Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HY VỌNG NGUYỄN HUY THIỆP

Nguyễn Văn Thọ
Thứ bẩy ngày 30 tháng 5 năm 2020 4:36 PM


Nguyễn Văn Thọ-Như nhiều bè bạn văn chương biết, cách đây gần hai tháng nhà văn xuất sắc mảng truyện ngắn hiện đại của đất nước NGUYỄN HUY THIỆP BỊ TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO.

Nhận tin muộn qua nhà văn Bùi Việt Sĩ, tôi thực sự lo lắng, vội báo tin cho Trần Đăng Khoa. Cứ ngỡ nhà thơ Trần Đăng Khoa chưa biết. Hóa ra ông thính hơn tôi. “Tôi đã thăm ông Nguyễn Huy Thiệp rồi. Với tư cách bạn bè và, với tư cách Hội nhà văn Việt Nam nữa”. Khoa bảo tôi qua điện thoại.

Việc ở Hội Nhà văn bấy nay, ông Chủ tịch, nhà thơ Hữu Thỉnh giao cho Khoa tràn ngập, nhất là mảng lễ nghĩa, thăm hỏi vấn an với hội viên đủ cả. Hội Nhà văn lứa chống Mỹ, đã đến lúc không quý nào tháng nào không có nhà văn trên 60 rơi vào trạng thái thập tử nhất sinh. Gần Khoa tôi biết nhiều chuyến anh và Nguyễn Hoa tất tưởi xuôi ngược. Có hỏi, Khoa thủng thẳng bảo, cũng chẳng việc nào hệ trọng mà cứ như con quay xoáy tít, “cũng lặt vặt’ như gái vừa đẻ thêm con mọn. Hai lần tôi bị tai nạn trong ba năm gần đây, Khoa chả hớt hải là người đầu tiên lao đến, có mặt chỉ sau con gái và vợ cùng em trai tôi.

Nguyễn Huy Thiệp không ra ngoài quy luật sinh bệnh lão tử. Khoảng dăm năm gần đây ông đến đoạn đau yếu. Thi thoảng gặp nhau, hỏi thăm nhau, ông than thở cho cái già đang sầm sập. Bệnh tật, ở cái tuổi sau 65 của lứa chúng tôi, hiện tại trong Hội Nhà văn nhiều lắm. Ông Thiệp dính cả tiểu đường, cả tim. Nay bị thêm trọng bệnh như thế nguy kịch quá. Tôi đang điều trị bàn tay trái nghịch dại cưa máy, bị cụt ba ngón mà Khoa chỉnh hình thẩm mỹ của Bệnh viện Saint-Paul đã cứu, nối được cả ba ngón đứt lìa thành liền lại, nhưng còn rất đau nhức phải theo Đông y cả 7 tháng nay, lại vướng dịch sau Tết phải trông con trai nhỏ 7 tuổi nên không thể nào dứt đi thăm Thiệp.

Rồi nghe tin Bệnh viện Bạch Mai đã cứu anh sống, cướp anh từ cánh tay tử thần, và trước khi Bạch Mai bị phong tỏa dăm hôm, anh may mắn được gia đình chuyển về Viện Y học cổ truyền, nhằm phục hồi trạng thái liệt nửa người do di chứng vẫn thường xảy ra ở người bị đột quỵ, bị chấn thương não bộ.

