Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÂN CÁCH NGUYỄN HIẾN LÊ

Đắc Trung
Thứ sáu ngày 2 tháng 7 năm 2021 9:04 AM




Nguyễn Hiến Lê sinh năm 1912 quê làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây xuất thân trong gia đình nho giáo. Ông từng học Trường Bưởi, trường Cao đẳng Công Chánh (Hà Nội). Năm 1934 được bổ nhiệm làm nhân viên Sở Công chánh tại các tỉnh Nam Bộ.

Năm 1935 ông bắt đầu viết du ký, ký sự, tiểu luận, dịch các tác phẩm văn chương. Mười năm sau ông đã có hàng chục đầu sách. Năm 1945 ông bỏ hẳn công chức về Đồng Tháp, Long Xuyên dạy học và năm 1952 lên ở hẳn Sài Gòn chuyên sống bằng nghề viết văn.

Ông say mê tự học, đọc rất nhiều, đi rất nhiều, kiến thức uyên bác nhiều lĩnh vực. Các tác phẩm của ông gồm nhiều chủ đề: Ngôn ngữ học, Văn học, Triết học, Giáo dục học, Lịch sử, Triết lý nhân sinh, Phật học, Đạo Lão, Đạo Khổng...

Tính đến năm 1975 ông đã xuất bản hơn 100 tác phẩm, từ đó đến khi qua đời (1984) ông còn viết và dịch hơn 20 cuốn nữa.

Tên tuổi ông không chỉ giới học giả mà quần chúng bạn đọc rất ngưỡng mộ, kính trọng, đặc biệt học sinh, sinh viên, công chức. Tuy nhiên ông sống rất khiêm tốn, bình dị, không chạy theo danh hão kiểu "thùng rỗng kêu to", không tự huyền thoại mình, chân chất, nho nhã, lịch lãm, lặng lẽ và sâu sắc.

Năm 1966, rồi năm 1973 ông được Chính phủ Việt Nam Cộng hòa trân trọng trao "Giải thưởng văn chương toàn quốc" và "Giải tuyên dương sự nghiệp văn hóa" những danh hiệu được coi là cao quý đương thời cùng với mỗi giải là một ngân phiếu giá trị tương đương khoảng sáu chục lượng vàng.

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê công khai từ chối không nhận với lý do mục đích sáng tác của ông là phục vụ người đọc, nhằm chấn hưng đất nước, nâng cao dân trí chứ không nhằm dự thi để nhận giải và lĩnh thưởng. Ông khuyên Nhà nước dùng số tiền ấy giúp các nạn nhân chiến tranh.

Chỉ những nhân cách lớn và thực sự tài năng mới có tư chất ây.

Còn những người tìm mọi mánh lới "chạy" giải thưởng, "chạy" học hàm học vị, "chạy" chức quyền... thường bất tài, non học vấn và thiếu nhân cách.

Quần áo không làm nên thầy tu, có thể kiếm được chiếc mũ giống mũ nhà thông thái nhưng không thể có cái đầu thông thái, tiền chỉ có thể mua được danh hão chứ không thể mua được trí tuệ.