Nói cho vuông: Dân ta đang phải gánh thuế phí nặng nề hàng đầu khu vực, một trong những nguyên nhân là vì chúng ta đang phải đóng thuế để bù cho cả những khoản thất thoát khổng lồ do tham nhũng, lãng phí và bộ máy hành chính cồng kềnh bậc nhất thế giới. Đó là điều không thể chấp nhận.
Với một nền kinh tế có thu nhập vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu thuế cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. Song hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP, tức là rất cao so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới.
Số liệu thống kê từ Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, tỷ lệ đóng thuế phí của người Việt Nam vào ngân sách hàng năm ở mức 21%, cao hơn Thái Lan là 16%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaysia 14%,...
Thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn hẳn, khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp từ 1,4-3 lần so với các nước. Theo đó, trong doanh nghiệp các loại thuế đã chiếm đến 40% giá trị lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thế nhưng, không dừng lại ở đó, gần đây Bộ Tài chính liên tục đưa ra các đề xuất tăng thuế, hoặc đưa ra các sắc thuế mới.
Câu hỏi đặt ra là tại sao thuế phí cao, đứng trên đỉnh khu vực như vậy, mà nền kinh tế thì vẫn đang ngoi ngóp dưới vực sâu?
Câu trả lời không khó. Trước hết 70 -80 % nguồn thu từ thuế và ngân sách nói chung là giành cho bộ máy hành chính, một bộ máy cồng kềnh bậc nhất thế giới. Phần ít ỏi còn lại dành cho đầu tư phát triển, thì một tỷ lệ không nhỏ rơi vào thất thoát do tham nhũng và lãng phí. Chưa ai tính được chính xác tỷ lệ thất thoát đó, nhưng chỉ qua những thông tin các tập đoàn, các dự án nhà nước thua lỗ, thất thoát hàng trăm nghìn, chục nghìn tỷ, những khoản tiền khổng lồ bị chiếm đoạt trong các đại án gần đây, những công trình nghìn tỷ lãng phí, đắp chiếu thì cũng có thể hình dung tỷ lệ thất thoát chắc chắc là hai con số!
Chủ tịch Hồ Chí Minh từn nói: Sản xuất mà không có tiết kiệm như gió vào nhà trống. Nay không những không tiết kiệm, mà còn lãng phí vô độ, laị còn tham nhũng vô biên. Ngân sách nhà nước như cái thùng không đáy, hay nói đúng hơn cái đáy thủng đó có luồng chảy vào túi tham quan và doanh nghiệp thân hữu. Hết tiền nhà nước lại nghĩ cách tận thu bằng cách thêm thuế, thêm phí, tăng thuế và tăng phí…
Rõ ràng hiện trạng trên đây là không thể chấp nhận, thế nhưng người dân đã phải chịu đựng từ hàng chục năm nay. Người dân không mong gì hơn là thay vì nghĩ mọi cách để tăng thuế, phí và tận thu, nhà nước hãy mạnh dạn cắt bỏ những thứ dư thừa đang đeo bám trong bộ máy hành chính, loại bỏ tham nhũng và siết chặt chi tiêu.
Đóng thuế là yêu nước, khi và chỉ khi đồng tiền thuế góp phần xây dựng đất nước. Người dân không muốn và không thể đóng thuế để bù cho…tham nhũng và lãng phí!
(Bài đăng mục Nói cho Vuông báo Lao động NA ngày 31/5/2018)