Rồi chị Trang và hai cháu Bách, Khoa đón ông về xóm Cò – Khương Hạ, Khương Đình. Nguyễn Huy Thiệp không chịu được trạng thái cô quạnh khi ông đã là con hổ già đã 70, tàn kiệt. Liệt, khó ngủ. (Nguyễn Huy Thiệp tuổi dần, kém tôi 2 tuổi). Cũng qua cháu trai đầu của ông, họa sĩ Nguyễn Bách kể qua điện thoại rằng, “Bố cháu sợ cô đơn lắm”. Tôi hình dung qua lời Bách, Nguyễn Huy Thiệp cô quạnh trong gian phòng sạch đẹp trắng toát của Bệnh viện Y học cổ truyền dành riêng cho nhà văn nổi tiếng. Thi thoảng ông lại bảo con trai điện gọi hai bạn rất thân hiện tại của ông ghé thăm, tất nhiên hai người ấy có “lão già chăn chó” như Chúa chăn chiên. Đấy là nhà thơ Bảo Sinh vốn thơ phú tưng bừng, tuổi bậc đàn anh tôi đến để cầm tay Thiệp. Bảo Sinh bậc đàn anh ấy tôi biết đã bao năm nay gắn bó với Nguyễn Huy Thiệp như hình với bóng. Biết chân tơ kẽ tóc mọi ngóc ngách hoàn cảnh của Nguyễn Huy Thiệp và hơn Nguyễn Huy Thiệp 7-8 tuổi, ông thực sự là người lớn, sẻ chia từ tinh thần tới giúp đỡ Nguyễn Huy Thiệp ít nhiều cho cuộc sống vốn chật vật này đỡ sự đùa chơi với khách văn. Ông sẵn sàng bỏ công sức hàng tuần chỉ để tạo những buổi Nguyễn Huy Thiệp bán dăm thứ đồ gốm, ít tranh vẽ trên men Bát Tràng, kiếm chút đỉnh cho việc phụ giúp, đỡ cái gánh đã oằn vai trĩu nặng, nặng suốt đời đàn bà của chị Trang, vợ Thiệp. Một văn nhân tuổi sống đủ kiếp người, hơn tôi và Thiệp cả núi thời gian, trớ trêu thay, ông vẫn nhơn nhơn để đi an ủi lứa đàn em, đặc biệt là Thiệp.

Biết tin muộn như thế, lại khi dịch Covid-19, hàng loạt người dính bệnh. Hà Nội cách ly giai đoạn hai. Tôi điện đến nhà Nguyễn Huy Thiệp. Bách, họa sỹ, con giai trưởng cầm máy. Thiệp chừng hỏi con, biết tôi điện, đòi cầm lại máy từ tay con. Từ đây xa lắm, tôi nghe giọng nói yếu ớt nhưng rành mạch và có vẻ rất bình tĩnh như mọi lần: “Ông Thọ ơi. Khổ thế đấy. Bệnh tuổi già đấy. Tôi bị liệt nửa người rồi. Khó ngủ…”. Tôi nghe, từng từ chói vào lòng. Khi rõ cái nhịp của kẻ gục ngã theo quy luật tạo hóa. Tim tôi như có người bóp, dầu giọng ông nói yếu ớt, như “Gió Hua Tát” ngày nào ào ào thổi trên văn đàn mà tôi biết qua thi sĩ Bế Kiến Quốc hớn hở báo tin rằng, bạn văn Nguyễn Huy Thiệp đã rực cháy bất ngờ Tết âm lịch năm ấy, lửa văn ấy mấy ai biết khi ấy, xuất hiện trên tuần báo Văn nghệ trước cả “Tướng về hưu” sau nổi tiếng và đình đám. Ngọn gió Nguyễn Huy Thiệp nay đang ở cuối cơn. Tôi rùng mình. Rồi nghe tiếng Bách cầm lại máy điện thoại. Đầu tôi lóe lên ý tưởng, tự nhiên theo lời mách bảo của cái tình văn nhân ân oán nặng trĩu bấy nay.

Tôi suy nghĩ rất nhanh và bảo, chuyển máy cho mẹ cháu, mẹ Trang ngay! Trang là tên vợ ông Thiệp, tôi nhẹ nhàng động viên người đàn bà đã bao lần chu đáo một mâm cơm cho riêng hai thằng, chồng và bạn chồng, từ thuở nào chúng tôi chập chững bước vào văn đàn, cả tận khi tôi lang bạt xứ người, trở về Hà Nội, ghé vào xóm Cò thăm vợ chồng Nguyễn Huy Thiệp. Rồi tiếp là là cuộc điện đàm tiếp với cháu Bách, tôi nói như ra lệnh… Tiếng tôi có lẽ khi ấy khó chịu lắm! Rằng cháu phải đưa bố đến nơi đấy, nơi đấy gần nhà cháu. Chúng ta quyết cứu Nguyễn Huy Thiệp khỏi liệt bệnh, việc không của riêng ai cả.

