hà Nội hát tại Nhà hát Lớn. Nguyễn Thụy Kha tinh tế và sâu sắc trong tình huống, chi tiết, tình tiết truyện. “Nghe “Diễm xưa” Thơm nhớ mẹ vô cùng. Mẹ Hương rất thích bài này. Còn bố Lĩnh thì bảo nhờ bài hát này mà bố đem lòng yêu mẹ Hương”. Âm nhạc Trịnh Công Sơn đã trở thành cầu nối hàn gắn vết thương dân tộc, trong đó có gia đình Thơm. Văn Cao, Nguyễn Tuân, Phạm Duy, Tô Thuỳ Yên, Nguyễn Bắc Sơn… bao gương mặt văn nghệ sĩ tinh hoa tiêu biểu của một thời loạn lạc từ hai phía như đồng hiện trong trang sách, trong đời thường khi cùng nhau bước ra khỏi cuộc chiến “Thế là ông Sỹ và Lĩnh (hai người trước đây ở hai chiến tuyến) cùng hát lên “Suối Mơ”. Một dòng suối của mộng mơ lại chảy tràn trong tâm hồn ngỡ đã cằn khô bởi bao biến động của lịch sử, của thời gian”. “Việc ba Bao quý trọng bố Lĩnh như một người bạn tri kỷ đã khiến Thơm nhìn ra được một chút gì le lói trong bóng đêm của quá vãng, của kỷ niệm, của hồi ức rớm máu “. Đến lượt mình, Thơm trở thành dấu cộng thứ hai giữa bố nuôi và bố đẻ, giữa người lính giải phóng và người lính cộng hòa. Tôi nhớ mãi cuộc trở về của Bao: “Bao chầm chậm từng bước thả bộ trên con đường vào thị xã Quảng Trị với chiếc ba lô tòng teng trên vai. Cảm nhận rõ nhất của một người Việt xa xứ bên kia bán cầu khi trở về mảnh đất này là cảm nhận trong vô hình kia, hình như có rất nhiều linh hồn đang rảo bước cùng Bao trong nắng. Không khí chừng nặng hơn. Điều khiến Bao cảm nhận như đang đi trong một nghĩa trang rộng rinh là có thật. Bao cứ nhìn những đốm lửa hương còn lại chút lập lòe đâu đó nơi những bát hương kia mà thấy lòng chùng xuống một nốt trầm ở ngoài mọi phím đàn trầm nhất…”. Và đâu đây đang vang vọng những câu thơ của Tô Thuỳ Yên: “Ta về như lá rơi về cội/ Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/ Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ Giải oan cho cuộc bể dâu này”. Rồi thế hệ của Thơm, Thiện, Việt và Hoa sẽ kể tiếp câu chuyện…

Nửa thế kỷ đã đi qua, vẫn còn những khoảng trống cần lấp đầy. “Ở giữa họ còn mênh mang một khoảng trống mất mát. Khoảng trống tên là Hương”. Nhưng, những mảnh vỡ của “thân phận chiến tranh” đang tìm lại nhau chắp nối trong bức tranh của “tình yêu, tình bạn, tình đồng hương, tình đồng bào…”. Cái Đẹp của văn chương cứu rỗi con người, giúp ta trở về ngôi nhà chung trước biển, sóng ở đâu cũng có hình chữ S, giúp ta đi qua những năm tháng của một thế giới đầy bất an và biến động.

Không chỉ có chuyện, cuốn tiểu thuyết còn ánh lên vẻ đẹp của văn, lấp lánh những hạt bụi người trong chất văn của đời sống giàu suy tưởng. Trữ tình và chính luận. Dòng chảy của lịch sử và mạch ngầm của thân phận. Bao trùm lên những trang viết là bản lĩnh văn hoá, tâm thức dân tộc, là sự lịch lãm tinh tế, thấu đáo nhân tình, là sẻ chia bao dung từ nghiệm sinh, từ tấm lòng người viết. Nếu chuyển thể, tôi tin rằng điện ảnh sẽ có một bộ phim hấp dẫn và góp phần tích cực vào tiến trình hòa hợp dân tộc, hướng đến tương lai.

Phải chăng vì thế, qua tao loạn, “Hương” không chỉ là tên nhân vật, mà đó còn là hương của mùa người lắng lại, của tình tự dân tộc.

L A P