Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẢO TỒN BẢN SẮC VĂN HÓA

Đắc Trung
Chủ nhật ngày 4 tháng 6 năm 2023 11:13 AM




Sách "Hậu Hán thư" (là tác phẩm lịch sử chính thức của Trung Quốc do Phạm Diệp biên sọan vào thế kỷ thứ 5 bao quát triều Đông Hán từ năm 25 đến 220) viết rằng sau khi đánh bại Hai Bà Trưng (năm 43), Mã Viện thỉnh tấu lên vua nhà Hán:

""Việt luật" so với "Hán luật" sai khác nhau 10 điều".


Việc ấy chứng tỏ những năm đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên có thể từ nước Văn Lang rồi Âu Lạc của người Việt đã tồn tại với tư cách một quốc gia độc lập có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ song song với các triều đại Trung Quốc. Cùng bộ máy công quyền từ triều đình đến quận huyện, quản lý điều hành xã tắc bằng pháp luật.


Sức mạnh của dân tộc Việt bắt nguồn từ nền tảng truyền thống dựng nước và giữ nước đã rất xa xưa. Điều đó càng được khẳng định khi Lý Thường Kiệt khảng khái tuyên ngôn:


"Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".


Tiếp đến là hùng văn của Nguyễn Trãi trong "Bình ngô đại cáo":


"Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc - Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

Nhưng hào kiệt thời nào cũng có".


Với tinh thần tự chủ và ý thức tự tin, người Việt kiên quyết phản kháng trước mọi thủ đoạn nhằm thôn tính bằng văn hóa của kẻ thù.

Điều đó được thể hiện trong "Lục độ tập kinh" (Tác giả là Thiền sư Khương Tăng Hội):

"Bỏ mình (mạng) chớ không bỏ hạnh".


“Hạnh” đây là lối sống, là cách ứng xử, là những đặc trưng Nhân bản của người Việt. Dù phải "Bỏ mạng" nghĩa là dù phải chết cũng quyết không "Bỏ hạnh". Đánh mất “Hạnh” là mất truyền thống văn hóa và ý chí tự tôn dân tộc, cũng đồng nghĩa với mất chủ quyền đất nước.

Vì vậy người Việt ta lúc nào cũng nối tiếp nhau giữ gìn bảo vệ “Hạnh”.


(Việc ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng xin Thủ tướng cho mở “Khu du lịch khỏa thân” chính là chủ trương hủy hoại “Hạnh” - tinh hoa Đạo đức truyền thống của người Việt, đồng nghĩa với hiểm họa mất chủ quyền Đất nước).


Muốn chiến thắng đối thủ giàu tiềm năng như Trung Quốc người Việt phải dùng sức mạnh của mưu trí và văn hóa chứ không chỉ dựa vào vũ lực. Chính nhờ tài năng tuyệt vời và giữ gìn, bảo vệ được “Hạnh” nên dù nhất thời Tổ quốc bị đô hộ nhân dân ta lại nhanh chóng giành độc lập.


Ngay từ năm 43, Mã Viện tìm mọi cách tàn phá toàn bộ kiến trúc thượng tầng của thời đại Hùng Vương nhằm xây dựng bộ máy kìm kẹp theo "Hán luật".

Nhưng chỉ mấy chục năm sau chúng bị đánh bại hoàn toàn.

Người Việt lại xác lập chính thể của mình trên nền tảng "Văn hóa nước Văn Lang".


Năm 1406 trong "Mật chỉ" của vua Minh Thành tổ trao cho tướng Chu Năng sang chinh phạt nước ta có đoạn:


"Hết thảy mọi sách vở văn tự, cho tới các loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ... một mảnh, một chữ đều phải đốt hết... Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Hoa dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả". ("Đại Việt sử ký toàn thư" - Ngô Sĩ Liên).


Nhưng chỉ hơn chục năm sau toàn bộ quân xâm lược nhà Minh bị nhân dân ta đánh tan.

Người Việt lại xác lập chính thể của mình trên nền tảng "Văn hóa nước Đại Việt".


Sức sống của truyền thống này đã góp phần rất lớn cho ta cả thế và lực.


Nền văn hóa này là kết quả cả quá trình hình thành sáng tạo lâu dài và liên tục trong sự nghiệp nâng cao, mở rộng, hoàn thiện suốt bề dày lịch sử.

Nền văn hóa này không những góp phần làm sụp đổ bộ máy kìm kẹp của kẻ thù xâm lược mà còn biểu lộ tính ưu việt của người Việt đồng hóa ngược lại với người Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau sinh sống tại nước ta, làm họ thành người Việt, chấp nhận nhân cách Việt, phẩm “Hạnh” Việt.


Đặc điểm của “Văn hóa Việt” là “Văn hóa Nhân cách” mang bản sắc phẩm giá cao quý của người Việt.


Điều đó càng chứng tỏ dù chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa nhưng người Việt luôn sáng tạo, bổ sung làm nên sức sống riêng trên nền tảng của Đạo lý dân tộc mình.

Sức sống ấy rất mãnh liệt. Khiến người Trung Quốc phải thừa nhận bất lực bởi không thể đồng hóa được. Sách "Tiền Hán thư" (của Trung Quốc cũng do tác giả Phạm Diệp biên soạn ra đời vào thế kỷ 5 viết về thời Tây Hán từ năm 206 tr.CN đến năm 25) có đoạn:


"Việt là đất phương ngoài, là dân cắt tóc xăm mình, không thể lấy phép tắc của nước mủ đai mà xử lý nó. Từ thời Tam đại hưng thịnh Việt không chịu nhận chính sóc, chẳng mạnh không thể phục chúng, chẳng uy không thể ngăn chúng, cho là đất không thể ở, là dân không thể chăn" (Tam đại hưng thịnh là ba triều Hạ, Thương Ân và Chu người Việt đã không chịu nhận chính sóc... ).


Khí phách người Việt Nam ta là thế.

Kẻ thù Trung Hoa phải thừa nhận "Việt là đất... mạnh không thể phục... uy không thể ngăn", "là đất không thể ở, là dân không thể chăn".


Có được bản lĩnh ấy một phần quan trọng là nhờ “Sức mạnh Văn hóa”.


Người Việt kiên quyết chống lại chính sách nô dịch văn hóa của ngoại bang. Chứ không chống, không bài xích bản thân nền văn hóa đó. Trái lại luôn tỉnh táo, tầm nhìn rộng mở, chọn lọc cẩn thận khi tiếp thu tinh hoa văn hóa các quốc gia khác và luôn ý thức giữ vững “Bản sắc văn hóa” của mình.


Bảo tồn “Bản sắc văn hóa” Việt Nam chính là bảo vệ chủ quyền độc lập toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.


BỞI MẤT “BẢN SẮC VĂN HÓA” LÀ MẤT NƯỚC!