Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN THỊ HỒNG, HOÀI NIỆM TỪ NHỮNG TRANG THƠ TUYỂN

Đặng Văn Sinh
Thứ ba ngày 10 tháng 1 năm 2023 6:31 PM





Cuối năm Nhâm Dần, Nguyễn Thị Hồng xuất bản tuyển tập thơ. Sự kiện này thật ra chẳng có gì lạ đối với một người cầm bút đã ở tuổi 75, từng giữ vai trò trưởng phòng biên tập nhà xuất bản. Đây là một ấn phẩm đẹp, do nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cấp giấy phép, 336 trang, khổ 13.5 x 20.5cm, in 1500 bản, phát hành quý IV năm 2022. “Thơ tuyển” chia làm hai phần, phần tác phẩm 102 bài, trong đó có một đoản khúc “Tự khúc” và một trường ca 54 trang mang tên “Hồn khèn”. Phần tác phẩm và dư luận có 11 bài viết của những nhà phê bình và nhà thơ tên tuổi như Vũ Quần Phương, Lò Ngân Sủn, Đoàn Hữu Nam…

Có thể nói, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thị Hồng là sự nhất quán như một cách nối dài hệ hình thẩm mỹ cổ điển từ giữa thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Đây là sự nhất quán cả trong tư duy nghệ thuật lẫn phong cách diễn ngôn, ít nhiều chịu ảnh hưởng của phong trào Thơ Mới (1932 - 1945). Tuy nhiên, nếu như “Thơ Mới” chỉ là tiền đề trong cuộc hành trình đi tìm đến với cái đẹp thì thơ trữ tình Soviet của một số tác giả nổi tiếng với những bản dịch chất lượng trong sự giao lưu giữa hai nền văn hóa mới là nguồn cảm hứng để Nguyễn Thị Hồng chọn cho mình hướng đi riêng như một cách chiếm lĩnh cái đẹp mà không bị cái bóng của người khác làm nhòe mờ.

Đọc thơ Nguyễn Thị Hồng dễ mà khó. Dễ là ở cấu trúc văn bản, hệ thống từ loại và cách diễn đạt ý tưởng, mà khó là ở sự liên kết bên trong như một chảy ngầm nhiều khi không hiển thị dưới dạng con chữ. Cho nên, một khi tìm hiểu ngôn ngữ nghệ thuật thơ chị ta phải có cái nhìn thấu thị, đặc biệt là đặc trưng phong cách, trong đó, quan trọng nhất là phong cách dụ ngôn. Nhìn một cách tổng quát, thơ Nguyễn Thị Hồng thường được hình thành trên nền tảng sử thi lấy huyền thoại, truyền thuyết làm đối tượng chuyên chở tư tưởng thẩm mỹ, từ đó cấu trúc thành văn bản. Mặt khác, văn bản của chị lại khá đa dạng, các thể loại đều được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, trong đó, thơ tự do chiếm tỷ lệ cao nhất (59/ 102 bài). Tuy nhiên, thơ tự do cũng không có tiêu chí rõ ràng. Chính bởi sự không rành mạch này lại là lợi thế cho tác giả thể hiện sở trường khi chị viết 19 bài dưới dạng 7 chữ, 8 chữ mang hơi hướm “Thơ Mới” nhưng thỉnh thoảng lại chèn vào những câu 6 chữ hoặc 9, 10 chữ với cấu trúc nhịp điệu gần giống với thể loại hát nói mỗi khi đọc lên nghe hết sức truyền cảm.

Nguyễn Thị Hồng làm thơ và có sự thành công từ rất sớm khi mới mười bảy tuổi. Tuy sinh trưởng ở làng quê vùng Đồng Bằng Bắc Bộ, vốn là cái nôi của lục bát nhưng cả tập thơ tuyển lại chỉ có 17 bài. Có vẻ như, thơ tự do mới là sở trường của chị. Mà ở thời điểm những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, thơ tự do có cấu trúc bậc thang được xem như một bước chuyển nhằm thoát khỏi lối tư duy truyền thống bị ám ảnh bới lục bát, song thất lục bát và nhất là thơ tám chữ mang âm hưởng trầm lắng u buồn của dòng văn học Tiền chiến.

Như trên đã nói, thơ Nguyễn Thị Hồng đậm đặc chất sử thi. Gần như bài nào cũng thấp thoáng yếu tố truyền thuyết, huyền thoại nhất là trường ca “Hồn khèn”. Vì thế có thể xem, huyền thoại và truyền thuyết được xem như khởi nguyên hình thành cấu trúc tâm lý trong chiến lược diễn ngôn của tác giả. Đây là dạng cấu trúc có xu hướng mở, như một loại vật liệu được khai thác từ hữu thức, vì thế nó mang tính trực cảm nhưng khá đồng bộ trong cách lập ý, lập tứ và bố cục. Như vậy, yếu tố trực cảm ở đây chẳng những giữ vai trò định hình cảm xúc mà còn như một chât keo dính liên kết các trạng thái cảm xúc để kiến tạo văn bản.

