(Anh PHAN NGỌC TƯỜNG, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Một Nhân cách, Đạo đức, Lối sống. Một tấm lòng sâu đậm tình Nhân ái mà tôi đặc biệt gắn bó và trân quý.
Bài viết này đã đăng trên Báo Nhân Dân ngay trong dịp Lễ tang Anh 25 năm trước.
Như nén Tâm nhang nhớ Anh nhân Ngày 14/5 "Kỵ giỗ" Anh.
Những ngày cuối tháng 10-1983 không khí lao động trên Công trường xây dựng Nhà máy nhiệt điện Phả Lại vô cùng khẩn trương. Công việc bề bộn mà trời thì cứ mưa dầm, mưa dề.
Đêm ấy trời rét lắm. Ánh điện nhập nhoà. Gió từ Lục Đầu Giang thổi về rít lên từng đợt. Cả công trường vẫn rất sôi động.
Tôi từ Trạm Bơm về. Ghé qua chỗ Xí nghiệp 102. Giám đốc Trần Chủng sẻ cho nửa bát bo bo bảo chịu khó nhai tạm. Đỡ đói. Tôi lại vội vã ra phía trước Nhà Điều khiển Trung tâm. Ơ' đây quân của Xí nghiệp 104 do giám đốc Phạm Trung Tuyến chỉ huy đang đổ bê tông.
Một người đi đến. Dáng rất quen. Tới gần tôi nhận ra anh Phan Ngọc Tường. Xiết tay tôi rất chặt. Anh bảo tối nay họp giao ban Chính phủ xong anh xuống đây ngay. Anh đội mũ bảo hộ lao động, bận áo bạt, đi ủng cao cổ. Anh qua khu Kho Than, chân Ống Khói vào chỗ công nhân đang ăn ca đêm. Anh đứng lặng nhìn mỗi người chỉ có một chiếc bánh mì gia công nhỏ bằng cổ tay. Thương cán bộ, công nhân đói, thiếu thốn vất vả quá.
Trong mưa, thấy một người, áo bạt trùm kín đầu, khoanh tay, tỳ cằm trên đầu cán xẻng đứng bất động gần đó. Anh Tường kéo tôi đến gần. Móc túi lấy bao "Tam Đảo" anh chìa về phía người thợ: "Hút điếu thuốc cho ấm đã chú mình". Anh ta vẫn đứng bất động. Đến khi tôi đập nhẹ vào vai. Anh mới bỗng choàng tỉnh ngơ ngác nhìn chúng tôi. Rồi vẻ ngượng ngùng ấp úng thanh minh: "Cháu xin lỗi hai bác. Mấy ngày nay làm ca đêm đói quá, thèm ngủ quá. Nhân lúc ôtô chở bê tông chưa về cháu tranh thủ chợp mắt một tý cho đỡ mệt ạ".
Nhìn gương mặt trẻ măng, da sạm đen, hốc hác, mệt mỏi. Nghe giọng nói chân thành ấy khiến chúng tôi đều muốn khóc. Anh nhìn chú thợ trẻ đầy thương xót như cha nhìn con. Đặt vào tay chú bao thuốc, anh lặng đi không nói nên lời, kéo tôi theo.
Lát sau, giọng còn chưa hết xúc động, anh bảo tôi mà như độc thoại với chính mình: "Anh em công nhân tốt như thế. Để họ phải chịu đói, chịu rét lam lũ vất vả, mình thấy có lỗi với họ quá".
Hiểu lòng anh, tôi chỉ biết nắm lấy bàn tay anh xiết chặt.
Sau khi hoàn thành bản thảo tiểu thuyết: "Có những người như thế" mà bối cảnh miêu tả chính là Công trường xây dựng Nhà máy điện Phả Lại tôi đưa anh đọc, trước khi gửi tới Nhà xuất bản Quân Đội. Chừng ba tuần lễ sau, một buổi tối, anh đi bộ từ nhà (hồi ấy anh còn ở khu tập thể số 20 Lê Thánh Tông) sang thăm tôi ở 64 Bà Triệu (Hà Nội). Nhìn căn phòng chỉ vẻn vẹn hơn mười thước vuông. Bốn mặt tường xếp kín sách. Chiếc máy chữ cũ kỹ trên bàn... Anh ái ngại. Dường như trong thâm tâm anh muốn giúp tôi một cái gì đó. Nhưng tôi không dám phiền anh. Cứ nghĩ những người thợ xây dựng sống kham khổ, lao động vất vả như thế thì mình được thế này là đã hạnh phúc lắm rồi.
Anh đọc bản thảo của tôi rất kỹ. Nhận xét rất sâu sắc và tinh tế.
