Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ TÌNH HOÀN NGUYỄN, KHỞI NGUỒN TỪ VÔ THỨC ĐẾN SỰ BẤT AN…

Đặng Văn Sinh
Thứ hai ngày 31 tháng 5 năm 2021 10:22 AM




Tôi thích danh xưng “người đàn bà làm thơ” mà Hoàn Nguyễn đã hơn một lần tự trào. Sự thật thì người phụ nữ công giáo này chưa bao giờ xem mình là “nhà”, thậm chí còn thêm bút danh “Dở”, “Thơ của Dở” để thiên hạ đừng chấp. Nói nhún nhường như vậy, nhưng có điều lạ là, ngay từ khi bước lạc vào “trường văn trận bút”, Hoàn Nguyễn đã đem đến cho người đọc một giọng thơ khác với phần còn lại của chị em phái đẹp mà trước hết là ở ngôn ngữ nghệ thuật.

Ngôn ngữ nghệ thuật không chỉ riêng ngôn ngữ mà nó là toàn thể những biện pháp nghệ thuật tác giả sử dụng để cấu trúc nên bài thơ, trong đó bao hàm cả ý tưởng sáng tác, tứ thơ, ngôn ngữ thơ, vần điệu và nhạc điệu. Tất cả những thành tố ấy hòa quyện với nhau, chuyển hóa vào nhau tạo nên một phức hợp dưới dạng văn bản. Xét đến cùng mỗi văn bản thơ cho dù dưới hình thức nào nó cũng là một liên văn bản. Mỗi văn bản đều có bóng dáng của những văn bản trước nó ở mức độ đậm nhạt khác nhau. Cho nên, với thơ, người viết muốn khẳng định tư cách tác giả, phải hết sức tránh hiện tượng lặp lại người khác, thậm chí lặp lại chính mình. Việt Nam luôn tự nhận là cường quốc thơ, thậm chí còn hình tượng hóa đến mức thiên hạ phải ngả mũ vái chào bởi tinh thần nghệ sĩ ngay cả trong chiến trận: “Sống vững chãi bốn ngàn năm lịch sử/ Lưng mang gươm tay mềm mại bút hoa”.

Tôi cho rằng đấy chỉ là cách nói ngoa ngôn khi mà người viết cũng bị cái ánh hào quang chiến thắng làm lóa mắt trước một hiện thực xã hội hoàn toàn khác. Chính vì thế, một khi người ta nghĩ làm thơ không khó và ai cũng có thể làm thơ nếu có cây bút và mảnh giấy hoặc bàn phím computer. Sinh thời, trong lúc trà dư tửu hậu với một thần đồng, Xuân Diệu đã buột miệng hài hước: “cả nước làm thơ cả nước xách bị đi ăn mày”. Đương nhiên ý kiến của ông bị phản ứng dữ dội nhưng thật đáng buồn, nó lại không sai, chỉ có điều ta cần phải hiểu cái bị như một cách nói ẩn dụ. Đương nhiên không một chính thể nào cũng như một cá nhân nào có quyền cấm làm thơ và phát hành thơ như thời bạo chúa Nero. Nhưng nếu một dân tộc mà người người làm thơ, nhà nhà làm thơ tạo nên một mặt bằng thi ca rộng mênh mông sẽ là một dân tộc bất hạnh. Thơ có cái “đạo” của nó. “Đạo” ở đây, phải được xem như nền tảng văn hóa chi phối mọi hoạt động sáng tác. Người làm thơ mà phông văn hóa mỏng, sáng tác thuần túy bằng cảm xúc, kể cả khi cảm xúc mãnh liệt, bài thơ vẫn khó vượt được giới hạn, bởi nó thiếu nền tảng triết mỹ. Mà thơ không có tư tưởng hoặc tư tưởng mờ nhạt sẽ chỉ là thứ văn vần lên bổng xuống trầm mang hội chứng đồng phục. Trong vòng già nửa thế kỷ qua, nhìn lại các “thần đồng” viết thơ thuần túy bằng cảm xúc đều “nghỉ hưu” rất sớm. Những sáng tác sau thời kỳ “đỉnh cao” của họ có khi còn thua kém cả những bạn thơ trung bình cùng thời.