Ở Nguyễn Thị Hồng, điểm nhìn nghệ thuật trong thơ luôn là một hằng số. Nó được xác lập bởi hệ hình thẩm mỹ cổ điển lấy huyền thoại, truyện thuyết làm trung tâm tạo nên những đại tự sự rất phổ biến trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động. Ở những thời điểm mà lịch sử có không ít khúc quanh, sự vận động thường không trùng khớp với quy luật phổ quát, thơ Việt Nam nói chung và thơ Nguyễn Thị Hồng nói riêng, giống như tuyên ngôn nghệ thuật của cộng đồng một khi cái “ta” lấn lướt cái “tôi” cá nhân, và như vậy, nhân vật trữ tình cũng mang chức năng cộng đồng. Là cá nhân nhưng cũng là hình ảnh dân tộc. Cái “tôi” và cái “ta” khi ấy hòa làm một. Dân tộc là cao cả, cá nhân là nhỏ bé, thời đại ấy không có bi kịch, mà nếu có chỉ là bi kịch cá nhân hoặc “bi kịch lạc quan”. Nói cách khác, đây là một thời đại thi ca của chủ nghĩa anh hùng được biểu đạt dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Vì thế, đọc “Thơ tuyển”, ngoài trường ca “Hồn khèn” ta còn thấy rất rõ điều này qua loạt bài tác giả viết từ nửa cuối thế kỷ trước như “Bình dị”, “Trong nghĩa trang liệt sĩ”, “Biên giới”, “Tự khúc”… Phải nói, cho đến bây giờ, đọc những bài thuộc loại này ta vẫn thấy xúc động bởi tâm thế của người viết giao cảm với nhân vật trữ tình ở cấp độ cao nhất, thậm chí chủ thể sáng tạo còn hóa thân vào nhân vật của mình trong trạng thái thăng hoa chẳng khác gì Trang Chu nằm mơ hồn bướm, đến khi tỉnh mộng không biết mình thành bướm hay bướm hóa thành mình.

Không phải là tất cả, nhưng trong tuyển thơ Nguyễn Thị Hồng, người đọc còn nhận ra điều khá lý thú về sự hiện diện của cái “tôi” và cái “ta” trong thế cân bằng phiếm định. Sự tranh chấp giữa cái “tôi” và cái “ta” là một quá trình nhọc nhằn để người nghệ sĩ thoát xác chuyển sang một hình hài mới buộc các nhà thơ phải chấp nhận hiện tượng lưỡng phân. Nguyễn Thị Hồng cũng không ngoại lệ. Nói cách khác, đôi khi chị phải tạm dùng cái “ta” như một thủ pháp nghệ thuật làm mờ nhòe cái “tôi” cá nhân để cho ra đời những sinh thể mới vượt ra ngoài quy chuẩn.

Quá trình chuyển tiếp từ cái “ta” sang cái “tôi” với tư cách là sự giải phóng bản ngã thoát khỏi sự chi phối của nỗi ám ảnh vô hình, với Nguyễn Thị Hồng, bước đầu đã có thành tựu cho dù vẫn còn rón rén như một động thái thăm dò. Những bài “Chợ hoa ngày tết”, Đêm trăng Bác Cổ”, “Một thoáng nét Tày”, Gửi trời Tam Đảo bên kia”, “Khát vọng”, “Lời của những mảnh hài cốt…” rất đáng đọc, đáng suy ngẫm vì tác giả đã dần dần đưa được thân phận con người trong đó, không loại trừ cả bi kịch cá nhân, bị kịch xã hội vào thơ và lý giải theo cách của riêng mình bằng một khuynh hướng tư duy nghệ thuật khác, đem đến cho người đọc cách cảm, cách nghĩ khác.

Nhưng thành thật mà nói, Nguyễn Thị Hồng là nhà thơ ít có những bước đột phá, mà một trong những nguyên nhân cơ bản là chị làm biên tập. Vấn đề là ở chỗ, nghề biên tập phải khuôn vàng thước ngọc, với thơ của mình lại càng phải “chính tắc”. Cái khó bó cái khôn. Rơi vào hoàn cảnh ấy, cho dù có hùng tâm tráng chí đến mấy cũng đành bó tay. Con người công chức có trách nhiệm tuân thủ bổn phận, chịu sự ràng buộc của những quy phạm lúc này phải canh chừng con người nghệ sĩ, giữ cho nó không vượt quá giới hạn. Chính vì thế, có khá nhiều bài tác giả chưa dám đẩy lên dến tận cùng cảm xúc, mặc dù với tài năng bộc lộ khá sớm trên “đường thơ” chị thừa sức làm chuyện đó.

