Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ VÀ CON NGƯỜI NGUYỄN BÁ CHUNG

Trần Thị Thắng
Thứ tư ngày 15 tháng 6 năm 2022 6:48 AM



Đây là nhà thơ có bạn nhiều đọc tại Boston ở Mỹ và Việt Nam. Tôi gặp anh đã lâu sau mỗi lần anh về thăm Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng phải có dịp sang Mỹ, đoàn nhà văn ở tại nhà anh, tôi mới thấy rất rõ sự dịu dàng trong sự mãnh liệt của thơ cũng như con người Nguyễn Bá Chung. Anh sống lâu năm ở Mỹ, từ khi còn là học sinh phổ thông đến khi học đại học và ra công tác ngay trong lòng nước Mỹ. Đó là sự đánh đổi bằng máu và ước mắt, bằng cả ý trí lẫn trái tim để Nguyễn Bá Chung đứng vững trong trung tâm Wiliam joiner của trường Đại học Massachusetts . Anh nguyện
làm cầu nối giữa Việt Nam và Mỹ qua giới thiệu Văn học hai nước để cùng bước sang trang Bình thường hóa Việt- Mỹ, đi đến xóa bỏ cấm vận đó là công việc mà anh và bạn bè cùng chí hướng đã dày công làm. Thơ đã làm nên tên tuổi Nguyễn Bá Chung với 3 tập thơ: Mưa nguồn (1996, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh); Ngõ Hạnh (in 1997, NXB Văn hóa-Thông tin); Tuổi ngàn năm Đến tuổi sơ sinh, (NXB Hội Nhà văn 1999). Là một nhà giáo đã hơn hai mươi năm làm việc trong Trung tâm William Joiner của trường Đại học danh giá Massachusetts tại Boston nằm trong bang Massachusetts ( Mỹ). Chúng ta nhìn lại tác giả Nguyễn Bá Chung bằng thơ ca và công việc anh đã làm. Những năm thiếu thời ở miền Nam, anh được học bổng sang Mỹ học, hết hạn học bổng, anh phải trở về Việt Nam. Bằng học lực chính của mình, Nguyễn Bá Chung được học bổng và đi học tiếp. Những năm học đại học, khi mà chiến tranh Việt Nam bước sang chiến tranh Cục bộ. Những người lính Mỹ bỏ quê hương gia đình sang bắn giết và tàn phá đất nước Việt Nam . Lớp sinh viên, học sinh, và những người lính Mỹ trở về, chính họ thấy cuộc chiến tranh ở Việt Nam thật là phi lý. Nguyễn Bá Chung cùng nằm trong dòng sinh viên đi từ Boston lên Washington biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Chính những năm tháng đấu tranh đó đã hình thành tính cách mềm dẻo trong cư xử, nhưng quyết liệt trong hành động của Nguyễn Bá Chung. Sau này anh về Trung tâm Joiner cùng với Kevin Bowen (Trung tâm đứng tên giáo sư William Joiner, cựu chiến binh Mỹ, người da đen từng phục vụ ở Okinawa- Nhật Bản, ông mất năm 1981). Họ là cặp bạn làm việc ăn ý trong các mục tiêu: Xây dựng những giáo trình liên quan đến chiến tranh Việt Nam và tại Trung tâm Joiner “ Nghiên cứu Chiến tranh và Hậu quả của Chiến tranh”. Cả hai cùng thống nhất trong việc chọn dịch và in những tác phẩm Việt Nam tại Mỹ. Trung tâm Joiner có những hoạt động mang tính đặc thù riêng như mở những lớp sáng tác Văn, Thơ, Dịch cho các cựu chiến binh Mỹ đã từng sang Việt Nam. Chính vì lẽ đó, nên có nhiều cựu chiến binh của Việt Nam Cộng hòa không bằng lòng. Ngay từ những năm đầu 1990, một số nhà