Cũng tối hôm ấy, bằng cả tấm lòng và nhiệt huyết của mình, anh say sưa nói về nỗi gian truân vất vả nhưng vô cùng cao quý của những người Thợ Xây dựng. Họ rất bình thường. Áo quần đầy vôi vữa, nước da sạm nắng gió, cần mẫn, lặng lẽ làm việc. Nhưng chính họ đã tạo ra những công trình kiến trúc tuyệt tác, vĩnh cửu. Khẳng định sự hiện hữu của dân tộc mình trên trái đất. Xây nên những nhà máy lớn, những khu công nghiệp hiện đại làm đòn bẩy quyết định sự phát triển nền kinh tế đất nước...
Thấm thía và tâm đắc điều anh nói. Tôi đã dành cả trang đầu cuốn tiểu thuyết của mình trân trọng ghi: "Kính tặng những người Thợ Xây dựng" .
Hoàn thành, phát điện Tổ Máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Tôi lại đến “nằm vùng” thực tế tại Công trường xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.
Tối hôm ấy biết anh từ Hà Nội mới lên, đang làm việc với anh Ngô Xuân Lộc, Tổng giám đốc. Tôi định chừng 10 giờ sẽ sang thăm anh. Nhưng gần tới giờ đó, tôi chưa kịp sang phòng anh, thì anh đã sang phòng tôi. Anh mặc bộ đồ bảo hộ lao động vải ka-ki, đầu đội mũ nhựa cứng, chân đi ủng cao cổ. Vẫn đứng, anh cười bảo tôi:
- Đắc Trung. “Đi hầm” với mình không?
Tôi xin anh ba phút. Sau khi cũng mặc đồ bảo hộ lao động đội mũ cứng, đi ủng, mở ngăn bàn lấy chiếc đèn pin rồi cùng anh ra xe. Chiếc U-oát lấm lem bụi đất chở chúng tôi đến thẳng cửa Hầm số 1. Xuống xe chúng tôi đi bộ. Công trường đang giữa thời kỳ thi công dồn dập. Số cán bộ, công nhân và bộ đội tập trung về đây lên tới hơn 5 vạn người. Cùng hàng ngàn loại phương tiện xe máy các loại. Cả vùng núi Sông Đà suốt ngày đêm lúc nào cũng rung chuyển, sôi động. Những đường hầm xuyên trong lòng núi toả đi nhiều ngả. Xe ben-la, xe bò-ma chất đầy đá nối nhau từ trong lòng núi bò ra. Xe chuyên dụng chở sắt thép, bê tông tươi... nối nhau bò vào. Không khí ngột ngạt khó thở bởi bụi, bởi khói. Đèn điện nhiều nhưng vẫn không đủ sáng. Mặt đường nhấp nhô những đá, những vũng nước ngầu bùn...
Chừng nửa đêm chúng tôi mới xuống được hiện trường đổ bê-tông nền móng của Tổ Máy số 1 ở độ sâu "cốt âm" 23 mét. Làm việc ở đây chủ yếu là quân của "Công ty Đường ngầm", "Xí nghiệp vận tải 500 xe" và "Công ty Thuỷ công"... Gian hầm cao, rộng mênh mông như một hang động khổng lồ. Hàng nghìn công nhân và đủ loại xe máy đang hối hả làm việc. Không may, chúng tôi mới đến được độ mươi phút thì mất điện. Chiếc máy nổ dự phòng hoạt động nhưng công suất quá nhỏ chỉ tạo được một vùng sáng yếu ớt. Tôi bấm đèn soi ngược lên. Ơ’ độ cao ba bốn chục mét. Trên những giàn khung sắt rất nhiều công nhân đứng treo mình bằng những sợi dây an toàn. Trông họ giống những con dơi núi bám trên vách đá. Họ đứng im bất động. Họ ngủ? Vâng. Đúng là họ đang tranh thủ ngủ. Cường độ lao động căng. Thời gian nghỉ ngơi ít. Hầu như lúc nào cũng thiếu ngủ. Vả lại, ở trong hầm, dưới độ sâu này do tác động của nhiệt độ, không khí, áp suất... Cơ thể luôn bải hoải mỏi mệt. Chỉ cần chợp mắt lại là thiếp đi ngay.
Nhìn cảnh ấy, tôi biết anh Tường xúc động lắm. Giọng ngùi ngùi như đẫm nước mắt, anh bảo tôi: “Công nhân mình cực quá, Đắc Trung ạ. Để có 1 ki -lô-oát điện họ phải đổ biết bao mồ hôi, công sức và cả xương máu nữa. Đất nước phải biết ơn họ”.
Anh móc túi lấy ra mấy bao thuốc Tam Đảo, bảo anh em bóc chia nhau.