Cũng cần phải nói rõ, khuynh hướng sử thi không phải chỉ ở Nguyễn Thị Hồng mà đó là mẫu số chung của cả một thế hệ cầm bút sinh ra và lớn lên ở thời tao loạn. Có điều, sau hơn nửa thế kỷ thăng trầm dâu bể, qua sự sàng lọc của thời gian, những gì còn lại không nhiều. Những thứ bị chìm đi hầu hết là thơ đám đông cho dù có thời điểm lên gân lên cốt, được báo chí ca ngợi như một hiện tượng. Bởi lẽ, loại thơ cảm xúc giả tạo, đầy rẫy những lời đao to búa lớn, lắm tuyên ngôn, một khi không chạm được vào trái tim con người cũng chỉ là thứ hàng kém chất lượng, có tuổi thọ rất ngắn. Đương nhiên, với tập “Thơ tuyển” này, không phải tất cả đều hay. Điều ấy là không tưởng. Một đời cầm bút chỉ cần bạn đọc nhớ được vài bài đã là niềm hạnh phúc vô bờ. Nguyễn Thị Hồng còn làm được nhiều hơn thế. Chị là nhà thơ trầm lặng nhưng cái còn lại là những dư ba lúc nào cũng lẩn khuất trong tâm hồn người đọc ở “Chợ hoa ngày tết”, “Đêm trăng Bác Cổ”, “Người mẫu”, “Tháp cổ”, “Gửi trời Tam Đảo bên kia”, “Khúc Thánh ca”, “Khát vọng”, “Thành cố Sơn Tây - Cổng phía tây”, “Lời của những mảnh hài cốt bị cày ủi trên cánh đồng”, “Hồn khèn”…

Một trong những nét đáng chú ý của phong cách Nguyễn Thị Hồng là điểm nhìn nghệ thuật được nhìn từ bên trong như một thứ duyên thầm chỉ đồng điệu với những ai có con mắt xanh. Điểm nhìn ấy lại được phóng chiếu qua lăng kính tâm hồn chủ thể sáng tạo nên mạch thơ chìm, nhịp điệu chậm rãi khác hẳn loại thơ ồn ào dán nhãn cách tân làm người đọc choáng ngợp trước những từ ngữ làm dáng nhân danh “lạ hóa”. Có thể nói, thơ Nguyễn Thị Hồng không bị hội chứng tạp niệm pha loãng mà luôn thành thực với với chính mình khi chị nhân danh cái “tôi” cá thể viết về những hoài niệm hay một cảm xúc bất chợt cho dù diễn ngôn vẫn phát triển trên nền tảng truyền thuyết như các bài “Em ra đi”, “Mai sau”, “Quê hương”, “Chị tôi”, “Mưa vịnh Hạ Long”, “Gửi trời Tam Đảo bên kia”. Đặc biệt, ở bài “Suối Nánh ơi cho lòng ta dặm lại”, ở phần kết, tác giả hạ mấy câu làm tâm hồn người đọc xốn xang:

Suối Nánh ơi/ Cho lòng ta dặm lại/ Làm cây cô đơn trên đỉnh núi/ Như bản làng em/ Khuất lấp/ Ngàn trùng…

Bên cạnh những dòng hoài niệm giầu cảm xúc khi mà chủ thể sáng tạo hóa thân vào nhân vật trữ tình, Nguyễn Thị Hồng còn có những bài thơ thế sự được diễn giải dưới hình thức độc thoại như một cách thức nhận chân lý bằng hình tượng thẩm mỹ. “Ánh sáng nhờ nhờ” là một trong số đó. Phải có tâm hồn nhạy cảm qua cái nhìn tinh tế tác giả mới phát hiện ra sự nửa dơi nửa chuột từ một hiện tượng xã hội qua thân phận người đạp xích lô và ông già bán thuốc rong trên đường phố dưới ánh “Trăng hạ tuần mòn vẹt”. Hoàn cảnh khách quan nhưng lại là độc thoại nội tâm. Nỗi niềm ấy tuy được gói khá kỹ trong những câu thơ tưởng như vô cảm nhưng thực chất lại mang sức nặng ngàn cân:

(…)

Hãy tắt đi trăng hạ tuần mòn vẹt

Đã đánh lừa người xích lô nghèo kiết

Đánh lừa cụ già bán thuốc tội nghiệp

Tưởng trời còn chút sáng

Và chờ

Và hy vọng…”

Bài thơ ra đời vào giữa năm 1991, cách đây hơn ba mươi năm, vì thế khi đọc, ta phải tiếp cận ở phần chìm theo phương châm “ý tại ngôn ngoại” của thi pháp thơ Trung đại mới có thể giải mã những bí ẩn mà tác giả ký thác.

Nguyễn Thị Hồng cứ chậm rãi, bình lặng đi đến tận cùng con đường thơ, và trong hành trình của cả một đời người ấy, chị đã chọn được ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình. Đó là thứ ngôn ngữ tạo hình chắc khỏe mà lại mềm mại đầy nữ tính, không hiếm lúc rung lên nhịp điệu tâm hồn ẩn tàng giữa những con chữ tài hoa, mà một trong số đó là “Khát vọng”:

Hai bàn chân bám chắc trên mặt đất

Dáng đứng thẳng mà duyên dáng

Hai bàn tay xòe ra hứng mưa móc đất trời

Khát vọng

Ngàn đời

Của

Kiếp người!


Chí Linh, tháng Quý Đông, năm Nhâm Dần

Đ.V.S.