văn, nhà nghiên cứu của Việt Nam sang Mỹ thăm Trung tâm Joiner. Các cựu chiến binh Sài Gòn ở Boston đứng ra biểu tình, kiện Trung tâm và một số anh em trong đó có Nguyễn Bá Chung. Giữa lúc đó anh chuẩn bị xây dựng gia đình, bên nhà gái, anh em thì im lặng, cha mẹ thì phản đối, sợ con gái mình phải đưa cơm tù cho người dính đến chính trị. Tuy vậy dám cưới vẫn diễn ra, có chăng là đề phòng những người không thân thiện dễ đến phá. Sau đám cưới là phiên tòa xét xử. Những người bị kiện trong Trung tâm Joiner vô can, vì họ kiện Trung tâm, kiện nhà trường. Trong luật Liên bang cá nhân khi kiện trường Đại học Massachusetts là vô nghĩa. Nhìn lại những năm tháng hoạt động trong Trung tâm Joiner, Nguyễn Bá Chung đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 25 năm của Trung tâm William Joiner “Nhìn lại hặng đường 25 năm vừa qua, tôi nghĩ là Trung tâm Joiner đã có một đóng góp rất lớn cho sự hòa giải giữa hai dân tộc Việt Mỹ, nhất là trong suốt những năm cấm vận ngặt nghèo từ 1975 tới 1994. Cái lớn của sự đóng góp đó không phải do tài chánh, do quyền lực, mà là cái lớn ở tấm lòng. Chính vì ở tấm lòng nên mới có thể hòa giải, mới có thể có những tình bạn chân thực giữa những người Việt và người Mỹ. Và từ tấm lòng đó mới có thể đi đến thơ văn. Với tấm lòng đó làm cơ sở, tôi có thể yên tâm nhìn tới phía trước.” Trong hơn hai mươi năm, Trung tâm đã đón hơn một trăm nhà văn Việt Nam. Năm đầu , các nhà văn sang còn ở tạm nhà Kevin Bowen. Những năm sau, có đoàn nhà văn Việt Nam sang làm việc tạiTrung tâm Joiner thì chuyển sang nhà Nguyễn Bá Chung để ở . Hơn một trăm nhà văn, hơn một trăm tính cách, nhưng anh vẫn ân cần lo giúp. Ngoài Nguyễn Bá Chung, phải kể đến người vợ của anh cũng phải yêu Việt Nam, thông cảm và hết lòng với công việc của anh, để ngày ngày cơm nước chợ búa, nấu ăn cho hơn một trăm nhà văn suốt bao năm qua. Vất vả vậy mà chị vẫn luôn luôn cười vui. Có lần tôi nói với anh Nguyễn Bá Chung: Anh có một người vợ rất thương chồng nên sẵn sàng giúp đỡ các nhà văn Việt Nam, đã là nhà văn trăm người trăm tính. Anh cười và nói: Tôi rất biết nhà tôi vất vả cùng anh em mình, nhưng được cái lúc nào cô ấy cũng vui, làm tôi càng vui khi được gặp gỡ anh em mình
Những ngày ở Mỹ, tôi có dịp đọc hết hết những tập thơ của anh một cách cặn kẽ, có nhiều câu chữ hay, mới, rất Việt Nam
Thời tuổi dại mưa nguồn thao thức ngủ
Cây ngô đồng rũ bóng lặng ngoài hiên
Đời hư thực tôi tắm bờ nước lũ
Sóng phù sa chưa vỡ hết ưu phiền
(cơn mưa tím)
Trong thơ Nguyễn Bá Chung, cây ngô đồng, núi đồi, sông suối luôn trở lại trong thơ anh đa dạng và lấp lánh.
…Thị Vải, Thị Vải
kỳ quan – những con người lặng lẽ
Sóng âm thầm
vỗ vào đất khô
vào đá
vào suối
vào mạch nước nguồn
( Núi Thị Vải)
Trở lại Việt Nam, nhà thơ muốn tìm về cái hiện tại của Thị Vải và cái dáng xưa
Chỉ thấy trong lòng mình
một mái chùa cong
một sắc nâu vàng
giữ
nắng.