Thời bao cấp, thuốc khan hiếm lắm. Những bao thuốc kia là tiêu chuẩn cả tháng của anh. Anh em thợ chuyền nhau từ dưới lên cao. Họ rít từng hơi thuốc đầy khoan khoái. Những đốm lửa đỏ lập loè như những chấm sao đêm. Anh nhìn họ đầy thương cảm. Anh trò chuyện vui vẻ gần gũi với họ. Anh hỏi họ đủ mọi chuyện. Từ giá một bìa đậu, một mớ rau muống. Từ thời gian và bữa ăn giữa ca. Từ quần áo và dụng cụ bảo hộ lao động. Từ việc tổ chức tập thể thao, vui chới giải trí... Cho tới các biện pháp tổ chức thi công nên thế nào cho hợp lý và năng suất cao...
Những người thợ hoàn toàn không biết đó là Bộ trưởng của họ. Chỉ đoán một xếp nào ở Tổng Công ty nên nói năng thoải mái, lếu tếu vô tư đủ chuyện.
Họ yêu cầu anh kể tiếu lâm cho vui. Anh kể mấy chuyện liền, mà kể rất có duyên khiến họ ôm bụng cười sảng khoái.
Vừa lúc ấy điện bừng sáng. Mọi người vui vẻ cảm ơn anh rồi vội vã vào việc.
Tôi và anh lại đi. Được một quãng thì gặp giám đốc "Công ty Thủy công" Nguyễn Hồng Quân. Vỗ vai Quân anh nói luôn: “Này, các cậu phải nghĩ ra cách nào đó để chở được anh chị em ở trong hầm ra ngoài cửa hầm ăn giữa ca. Như thế họ có thể vừa ngồi nhai bánh mỳ vừa được thở mấy phút không khí trong lành”. Rồi kéo Quân đi. Vừa đi vừa trao đổi công việc.
Thấy một công nhân đang loay hoay với chiếc xe ủi chết máy. Anh dừng lại hỏi. Rồi mở cửa ca-bin trèo lên bật khoá điện "đề" thử. Bước xuống anh bảo cần phải sửa thế nào.
Vốn từng là Đội trưởng, rồi Giám đốc "Công ty Cơ giới". Anh rất giỏi về xe máy. Bây giờ tuy đã làm tới chức Bộ trưởng, nhưng anh vẫn giữ trong mình phẩm chất và tác phong người thợ. Chân thành, gần gũi, cư xử với anh chị em thợ như những bạn đồng nghiệp.
Ra khỏi hầm về tới “Căng tin” của "Công ty Đường ngầm" đã gần 2 giờ sáng. Đói. Mệt. Chúng tôi ghé vào đấy mỗi người ăn một bát mì “không người lái”. Giá như bây giờ chắc khó nuốt nổi. Nhưng lúc đó sao ngon thế. Công trình thế kỷ này được coi là Trọng điểm số 1 của cả nước. Được ưu tiên lắm. Nhưng đất nước mình còn nghèo, biết làm thế nào.
Có nhớ lại, so sánh và suy ngẫm mới thấy được cái giá mà biết bao người đã phải trả. Để có cuộc sống sung túc tràn ngập ánh điện cùng những tiện nghi hiện đại hôm nay. Mới thấm thía biết ơn những người Thợ Xây dựng.
Trên đường về Tổng Công ty anh hỏi tôi đang viết gì. Tôi nói tôi đã xong kịch bản “Chinh phục dòng sông” mang tính sử thi gồm ba tập. Hiện "Xưởng phim Quân đội" đang quay. Anh vỗ vai tôi cười vẻ hài lòng, dặn chịu khó “bám trụ” ở đây để hiểu người Thợ Xây dựng hơn. Cần giúp đỡ gì cứ nói, đừng ngại.
Mấy năm sau, hoàn thành bản thảo tiểu thuyết: "Tình yêu không cô đơn" cũng viết về đề tài xây dựng. Tôi đưa anh đọc. Đọc xong anh liền giao cho anh Bích, Giám đốc Nhà Xuất bản Xây dựng sang bàn với Nhà Xuất bản Phụ Nữ liên kết ấn hành.
Bằng tất cả tâm huyết gắn bó với ngành Xây dựng, anh rất trân trọng những tác phẩm nghệ thuật viết về ngành mình. Dành mọi sự ưu ái cho những tác giả của nó. Dù chỉ một cuốn sách, một bài hát, mấy bài báo...
Tâm huyết đối với ngành Xây dựng của anh truyền cả sang họ.
Mấy năm sau, anh được cử giữ chức Bộ trưởng, Trưởng Ban tổ chức Cán bộ của Chính phủ (tiền thân Bộ Nội vụ). Tôi thấy mừng. Một người có tâm sáng, trí minh, lòng rộng như anh làm tổ chức cán bộ thật là hợp.