Chị Trang và cháu Bách đã hiểu ngay và làm theo ý tôi. Có lẽ lòng chân thành, theo lời dạy của cậu tôi, bấy nay thi thoảng cảm hóa được quỷ và thần.***Tôi cho rằng cả ai cần ơn huệ ai cả. Lòng thiện đâu để ơn huệ. Mọi sự đều ở nhân duyên. Số là, bấy nay tôi điều trị các ngón tay đã can xương liền ngón nhưng các vi ti huyết quản không hoạt động, nên các ngón bị sưng và rất đau nhức. Dầu chứng phù nề đã được một lang y khác tên Luật chữa khỏi. Một sáng, nhà thơ Đỗ Thị Tấc từ Tây Bắc mang thuốc chị hái trên đỉnh một ngọn núi cao Tây Bắc về bồi dưỡng cho tôi, thấy các ngón còn đỏ tấy bèn lôi thông thốc tới nhà một lương y tên Nam có hiệu Nam Dược Đường. Phải mách cho Nguyễn Huy Thiệp đến ngay vị cứu tinh này.

Tôi dặn Bách rằng cháu phải đi “trinh sát” và đến làm việc cụ thể về thời gian với lương y tên Nam ấy. Tôi nói qua máy, rằng thầy Nam này chuyên bó xương, đã bó cho cô Tấc ba ngón chân gãy, đi như lê lết đã liền ngay chỉ sau ba ngày và đi như sáo. Ông ta lại độc nhất vô nhị ở Hà Nội, cứu nhiều người bị hội chứng liệt sau tai biến. Rằng, bác đã chứng kiến từ khi họ đến tới lúc khỏi bệnh. Lại nhìn thấy khi điều trị, mà bệnh nặng hơn Thiệp nhiều. Có cô gái trẻ bị viêm tủy sống, liệt, người mềm như dẻ khoai, nay cũng đã được Nam chữa cho nhúc nhắc đi được. Ông Nam với cách rê thuốc dân tộc bí truyền được hun nóng với bàn chân nhúng thuốc trên chảo lửa lò nung nóng, rê ngay thuốc khi hơi nước xèo xèo chỗ bàn chân ông ta, vào trên nơi các huyệt đạo chính, chủ về kinh lạc, khí tạng phế của bệnh nhân, để mọi cơ quan phải hoạt động lại mà chống lại trạng thái liệt. Cắt máy, tôi ngồi thừ ra ở ngôi nhà vắng yên tĩnh chốn Ngọc Hà. Tôi cũng đang ốm. Đang cố tập thiền và các chước xoa 36 huyệt cũng do nhạc sĩ Phú Quang hai lần xuất huyết não truyền dạy. Làm tỉnh thức các huyệt đạo, lại dùng ý chí và nghị lực để dập hỏa trong người mà vừa chữa tay, vừa chữa bệnh đái ra máu. Nhưng thể chất tôi khỏe. Còn Nguyễn Huy Thiệp bấy nay bao bệnh, lại không rèn luyện mà thối chí buông xuôi thì mãi mãi nằm một chỗ, đời thế thì buồn lắm. Chị Trang và cậu Bách con ông sẽ xoay sở ra sao?

Sớm sau, mới 6g sáng mà Nguyễn Huy Thiệp chủ động gọi cho tôi. Giọng Nguyễn Huy Thiệp hôm nay chợt lớn hơn hôm nọ, còn yếu nhưng rất rõ ràng. Ông muốn cám ơn bạn văn bao năm. Máy điện thoại sau vài câu mộc của Thiệp rồi chuyển sang cháu Bách. Bách nói:

- Bác ơi, bố cháu ngủ được rồi. Đêm qua bố cháu đã trọn giấc. Lâu lắm bố cháu mới… mới trọn giấc.

- Ok, vậy hôm nay cha con cháu vẫn đến chứ, để bác đến xem thế nào…

Tôi nói với vợ. Đốt trầm khấn thần linh rồi lao ra trời với cái xe cà tàng 50.

Thiệp ngồi bên con. Từ qua cửa kính tôi đã nhìn thấy. Tôi sợ mình không kiềm nổi xúc động, òa khóc, bèn giả giọng công an để át đi chính sự hoảng hốt của chính mình:

- Ai cho các anh tụ tập quá ba người. Kiểm tra hành chính! Giấy tờ tùy thân đâu…

Rồi nói tiếp, Nguyễn Huy Thiệp đấy à, ối trời bạn già.

Nguyễn Huy Thiệp thì thào, hình như ông nói “Tôi đây!”.