Cùng với những dòng cảm tác trên, Nguyễn Bá Chung đi trong dòng thời gian hiện tại của Chùa Hương để nhớ về những dấu son lịch sử ngày xa xưa.
Thuyền theo sông Đáy lướt tênh tênh
Đục bến chèo buông bọt trắng ngần
Chiếc lán ngược dòng xuôi lịch sử
Luy Lâu, Khương Hội đã bao xuân?
(Đi chùa Hương)
Mỗi nơi anh đi qua là ghi lại những giai tầng văn hóa ngàn xưa của dân tộc.“Tôi đi khắp ba miền đất nước(Núi Thị Vải)”. Tác giả càng đi càng thấy những nét đẹp ẩn sâu mà lấp lánh trong mỗi địa danh, trên mỗi con đường. Điều đó cũng không phải dễ với mỗi người, vì phải rất yêu quê hương mình, yêu Việt Nam, anh mới dày công tìm hiểu từng địa danh, từng dòng sông ngọn núi của Việt Nam đã in dấu ấn đấu tranh với ngoại xâm để sinh tồn.
Là người sống học tập và làm việc trên đất Mỹ, bằng thơ, Nguyễn Bá Chung ghi lại những nỗi cô đơn, những vật lộn một mình để tồn tại trên đất khách quê người, mong có được chỗ đứng làm việc một cách công bằng như những người Mỹ
Ta nhớ mãi một mùa đông lãng đãng
Sương mù giăng giăng mờ ánh mặt trời
Cây cỏ lạnh ngàn thu xao xác đứng
Đường dài, mộng cũ, tuyết đầy tay
Đứng giữ trần gian hồn củi mục
Nghe như tiếng gọi tự nơi nào
Khuôn mặt ngàn xưa đâu đã bóng
Về thôi – gió lạnh đã lên cao.
(Mùa Đông Xứ Lạ).
Bên cạnh đó là những câu thơ ngang dọc của tuổi trẻ
Vung tay kiếm bạc giang hồ
Lơ thơ trời đổ đã mờ nhân gian
Ra đi cỏ nội mưa ngàn
Giấc mơ tuổi nhỏ vạch ngang lung trời
Con đường cỏ lạnh sương rơi
Con đường lá nhỏ những lời nhắn xưa
Ngày về thung lung đầy mưa
Bóng người xưa vẫn còn chưa dậy hồn
Xin về củi mục cô thôn
Đem câu chuyện cũ làm nguồn ráng bay
Xin về với chút rượu say
Của dòng lịch sử, của ngày tháng không
(Cỏ Nội)
Đọc những dòng thơ trên, ta thấy thơ của Nguyễn Bá Chung là những lời tự sự vui buồn, nhưng đầy sự nỗ lực vượt lên cả thể xác lẫn tâm hồn để vươn lên không ngơi nghỉ. Vươn lên để tồn tại một cách công bằng trong xã hội Mỹ mà người tài cả thế giới đổ về Hoa Kỳ. Ai sống ở đó cũng phải xác định: Sống tại Mỹ dù thất bại hay thành công vẫn phải bám chặt vào đất Mỹ để vươn lên. Tôi được biết chính Nguyễn Bá Chung có lúc nhà anh bị cháy, kéo theo trắng tay. Và như guồng quay của cuộc sống, anh lại đứng lên làm lại từ đầu nơi đất khách quê người một cách tự tin và có cân nhắc rất chín chắn
Chuyện đời người như chuyện một dòng sông
Nước cuốn theo bao cát bụi hồng
Chỉ dòng sông là tham lam giữ lại
Những muộn phiền phế thải của thời gian
Những phế thải đó trở thành thơ, thành ngọc
Thành mộng lớn, mộng con
Như những hạt cơm chưa chín
Trở thành những hạt sạn trong hồn
Nên mỗi khi vui chỉ vui thầm một nửa
Một nửa xin đế hé cho lá rừng
Và mỗi khi buồn chỉ buồn một độ
Một độ còn đưa đón những dòng sông.