Có lần tôi mời anh dùng cơm cùng với mấy anh em thân thiết khác. Anh đến muộn gần nửa giờ. Vừa tới nơi anh đã thành tâm xin lỗi vì để mọi người phải chờ. Hôm đó là “Ngày Nhà giáo Việt Nam” (20-11), anh đến thăm thầy dạy học cũ của mình. Người thầy dạy anh từ nửa thế kỷ trước khi anh theo học Trường Kỹ nghệ. Năm nay cụ đã gần 90 tuổi, nhà ở Khu tập thể Thành Công. Thầy trò mải hàn huyên say sưa quá nên lỡ hẹn.
Chúng tôi không hề trách anh, mà càng quý anh hơn. Một người biết giữ truyền thống tôn sư trọng đạo.
Là Bộ trưởng Xây dựng, nhưng gia đình anh vẫn ở một căn hộ trên tầng ba khu tập thể số 20 phố Lê Thánh Tông. Một chiều tôi đến thăm cũng là lúc anh đi làm về. Vừa bước vào cổng, năm bảy cháu bé đang chơi ở sân cùng chạy ùa đến reo lên: “Ông Tường. Ông Tường đã về...”. Rồi chúng tranh nhau kể cho ông Tường nghe về chuyện này, mách ông Tường chuyện nọ... Như một người ông trong nhà, anh cúi xoa đầu các cháu đầy vẻ âu yếm. Còn những người lớn, ai thấy anh cũng hồ hởi vui vẻ.
Chỉ thế thôi, tôi đủ biết bà con sống cùng khu tập thể với anh quý mến anh thế nào.
Anh xách cặp lên trước, tôi theo sau. Vịn tay vào lan can, anh thong thả bước. Có lúc anh kín đáo dừng lại thở. Bị bệnh phế quản (sau này anh qua đời cũng do bệnh ấy) mà phải leo cao tôi thấy thật ái ngại cho anh. Anh liêm khiết giữ gìn quá. Khi đã chuyển sang làm Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức-Cán bộ của Chính phủ. Thương anh, Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội thu xếp cho anh về ở ngôi nhà số 10 phố Chân Cầm. Diện tích không rộng hơn bao nhiêu, nhưng thấp, đỡ phải leo. Tuy nhiên nhà dột nát, muốn ở được phải tu sửa. Có lần anh phàn nàn với tôi: “Mấy tuần nay bà Mỹ nhà mình phải đi lo thủ tục xin giấy phép sửa chữa. Nhiêu khê phiền hà quá ông Trung ạ. Nghe bà ấy kể mà mình thấy ngán quá trời. Có thực tế mới cảm thông với người dân. Phải đổi mới, phải cải cách hành chính càng nhanh càng tốt. Cung cách làm việc kiểu này là tự mình hành mình...”.
Anh ốm. Mấy lần phải vào bệnh viện cấp cứu. Chị Mỹ, người bạn đời tuyệt vời của anh và các con, các cháu chăm sóc anh tận tình. Các bác sĩ coi anh như người nhà. Phòng anh nằm không mấy khi vắng bóng bạn hữu tới thăm. Bệnh, mà lúc nào anh cũng lạc quan vui cười, chịu khó đọc sách và trí nhớ của anh vẫn rất tốt. Anh có thể kể chính xác về các nhân vật, các sự kiện lịch sử ở mỗi triều đại. Mấy ngày trước, từ Nhà nghỉ trên K5 (Quảng Bá), anh điện cho tôi. Anh muốn đọc lại “Sử ký Tư Mã Thiên”, nhờ tôi mang đến.
Tôi chưa kịp mang tới thì anh đột ngột ra đi. Được anh Lê Văn Sang điện báo tin, tôi bàng hoàng phóng ngay vào Bệnh viện Hữu Nghị. Rất đông người thân và bạn hữu tề tựu đông đủ xót xa thương tiếc anh.
Anh nằm đó vẻ thanh thản như đang ngủ.
Anh Phan Ngọc Tường ơi!
Thế là anh đã “đi xa”. Thương anh nhiều lắm, nhớ tiếc anh nhiều lắm.
Cuộc đời là hữu hạn. Không ai tránh khỏi sự ra đi vĩnh viễn như thế. Phần anh khi sống anh được mọi người quý trọng, lúc yếu đau anh được mọi người thăm hỏi, chăm sóc, chạy chữa tận tình. Khi qua đời, anh được mọi người thương tiếc.
Anh ra đi thanh thản nhẹ nhàng.
Buổi tiễn biệt anh rất trọng thể, rất đông và thời tiết thật đẹp.
Cuộc đời người ta chỉ mong cầu được như thế và anh đã được như thế.
Vậy là hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi, phải không anh.
ẢNH: Tác giả và Bộ trưởng PHAN NGỌC TƯỜNG.