Đôi mắt Thiệp nhìn tôi. Tôi quan sát rất nhanh, cái băng ghi trắng treo cái tay liệt. Cái chân liệt co. Tôi nắm bàn tay nhũn. Ông ngồi đối diện.Thiệp giờ như con hổ già bất lực ngồi sụm xuống, mệt mỏi. Trước tôi, chỉ còn đôi mắt to đùng đục vẫn ánh lên, ánh lên thứ ánh sáng không bao giờ muốn tàn lụi của loài thú rừng, cánh rừng nơi Thiệp vùng vẫy dọc ngang một thời sung mãn nhất. Thứ ánh sáng từ trong mắt của con mãnh thú cực lớn, mạnh nhất cánh rừng văn nghệ năm nảo năm nào tận thập kỉ 80 thế kỷ trước, nơi cánh rừng mà tôi từng tìm mãi chưa thấy lối ra, không theo lối mòn xưa chính ở tôi hay lối mòn trong rừng của ai. Khi đó, tôi đành bỏ bút ngậm ngùi cả 10 năm không viết, chỉ tìm đọc nhiều sách, để tìm cho lối ra thoát khỏi cánh rừng rậm rịt, lối của riêng mình tìm thấy. Khi mà Nguyễn Huy Thiệp suốt gần 10 năm như vệt sét chói lòa với chùm dăm truyện ngắn vô cùng xuất sắc.

Hơn hai tiếng ở đấy nghe Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện. Kể thi thoảng, nhỏ nhẹ. Thần sắc ông đã chuyển rất nhanh sau bốn kì rê thuốc. Đấy là lương y xác định như vậy! Hai tiếng sau tôi đưa ông ra về.

Chân tay ông nhũn, không đầy hơi khí như chân tay tôi, nhưng đôi mắt nhìn thẳng vào mắt tôi như xưa nay vẫn thế. Hơi đục do sức khỏe đang kém nhưng vẫn đầy những tia sáng rực lên, bất khuất. Tôi lại lóe lên suy nghĩ ban nãy, đôi mắt hổ đến cuối một đời chúa của rừng già, chợt đang cố sáng cháy lên nhãn quang bất khuất, ánh sáng trắng lóe trong vùng đùng đục. Hy vọng ba tháng nữa Thiệp sẽ lại cùng ông anh dạo chơi cà phê Hàng Hành hay đâu đó với người bạn tử tế hiểu biết Nguyễn Bảo Sinh.

Nguyễn Huy Thiệp về, tôi xin phép Bách đỡ ông để muốn bạn tôi tăng thêm ý chí, sự đến quyết liệt chiến thắng cần nhất khi này, vì trong tay Bách, Nguyễn Huy Thiệp vẫn là đứa trẻ hôm nay, ông khá yếu.

Phúc phận Nguyễn Huy Thiệp cuối đời rất lớn, tôi cận mắt chứng kiến sự chăm sóc của hai con ông. Tôi chợt nhớ đến con gái tôi, nó cũng lứa với đám thanh niên Bách và Thanh, cháu Nguyễn Huyền Trang con gái đầu tôi xưa cứ lon ton bên chú Thiệp. Nay cháu đã lớn, chăm tôi như Bách và Thanh hôm nay chăm bố, khi tôi hai lần vượt qua tử thần trong ba năm nay!

Nước mắt tôi ứa ra khi nói với Bách: “Bách cho bác được phép xốc nách?”. Chúng tôi đưa ông ra xe của Thanh.

Tôi dằn mình cười khà khà như ngày nào để khỏi bật khóc khi quàng vào ông. Chợt nhớ 1984 tại nhà tôi, Nguyễn Huy Thiệp và tôi đọc cho nhạu nghe “Chảy đi sông ơi” trong Hà Nội nóng giãy, mùa hè dội nước mà sàn đá hoa nhà tôi ở chợ Giậu (chợ Trời Thịnh Yên, Chùa Vua) vẫn hâm hấp nóng.

Hy vọng… hy vọng nhất định Nguyễn Huy Thiệp ba tháng nữa sẽ có video clip báo tin thắng trận nếu nhân duyên đủ để thầy thuốc chấp nhận kiên trì chữa cho một con người đặc biệt, có một khối tình riêng chung cũng đặc biệt, ít ai ngờ hết. Mà nhiều bí mật sẽ trôi đi, chảy như sông, dù có ai đó biết yêu thương ông quá mà im lặng như ông và họ ngồi bên nhau hóa đá trong một chiều mưa loi thoi, giữa lòng phố cổ Hà Nội, chỉ còn có hai ly cà phê đen nóng nghi ngút khói để người ta thấy sự chuyển động của cảnh, vật…

Ngọc Hà – Hà Nội Tháng 4-2020