(Những Dòng Sông)
Tôi có thêm một đánh giá táo bạo rằng thơ của Nguyễn Bá Chung có những nét rất giống tính nhân văn và lạc quan cùng sự tinh tế trong thơ của nữ sỹ Emily Dickin son (1830-1886) bà sống ở thế kỷ 19 tại Mỹ. Các nhà thơ ở mọi thời đại, ở khắp mọi nơi có những mẫu số chung. Khi nói tới tình yêu Emily coi tình yêu như
Ta chăm chút tình yêu giống như áo quần
Và sau đó ta đem cất vào tủ
Cho đến một khi trở thành đồ cổ
Thì ta lấy ra từ đó và mang.
(bài 887)
Mỗi người có một tình yêu riêng, mỗi thế kỷ tình yêu cũng khác, nhưng tính thẩm mỹ của tình yêu ở mọi thời đại đều giống nhau
Nên mới hiểu nỗi đau sâu hơn nữa
Vết cô đơn không thể lấp bằng người
Đời có gì quả thật là lận đận
Tim tan tành rồi tim lại loi ngoi
Nên vẫn nhớ ơn người mãi mãi
Một cái gì là lạ đã khơi lên
Dù trần gian sướng khổ ưu phiền
Xin nhận đủ - với muôn vàn cảm tạ.
(Tự Tình)
Ta chợt hiểu tình yêu là thế đó
Nửa hình hài đâu gói được thiên thu
Trong giây phút tưởng như là gặp gỡ
Em nửa thiên đường, ta nửa phù du.
(Nửa cõi hình hài)
Một điểm then chốt trong thơ Nguyễn Bá Chung đó là tính nhân văn trong thơ anh rất sâu lắng cộng sự lạc quan và tin yêu. Điều này nó có ảnh hưởng phần nào tính nhân văn trong thơ của Emyly Dickinson ở thế kỷ 19 tại Mỹ không? Tôi tin là có. Thơ mọi thế kỷ, mọi con người chính danh là nhà thơ đều có mẫu số chung là tính nhân văn. Nguyễn Bá Chung cũng nằm trong dòng thơ của nhân loại đạt tính nhân văn trong thơ để dẫn dắt con người. Chúng ta cùng đọc những dòng thơ của hai nhà thơ ở cách nhau hai thế kỷ
Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Bao triệu người chưa một niềm vui
Hãy để vết thương nằm yên, ngủ yên
Trên đỉnh gió vùi
Dưới ngàn mộ sâu…
Hãy biến tiếng nấc thành tiếng cười
Trên những triền đồi cô đơn lộng gió
Đã mãi mãi vắng bóng người
Hãy nâng niu những hạt nước mắt
Của trăm ngàn cô phụ lúc đêm về
văn việt: THƠ NGUYỄN BÁ CHUNG
Để hiểu được nỗi câm lặng
Những nhọc nhằn của những chiều quê
(Chim Cuối Mùa ( Mưa ngàn (NXB Văn nghệ, tp HCM, 1996)
Lòng thành còn một chút này
Bán buôn liệu đủ ăn mày thế gian
Hay là giữ để làm tin
Phòng khi thiên hạ giầu sang ăn mày.
(Thế Gian (Tuổi ngàn năm Từ buổi sơ sinh, NXB Hội Nhà văn, 1999)
Người xưa mộng biết mình mộng
Người nay mộng nghĩ mình không
Đi khắp thế gian đánh thức thiên hạ
Mộng như mình.
(Xưa nay (Tuổi ngàn năm Từ buổi sơ sinh, NXB Hội Nhà văn, 1999)
Giá mà tôi ngăn được một trái tim tan vỡ
Thì tôi sẽ sống trên đời này chẳng hoài công
Giá tôi làm dịu được nỗi đau của cuộc đời ai đó
Hay hàn gắn được cho ai dù một vết thương lòng
Hoặc giá tôi giúp được cho một chú chim non
Tìm được đường để quay trở về lại tổ
Thì tôi sẽ sống trên đời này chẳng hoài công.