Theo kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi phát hiện ra một điều, cùng với tư tưởng triết mỹ có được qua quá trình học tập, rèn luyện, nói cách khác là tự đào tạo mình, nhà thơ còn cần một yếu tố vô cùng quan trọng làm nên phong cách riêng, đó là biết khai mở tầng vô thức, gọi ra từ vùng bí hiểm trí não những gì là tinh túy vốn ẩn tàng mà Thượng đế đã ưu ái dành cho. Người làm thơ mà không có thiên triệu, không là trường hợp đặc biệt được Đấng Cao Xanh phú cho ân điển, anh có “tu luyện” cách mấy cũng chỉ đạt đến cấp độ “lấy xe mà chở, lấy đấu mà đong”…

Hoàn Nguyễn Maria như một chiên lành được Chúa trời trao cho chiếc chìa khóa mở cánh cửa hẹp len lỏi vào vùng tri thức tìm thơ như Adam và Eva tìm “trái cấm” nơi vườn Địa Đàng. Sở dĩ chúng tôi lấy ví dụ như vậy là vì, huyền tích về thủy tổ loài người trong Kinh Thánh, bản chất đã bao hàm cả yếu tố sex. Mà thơ tình Hoàn Nguyễn, có những bài tinh thần sex như là cảm hứng chủ đạo. Mặc nhiên sex của Hoàn Nguyễn không dung tục như kiểu đám Lý Toét, Xã Xệ thời @ làm tình. Nó sang trọng, cao cả, lấy khát vọng tình yêu, sự mê đắm chiếm hữu cái đẹp của các thiên thần nơi thiên giới làm điểm tựa thẩm mỹ.

Thơ tình Hoàn Nguyễn là một khối tương tư đa diện với những cảm thức chênh vênh giữa hiện thực vào ảo mộng được hiển hiện qua những hình hài khác nhau và đều quy chiếu vào một điểm cô đơn đến tận cùng. Ở đây, chúng tôi chưa tính đến việc tham chiếu nhân thân chủ thể sáng tạo mà chỉ mới căn cứ vào văn bản cũng đã thấy trong quá trình thực hành ngôn ngữ, tác giả thường xuyên vượt ra khỏi giới hạn cho phép. Không khó nhận ra Hoàn Nguyễn sở hữu một trường cảm xúc mãnh liệt bởi nguồn năng lượng vô tận khi viết về tình yêu. Ở “người đàn bà làm thơ này”, tình yêu không phải phương tiện mà là mục đích của cuộc trăm năm. Nó bắt nguồn từ trái tim nóng bỏng, khao khát đến tận cùng nên có sức chinh phục người đọc chẳng khác gì bùa ngải dẫn dụ.

Nhưng để văn bản hóa dòng cảm xúc ở cường độ cao ấy phải có một dạng ngôn ngữ nào đó chuyển tải thành hiện thực. Hầu hết các nhà thơ đến công đoạn này thường bế tắc bởi sự hạn hẹp từ loại và nhất là khả năng kết hợp trong cấu trúc tạo nghĩa văn bản nên họ buộc phải dùng lại lớp từ tiêu dùng mòn sáo, trơ, bẹt kể cả loại từ “nghĩa địa” vốn đã mồ yên mả đẹp lại bị đào lên lắp ghép vào thơ.

Đến đây, người đọc tinh ý sẽ nhận ra, Hoàn Nguyễn không dẫm vào vết xe đổ mà chị biết vận dụng thế mạnh của mình bằng cách “đột nhập” vào tầng vô thức. Như vậy, cách tư duy thơ của Hoàn Nguyễn cũng giống như cố nhà văn nguyễn Huy Thiệp lúc sinh thời từng viết: “Có lẽ bởi nó vô chiêu, không có hình tướng. Nó là sản phẩm và kết quả của hoạt động vô thức nhiều hơn ý thức. Công cụ của nó là ngôn ngữ. Nó gần với tôn giáo và chính trị. Nó đi tìm Đạo, tìm ý nghĩa cuộc sống, tìm sự giác ngộ”(1). Rất có thể đã giải mã được những bí mật ở tầng vô thức vốn rất mù mờ với người trần mắt thịt nên Hoàn Nguyễn mới giải phóng khỏi những ràng buộc phi lý của các định chế, xác lập cho mình khu vực tự do mới dưới sự gợi mở của thế giới vô thức chăng?

