Đọc nhan đề đã đau mồm bởi lối chơi chữ toàn K. Xem ra, nhan đề đã không hề nghiêm túc. Bởi sự sai sai ở chính tả: KỔ. Bởi độc giả dễ liên tưởng lệch lệch chữ KUẶC với một chữ cùng vần ẶC! Lại còn KỔ đi liền KIM - không phải là các tình tiết theo mạch thời gian tuyến tính tuần tự từ xưa cho tới nay mà là “nộm”- pha trộn, lẫn lộn, tùng phèo dở cổ dở kim cả thời gian, không gian, nhân vật, tình tiết, ngôn ngữ...
Cuốn tiểu thuyết đi theo lối viết cổ, kiểu tiểu thuyết chương hồi, cũng mở đầu bằng hai câu thơ khái quát nội dung của chương, cũng dừng chương ở chỗ cao trào để kích thích sự hồi hộp tò mò của người đọc, buộc người đọc phải đọc chương tiếp theo. Tuy nhiên, kết chương, các giả lại không dùng câu văn truyền thống của tiểu thuyết chương hồi: “Muốn biết sự thể thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ”. Như thế, tác phẩm chỉ có tính chất dở dở ương ương tiểu thuyết chương hồi. Xen vào đó, nhiều tình tiết truyện lại mang màu vẻ của truyền kì, cũng hư hư ảo ảo, chả rõ người hay ma, cũng chêm xen thơ vào văn.... Tuy nhiên, ở truyền kì đến cuối truyện thì những con ma đều lộ rõ mặt thật; tinh chồn, tinh cáo cuối cùng lòi đuôi ra. Nhưng tiểu thuyết “Kim kổ kỳ kuặc ký” thì chịu. Ví dụ, chương 33, “trùng lạ” làm Vương thuốc bắc chết không biết là loại trùng ghê gớm gì; chương 32, chương 37, người người con gái làm cho Mao Tôn Úc chết thê thảm không rõ đó là ma nữ, thần nữ nước Nam hay gái đẹp làm tình báo, làm thích khách. Thế nên, cũng có thể nói là có truyền kì nhưng mà cũng ương ương dở dở, không ra truyền kì. Nghĩa là cổ không rõ cổ, kim không ra kim.
Bối cảnh của tiểu thuyết là thời nước Việt ta vẫn còn tên là Đại Việt, có kinh đô là Thăng Long. Thời gian là thế, nhưng các nhân vật lại sử dụng điện thoại di động, đặt camera theo dõi nhoay nhoáy… Càng đọc càng như bịa như thực, loạn nhào hết cả. Cách dùng từ ngữ của tác giả cũng pha trộn, lúc sặc những từ Hán Việt: tiên sinh, lão phu, chi hồ giả dã…, ước lệ, đăng đối; lúc rất hiện đại với những khẩu ngữ, những cách diễn đạt trắng phớ trực tiếp.
Tất cả những hình thức ấy đem đến lối hài cho tác phẩm- đúng nhan đề tác phẩm: “Kim kổ kỳ kuặc ký”.
Tiểu thuyết hài hước nên bạn đọc cũng tha hồ liên tưởng tới những ẩn ý, bóng gió về cổ lẫn kim: người phương Bắc, nhà đất, virut, giải thưởng văn chương... Đây là yếu tố chính tạo nên tiếng cười- tính trào lộng cho tác phẩm. Có phải chính vì sự hấp dẫn này mà NXB Hội Nhà văn đã TÁI BẢN CUỐN SÁCH LẦN THỨ 3?
Trong cuốn tiểu thuyết có nhiều tranh minh họa. Trần Nhương phô thêm tài của mình ở yếu tố này. Là nhà văn kiêm họa sĩ, tác giả đã tự vẽ minh họa cho chính cuốn tiểu thuyết của mình!
Tác phẩm “Kim kổ kỳ kuặc ký” là một thành công của Trần Nhương. Tuy nhiên, “rằng hay thì thật là hay”, người viết bài này vẫn cảm thấy có chút thiêu thiếu. Giá như “vị truyền kì” của tác phẩm “mặn” hơn chút nữa. Giá như tác giả giữ được bút lực cho đến trang cuối cùng của tác phẩm. Những chương đầu của tác phẩm nhiều chi tiết để cười; nhưng những chương cuối, tính trào lộng giảm dần đi. Đây là nhược điểm, hay tác giả chủ định về bút pháp: đưa tiếng cười của tác phẩm từ bề nổi đến dần lắng sâu, chua chát, nhức nhối trong lòng người đọc?
Dẫu có chút tiêng tiếc, nhưng đọc xong tác phẩm là cười méo cả mặt!