( bài 919 của Emily Dickinson)
Trong một chuyến về Việt Nam gần đây, tôi định mời anh về thăm nhà văn Lê Chí ở Cần Thơ . Nhưng anh gặp đoàn nhà văn nữ Việt Nam đi Đồng Tháp rồi qua Cần Thơ. Nguyễn Bá Chung sang đi cùng đoàn vừa là đi thăm mảnh đất Đống Tháp mà xa xưa anh có đến. Ngày nay anh muốn trở lại Đồng Tháp để thấy sự đổi thay của xứ nghèo ngày xưa. Dẫu mái đầu đã bạc, nhưng thơ anh luôn mang âm hương lạc quan trong thơ lẫn trong cuộc sống
Hãy biến tiếng nấc thành tiếng cười
Trên những triền đồi cô đơn lộng gió
Đã mãi mãi vắng bóng người
(Chim cuối mùa)
Trong một bài thơ Nguyễn Bính, anh mượn nói về nhà thơ, về đất nước, về số phận người trí thức khi tỉnh ra: Thơ cũng không, công danh cũng “hảo”
Nửa đời mới biết công danh hảo
Giầy cỏ, gươm cùn đến trắng tay
Bài thơ này có tính lộng trào về thế sự, nhưng sâu cay trong tâm trí. Cạnh đó có sự lạc quan của người trí thức dẫu chẳng có gì, còn gì, có cho không cũng bằng lòng. Một sự đồng cảm của Nguyễn Bá Chung với nhà thơ Nguyễn Bính, dẫu thơ ông tài vậy vẫn phải:
Thơ viết cho mình không bán được
Nghìn trang cứ viết để cho không
Và dẫu có nhiều người hiểu Nguyễn Bính, nhưng không ai gọi được cái thần sắc thơ và con người Nguyễn Bính bằng Nguyễn Bá Chung khi anh gói trọn hai câu trên về một nhà thơ cống hiến nhiều về thơ và cuộc đời mà chẳng được đến đáp bao nhiêu, chỉ duy có thơ là sống với mọi thời
Xa nhà nghìn lệ bóng ai trông
Nghìn lậy người ơi gởi tấc lòng
Thơ viết cho mình không bán được
Nghìn trang cứ viết để cho không
Dân nghèo nước lọan giặc cầm cương
Giao thời mấy kẻ qúy văn chương
Người ta đi kiếm giầu sang cả
Những tấm lòng sang phải khốn cùng
Chốn chửa trú mà đã phải đi
Tình chưa tròn tuổi đã qua thì
Người về bên ấy sao mà lạnh
Nhưng lạnh sao bằng kẻ trốn đi
Lạnh để thơ tràn thiên cổ tâm
Thơ tràn tâm sự lạnh ngàn năm
Lời thơ gói hết tình nhân lọai
Đẫm cảnh tha hương tiếng khóc thầm
Nên giữa chợ đời – đứng chơ vơ
Chén rượu tha hương, đắng mãi giờ
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi suốt đời – Thơ!
(*) Những chữ viết nghiêng: thơ Nguyễn Bính
Thơ Nguyễn Bá Chung có sự kế thừa thơ nhân loại, nhưng thơ anh mang bản sắc rất Việt Nam trong từng tứ thơ, phong cảnh, cuộc đời. Sự thể hiện rõ nhất đó là những khát khao của thi sỹ về một cuộc sống nhân vă
n anh muốn dành cho những số phận cô đơn, muốn đền đáp bằng tấm lòng trung hậu
Hãy nâng niu những hạt nước mắt


Của trăm ngàn cô phụ lúc đêm về
(Chim cuối mùa).
1- Nguyễn Bá Chung tại trung tâm Joines ở Boston (bìa phải)- 2Tại nhà Kevin Bowen, người bạn bao năm cùng Nguyễn Bá Chung xây dựng trung tâm Joines với sự gắn kết văn học việt Nam với Mỹ 3- Chân dung Nguyễn Bá Chung