Nếu Hoàn Nguyễn tự ý thức thơ mình bằng sự căn chỉnh những con chữ cho dù vẫn với dòng cảm xúc tràn đầy hứng khởi chắc chắn thơ chị cũng chỉ thường thường bậc trung. Như vậy thì chẳng có gì đáng nói. May thay, tác giả có một kho từ vựng đáng nể, và hơn thế nữa, trời lại phú cho chị bàn tay phù thủy thao túng cả đám ký tự khiến ngay cả những độc giả khó tính cũng phải tâm phục khẩu phục. Ở đây, hơn một lần ta nhận ra, cấu trúc thơ Hoàn Nguyễn có lúc giống như khối rubic, nó tương tác với nhau biến đổi thiên hình vạn trạng tạo ra nhiều liên kết, vô vàn hình ảnh, gợi mở những ý tưởng khác nhau khiến người đọc như bị lạc trong trận đồ bát quái.

Sự khác biệt đáng kể ở Hoàn Nguyễn với hầu hết các nhà thơ đương đại còn được nhìn nhận ở cấu trúc văn bản khi chị dần dần thoát khỏi ngôn ngữ miêu tả cũng như lối tư duy liền mạch và trạng thái cảm xúc gắn liền với “cổ mẫu”. Nói cách khác, Hoàn Nguyễn bước đầu đã đoạn tuyệt với loại diễn ngôn đọc trước đám đông mà xác lập cho mình thứ “ngôn ngữ phiêu bồng và tư duy đứt đoạn”(2) như Đỗ Lai Thúy đã nói về tập thơ “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm. Và cũng như Hoàng Cầm, thế giới nghệ thuật trong thơ tình Hoàn Nguyễn “…hoàn chỉnh và khác biệt. Nhưng do ngôn ngữ không theo kịp tư duy, đúng hơn ngôn ngữ chưa điều khiển được tư duy (…) tuy là một thi phẩm đẹp, nhưng vẫn là cái đẹp của nàng tiên cá với những cái vảy lóng lánh của ngôn ngữ lãng mạn”(3). Sự đứt đoạn trong thơ Hoàn Nguyễn không chỉ ở bề mặt văn bản mà nó còn được được thể hiện khá rõ ở cấu trúc tâm lý, mạch tư duy hình tượng bao hàm cả những khái niệm về không gian và thời gian. Điều này không có gì lạ bởi lẽ, xét đến cùng nó đều là sản phẩm của vô thức, một thứ năng lượng tiềm sinh chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc khi mà chủ thể sáng tạo có được phép màu “giải cấu trúc”.

Cấu trúc không liền mạch là bước đột phá về thực hành ngôn ngữ thơ, nhất là thơ tình nhằm đến sự thay đổi thói quen tiếp nhận văn bản một chiều, trong đó nghĩa được xác định trước sau đó mới đến việc dùng chữ để biểu đạt cái nghĩa ấy. Thơ Hoàn Nguyễn không ít bài có trình tự ngược lại. Sự phong phú, đa dạng về từ loại kết hợp với lối lập ý, lập tứ trái quy luật, vô hình chung đã hình thành thao tác tạo nghĩa mới cho những câu thơ bất chợt vốn là hệ quả của quá trình khai mở tầng vô thức.

Chưa cần bàn đến cảm xúc thẩm mỹ hay giá trị tư tưởng được định hình bởi “tứ thơ”, chỉ cần lướt qua loạt tựa đề ta cũng thấy ngay sự độc đáo ít thấy ở dòng thơ đương đại: “Ướt sũng đêm”, “Đêm dậy thì bật cửa”, “Thật không mùa cởi áo”, “Lấy ta nhé mây ơi”, “Tắm trăng”, “Trộm anh”, “Ừ hư”, “Mùa đàn bà”, “Chơi vơi”, “Lả lơi”… Có vẻ như, mỗi cái tiêu đề đều khiến người đọc liên tưởng đến một hình thái sex nhưng thực ra nội hàm bài thơ lại được diễn giải theo những cung bậc cảm xúc của nỗi cô đơn và sự bất an. Đó chính là âm hưởng chủ đạo của thơ tình Hoàn Nguyễn nằm ở tầng chìm văn bản. Khát vọng yêu thương và sex là có thật nhưng chỉ là cái cớ để tác giả ký thác tâm trạng trong nỗi cô đơn triền miên và canh cánh bên lòng sự bất an bởi nỗi ám ảnh thường trực về những bóng ma hữu hình và vô hình luôn rình rập. Ở bài “Ướt sũng đêm”, cho dù Hoàn Nguyễn nhắc đi nhắc lại đến bốn lần hình ảnh lá bùa (bùa say, bùa yêu, bùa thương, bùa mơ) để hình tượng hóa trạng thái cảm xúc thì người đọc vẫn nhận ra có cái gì đó như là niềm đắng cay tiềm ẩn trong mỗi nhịp thơ: “Cô đơn ơi/ một mình khuya khoắt/ chùng chình giọt nhớ giọt thương”. Còn “Yêu dấu ơi/ tưới hạn chìm tường” hay “hờn đêm giấu giấc tàn canh/ yếu mềm vòi vọi mơ xanh/ sàng sảy chữ tìm miền ước sáng” và “triền đắng triền chơi vơi con chữ/ người đợi người đêm sũng ướt người ơi” là gì nếu không phải là những con chữ “lạ” nảy sinh bất chợt chỉ với mục đích nhằm tạo nghĩa mới cho những câu thơ. Từ đó ta có thể thấy, “Ướt sũng đêm” là bài thơ có cấu trúc mở, muốn hiểu nó, ta cần có cách đọc khác với truyền thống.

Cũng như vậy, “Đêm dậy thì bật cửa”, “Thật không mùa cởi áo”, “Mùa đàn bà” hay “Mùa thiếu nữ” ít nhiều đều đã được chuyển đổi hệ hình thẩm mỹ, dù ý thức hay vô thức nó đã đem đến cho người đọc những cảm quan mới, nhận thức mới về năng lực vận dụng “chữ” tạo nghĩa có bài bản và khá thành công của “người đàn bà làm thơ”.

Ở bài “Mùa thiếu nữ”, cấu trúc văn bản gọn nhưng lại tràn đầy hơi thở vũ trụ qua hình ảnh sóng biển, rất khác với Xuân Quỳnh và Xuân Diệu. Yếu tố sex ở đây được đưa lên ngọn sóng qua trò chơi tung hứng các con chữ tạo nên bản hòa tấu ngôn từ với cách bẻ nhịp đầy ngẫu hứng: “lấn bấn tim/ lấn bấn tay tìm/ bồng bồng cánh môi ngọt lịm/ bung nút thắt sững sờ ngây dại/ núi khát mùa mơ gieo hạt”. Còn ở đoạn kết, những con chữ đang rơi lả tả trên trang giấy bỗng như có phép lạ trở thành diễn trường cho cuộc giao hoan: “hát lời cuống quýt xô bờ/ sóng vờn sóng nuốt nhau/ gió cuồng say ngây ngất/ môi mềm môi nghẹt lối đi về…”.

Cảm giác bất an và nỗi cô đơn chẳng những là bản chất uyên nguyên mà còn là tư tưởng thẩm mỹ thơ tình Hoàn Nguyễn. Hiển nhiên đây không phải thứ văn vần mượn trăng hoa tuyết nguyệt làm duyên với loại cảm xúc hời hợt vay mượn. Cho nên cái “đêm dậy thì…” giầu cung bậc cảm xúc như thế mà ở nơi sâu thẳm, tâm trạng người phụ nữ vẫn khắc khoải về sự mất mát “chậm lỡ giấc mơ em tan vỡ/ về đi anh/ em đợi/ đêm hoang rũ tự tình nức nở…!”. Ở “Đêm dậy thì bật cửa”, ta lại bắt gặp những tứ lạ diễn đạt một hình thái sex mà dường như không phải sex bằng cách tập hợp những con chữ kết dính với nhau như có ma thuật tạo ra những “mật ngữ” rất khó tìm trong trường ngôn ngữ thơ: “khóa trận bút/ sạch mùi hương/ nếm ngụm ngọt mưa mùa/ về đi anh/ quay bánh xe chở em về miền nhớ”. Rõ ràng, cái gọi là chữ ở đây luôn có xu hướng đi trước nghĩa. Chữ tạo ra nghĩa, như một văn bản đa nguyên đối lập với đặc tính toàn trị của thơ truyền thống bắt người đọc chỉ hiểu theo một cách. Chúng tôi dám chắc, khi đọc đến khổ thơ này, không phải ai cũng có cách hiểu giống nhau: “mơn mơn cánh môi hừng hực/ mùa ngây ngây sốt bồng bênh/ mặc - / chát chát tom tom hồng hồng tuyết tuyết nguyệt cầm…/ Về đi anh/ nắng đã nảy mầm quả mùa chín nức/ thơ lồng tồng bật cúc/ dung dăng chờ ấp liền đôi (…)/ đêm dậy thì bật cửa/ lạt buộc chặt câu thơ”. Về hình thức, đây là thơ không vần, không nhịp nhưng thực chất lại tồn tại một thứ nhịp bên trong, nhịp tâm hồn biểu hiện khá rõ trạng thái cô đơn của chủ thể trữ tình. Có thể thấy hình ảnh “chát chát tom tom hồng hồng tuyết tuyết” của thể loại ca trù hay “thơ lồng tồng bật cúc”, “lạt buộc chặt câu thơ”… của ngôn ngữ đời thường đã tham gia vào cấu trúc văn bản chẳng những tạo nên sự khác lạ về ngữ nghĩa mà còn có giá trị thay đổi nhận thức khi tiếp cận loại văn bản phi truyền thống trong thơ đương đại. “Thật không mùa cởi áo” là minh chứng rõ nhất cho phong cách thơ tình Hoàn Nguyễn khi tác giả mở đầu bằng những hình ảnh đầy gợi cảm mà chẳng cần để ý đến những ước lệ ngôn từ. Cấu trúc bài thơ là tập hợp của lớp từ vựng giầu hình ảnh, trong khi sắc thái của nó được tu sức đến mức khiến người đọc ngỡ ngàng bởi sự đa nghĩa trong nội hàm “cởi áo”.

Mô hình câu trong thơ tình Hoàn Nguyễn, nhất là thơ sex thường ngắn và khá mù mờ về mặt ngữ nghĩa, có khi là ở khả năng kết hợp những từ không cùng trường nghĩa nhưng cũng có khi đảo ngược trật tự ngữ pháp làm phát lộ khái niệm mới, nảy sinh thi ảnh mới. “Thật không mùa cởi áo” là một bài thơ không vần, thanh điệu chủ yếu là vần trắc nhất là ở những tiếng cuối câu nhưng lại là một thi phẩm tiềm tàng nguồn năng lượng thẩm mỹ. Về mặt bố cục, đây được xem như một văn bản tối ưu trước hết là bởi kỹ năng sử dụng từ loại mà hình ảnh “bung biêng”, “ướt rượt” hay “rấm rứt”… không phải là cá biệt. Chẳng cần úp mở, “Thật không mùa cởi áo” là thơ sex nhưng có điều lạ là, ta khó có thể tìm thấy những hình ảnh hoặc từ ngữ trần tục: “Xuân thiếu nữ bung biêng/ mùa con gái ửng ngày nức hương/ cơn lốc vấn vương cuộc tình rạo rực/ chộn rộn tràn căng/ du dương say thiên đường ngõ lạc/ vướng dây mê cuồng cuồng quấn chặt”. Nhưng chưa hết. Đấy mới chỉ là khúc dạo đầu. Càng vào sâu, giai điệu hòa tấu càng đa thanh làm thổn thức những tâm hồn cô đơn, đa sầu, đa cảm: “ướt rượt/ tay cởi áo vén mùa/ châng lâng trao ngây thơ/ rực rực ngày sang sông chim sáo/ hiến dâng mùa hoa gạo/ nào ngày sau hư ảo/ nào ngày mai lỡ lầm/ hai vai mùa khôn dại âm thầm/ sớm cười chiều lướt thướt/ đời hoa không nảy mùa sau được trở mình”. Thế rồi cao trào đã qua đi, dư âm còn đọng lại ở tuổi thiếu nữ dậy thì, người con gái vẫn chưa thoát khỏi những ẩn ức định mệnh về sự bất an mỗi khi nghĩ đến sự mong manh của kiếp người: “rấm rứt nổi trôi dòng nước lỡ/ ánh nhìn ngày đấy có còn xanh/ vãn mơ vành trăng ấy mong manh/ thật không…/ thật không mùa cởi áo?”. Một cái kết đầy cảm thán rất có thể sẽ phát sinh nhiều hệ lụy nhưng không thể khác.

Giống như hình tượng Thị Màu, Mẹ Đốp, sex của Hoàn Nguyễn cũng là những tín hiệu thẩm mỹ thấm đẫm tinh thần phồn thực ở cả phần xác lẫn phần hồn. Sự hòa trộn giữa cái thực và cái ảo khởi nguyên từ ẩn ức tính dục luôn đạt đến độ căng rồi chuyển sang trạng thái thăng hoa. Và để hiện thực hóa nó thành văn bản tương ứng với nội hàm, tác giả đã sáng tạo ra một lớp từ vựng nằm ngoài trường nghĩa thông thường như phần trên chúng tôi đã bàn đến. Như vậy, trong quá trình thực hành, Hoàn Nguyễn có một hệ ngôn ngữ đặc thù về thơ tình nói chung và thơ sex nói riêng. Bài “Mơ đêm” là một thi phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng này. “Mơ đêm’ cũng có cấu trúc lạ, bởi tác giả bỏ qua hầu hết quy tắc ngữ pháp, thiết lập một văn bản không liền mạch hoàn toàn gián cách phi tuyến tính. Ở đây, không gian, thời gian gần như bị đưa về độ không. Cái hiện hữu mà người ta cảm nhận được là sự nhảy múa của những con chữ đã được ảo hóa để diễn tả cấp độ dữ dội giấc mơ giao hoan của người đàn bà: “bờ em áp sát vào ấm chặt/ dịu dàng khép khẽ rèm mi/ lóng ngóng buông mềm xiêm y/ bản tình ca mê ly/ du dương ngân lên từng khúc/ đêm mùa rừng rực/ chập chờn cơn gió êm trôi/ chạm khung trời mơ/ xiên xiết tan”. Vẫn là nhịp điệu bên trong nhưng “Mơ đêm” lúc này của Hoàn Nguyễn còn kèm theo nhạc điệu, một nhạc điệu tươi tắn, trữ tình nhưng vẫn phảng phất đâu đây nỗi cô đơn, bởi xét đến cùng chỉ là một giấc mơ: “mơn man cánh hoa/ tưới em sương đêm giọt giọt/ nhè nhẹ ơi/ dìu dịu ơi/ Giật mình tỉnh giấc/ gối chăn những còn rưng rức/ mùa đêm em/ mùa mơ anh”.

Thơ tình Hoàn Nguyễn lạ, đọc cuốn hút và ám ảnh còn ở những cảm thức không giới hạn về trạng thái phiêu bồng trong không gian tưởng tượng. Và để cụ thể hóa dòng ý tưởng khởi nguồn từ vô thức ấy thành văn bản thôi miên người đọc, tác giả tỏ ra có bản lĩnh về kỹ năng sáng tạo ngôn từ. Loại ngôn từ có khả năng kiến tạo nghĩa…

Bến Tắm, 24/ 5/ 2021

Đ.V.S.

(1): “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”, NXB Văn học, 2020, “Nói chuyện một mình”, tr.534

(2): Đỗ Lai Thúy, “Thơ như là mỹ học của cái khác”, NXB Hội Nhà văn, 2012, tr.54

(3): Đỗ Lai Thúy, “Thơ như là mỹ học của cái khác”, NXB Hội Nhà văn, 2012, tr.55